Sunday, November 27, 2011

Cá bé nhỏ

Cũng lâu rồi, có lần tôi bắt gặp một nickname tên “Cá bé nhỏ” trên trang cá nhân của một người bạn. Tôi thường không mấy quan tâm đến tên một ai đó, nhưng không hiểu sao, tôi rất thích ba từ này, nó diễn tả một cách chính xác mỗi con người chúng ta trong cuộc đời này. Cuộc sống bao la và rộng lớn với vô vàn những sóng to gió lớn, những thử thách, cạm bẫy bủa vây, và mỗi chúng ta cũng giống như cá bé nhỏ đang chu du trong chính cuộc đời này. Có người sẽ hưởng thụ cuộc sống như chính bản chất của nó, có người sẽ tìm cách né tránh nó, lặn thật sâu để rồi chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trời trên kia, cũng có người lúc nổi lúc chìm để lớn lên sau mỗi con sóng vùi.

Tôi vốn dĩ muốn viết gì đó về những người bạn đồng trang lứa, vì những ngày gần đây, nghe, đọc, thấy nhiều chuyện không vui, không hay, tự dưng cho phép mình kẻ cả được răng đe người khác, nhưng càng ngẫm nghĩ, là cá bé nhỏ, mình cũng chẳng dám bảo ban ai, cũng chỉ là viết đôi dòng cóp nhặt đây đó, một lời tâm sự, một lời sẻ chia từ một người trẻ đang từng ngày thu gom những vật dụng làm thành hành trang bước từ ao tù ra biển lớn. Cũng như ai, tôi cũng có những khát vọng, những hoài bão, những khắc khoải, không thiếu những tiếc nuối, hụt hẫng và lỗi lầm, nhưng trên hết, tôi biết mình muốn gì và tôi khao khát được thực hiện điều tôi muốn. Thế thôi.

Lúc trước tôi luôn tự hỏi vì sao trẻ con thường có nhiều mơ ước và thường xuyên thay đổi các mộng ước của mình, còn khi đã là người lớn thì lại kiên quyết theo đuổi một cái gì đó. Trước đây tôi không hiểu, nhưng giờ thì hiểu rồi. Trẻ con mơ nhiều và mọi giấc mơ trẻ con đều rất đẹp và trong sáng, bởi nếu mơ về tiền, trẻ con sẽ mong có nhiều tiền để giúp đỡ mọi người nghèo trên toàn thế giới; bởi nếu mơ về tình, trẻ con sẽ mơ mình có thể yêu thương được hết thảy mọi người; hay nếu mơ có sức mạnh phi thường, em sẽ mơ làm siêu nhân để bất cứ nơi nào cần, em sẽ bay đến giúp đỡ. Càng lớn lên, càng bị vùi dập, người lớn càng trở nên cay cú, và vụ lợi, nếu nghĩ về tiền, họ sẽ nghĩ mình phải mua nhà hay xe hơi; nếu nghĩ về tình, họ sẽ mong có trai xinh, gái đẹp vây quanh; nếu nghĩ về sức mạnh phi thường họ sẽ mong có thể quật ngã đối thủ – những thằng đáng ghét. Bản chất của cái “mơ ước” không xấu, nhưng chính vì con người chúng ta đổi thay, chúng ta cũng biến đổi cái tốt đẹp của mơ ước. Cũng từ những giấc mơ không lành, chúng là làm đời thêm bão táp.

Có lần, ai đó đã nói tôi nghe rằng “80% giới trẻ ngày này sống thiếu lý tưởng”, thoạt nghe thấy cũng bình thường. Vì lý tưởng là cái hoàn hảo, và giữa cuộc đời thị phi, làm gì có cái gọi là hoàn hảo, vậy nên lý tưởng cũng là ảo tưởng. Nhưng rồi mấy tháng gần đây, tôi có dịp gặp lại những người bạn cũ, những người ngày xưa tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ tiến xa, thì giờ đây họ lại đang đi con đường rất tươi sáng, những người bạn tôi vốn nghĩ họ là số dách thì lại đang tàn tàn đâu đó phía sau. Có người đổ lỗi cho số phận đưa đẩy, cũng có người đổ lỗi cho hoàn cảnh, cũng có người gãi đầu gãi tai tự hỏi “tôi sống để làm gì?”. Tự dưng tôi thấy tiếc vì nước nhà đang bị mất đi một nguồn lực đáng kể từ những người trẻ đáng ra xuất sắc này.

Thời buổi này, nếu bạn không gia nhập quân đội, hay chí ít là dân thích mạo hiểm, ham thích thám du, đi rừng, lặn lội về với thiên nhiên, thì khó có thể hình dung tầm quan trọng của chòm sao Bắc Đẩu. Tôi vốn rất tệ môn ngắm sao trong tất cả các kỹ năng nghề rừng, nhưng bao giờ tôi cũng thích ngắm chòm sao này, bởi có lần, giữa bầu trời đêm ngàn sao, giữa tiếng củi lửi lèo xèo, giữa sương đêm lành lạnh, một đàn anh đã nói với chúng tôi – những người trẻ hăm hở rằng “lý tưởng cũng giống như sao Bắc Đẩu của dân đi rừng, em không bao giờ có thể chạm tới, hay cầm nắm nó, nhưng thiếu nó, em sẽ lạc đường.” Lạc đường giữa chốn đô thị phố phường thì cũng thường thôi, nhưng phải thử cảm giác bị lạc giữa nơi núi rừng hoang vu, cỏ cao lút đầu, chim kêu vượn hú, đến lúc chiều tà mà vẫn chưa thấy đường ra, có thế bạn mới thấy hết tầm quan trọng của việc đi đúng đường và tìm được về đích.

Cuộc đời của mỗi chúng ta cũng vậy, cuộc đời mỗi người là một tấm bản đồ, tấm bản đồ này sẽ cho bạn thấy nơi khởi điểm và chính bạn sẽ chọn ra nơi mình đến và để đến đó bạn cũng phải tự vạch lấy lộ trình mình đi, bạn sẽ không thể tránh khỏi những lúc trèo đèo lội suối, những lúc gian nan hay sướng vui, bởi đó là một phần của cuộc hành trình. Nếu bạn tự vẽ ra quá nhiều đam mê, bạn sẽ thấy cuộc đời mình cứ loay hoay mãi mà không trọn vẹn, nếu bạn chẳng có lấy một đam mê nào rõ ràng, bạn sẽ thấy mình cứ chạy loanh quanh làm cái này cái kia mà không thể thoả mãn, cuộc đời bạn cứ có cảm giác vụn vỡ không thành. Cần phải có đủ thời gian để trái chín, cần phải có đủ nắng, đủ mưa để trái lớn, bạn cũng cần có đủ những va chạm để thấy được mình muốn gì, và phải có đủ gian nan cùng với hạnh phúc để hiểu được đó có thực sự là đích đến của đời mình.Và khi bạn biết rõ cuộc đời mình sẽ đi về đâu, hãy hăng say tiến về đích. Đừng làn nhàn, đừng tàn tàn. Hăng say, dấng thân đi!

Thế giới đang có hơn 7 tỉ người, nếu ai cũng có một lý tưởng sống cao đẹp, nếu ai cũng có tấm bản đồ trên tay, hẳn cuộc đời sẽ đẹp thêm nhiều, mọi người sẽ nhân ái hơn và trọn vẹn hơn, kiếp người.

Cá bé nhỏ bơi ra biển lớn, vùng vẫy và viên mãn, cá nhé!



-TâmVũ-


Tuesday, November 22, 2011

Tranh Luận - Dũ Lan LÊ ANH DŨNG

-Bài viết sưu tầm từ báo Công Giáo & Dân Tộc-

"Người ta thấy Thượng Đế mỗi ngày chỉ có điều họ không nhận ra Ngài - People see God everyday, they just don't recognize Him"
Pearl Bailey (nữ nghệ sĩ Mỹ, 1918 - 1990)



Đây là một chuyện tôi nghe :

Một vị giáo sư thách thức sinh viên trả lời câu hỏi này:

- Có phải Thượng Đế tạo ra mọi thứ đang hiện hữu?

Một sinh viên mạnh dạn đáp :

- Thưa thầy, đúng vậy.

- Nếu Thượng Đế tạo ra mọi thứ, vậy thì Thượng Đế cũng tạo ra tội ác, vì tội ác đang hiện hữu. Như thế, Thượng Đế ác chứ không thiện.

Trước lập luận này, sinh viên kia nín lặng. Vị giáo sư đắc chí, huênh hoang với cả lớp rằng ông đã chứng minh thuyết Thượng Đế sáng tạo vạn vật là một huyền thoại.

Một sinh viên khác bèn giơ tay :

- Em hỏi thầy một câu được không ạ?

- Mời anh.

- Thưa thầy, lạnh có hiện hữu không ạ?

- Sao lại không? Anh chưa bao giờ bị lạnh ư?

- Thưa thầy, thật ra lạnh không hiện hữu. Theo luật vật lý, cái mà chúng ta cho là lạnh thực sự là thiếu nhiệt. Không độ là tình trạng hoàn toàn không có nhiệt, khi đó cơ thể trơ ra và không thể phản ứng lại. Chúng ta tạo ra chữ "lạnh" để diễn tả trạng thái thiếu nhiệt. Cho nên lạnh không hiện hữu.

Sinh viên ấy lại hỏi :

- Thưa thầy, bóng tối có hiện hữu không?

- Ồ, hiển nhiên là có chứ!

- Thưa thầy, thật ra bóng tối không hiện hữu. Bóng tối chỉ là tình trạng không có ánh sáng. Chúng ta có thể nghiên cứu ánh sáng chứ không nghiên cứu được bóng tối. Chúng ta có thể dùng lăng trụ (prism) của Newton để tách ánh sáng trắng ra thành nhiều màu và nghiên cứu độ dài sóng (wavelengths) khác nhau của mỗi màu. Chúng ta đo được ánh sáng nhưng chúng ta không đo được bóng tối. Chúng ta tạo ra chữ "bóng tối" để diễn tả trạng thái không có ánh sáng.

Sinh viên ấy lại hỏi :
- Thưa thầy, tội ác có hiện hữu không?

- Thì tôi đã nói là có. Chúng ta vẫn thấy nó hàng ngày quanh ta, hình thức này hay hình thức khác.

- Thưa thầy, tội ác không hiện hữu, hay nói đúng hơn tội ác tự nó không có. Tội ác đơn giản chỉ là thiếu vắng Thượng Đế. Tương tự như lạnh và bóng tối, con người tạo ra chữ "tội ác" để gọi sự thiếu vắng Thượng Đế. Tội ác là hệ quả của những con tim thiếu vắng tình thương Thượng Đế. Nó giống như khi thiếu nhiệt thì ta bị lạnh, thiếu ánh sáng thì ta bị bóng tối bao phủ. Vậy, Thượng Đế không tạo ra tội ác. Thượng Đế là thiện.

Bà Chiểu, 18-7-2011


-sưutầm-

Thursday, November 17, 2011

Tản mạn chuyện cũ


Tốt nghiệp cấp ba, con nhớ mãi ngày con cầm tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời bước ra khỏi trường. Giây phút đó, mọi thứ chợt ngưng đọng, con háo hức bước vào đời quá, đến nỗi con chỉ kịp ngoái đầu nhìn lại sân trường ấy một tíc tắc. Trong phút giây đó, con thấy hành lang lớp học ồn ào những giờ ra chơi, con thấy sân trường đầy những mái đầu cắm cúi chép bài của nhau những buổi sáng thứ hai chào cờ, con thấy sợi dây kéo co bị giằng kéo trong tiếng reo hò cuồng nhiệt như World Cup đang diễn ra, con thấy con chó to lớn tên Na đang lừ lừ đi dạo trong trường, con thấy cây phượng trổ bông và con cũng thấy cuộc đời học trò mình vừa chính thức chấm dứt.

Con háo hức bước chân vào giảng đường đại học, với những tháng ngày nhàn nhã, không điểm danh, không kiểm tra miệng, không kiểm tra 15’, không kiểm tra một tiết, không chép phạt, không mời phụ huynh. Con làm chủ cuộc đời con. Con đường thênh thang trước mặt, con có toàn quyền bước đi, chạy nhảy, hay vấp ngã. Bỗng con thèm ghê gớm những buổi chiều quên chép phạt bị đuổi ra cửa lớp ngồi chép phạt khi nào xong mới được vào. Con thèm quá những buổi kiểm tra 15’ không báo trước, làm bọn học trò quỷ dáo dác lật tập trong hộc bàn. Con nhớ những buổi kiểm tra một tiết tập trung. Đẹp biết bao nhiêu, quãng đời đó!

Làm sinh viên, con cũng bon chen đi làm thêm kiếm chút tiền chi xài, nếm mùi đời, con chợt ao ước quay lại những ngày xưa, thà bị thầy cô la rầy còn hơn bị khách hàng rủa sả, thà bị bạn bè cóp pi bài còn hơn bị đồng nghiệp giành khách, thà ra về muộn để được học thêm kiến thức mới còn hơn phải làm tăng ca mà không được thêm tiền. Cuộc đời khắc nghiệt quá, con nhớ những ngày bình yên dưới mái trường cũ. Biết sao được, con đò nhỏ cập bến mất rồi, con đã đặt chân lên bờ bên này rồi.

Ngày nhà giáo lại sắp đến, xôn xao khắp phố phường cả mấy tuần nay là những cuộc thi viết về thầy cô, tri ân những người khai sáng, người lái đò thầm lặng…Con biết viết gì về thầy cô đây? Nếu chỉ là giấy và chữ làm sao con có thể kể hết cho người đời nghe về những con người tuyệt vời đã tặng con chữ? Những người âm thầm cho con kiến thức, để ngày con bước vào đời không bị thua thiệt? Nếu biết những gì thầy cô dạy con ngày đó, là bệ phóng của con tàu ước mơ, để giờ đây con tàu bay cao, bay xa, thầy cô có vui không?

Con mong nền giáo dục Việt Nam gỡ bớt những áp lực trên đôi vai vốn hao gầy của thầy cô, để thầy cô có thể bước lên bục giảng với tất cả niềm hăng say mà không phải lo lắng về thành tích, dự giờ, thi đua vớ vẩn.

Con mong quốc hội Việt Nam sẽ suy xét tăng lương cho nhà giáo, để thầy cô có thể đi dạy tận tâm, tận lực dạy dỗ học trò mà không phải lo nghĩ chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

Con mong thế hệ giáo viên trẻ tốt nghiệp ra trường, sẽ bước lên bục giảng với bầu nghiệt huyết sôi sục, với tấm lòng yêu thương học sinh chân thành, và làm tròn sứ mạng trao truyền tri thức.

Con mong lớp đàn em con biết kính trọng, yêu mến và trân quý thầy cô bởi thầy cô xứng đáng nhận được hơn cả những thứ như thế, và bởi thầy cô đã dành cuộc đời mình để thắp sáng biết bao nhiêu cuộc đời khác.

Nếu có thể được, cho con … xin một vé đi tuổi thơ*!

-Tâm Vũ-

*Mượn tựa một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.