Những ngày buồn trong đời thì nhiều lắm, có những ngày con buồn tới mức chẳng muốn làm gì, Chúa ạ, cứ thế nhìn ngày trôi, người qua.
Noel năm nào con cũng xin nhiều lắm, con xin đủ thứ trên trời dưới đất, năm nay con lại xin, con cũng xin nhiều, có khi nhiều hơn cả năm ngoái nữa, nhưng cái khác là, năm nay, con hiểu được giá trị của một mơ ước thành sự. Đó là cảm giác kiểu giống như "ừ nhỉ, đôi khi chỉ cần mở miệng ra xin là sẽ được thôi". Con không biết nữa, nếu như Chúa thật sự thấy thời điểm đến, và con xứng đáng, xin Chúa hãy gửi cơ hội đến. Con chỉ xin, mọi thứ được theo ý Chúa, vậy thôi ạ!
Sunday, December 7, 2014
Sunday, November 30, 2014
Tôi muốn về nhà - Hoàng Bách
Tôi muốn về nhà...
Về đây nghe trăng thanh gió mát bên hàng cây xưa;
Về đây nghe chim non ríu rít khi bình minh lên;
Về đây nghe con thơ ca hát khi hoàng hôn buông;
Về đây ăn cùng với mẹ tôi một bữa cơm chiều
Tôi muốn về nhà...
Về cùng em sau bao năm tháng không cần xa nhau;
Về đây quên đi bao ký ức chất chồng thương đau;
Về đây đôi ta sẽ viết tiếp câu chuyện mai sau;
Về bù đắp cùng em năm tháng hắt hiu nhạt màu;
Sau bao năm tháng bôn ba giữa đời;
Vinh quang hay những nắng mưa tơi bời
(bao nhiêu giông bão nắng mưa tơi bời)
Con tin vẫn nhắc với ta một lời...sẽ quay trở về.
Thật hạnh phúc khi biết nơi đó có ai chờ ta...
Chợt nhận ra mình có tất cả mỗi khi về nhà;
Thật hạnh phúc khi biết nơi đó có ai chờ ta...
Chợt nhận ra mình có tất cả mỗi khi về nhà.
Hãy cho tôi được một lần về với tuổi thơ
Với ước mơ như cánh diều bay trong gió
Hát nghêu ngao trên đường về cùng bạn bè khi ta lớn...
Tôi muốn về nhà
Tôi muốn về nhà
Tôi muốn về nhà
Về đây nghe trăng thanh gió mát bên hàng cây xưa;
Về đây nghe chim non ríu rít khi bình minh lên;
Về đây nghe con thơ ca hát khi hoàng hôn buông;
Về đây ăn cùng với mẹ tôi một bữa cơm chiều
Tôi muốn về nhà...
Về cùng em sau bao năm tháng không cần xa nhau;
Về đây quên đi bao ký ức chất chồng thương đau;
Về đây đôi ta sẽ viết tiếp câu chuyện mai sau;
Về bù đắp cùng em năm tháng hắt hiu nhạt màu;
Sau bao năm tháng bôn ba giữa đời;
Vinh quang hay những nắng mưa tơi bời
(bao nhiêu giông bão nắng mưa tơi bời)
Con tin vẫn nhắc với ta một lời...sẽ quay trở về.
Thật hạnh phúc khi biết nơi đó có ai chờ ta...
Chợt nhận ra mình có tất cả mỗi khi về nhà;
Thật hạnh phúc khi biết nơi đó có ai chờ ta...
Chợt nhận ra mình có tất cả mỗi khi về nhà.
Hãy cho tôi được một lần về với tuổi thơ
Với ước mơ như cánh diều bay trong gió
Hát nghêu ngao trên đường về cùng bạn bè khi ta lớn...
Tôi muốn về nhà
Tôi muốn về nhà
Tôi muốn về nhà
Saturday, November 22, 2014
Nước Ý của tôi - Phần 5: Cô đơn ở Venezia
Chín tháng sau chuyến đi trong mơ trên trời rơi xuống đến Ý
mộng mơ, tôi mới có dịp hoàn hồn để ngồi lại viết về hành trình cuối cùng của
mình tại Ý – Venice. Chín tháng, tức là nếu tôi có bầu thì hẳn giờ này tôi đã đập
chum, vừa hay chị hang xóm nhà tôi cũng vừa đập chum, coi như bài viết này dành
tặng cho mẹ con chị, chúc mừng mẹ tròn con vuông, và chúc con, ngựa con Kenny
mai này phi xa đến những nơi đẹp đẽ tuyệt vời trong đời con như Venice chẳng hạn.
Chín tháng đã qua với rất nhiều những thay đổi lớn trong cuộc sống của cá nhân
tôi và của gia đình, có những thứ tôi xác định mình từ bỏ, cũng có những niềm
vui bất ngờ to lớn đã đến với gia đình, và cũng có rất nhiều cột mốc trong công
việc, bức tranh thay đổi nhiều vô cùng, thay đổi tới mức có lẽ buổi chiều đó
lúc đứng ngắm hoàng hôn một mình ở cầu Ponte Della Costituzione tôi đã không hề
nghĩ đến.
Tôi đến Venice vào khoảng 3 giờ chiều sau buổi sang lang
thang ở Florence, và vài giờ đồng hồ ngồi gà gật trên tàu lửa cạnh hai anh trai
Nhật Bản đẹp lồng lộng nhưng…không thích con gái. Không hiểu sao khi đặt chân
xuống nhà ga trung tâm Venice, tâm trạng tôi đã tụt dốc không phanh, có một nỗi
buồn không tên đã bắt đầu len lỏi trong tâm trí, trong cơ thể và trên đôi vai
rã rời mà tôi không thể nào lý giải được cũng không tài nào cùng lý trí mà xua
tan, tôi bắt đầu tính toán, hay là mình bắt tàu đi tiếp đến Verona? Đến thăm
nhà nàng Juliette có lẽ sẽ đỡ buồn hơn chăng? Tôi ghé vào phòng gửi hành lý để
bắt đầu lang bạc kỳ hồ ở Venice với cái giá cắt cổ €30 cho 5 tiếng gửi đồ, từ tiếng
thứ sáu thì thêm €5 cho mỗi giờ. Người nhân viên xã hội nghèo biết phải làm
sao?
Vì là đi bộ và thời gian không nhiều nên tôi không dám đi
xa, tôi vẫn cứ tiên tiếc vì không đến được Quảng trường nhà thờ San Marco – nơi
nổi tiếng với chuyện ngập lụt và bà con sẽ đổ xô ra bơi tắm trượt nước đủ chuyện,
tôi cũng không có thời gian để đến Murano, nghe nói đây là làng nghề làm thủy
tinh lâu đời ở Venice, nhà cửa ở đó được sơn đủ màu rất đẹp.
Trước khi đêm xuống, tôi mua kem ở chỗ anh-bán-kem-đẹp-trai
gần công viên trung tâm rồi đi bộ lên cầu Ponte Della Costituzione để ngắm
hoàng hôn. Hành trình trong mơ đến Châu Âu, cơ hội từ thiên đàng gửi đến chuẩn
bị chấm dứt, những con tàu xẻ nước chạy ngang Grand Canal, xa xa là những chuyến
tàu xuyên nước Ý qua lại, đây là cây cầu chia cắt hai phần Venice cổ kính và hiện
đại, một bên chỉ toàn tàu, thuyền, du khách, và phà, bên kia là bus, là xe hơi,
là dân bản xứ, nỗi buồn ban chiều khi vừa tới cũng chưa vơi đi mấy, nhưng giờ
thì tôi hiểu lý do vì sao tôi buồn. Venice là thành phố của tình yêu, của những
đôi tình nhân, và là thành phố của lễ hội, nếu đi một mình thì bạn không nên đến
Venice, ít nhất cũng nên đi với một ai đó, thế thôi, nỗi buồn đôi khi chỉ có vậy…cô
đơn.
---
Trước khi kết thúc chuỗi bài viết về chuyến đi Ý, có vài điều
cần làm rõ:
1. Không phải khi không tự nhiên tôi được đi Ý, đó
là những ngày hoạt động bất chấp khó khăn, mệt mỏi của tôi trong giáo xứ, cho
giáo hội, và những đêm dài không ngủ, cãi nhau ì xèo ở Phnom Penh và những lần “dạ”
mà không chần chừ. Nói cách khác, chuyến đi này là bài học và là phần thưởng.
Vì vậy, nếu bạn cũng trẻ, và cũng muốn đi như vậy, hãy bắt đầu cho đi mà không
cần nhận lại.
2. Chuyến đi Ý này không phải là chuyến đi mộng mơ
với toàn những kỷ niệm đầy ắp tiếng cười, tôi đã bị lừa tiền hai lần trắng trợn
ở Roma, và một trận tranh cãi căng thẳng với các bạn làm việc cùng nhóm, và rất
nhiều những chuyện buồn khác, nhưng chuyện buồn thì không ai cứ muốn lôi ra
nhai đi nhai lại. Cho nên bạn đừng ảo tưởng về một hành trình xứ người với những
người da trắng, tóc vàng, mắt xanh thân thiện, không phải ai cũng vậy, bạn cần
có bản lĩnh để vượt qua những đoạn trầm của bản nhạc để vút cao ở những đoạn
thăng hoa.
3. Điểm mấu chốt không phải là bạn đã đi bao xa, đi
những đâu, mà là bạn đã làm được gì từ sau mỗi chuyến đi như vậy. Hãy nhớ đến
điều này. Mỗi chuyến đi phải là một hành trình lớn lên và làm giàu cho cộng đồng
nơi bạn sinh sống chứ không đơn thuần là một kỳ nghỉ dưỡng và chuyến đi xa hoa.
Hãy chứng minh với người trao cơ hội cho bạn rằng “cho tôi đi nữa đi, tôi đã,
đang, và sẽ làm được nhiều chuyện nên trò”.
4. Cuối cùng, đây là hành trình của cảm xúc, là hành trình tôi đi tìm và xác định bản ngã của riêng mình chứ không phải cẩm nang du lịch. Xin đừng trông chờ tôi sẽ chỉ cho bạn vài chiêu đi Ý, tôi đi theo quán tính của đôi chân, chấp nhận những lần lê la lề đường, bỏ qua những nơi quá xa, và bị lừa giữa thủ đô Roma, vì vậy, đừng thất vọng nếu những gì bạn kiếm tìm không có trong những bài viết này.
Tôi đã đi qua - Roma, Arcisdosso, Pisa, Lucca, Firenze, và Venezia.
Lần sau, hẹn nhau ở nơi khác của trái đất nhé!
-Tâm Vũ-
Wednesday, November 19, 2014
Viết cho em 19.11.2014
Mấy hôm nay
chị và các bạn đang lên kế hoạch đi chơi. Bọn chị dự định sẽ đi Singapore chơi
nhân dịp năm mới. Chuyến đi này bọn chị háo hức lắm, vì có lẽ đây cũng là chuyến
đi cuối cùng đông đủ như vậy, mỗi đứa nhét vào trong vali của mình là những dự
án, những suy tư, những tính toán rất riêng trên con đường đời của mình. Có đứa
tương lai thật rõ ràng, có đứa tương lai vẫn rất mơ hồ, có đứa tương lai vô
cùng mịt mờ. Gác lại hết những chuyện đó, bọn chị soạn đồ và quyết một lần lên
đường cùng nhau.
Đây không phải
là lần đầu tiên chị chơi liều. Chị có thói quen, cứ mỗi lần chuẩn bị cho một biến
cố quan trọng hoặc chuẩn bị phải ra một quyết định thay đổi liên quan đến định hướng
cuộc đời, chị sẽ xách ba lô lên đường và đi thật xa, đẩy mình đứng trước những
hoàn cảnh mới, con người mới, để thách thức giới hạn của bản thân. Những chuyến
đi như vậy, hoá ra lại là nguồn năng lượng giúp chị vượt qua những chông gai
sau này. Ví dụ như năm 2009, trước khi bước chân vào trường Đại học, chị quyết
định đi Thái Lan, lần đi nước ngoài đầu tiên trong đời, tham gia một chương
trình trao đổi giới trẻ đầy bỡ ngỡ với nhiều kiêu hãnh trong mình, đứng trước
những con người không cùng ngôn ngữ, niềm tin, tập quán, chị chợt nhận ra mình
có khả năng thích nghi rất lớn. Năm 2012, trước khi bắt đầu năm cuối đại học,
trước khi kết thúc những năm tháng sinh viên và vùi mình vào đời, chị quyết định
bỏ hết và soạn đồ đi leo Fansipan. Đúng vậy, với thân hình đồ sộ như vậy, chưa
hề luyện tập, và đầy liều lĩnh, chị quyết định chiến thắng chính mình trên đỉnh
Fansipan dù nhiều lần trên suốt chặng đường chinh phục “nóc nhà Đông Dương” chị
chửi thề vì cái sự ngu của mình, nhưng rồi dù khó khăn và nhiều lần muốn bỏ cuộc
(chị đã uống sạch nước trước khi leo lên đến đỉnh), chị chợt nhận ra, thể xác
thì yếu đuối nhưng chỉ cần tinh thần không từ bỏ, thì mình sẽ làm được, dùng
tinh thần để điều khiển thể xác. Và năm nay cũng vậy, chị đang đứng trước rất
nhiều ngã rẽ cuộc đời, có quá nhiều dự định cần theo đuổi trong 2 – 3 năm tới,
có quá nhiều hoài bão, chị tự dưng cảm thấy mình bị đuối sức và hoang mang, vậy
là chị đã không ngần ngại nhận lời các bạn tham gia chuyến đi này, với hy vọng
sẽ tìm được cho mình một nguồn năng lượng mới cho cuộc chiến lớn sắp tới.
Em thương mến,
người ta cứ hay nói cuộc đời là những chuyến đi. Cũng không hẳn đúng và cũng
không hoàn toàn sai. Đúng cho những người dám ra đi, dám từ bỏ, dám khám phá và
dám thất bại; và sai cho những ai thích an toàn, thích quẩn quanh góc nhà, và sợ
vấp ngã. Ra đi là một hành động thú vị, không cần phải đi nước ngoài, cũng chẳng
cần phải rủng rỉnh tiền bạc để ra đi, chỉ cần ra đi và em biết mình đi đâu, để
làm gì, cùng với ai, hãy làm chủ chuyến đi của mình hơn là đám lục bình lình
xình trôi nổi trên mặt nước, mặc kệ có vướng vào bụi vào rặm hay có ai vớt cho
heo ăn hay không.
Hướng Đạo là
dẫn đường, và Hướng Đạo Sinh là người dẫn đường. Đây là câu đầu tiên trong cuốn
Bước Đường Đầu phần giải thích Hướng Đạo là gì, chị đọc cuốn này cách đây 9 năm
và vẫn nhớ như in câu này. Em không thể là người dẫn đường nếu em không dám đi,
em cũng không thể dẫn ai đi nếu bản thân em đang hoang mang về chính con đường
của mình, và em sẽ chẳng đi đến đâu nếu
như em không thực sự hiểu được khả năng của mình.
Chị mong rằng
mai này khi nào lớn lên, khi đôi chân em đã vững vàng, đôi tay em đã chắc chắn,
nhân cách em đã trưởng thành, em sẽ dám bước ra khỏi cái vỏ ốc an toàn, mạnh dạn
bước ra khỏi vòng tay bảo bọc mẹ cha để bương mình trong nắng gió cuộc đời. Chị
chúc em dám, dám đi, dám làm, dám chịu trách nhiệm cuộc đời mình, em nhé!
Nhãn:
Cuộc lữ hành Emmaus,
Giang hồ,
HD,
Miên man tùy bút,
Thư cho em,
YOUTH
Saturday, October 18, 2014
Nước Ý của tôi - Phần 4: Lucca, Pisa và người bạn cũ
Tôi dành tặng bài viết này cho chị Thảo, cảm ơn chị vì những
tiếp đón vô cùng chu đáo của chị trong chuỗi ngày lang thang ở Ý của tôi.
---
Tôi có khoảng hai tuần vừa làm việc vừa lê la ở Ý, tôi không
dự tính đến Lucca vì thời gian thì ít mà những nơi tôi muốn đến thì nhiều,
nhưng rồi mẹ nói nên ghé qua thăm chị một chút, cũng là để bố mẹ chị ở nhà có dịp
gửi ít đồ cho chị, những món đồ nhỏ, nhưng là tấm lòng của người cha người mẹ
cho con xa nhà. Vậy là tôi nghe mẹ, tôi báo với chị tôi sẽ đến Lucca ở với chị
một đêm.
Tôi rời Grosetto để đến Pisa trong tâm trạng một chút hụt hẫng,
một chút cô độc và đói, hôm đó là lễ tro, nên tôi nhịn ăn sáng, thật ra lễ tro
chỉ là một chuyện, nhưng hết tiền thì mới là chuyện làm tôi đắn đo. Đến Pisa,
tôi ngao ngán nhìn cái vali 30 ký của mình nặng chình chịch chỉ chực chờ vỡ
bung vì tôi đã cố nhét quá nhiều thứ trong đó. Nên tôi đã quyết định mua vé đi
thẳng đến Lucca và đinh ninh trong bụng là sẽ bỏ qua Pisa dù đã đến nhà ga của
thị trấn này.
Chị Thảo, gia đình chị sống ngay cạnh nhà tôi, tức là từ hồi
nào lọt lòng mẹ tôi đã biết chị, chị lớn hơn tôi nhiều tuổi, chị đi tu cũng
lâu, nên tôi cũng không có nhiều kỷ niệm với chị, tôi chỉ nhớ nhà chị trước đây
có nuôi hai con chó rất ngoan, con Đen và con Vàng, rồi sau này con Vàng chết
còn con Đen thì bị người ta bắt mất, tôi cũng nhớ mẹ chị mỗi lần đi chợ về sẽ gọi
lớn “anh ơi em về rồi”, tôi cũng nhớ những buổi tối nhà chị hội họp hay hát
thánh ca nghe rất sốt sắng, và tôi cũng nhớ một ngày nọ tôi không thấy chị nữa,
chỉ nghe mẹ nói chị Thảo đi Ý tu rồi, từ đó, tôi không gặp lại chị, mãi đến
cách đây vài năm, trước khi khấn trọn, chị được về thăm nhà một tháng, lúc đó,
tôi mới gặp lại chị.
Tôi đến nhà dòng chị đúng lúc cả nhà chuẩn bị ăn trưa. Đó là
một dòng nữ cổ kính và to lớn, cảm giác bước vào giống như một toà lâu đài cũ
trong phim vua chúa xưa của châu Âu vậy, kiểu lâu đài của bá tước hay hầu tước
gì đó, không hoành tráng như cung điện nhà vui, nhưng rất tôn nghiêm, rộng lớn
và im ắng. Chị dẫn tôi vào nhà nguyện cất đồ rồi hối thúc tôi đi ra ăn trưa
cùng với cả nhà. Cả nhà có 6 – 7 sơ thì hầu hết đều là U70, chỉ có chị và một
sơ người châu Phi nữa là U30 thôi, chị nói ở đây là vậy, khủng hoảng ơn gọi,
khi mà giới trẻ từ chối lời mời gọi của Chúa, và chọn một cuộc sống vì mình nhiều
hơn, thì nhà dòng nào rồi cũng tiêu điều như vậy. Đó là bữa ăn trưa ngon nhất
mà tôi được thưởng thức ở Ý, bởi đó là bữa cơm gia đình ấm cúng, đó là bữa cơm
mà mọi người cầu nguyện trước khi ăn và tạ ơn sau khi ăn xong, và đó là bữa cơm
mà tôi thấy bà sơ 70 tuổi lụm cụm lột quýt cho bà sơ 90 tuổi.
Khi nghe tôi kể tôi đã quyết định bỏ lỡ Pisa, chị tiếc nuối
bảo tôi đi thay đồ cho thoải mái, chị sẽ bắt bus đưa tôi đi Pisa, đã đến Ý rồi
thì đừng bỏ qua những cái như vậy. Vậy là trong lúc tôi sắp xếp đồ đạc và thay
đồ, chị đi xin phép bề trên đưa tôi đi Pisa chơi.
Căn phòng tôi ở là một căn phòng chắc dùng để tiếp khách, những
chiếc giường đơn bằng sắt giản dị với bộ ra trắng và một chiếc gối, trên tủ đầu
giường là tấm hình chân phước Elena Guerra, đấng sáng lập dòng Chúa Thánh Thần,
tức là nhà dòng tôi đang ở.
Pisa cách Lucca chỉ khoảng 30 phút đi xe bus, nếu đi tàu thì
nhanh hơn, nhưng hôm đó chuyến tàu từ Lucca đi Pisa bị huỷ do quá ít khách nên
chúng tôi đi bus. Trên chuyến xe bus vắng tanh vòng vèo qua những con đồi, đây
là lần đầu tiên tôi nói chuyện với chị nhiều như vậy. Tôi kể chị nghe những mẩu
chuyện rời rạc ở giáo xứ chúng tôi, những người quen mà cả chị và tôi đều biết,
tôi kể với chị lý do vì sao tôi được đi Ý, rồi tôi dự tính những gì khi tôi về,
tôi đã suýt khóc khi nói với chị những dự tính mịt mờ của mình. Rồi chị cũng kể
tôi nghe những ngày chị ở đây, những khó khăn khi học tiếng Ý, những ngày sống
đời ơn gọi, những người bạn của chị ở đây. Có một điều chị nói mà tới giờ tôi vẫn
chưa làm dù càng ngẫm càng thấy đúng, chị bảo tôi nên viết lại nhật ký tôi nói
chuyện với Chúa, chỉ cho riêng tôi thôi, để những lúc sóng to gió lớn ở đời,
tôi lấy ra đọc lại và chiêm nghiệm, Chúa đã yêu tôi biết dường nào. Tôi chưa
làm được điều này, tôi cũng không biết nữa, tôi vẫn chưa cảm thấy thôi thúc cho
lắm.
Chúng tôi rời Pisa chóng vánh như khi chúng tôi đến, phải bắt
kịp bus để về lại Lucca cho kịp giờ lễ chiều, trước lúc lên xe, tôi ngoái đầu
nhìn lại một lần cuối tháp nghiêng, nhà thờ cổ và giếng rửa tội, những người trẻ
nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh ngắt, những thứ đó có vẻ lạc lõng kỳ lạ giữa thị
trấn đầy xe hơi, hàng lưu niệm và những người trẻ với Iphone tai nghe.
Lucca là một thành phố giản dị ở Ý, không phải thành phố du
lịch nên dân chúng ở đây cũng rất hiền hoà. Ở đây lại có nhiều dòng tu đặc nhà
tổng nên thành phố cũng tự dưng mang dáng dấp thánh thiện hẳn, gần nhà dòng chị
Thảo là một trại cải tạo thanh thiếu niên, chị kể, thỉnh thoảng cũng có vài đứa
trốn trại nhưng dễ gì, chạy dọc hàng rào cũng đuối rồi, mà quả thật như vậy, buổi
chiều đi bộ thôi tôi cũng đuối đơ hàng rồi. Khổ thân tụi nhỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi ngủ lại một nhà dòng, ở
Việt Nam, gia đình tôi cũng hay lên dòng Biển Đức nữ ăn tết cùng các sơ, nhưng
đêm hôm đó là đêm bình yên nhất mà tôi trải qua ở Ý, tôi nằm một mình trong
căng phòng lạ, nhìn ánh đèn đường hắt qua chấn song cửa sổ, nghe hơi ấm máy sưởi
phải từng đợt, lắng nghe sự yên tĩnh, tiếng đọc kinh đâu đó vang lại, đó là lần
đầu tiên, tôi chìm trong bóng tối giữa căn phòng xa lạ và không hề cảm thấy sợ
ma, có lẽ vì lúc đó tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa rất gần, giấc ngủ đến,
dập tắt những suy nghĩ, những kế hoạch và những lời thoại rời rạc với “anh
Jesus”, tôi đã ngủ một giấc ngủ bình an cho đến khi báo thức kêu tôi dạy đi lễ
sớm.
Tôi tạm biệt Lucca với cái ôm siết chặt của chị, với lời cầu
chúc bình an và lời hứa cầu nguyện cho tôi của chị. Tự nhiên tôi cảm thấy ngậm
ngùi, giống như tôi sắp, sẽ rời xa một người bạn lâu năm và giống như không biết
đến bao giờ mới gặp lại nhau. Đến giờ, thỉnh thoảng khi về lại Việt Nam, những
đêm buồn buồn với ngổn ngang những kế hoạch chưa đâu ra đâu, tôi nhớ lại đêm
bình an ở nhà dòng Spirito Santo ở Lucca, tôi nhớ cái trạng thái bình an đó. Thỉnh
thoảng đi siêu thị ở Việt Nam, bắt gặp bánh phô mai cắt theo kiểu Âu, tôi nhớ tới
chị.
Bởi vậy, cuộc sống hợp tan, không làm gì được cho nhau thì
chỉ có thể dùng lời nguyện, nhắn gió gửi mây không bằng nhờ Chúa quan tâm chăm
sóc đặc biệt những người xa.
Tôi đã đến Lucca và Pisa như vậy, có những đêm ở Sài Gòn,
tôi lại nhớ thương.
-Tâm Vũ-
Monday, October 6, 2014
Chuyện ở đời
Câu chuyện đầu tuần sếp gửi qua mail...
---
Một
con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn
mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1
chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền
cứu hộ.
---

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người
đàn ông một câu.
Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người
phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”
Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn
nhầm người rồi.”
Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không
trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ
nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi
ư?”
Cậu học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất
cũng nói với bố em như vậy.”
Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”
Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi
con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc
sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên
chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng
đã giành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước
gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con
gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương
sâu thẳm. Anh xin lỗi.”
Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học
sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và Ác trên thế gian, có lúc lắm
mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.
Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người
ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.
Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình,
không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm.
Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người
ta sai, mà là người ta hiểu cần trân trọng người bên cạnh mình.
Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người
đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn.
Saturday, October 4, 2014
Nước Ý của tôi - Phần 3: Firenze
Thật ra thành phố Florence cũng nhỏ xíu thôi, chia làm hai
khu, khu hiện đại và khu du lịch, ở khu du lịch hội tụ gần như là tất cả các điểm
đến lịch sử của thành phố này, bảo tàng nghệ thuật Uffizi, nơi tôi chỉ đi ngang
dòm dòm ngó ngó mà thôi, phần vì vào đây phải tốn tiền, phần vì chỗ này cũng
đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm gì lớn lắm, nên khá xô bồ, cha hỏi tôi có
muốn vào không nhưng tôi lại khoát tay bảo thôi. Hay quảng trường Signoria, người
ta còn gọi chỗ này là Fontana di Neptune nữa, nơi có mấy anh trai vạm vỡ cao
to, trắng nhỡn đứng khoả thân loã lồ khiêu khích đứa độc thân ngời ngời như
tôi.
Đến Florence, vì là đi một mình, lại đi bộ, và còn phải về
cho kịp giờ để 12g trưa lên tàu đến Venice nên tôi cũng chỉ luẩn quẩn trong khi
di tích, không giỏi nhớ tên địa danh, cũng không giỏi xác định phương hướng,
nên tôi thả bước chân mình rong ruổi trên những con đường đá gồ ghề và đông
đúc, ngắm nhìn những người khách thập phương chụp hình cho nhau, cười nói mà thấy
mình đi một mình tự dưng lại tủi thân. Kem ở Florence đắt hơn ở Rome và cũng
không ngon bằng, không biết là do đi mình ên nên thấy vậy hay là do kem không
ngon thật.
Những câu chuyện rời rạc của người già, những mẩu ký ức rất
vụn như chuyến dạo chơi của tôi ở Florence vậy. Tôi ước mình có nhiều thời giờ
hơn ở Florence, tôi ước khi tôi lang thang trên những con phố cổ đó, tôi có ít
nhất một người bạn đi cùng, vì quả thật, giữa chốn đông đúc, ồn ả như vậy, đi một
mình rất cô độc, tôi ước mình được quay lại đó một lần nữa, đi với người bản xứ
chứ không phải tờ hướng dẫn dành cho khách du lịch, hoặc giả tôi biết tiếng Ý,
để tôi nghe mấy đứa học trò đi tham quan theo chương trình học đang chỉ trỏ cái
gì, Florence là một trong những nơi chốn hiếm hỏi ở Ý mà tôi muốn quay lại.
Lần sau, nếu quay lại Florence, tôi sẽ không đi một mình và
vội vã thế. Hứa đấy.
-Tâm Vũ-
Wednesday, September 24, 2014
Nước Ý của tôi - Phần 2: Arcisdosso
Tới lúc hạ đồ xuống, kéo vali 30kg chinh chiến trên những con dốc triền miên của Arcisdosso, tôi mới bớt yêu chỗ này lại một chút, thị trấn nhỏ xíu, lưa thưa dân, vì trên núi nên rất lạnh, ẩm ướt và âm u, lúc trời nắng nhất, tức là 3g trưa thì nhiệt độ vẫn còn đâu đó ở con số 10. Tôi ghét bị ướt, nên chỉ có vậy thôi mà đã bớt ưa chỗ này rồi.
Hồi lúc trước khi đi Ý, tôi chưa có thân với anh Google lắm nên tôi cũng chưa hỏi thăm ảnh nhiều về chỗ này, thì tôi cũng nghĩ Rome mà 10 thì Arcisdosso cũng hẳn là phải 5 hay 6, ai dè đâu, chỗ này buồn hiu hắt, chẳng ai đời lại đi du lịch cái chốn này cả, tới Trip Advisor mà còn chỉ có lưa thưa vài mẩu tin ngắn về cái thị trấn này thôi, tôi buồn ghê gớm.
Tôi ở chung nhà với một anh chủ nhà theo chủ nghĩa ăn chay cực đoan, tức là anh chàng này không ăn thịt và không cho bất cứ ai ở trong nhà mình ăn thịt cả, mèn ơi, tôi đâu có biết, tối hôm mới tới tôi còn xì xà xì xụp nấu món miến phú hương với paste mua ở siêu thị gần đó nữa chứ, rồi tôi còn mời mọi người ăn thử "Vietnamese instant noodle" nữa, tôi thấy có lỗi quá trời, tại tôi mà cả nhà bữa đó phá giới. Tới sáng hôm sau mắt mũi rõ ràng rồi tôi mới đọc thấy dòng chữ cấm ăn thịt trong nhà của anh chủ nhà, đàng tiu nghỉu giấu nhẹm nửa hộp paste tươi ngon ơi là ngon vào vali.
Chủ nhà áp dụng mọi tiêu chí của việc "sống xanh" thái quá, ví dụ như nhà không dùng hệ thống sưởi bằng điện mà chỉ dùng lò than và củi, mà bạn biết đó, tôi đến đây vào cuối mùa đông, chớm xuân, mà nhiệt độ chiều chiều đã là 4 - 5 độ rồi, thì thử coi đêm xuống còn bao nhiêu. Vậy đó. Khủng khiếp hơn nữa là nhà anh này có hệ thống nước dẫn từ suối xuống và không có bình nước nóng, thành ra, không tắm là chuyện bình thường. Tôi ở đó 3 ngày, đừng nói tới tắm, sáng ngủ dậy rửa mặt là một cực hình, cực hình bạn hiểu không? Còn nữa, cực hình này cũng khủng khiếp không kém, không biết là chăn ra gối đệm bao lâu anh này sẽ giặt một lần, cơ mà lúc tôi nằm xuống thì có một cái thứ mùi giống như nùi giẻ, cũng hên là tôi mang rất nhiều thể loại khăn choàng nên cũng tạm có thể quấn quanh mặt qua đêm, với cả lạnh như vậy, tôi lại bị xoang nên lỗ mũi cũng đình công, tạm sống qua ngày.
Tôi dành mấy ngày ở đây để nghỉ ngơi sau chuyến làm việc cực lực ở Rome, nên tôi ngủ tới trưa trờ trưa trật mới dậy, còn tối thì thức đến tận khuya, phần vì ngủ no giấc, phần vì chiến lược tự làm mình mệt để tới hồi đặt lưng xuống là ngủ thôi. Ban ngày tôi ăn sáng, uống cà phê, ngồi dỏng tai nghe bà con trong nhà bàn chuyện tào lao một chút rồi lại đi bộ vào thị trấn, mua cái này, cái kia. Vì Arcisdosso là một thị trấn heo hút quá, nên mấy món nhu yếu phẩm rẻ cực kỳ, ví dụ như chai sữa tắm thơm lừng lực 750ml mà chỉ có 6 euros, tôi mà biết nó thơm như vầy, thể nào tôi cũng mua một thùng mang về Việt Nam bán lại....Bởi....cái đầu thiếu máu kinh doanh nó hiền lành vậy đó.
Tôi quyết tâm là ở mọi nơi tôi đi qua ở Ý, tôi phải ăn thử món kem của họ, nhưng rất tiếc, ở đây không có những quầy kem như ở Roma, Pisa, Lucca, hay Venezia. Ở đây sự xuất hiện của khách vãng lai trở nên kỳ lạ nhưng mọi người chỉ dòm rồi lại thôi. Vậy là tôi cũng không thử được kem ở đây ngon dở ra sao, mà chắc không ngon rồi, vì lạnh vậy mà ăn kem thì quả là không bình thường đâu nhỉ.
Tôi rời Arcisdosso vào lúc sáng sớm, vì tàu từ Grosseto tới Pisa mà tôi mua vé là vào lúc 8g30 nên 5g tôi đã phải bắt bus vào trung tâm rồi, ôi trời, bình thường thị trấn này đã buồn, vào lúc 5g sáng thì ở đây còn buồn hơn nữa, những con phố vắng tanh, ma cô ma cạo chẳng thấy một bóng, chỉ có chiếc xe cảnh sát "Policia" chạy chầm chậm để ông cảnh sát dòm dòm tôi rồi khoát tay đi mất, vậy thôi, chỉ vậy thôi.
Tôi đi và chứng kiến mặt trời mọc trên những dãy đồi xanh mướt dập dờn như sóng lượn, chợt nhận ra, có lẽ tôi không sai khi nhận lời đến đây, ở đây bình yên đến buồn, có vậy, tôi mới biết yêu những ngày rộn ràng ở Firenze, những ngày dập dìu ong bướm ở Venezia, những ngày rộn ràng quay về Roma.
Tuscany, tôi đã đến rồi đó nha.
-Tâm Vũ-
Sunday, September 21, 2014
Giang hồ
Tôi rất thích bài thơ này, mỗi lần buồn buồn lại ngồi lẩm nhẩm, nghĩ sống ở đời cũng nên một lần thử làm giang hồ, chỉ cần cất giỏ quay lưng là sẽ ổn cả, nhưng nghĩ thôi chứ không làm được.
Tôi thích bài thơ này đến nỗi, đây là lần thứ hai tôi đăng lại bài thơ này, thương lắm, thèm lắm, lại cứ muốn xách ba lô rồi lên đường thôi. Tôi mơ đứng giữa đại ngàn Mông Cổ, nhìn những đứa trẻ mắt hẹp và má hây hây hồng, tôi mơ mình lang thang trên những con đường cổ xưa Tây Ban Nha, nghe tiếng guitar réo rắt, quyến rũ, tôi mơ mình đi chân không vào những ngôi chùa dát vàng Myanmar, đắm mình trong không khí linh thiêng lặng lẽ của cái xứ đóng cửa quá lâu, tôi mơ mình lại lặn lội rừng già châu phi, hú hồn thấy em cọp gằm ghè kế bên, hay là vừa đi vừa xí xô xí xào thứ tiếng Tây Ban Nha lai tạp ở Nam Mỹ. Tôi thèm đi quá, tôi muốn đi quá, tôi nhớ cái cảm giác xa nhà.
Bởi vậy mới nói, lớn lên, ai cũng nên vài lần đi xa, để biết yêu hơn mái nhà đang có.
---
Giang Hồ
Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ?
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.
Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu...
Giang hồ ta chẳng thay áo ráng
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng ngay mới hiểu mình tóc bạc
Chơt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵng dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.
[Phạm Hữu Quang]
Tôi thích bài thơ này đến nỗi, đây là lần thứ hai tôi đăng lại bài thơ này, thương lắm, thèm lắm, lại cứ muốn xách ba lô rồi lên đường thôi. Tôi mơ đứng giữa đại ngàn Mông Cổ, nhìn những đứa trẻ mắt hẹp và má hây hây hồng, tôi mơ mình lang thang trên những con đường cổ xưa Tây Ban Nha, nghe tiếng guitar réo rắt, quyến rũ, tôi mơ mình đi chân không vào những ngôi chùa dát vàng Myanmar, đắm mình trong không khí linh thiêng lặng lẽ của cái xứ đóng cửa quá lâu, tôi mơ mình lại lặn lội rừng già châu phi, hú hồn thấy em cọp gằm ghè kế bên, hay là vừa đi vừa xí xô xí xào thứ tiếng Tây Ban Nha lai tạp ở Nam Mỹ. Tôi thèm đi quá, tôi muốn đi quá, tôi nhớ cái cảm giác xa nhà.
Bởi vậy mới nói, lớn lên, ai cũng nên vài lần đi xa, để biết yêu hơn mái nhà đang có.
---
Giang Hồ
Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ?
Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.
Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu...
Giang hồ ta chẳng thay áo ráng
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng ngay mới hiểu mình tóc bạc
Chơt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵng dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.
[Phạm Hữu Quang]
Subscribe to:
Posts (Atom)