Saturday, March 24, 2012

Góp nhặt


Để chuẩn bị cho kỳ trại sắp đến, sáng nay tôi cùng các chiến hữu lóc cóc bắt xe đi tiền trạm đất trại. Mang trong mình hành trang duy nhất : Háo hức. Đây không phải là lần đầu tiên đi tiền trạm, tôi đã từng được tháp tùng các đàn anh, đàn chị đi tiền trạm bằng xe gắn máy, từng mài mông năm giờ đồng hồ ra La Gi , từng vật vờ trên xe bus đi Trị An, nhưng bao giờ cũng vậy, lần nào lòng cũng chộn rộn, nôn nao lạ thường.

Đất trại là một địa điểm quen thuộc, tôi đã từng nhiều phen cắm trại tại đây cùng các anh chị em thời còn đi tráng. Đó là một cù lao đất nổi lên giữa sông nước vùng ven. Nếu đi xe máy sẽ mất tròn một tiếng đồng hồ, còn nếu đi xe đạp (xe đạp nhé!) thì độ chừng hơn hai tiếng đồng hồ. Lần này chúng tôi “buýt” với một lần đổi trạm và mất hết một tiếng rưỡi. Nhẩn nha trên xe bus, tôi được thả mình ngắm trời, ngắm đất, ngắm thiên hạ, nhờ vậy mà thấy, mà nghe, mà cảm những chuyện thiên hạ, và có chuyện kể bạn nghe đây!

Chuyện một ông giáo đứng tuổi lên xe bus đã kín chỗ và những người trẻ quay mặt qua chỗ khác để tránh phải nhìn thấy ông giáo đứng đó, để khỏi phải nhường chỗ. Những nụ cười vô tư quá của các bạn sinh viên làm tôi chợt nhớ da diết em tôi. Trong một kỳ trại cách đây ba tháng ở Trị An, chúng tôi cũng đi xe bus, một chặng dài từ Suối Tiên đến Định Quán, khi tôi phải đứng vì đã nhường chỗ cho một chị phụ nữ, một em thiếu sinh đã đứng lên mời tôi chỗ của em. Thật ra tôi không cần ngồi, đứng hai tiếng đồng hồ không phải điều gì to tát, nhưng hành động của em ấm áp tình người biết bao. Và tôi thầm mong, hành động của em mai này sẽ được em lặp lại thường xuyên như một nghĩa cử rất đẹp, rất người.

Chuyện những chiếc xe gắn máy chạy lấn đường, tiếng chửi rủa lẫn nhau. Chỉ là một cú thắng gấp, chuyện cách đây ba năm chợt ùa về trong tâm tưởng, làm lòng tôi phút chốc hốt hoảng. Ba năm trước, cũng trên con đường này, chúng tôi trở về sau một buổi họp vào lúc trời nắng như đổ lửa, đó là một buổi trưa tháng tư. Đoạn đường chật hẹp tắt nghẽn khi một chiếc xe gắn máy chui xuống gầm xe tải ngay trước mắt chúng tôi, chỉ vì bị một chiếc xe khác đẩy ra làn ngược chiều. Tôi đã không bao giờ quên chiếc cặp đi học của em, chiếc áo sơ mi trắng của em lấm lem máu đỏ, những mảnh vụn của nón bảo hiểm vương vãi. Kể từ đó, tôi luôn nhát tay lái khi phải chạy đường xa lộ, bởi hình ảnh của em cứ chập chờn trong đầu, dẫu đã ba năm.

Chuyện một nhóm sinh viên đi cắm trại và tỏ ra nguy hiểm. Đó là một nhóm sinh viên mà theo như câu chuyện tôi hóng hớt được, thì các bạn thuộc câu lạc bộ Những Ước Mơ Xanh của một trường đại học/cao đẳng nọ. Bốn đứa chúng tôi đến chờ đò, lọt thỏm giữa những chiếc áo xanh và lắng nghe những câu bông đùa rất sinh viên của các bạn và … nghĩ.

Bạn mua xôi để ăn sáng, trong tiếng cười cợt của chúng bạn, bạn xuề xòa bảo rằng “sinh viên nghèo”. Chuyện bạn ăn xôi cũng chẳng có gì để nói nếu như khi bạn ăn xong, bạn không “vô tư” đến mức vô tâm cúi xuống một cành cây con để cột rác của mình vào ngọn cây đó. Thà bạn là trẻ mồ côi, đầu đường xó chợ, vứt một miếng rác ra đường, tôi sẽ cảm thấy thông cảm biết bao cho cái sự thiếu giáo dục tử tế, nhưng bạn là sinh viên trình độ trên 12/12, bao nhiêu giờ học Đạo Đức, Giáo Dục Công Dân, trả thầy trả cô rồi sao? Sao mà vô tâm quá, bạn ơi!

Đò qua sông để đón chúng tôi, vì chúng tôi có hẹn trước với chú chủ đất để đi xem đất trại. Bạn chen ngang trước mặt chúng tôi và đòi phải chở các bạn qua trước vì các bạn là “nòng cốt” (?!). Khi tôi nói nhỏ “xin lỗi cho mình qua”, bạn không ngần ngại nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khi không giấu giếm. Sao vậy bạn ơi?! Tôi không để bụng ánh mắt của bạn, tôi chỉ gợn buồn bởi sống là để yêu thương.

Cắm trại là để về lại với thiên nhiên. Cắm trại là để gạt bớt những tiện nghi vật chất để đến gần nhau hơn. Bạn chuẩn bị một dàn loa khủng và những bài nhạc dance đang hiện hành để… tra tấn nhau và cả những người khác. Người bạn tôi chợt nói nửa như đùa nửa như thật “Cũng hên một tháng nữa mình mới cắm trại”. Quả các bậc đàn anh không sai khi nói “đưa trẻ về với thiên nhiên để trẻ bộc lộ tánh khí và là một phương pháp hiệu quả của nhà giáo dục”, giờ thì tôi hiểu, không chỉ để trẻ bộ lộ tánh khí đâu!

Ra về với chút bộn bề trong lòng, tự nhủ những chuyện mình thấy chỉ là số ít, lâu lâu mới gặp. Chuyến xe lắc lư rất “buýt” đưa chúng tôi về lại nội thành, về lại phố thị đông đúc, bắt đầu lại vẽ ra những kế hoạch, tôi mong mai này em tôi lớn lên và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Tôi mong em thật thà, tận tâm, và trong sạch, em nhé!


-Tâm Vũ-