Tôi viết bài này theo yêu cầu của một linh mục cho ngày của mẹ, nhưng chắc không dùng được, nên không thấy linh mục đó nói gì, tôi quyết định đăng lại ở đây vào đúng sinh nhật của mình, để tri ân mẹ. Mẹ, một trong hàng vạn hàng tỉ người mẹ khác, người đã quyết định sinh ra con và nuôi lớn con bằng này. Cảm ơn mẹ.
--
Tôi có một
người bạn, chị sống theo chủ nghĩa xê dịch, tức là chị không bao giờ ở đâu quá
1 tuần, mỗi lần gọi điện rủ chị đi cà phê là phải đặt lịch hẹn trước một tháng,
chính vì lẽ đó, bọn chúng tôi thường mặc định chị là người rất mạnh mẽ và dày dặn
kinh nghiệm đường trường. Ấy vậy mà có lần chị kể tôi nghe rằng trong những
chuyến đi bất tận của đời chị, những lúc thê thảm nhất, những lúc ê chề nhất,
những lúc lên bờ xuống ruộng, chỉ cần được nghe mẹ hỏi “chừng nào mày về” là đã
hạnh phúc lắm rồi, bởi vì những lúc đó chị biết rằng, ở đâu đó, vẫn có một người
đau đáu chờ đợi chị, giữa muôn vàn cánh cửa đóng kín, vẫn có một cánh cửa he hé
mở chờ chị chạy vào, nghĩa là, chị vẫn thuộc về một nơi chốn nào đó và vẫn có một
người yêu thương chị thật nhiều, vô vị lợi.
Nguyễn
Phương Mai, một trong những tác giả tôi yêu thích, người đã bỏ dạy 1 năm trời
sau khi ký hợp đồng giảng dạy chính thức tại một đại học ở Hà Lan để làm cuộc
hành trình vòng quanh thế giới, chị tự nhận mình là một con lừa chỉ thích đi thật
nhiều, chị ghi chép lại hành trình xuyên lục địa của mình, ở châu phi, ở trung
đông, nhưng rồi chị cũng đã mở đầu cuốn sách của mình bằng lời cảm ơn mẹ “cảm
ơn mẹ vì đã buông tay để con được lớn lên”.
Thông thường
một đứa trẻ sẽ có 18 năm để tập làm con, nghĩa là trong 18 năm đầu đời đó, đứa
trẻ ấy được phép làm sai nói ngọng, được phép thỉnh thoảng dở chứng, được phép
đôi khi không vâng lời, đôi khi trốn việc nhà, được phép quấy quá dậy trễ; nhưng
một người mẹ thì không được phép làm nháp, kể từ giây phút một sinh linh được
hình thành, mẹ đã làm mẹ, mẹ đã phải làm đúng, ăn đúng, đi đúng, ngủ đúng, và
nói đúng, kiểu như Elizabeth Gilbert nói “có con giống như có một hình xăm trên
mặt, bạn không thể xoá nhoà hay che dấu”. Làm mẹ là một việc cực kỳ vĩ đại, bởi
vì từ nay, mẹ không sống cho mẹ nữa, mẹ mua cây son và suy nghĩ xem giá cây son
bằng mấy lon sữa, mẹ mua áo đầm và suy nghĩ xem giá áo đầm này bằng mấy bịch tả,
mẹ tính đi uống cà phê và sực nhớ có lớp dạy vẽ cho con, trong mọi suy nghĩ nếp
sống của mẹ, luôn phải chừa ra một khoảng trống thật to cho con.
Cách
đây ít lâu, tôi có xem một đoạn phim phỏng vấn[1] do một công ty ở Boston, Mỹ,
thực hiện. Đoạn phim ghi hình lại những cuộc phỏng vấn việc làm qua điện thoại
cho công việc “khó nhất thế giới”. Công việc đó yêu cầu những thứ rất oái ăm,
ví dụ như phải đứng và cúi người trong suốt quá trình làm việc, thời gian làm
việc là 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm, khối lượng công việc
tăng lên vào dịp lễ và cuối tuần, ứng viên phải có kiến thức về thương thuyết,
y tế và giao tiếp, và đặc biệt, người làm công việc này không được trả một đồng
nào cả…hầu hết các ứng viên tham gia phỏng vấn đều phải thốt lên rằng đây là một
công việc quá khó và vô lý, có người còn cho rằng công việc này quá độc ác và
bóc lột, cũng có người cho rằng đây là một trò đùa xuẩn ngốc và làm họ mất thời
gian. Cuối cùng, người phỏng vấn đã trả lời rằng, thực tế, có hàng tỉ người
trên thế giới này đang âm thầm làm công việc “vô lý” này, những người đó chính
là “Mẹ”.
Tôi
luôn cho rằng, những người lớn lên thiếu vắng hình bóng của mẹ hẳn phải là những
người rất can đảm và mạnh mẽ, vì trong giấc ngủ tuổi thơ không có tiếng mẹ ru,
trong những đêm khó ngủ đã không có vòng tay vỗ về của mẹ, trong những buổi chiều
ngơ ngẩn ngồi lại trường đã không có dáng mẹ tất tả chạy đến đón, hay trong những
đêm giật mình tỉnh giấc đã không có mẹ thì thầm “ngủ đi con”.
Lắm
lúc tôi cho rằng những năm tháng đã qua, từng kỷ niệm, từng bước đi đều thấp
thoáng bóng mẹ, mẹ đứng đâu đó trong những cuộc vui trong những cơn buồn, rất lặng
lẽ, nhưng mẹ luôn ở đó, đôi lúc sự hiện diện[2] của mẹ khiêm hạ đến mức
chúng ta không nhận ra, nhưng mẹ vẫn luôn ở đó. Sẽ ra sao nếu trong những năm
tháng về sau, khoảng trống sau lưng không còn dáng mẹ, những buồn vui, ngổn
ngang giữa đời không còn vòng tay mẹ sẻ chia, những thành quả trong cuộc sống
tôi không còn chạy về khoe mẹ, tôi sẽ phải làm sao đây?
Nói
về mẹ, viết về mẹ, hát về mẹ, bao nhiêu cũng không đủ. Điều duy nhất tôi, chúng
ta có thể làm, đó là mỗi đêm trước khi ngủ, nguyện xin Chúa gìn giữ mẹ, ban cho
mẹ thật nhiều sức khoẻ và xin Chúa còn cho con cơ hội để làm mẹ hạnh phúc, xin
còn cho con cơ hội để làm mẹ thốt lên rằng “mẹ rất tự hào về con”, thế thôi.
-Tâm
Vũ-