Saturday, October 18, 2014

Nước Ý của tôi - Phần 4: Lucca, Pisa và người bạn cũ



Tôi dành tặng bài viết này cho chị Thảo, cảm ơn chị vì những tiếp đón vô cùng chu đáo của chị trong chuỗi ngày lang thang ở Ý của tôi.


---

Tôi có khoảng hai tuần vừa làm việc vừa lê la ở Ý, tôi không dự tính đến Lucca vì thời gian thì ít mà những nơi tôi muốn đến thì nhiều, nhưng rồi mẹ nói nên ghé qua thăm chị một chút, cũng là để bố mẹ chị ở nhà có dịp gửi ít đồ cho chị, những món đồ nhỏ, nhưng là tấm lòng của người cha người mẹ cho con xa nhà. Vậy là tôi nghe mẹ, tôi báo với chị tôi sẽ đến Lucca ở với chị một đêm.

Tôi rời Grosetto để đến Pisa trong tâm trạng một chút hụt hẫng, một chút cô độc và đói, hôm đó là lễ tro, nên tôi nhịn ăn sáng, thật ra lễ tro chỉ là một chuyện, nhưng hết tiền thì mới là chuyện làm tôi đắn đo. Đến Pisa, tôi ngao ngán nhìn cái vali 30 ký của mình nặng chình chịch chỉ chực chờ vỡ bung vì tôi đã cố nhét quá nhiều thứ trong đó. Nên tôi đã quyết định mua vé đi thẳng đến Lucca và đinh ninh trong bụng là sẽ bỏ qua Pisa dù đã đến nhà ga của thị trấn này.

Ngồi tàu đến Lucca mà lòng cứ tiếc tiếc “Vi ơi, mày mới bỏ sót Pisa đó gái”, tôi tự nhủ, thôi vậy, về nhà coi hình cho đỡ tiếc vậy, tôi sẽ giấu nhẹm mọi người ở nhà cái chuyện đi ngang qua Pisa luôn, tôi tính là tính như vậy. Tàu đến ga thành phố Lucca vào lúc gần 12g trưa, nhìn chị vội vã chạy đến ga đón tôi sau giờ dạy mà lòng tôi áy náy khủng khiếp, lúc đó tôi vừa đói vừa mệt, tôi cũng không nhớ mình có kịp cảm ơn chị không nữa.

Chị Thảo, gia đình chị sống ngay cạnh nhà tôi, tức là từ hồi nào lọt lòng mẹ tôi đã biết chị, chị lớn hơn tôi nhiều tuổi, chị đi tu cũng lâu, nên tôi cũng không có nhiều kỷ niệm với chị, tôi chỉ nhớ nhà chị trước đây có nuôi hai con chó rất ngoan, con Đen và con Vàng, rồi sau này con Vàng chết còn con Đen thì bị người ta bắt mất, tôi cũng nhớ mẹ chị mỗi lần đi chợ về sẽ gọi lớn “anh ơi em về rồi”, tôi cũng nhớ những buổi tối nhà chị hội họp hay hát thánh ca nghe rất sốt sắng, và tôi cũng nhớ một ngày nọ tôi không thấy chị nữa, chỉ nghe mẹ nói chị Thảo đi Ý tu rồi, từ đó, tôi không gặp lại chị, mãi đến cách đây vài năm, trước khi khấn trọn, chị được về thăm nhà một tháng, lúc đó, tôi mới gặp lại chị.

Tôi đến nhà dòng chị đúng lúc cả nhà chuẩn bị ăn trưa. Đó là một dòng nữ cổ kính và to lớn, cảm giác bước vào giống như một toà lâu đài cũ trong phim vua chúa xưa của châu Âu vậy, kiểu lâu đài của bá tước hay hầu tước gì đó, không hoành tráng như cung điện nhà vui, nhưng rất tôn nghiêm, rộng lớn và im ắng. Chị dẫn tôi vào nhà nguyện cất đồ rồi hối thúc tôi đi ra ăn trưa cùng với cả nhà. Cả nhà có 6 – 7 sơ thì hầu hết đều là U70, chỉ có chị và một sơ người châu Phi nữa là U30 thôi, chị nói ở đây là vậy, khủng hoảng ơn gọi, khi mà giới trẻ từ chối lời mời gọi của Chúa, và chọn một cuộc sống vì mình nhiều hơn, thì nhà dòng nào rồi cũng tiêu điều như vậy. Đó là bữa ăn trưa ngon nhất mà tôi được thưởng thức ở Ý, bởi đó là bữa cơm gia đình ấm cúng, đó là bữa cơm mà mọi người cầu nguyện trước khi ăn và tạ ơn sau khi ăn xong, và đó là bữa cơm mà tôi thấy bà sơ 70 tuổi lụm cụm lột quýt cho bà sơ 90 tuổi.

Khi nghe tôi kể tôi đã quyết định bỏ lỡ Pisa, chị tiếc nuối bảo tôi đi thay đồ cho thoải mái, chị sẽ bắt bus đưa tôi đi Pisa, đã đến Ý rồi thì đừng bỏ qua những cái như vậy. Vậy là trong lúc tôi sắp xếp đồ đạc và thay đồ, chị đi xin phép bề trên đưa tôi đi Pisa chơi.

Căn phòng tôi ở là một căn phòng chắc dùng để tiếp khách, những chiếc giường đơn bằng sắt giản dị với bộ ra trắng và một chiếc gối, trên tủ đầu giường là tấm hình chân phước Elena Guerra, đấng sáng lập dòng Chúa Thánh Thần, tức là nhà dòng tôi đang ở.

Pisa cách Lucca chỉ khoảng 30 phút đi xe bus, nếu đi tàu thì nhanh hơn, nhưng hôm đó chuyến tàu từ Lucca đi Pisa bị huỷ do quá ít khách nên chúng tôi đi bus. Trên chuyến xe bus vắng tanh vòng vèo qua những con đồi, đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với chị nhiều như vậy. Tôi kể chị nghe những mẩu chuyện rời rạc ở giáo xứ chúng tôi, những người quen mà cả chị và tôi đều biết, tôi kể với chị lý do vì sao tôi được đi Ý, rồi tôi dự tính những gì khi tôi về, tôi đã suýt khóc khi nói với chị những dự tính mịt mờ của mình. Rồi chị cũng kể tôi nghe những ngày chị ở đây, những khó khăn khi học tiếng Ý, những ngày sống đời ơn gọi, những người bạn của chị ở đây. Có một điều chị nói mà tới giờ tôi vẫn chưa làm dù càng ngẫm càng thấy đúng, chị bảo tôi nên viết lại nhật ký tôi nói chuyện với Chúa, chỉ cho riêng tôi thôi, để những lúc sóng to gió lớn ở đời, tôi lấy ra đọc lại và chiêm nghiệm, Chúa đã yêu tôi biết dường nào. Tôi chưa làm được điều này, tôi cũng không biết nữa, tôi vẫn chưa cảm thấy thôi thúc cho lắm.

Pisa là một thị trấn nhỏ xíu thuộc vùng Tuscany, chỗ ngày nhỏ tới nỗi mọi người chỉ dành khoảng vài giờ, giỏi lắm là một ngày đế đến nơi này tham quan chụp hình, chủ yếu là thăm cái toà tháp càng lúc càng nghiêng – Pisa. Tôi không vào tháp vài phải tốn 12 euros để mua vé vào, hai chị em thấy phí quá nên chỉ đứng chụp hình bên ngoài rồi thôi, chị dẫn tôi vào nhà trưng bày gần đó để xem cho kỹ người ta giải thích về cái tháp thế nào, nhưng do cũng đang trùng tu gì đó, nên chỗ này cũng ngổn ngang, bụi bặm, tôi bắt đầu không ưa cái thể loại nghiêng này rồi. Trong quần thể di tích này còn có nhà thờ chính và giếng rửa tội nổi tiếng, khi vào cổng thì chị được miễn vé, còn tôi phải mua vé, vì chị là tu sĩ còn tôi là thường dân, tôi thấy bất công hết sức, chẳng phải thường dân cũng đang sống đời sống ơn gọi sao…chắc thấy tôi ấm ức nên chị cười xuề xoà nói để chị mua vé cho, thành thử tôi ngay lập tức chuyển từ ấm ức sang áy náy. Khổ ghê chưa.

Chúng tôi rời Pisa chóng vánh như khi chúng tôi đến, phải bắt kịp bus để về lại Lucca cho kịp giờ lễ chiều, trước lúc lên xe, tôi ngoái đầu nhìn lại một lần cuối tháp nghiêng, nhà thờ cổ và giếng rửa tội, những người trẻ nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh ngắt, những thứ đó có vẻ lạc lõng kỳ lạ giữa thị trấn đầy xe hơi, hàng lưu niệm và những người trẻ với Iphone tai nghe.

Thánh lễ ở Lucca là thánh lễ buồn nhất tôi tham dự, tôi đói bụng, lại đói bụng, tôi không hiểu cha đang nói cái gì, tôi cũng chẳng đọc được kinh với mọi người, lại lại cảm thấy lạnh lạnh vì áo mình mỏng quá.  Cuối nhà thờ có để một bức tượng Chúa – người ta gọi là Gương Mặt Thánh, vì bức tượng này trôi dạc vào bờ biển từ khá lâu về trước, mấy lần người dân tưởng là rác nên đẩy lại ra biển, nhưng bức tượng cứ tấp vào bờ biển ở Lucca, nên người dân tin rằng bức tượng muốn ngự lại đây, thế là người vớt lên và mang vào nhà thờ. Trải qua bao nhiêu thế kỷ bức tượng vẫn không hề bị mai một, cho nên người ta gọi bức tượng này là Gương Mặt Thánh và là biểu tượng của thành phố Lucca.

Lucca là một thành phố giản dị ở Ý, không phải thành phố du lịch nên dân chúng ở đây cũng rất hiền hoà. Ở đây lại có nhiều dòng tu đặc nhà tổng nên thành phố cũng tự dưng mang dáng dấp thánh thiện hẳn, gần nhà dòng chị Thảo là một trại cải tạo thanh thiếu niên, chị kể, thỉnh thoảng cũng có vài đứa trốn trại nhưng dễ gì, chạy dọc hàng rào cũng đuối rồi, mà quả thật như vậy, buổi chiều đi bộ thôi tôi cũng đuối đơ hàng rồi. Khổ thân tụi nhỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi ngủ lại một nhà dòng, ở Việt Nam, gia đình tôi cũng hay lên dòng Biển Đức nữ ăn tết cùng các sơ, nhưng đêm hôm đó là đêm bình yên nhất mà tôi trải qua ở Ý, tôi nằm một mình trong căng phòng lạ, nhìn ánh đèn đường hắt qua chấn song cửa sổ, nghe hơi ấm máy sưởi phải từng đợt, lắng nghe sự yên tĩnh, tiếng đọc kinh đâu đó vang lại, đó là lần đầu tiên, tôi chìm trong bóng tối giữa căn phòng xa lạ và không hề cảm thấy sợ ma, có lẽ vì lúc đó tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa rất gần, giấc ngủ đến, dập tắt những suy nghĩ, những kế hoạch và những lời thoại rời rạc với “anh Jesus”, tôi đã ngủ một giấc ngủ bình an cho đến khi báo thức kêu tôi dạy đi lễ sớm.

Tôi tạm biệt Lucca với cái ôm siết chặt của chị, với lời cầu chúc bình an và lời hứa cầu nguyện cho tôi của chị. Tự nhiên tôi cảm thấy ngậm ngùi, giống như tôi sắp, sẽ rời xa một người bạn lâu năm và giống như không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau. Đến giờ, thỉnh thoảng khi về lại Việt Nam, những đêm buồn buồn với ngổn ngang những kế hoạch chưa đâu ra đâu, tôi nhớ lại đêm bình an ở nhà dòng Spirito Santo ở Lucca, tôi nhớ cái trạng thái bình an đó. Thỉnh thoảng đi siêu thị ở Việt Nam, bắt gặp bánh phô mai cắt theo kiểu Âu, tôi nhớ tới chị.

Bởi vậy, cuộc sống hợp tan, không làm gì được cho nhau thì chỉ có thể dùng lời nguyện, nhắn gió gửi mây không bằng nhờ Chúa quan tâm chăm sóc đặc biệt những người xa.

Tôi đã đến Lucca và Pisa như vậy, có những đêm ở Sài Gòn, tôi lại nhớ thương.

-Tâm Vũ-

Monday, October 6, 2014

Chuyện ở đời

Câu chuyện đầu tuần sếp gửi qua mail...

---


Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu.

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”

Cậu học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.”

Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”

Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và Ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.


Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm.

Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu cần trân trọng người bên cạnh mình.


Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn.

Saturday, October 4, 2014

Nước Ý của tôi - Phần 3: Firenze



Tôi chưa kể bạn nghe về Florence của tôi đúng không? Tôi chỉ kể được chuyến hành trình ở Rome, ở Arcisdosso rồi tắt tị đúng không? Thật ra ở Ý, tôi còn đi qua Florence hay Firenze theo cách gọi của người Ý nữa. Từ Lucca, tôi được một vị linh mục già gần 90 tuổi chở bằng xe hơi lên Florence chơi, bởi vì chuyến đi chỉ vỏn vẹn trong buổi sáng nên tôi cũng chẳng có gì nhiều để kể bạn nghe.


Thật ra thành phố Florence cũng nhỏ xíu thôi, chia làm hai khu, khu hiện đại và khu du lịch, ở khu du lịch hội tụ gần như là tất cả các điểm đến lịch sử của thành phố này, bảo tàng nghệ thuật Uffizi, nơi tôi chỉ đi ngang dòm dòm ngó ngó mà thôi, phần vì vào đây phải tốn tiền, phần vì chỗ này cũng đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm gì lớn lắm, nên khá xô bồ, cha hỏi tôi có muốn vào không nhưng tôi lại khoát tay bảo thôi. Hay quảng trường Signoria, người ta còn gọi chỗ này là Fontana di Neptune nữa, nơi có mấy anh trai vạm vỡ cao to, trắng nhỡn đứng khoả thân loã lồ khiêu khích đứa độc thân ngời ngời như tôi.

Ở Florence không giống như ở Rome, ở Rome, người ta mở cửa mọi thánh đường lớn cho khách du lịch vào tham quan và chụp hình, chỉ với vài lưu ý như là trật tự, ăn mặc tôn kính, hay chốn tôn nghiêm, còn ở Florence, nếu muốn vào nhà thờ chánh toà thì bạn phải mua vé và không được phép chụp hình.

Đến Florence, vì là đi một mình, lại đi bộ, và còn phải về cho kịp giờ để 12g trưa lên tàu đến Venice nên tôi cũng chỉ luẩn quẩn trong khi di tích, không giỏi nhớ tên địa danh, cũng không giỏi xác định phương hướng, nên tôi thả bước chân mình rong ruổi trên những con đường đá gồ ghề và đông đúc, ngắm nhìn những người khách thập phương chụp hình cho nhau, cười nói mà thấy mình đi một mình tự dưng lại tủi thân. Kem ở Florence đắt hơn ở Rome và cũng không ngon bằng, không biết là do đi mình ên nên thấy vậy hay là do kem không ngon thật. 



Tôi dừng lại bên này cầu sông Vecchio, nhìn con nước lười biếng trôi đi, nhìn những dãy nhà sặc sở, cũ kỹ nhưng vẫn rất tươm tất, nhìn những người dân bản xứ ung dung bên hàng quán nhà mình, còn những du khách khá giả thì thông thả ngồi uống capucino buổi sáng, tôi tự thấy cái sự hối hả của mình trật nhịp quá. Mặc dù vậy, không hiểu sao tôi vẫn rất có cảm tình với thành phố này. Ở Florence có cái vẻ nhộn nhịp nhưng không ồn ào, xô bồ như ở Rome, du khách đến Florence cũng điềm tĩnh hơn du khách ở Rome, người dân ở đây hối hả qua lại nhưng vẫn vui vẻ dừng lại chỉ đường cho bạn. Tôi còn nhớ khi tôi đi lạc khỏi quảng trường Spedale Degli Innocenti, một anh trai mặt mày bất cần, xăm trổ, khuyên tai khuyên mũi đang phì phèo thuốc lá lại rất nhã nhặn dập điếu thuốc chỉ trỏ hướng này nhé, mày đang ở đây này, đi thế kia, quẹo trái quẹo phải…ơ thôi, tao đi cùng mày một đoạn, cũng tiện đường …rồi thế đấy, thẳng thế là tới. Tôi cảm động ghê lắm, đi lạc mà.

Tôi ghé thăm căn hộ của vị linh mục về hưu nọ, đó là một căn hộ bé tẹo, hẹp té, dài ngoẵng, đầy những tủ kệ, một ít bánh mứt để lâu ngày đến nỗi hủ mức ngài đưa tôi đã mốc xanh cả lên. Đầy trên những chiếc kệ bụi bặm là những tấm hình gia đình trắng đen, ngài chỉ tôi với đầy tự hào, này là anh trai nè, ổng bị giết khi đi truyền giáo ở Peru, còn đây là gia đình em trai, nó có tới 15 đứa con, Chúa ban phúc cho gia đình nhà nó, mẹ cha nè, bà cụ mất được mười năm rồi, đẹp đúng không, à đây Catarina ạ, đây là hình cha hồi còn trẻ nè….

Những câu chuyện rời rạc của người già, những mẩu ký ức rất vụn như chuyến dạo chơi của tôi ở Florence vậy. Tôi ước mình có nhiều thời giờ hơn ở Florence, tôi ước khi tôi lang thang trên những con phố cổ đó, tôi có ít nhất một người bạn đi cùng, vì quả thật, giữa chốn đông đúc, ồn ả như vậy, đi một mình rất cô độc, tôi ước mình được quay lại đó một lần nữa, đi với người bản xứ chứ không phải tờ hướng dẫn dành cho khách du lịch, hoặc giả tôi biết tiếng Ý, để tôi nghe mấy đứa học trò đi tham quan theo chương trình học đang chỉ trỏ cái gì, Florence là một trong những nơi chốn hiếm hỏi ở Ý mà tôi muốn quay lại.


Lần sau, nếu quay lại Florence, tôi sẽ không đi một mình và vội vã thế. Hứa đấy.

-Tâm Vũ-