Tuesday, September 29, 2009

Ngày mai của những ngày mai - Nguyễn Ngọc Tư


Phải có đến hàng trăm lần, tôi nghe và nói cái câu nào đó tương tự như “hẹn mai mốt gặp”. Như một thói quen, như một câu chào, người ta tự nhiên nói mà không quan tâm điều đó có xảy ra hay không. Và cái câu hẹn mai mốt gặp trong tôi luôn mang ý nghĩa, chào nghen, tôi về.


Và cái buổi nắng lên trong vườn dừa hôm ấy, tôi cũng nghe lại câu này, “hẹn mai mốt gặp, mình nói chuyện nghề chơi”. Người “hẹn hò” tôi là một ông già gầy gò, kham khổ. Tôi không trả lời được, tôi thoáng nghẹn đi, vì cái cảm giác tiếc nuối do chia tay vội buốt ở đầu mắt, thì cuối mắt ông nhấp nhánh ánh lên sự hy vọng hồn nhiên. Mai mốt gặp.


Lưng bỗng đau khi day lại phía ông già. Chân bước đi cũng đau. Gáy tôi nhìn thấy cái tuổi tám mươi tư của ông già đứng im sững bên chái nhà, nơi đặt bộ bàn tiếp khách. Gáy tôi lạnh. Trời ơi, sao ở cái tuổi ấy người vẫn còn có thể thanh thản hẹn với một ngày mai?


Hơn ai hết, ông già biết ngày mai đó rất xa xôi. Bởi ông không còn sức để đi chỗ này, chỗ khác, không thích những chỗ xô bồ xô bộn, họp hội xinh xang. Chủ nhân (dù muốn hay không) của câu nói nổi tiếng ngang tàng ngạo nghễ, “đi chỗ khác chơi” đã chọn chơi với mảnh vườn yên tĩnh của mình. Con mương vườn rụng đầy những trái dừa chuột cắn, mấy cây bưởi ngoài sân trước. Hơn ai hết, ông biết đôi chân mình đã mỏi, lời đã mỏi nụ cười đã mỏi, chỉ ánh nhìn là vẫn lấp lánh sự tinh quái, làm tôi thót tim lại, hôm đầu gặp ông.


Cái nhìn soi thấu vào gan ruột người ta. Trong những cơ may gặp gỡ mà tôi có được, chỉ vài ba người làm tôi sợ, vì cái sự-đọc-được-người-khác của họ. Ông già cũng làm tôi sợ, ông thấu được một tôi nông cạn, hời hợt, dại dột. Cũng chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ là cảm giác mất tự do, mình sống thế nào, mình che đậy thế nào, mình xoay bề nào ông già cũng ngoáy cái ánh mắt tinh quái, cái cười hóm hỉnh vào, chọc chọc. Đối mặt nhau qua cái bàn trà cũ kỷ, nhưng mỗi lần nghe ông già dùng trí nhớ mẫn tiệp của mình dẫn lại mấy câu văn dài ngoằng của Lỗ Tấn, một đoạn truyện cũng dài thườn thượt của Ernest Hemingway, tôi lại cảm giác ông già ở trên cao, và mình trong cái thế phải ngước lên, ông thầy giỏi mà kẻ học thì lơ ngơ, như vói hái trái ở một cành cây quá đầu, mỏi chân, mỏi cổ quá trời.


Nhưng tôi biết, cái cội cây già ấy sâu thẳm tự đáy lòng muốn trao trái cho đám trẻ như tôi. Cái cây vẫn còn quá nhiều trái trên cành mà thân đã dần cạn nhựa, cây không muốn trái cũng chết khô giữa trời. Trái kia, phải được hái khẽ khàng, để một hôm nào đó, sau mưa, hạt lại ươm mầm trên những mảnh đất mới và đầy sức sống.


Thiệt tình, đó là tất cả những gì tôi muốn khi bước chân qua cánh cỗng xiêu xiêu kia. Học. Tôi chỉ cần có vậy, học tất cả những gì ông già có, nhân cách sống, sự lịch lãm, ngạo đời, vốn kiến thức văn học giàu có, cái nhìn nghề khe khắt… Nhưng học ông già này hơi bị… khó, nên bước chân ra về lại rấm rức, sao mình không thể ở lâu hơn, mà tôi đoán phía bên kia cũng… ấm ức giống tôi. Đã nói gì được nhiều đâu, đã cho và nhận kịp đâu, nhìn thẳng ông già tôi còn không dám, nói gì tôi đã chạm được ông. Mà, tôi muốn chạm vào ông, muốn đọc chút xíu ông, muốn tự mình dệt nên một câu chuyện tếu táo gì đó về ông, lâu nay tôi toàn nghe giai thoại của người khác. Vậy nên cả hai không thỏa, vậy nên ông già ngó tôi mà rằng, “mai mốt mình gặp nói chuyện nghề chơi”.


Và tôi ngẩn ngơ. Tôi muốn gặp ông già lần nữa, lần nữa, gặp hoài nhưng tôi không bao giờ cất lời hẹn lần sau. Hơn ai hết, tôi biết mình lâu lắm mới sẽ trở lại nơi này, lâu lắm tôi mới lại qua sông Tiền, vì tôi ở xa, vì tôi là đứa ru rú xó nhà ít lang thang đây đó. Tôi tầm thường đến nỗi lên xe rồi, cứ nghĩ tới chuyện nhà không ai quét, con trai không ai nấu cơm cho ăn, và nghĩ tới cái gối ôm có hình mấy con thỏ thả bong bóng bay là tôi muốn quay lại cho rồi. Nhưng nếu muộn hơn, bạn bè tôi còn, những vườn dừa còn, nhưng ông già Nam Bộ ngạo đời ấy tôi không còn cơ hội gặp nữa, ý nghĩ đó đã đưa tôi đi, vượt lên những lười nhác. Gặp lần đầu, tôi vẫn không tin mình sẽ gặp ông lần hai, và gặp lần hai, tôi làm sao biết được có còn lần nữa.


Bởi những cuộc hẹn sẽ có ít nhiều đổ vỡ, bất trắc. Trên con đường đi đến đó, có khi tôi đau bụng nên quay lại, có khi tôi gặp bạn bè và say mèm ở dọc đường, có khi chiếc xe trở chứng xịch lụi chết máy. Tôi đến nơi thì người cũng vừa đi khuất. Mà bất trắc thì quá nhiều nhân dạng. Vượt qua khoảng cách địa lý, vượt qua những rào cản lặt vặt như… cái gối ôm để thực hiện cuộc gặp, nhiều khi lãng trân. Tôi không là tôi cũ, người không còn là người cũ, gặp nhau cũng như không. Ông già thì vững trân một nếp, nhưng tôi? Chưa chắc… Tôi đã có lần gặp bạn mừng chưa hết, thì nói câu gì đó đau lòng rồi cuộc hẹn tan mau.


Nhưng có một dạng bất trắc hơn cả mọi bất trắc mà tôi không bao giờ kịp quen. Đi đám giỗ, gặp nhỏ em họ cùng tuổi, hẹn nhau đám giỗ sau, nhưng nó đã bỏ đời đi sau một cơn buồn. Có người hôm trước gặp nhau còn cười hỏi, “ê khoẻ hôn, lâu quá không nhậu nghen, mai mốt rảnh rổi, anh gọi”, hôm sau thấy anh cười trên ti vi, nụ cười đã bất động, không thể tin, người cười đẹp vậy sao có thể thản nhiên ra đi giữa khuya vì đau tim được hả trời. Và bất trắc thì đôi khi không chờ giữa hai lần đám giỗ, không chờ qua một ngày, bất trắc chỉ trong tích tắc, một cô gái ngún nguẩy đuôi tóc, tung tăng bước qua đường vẫn trong tầm nhìn tôi, tôi vẫn chưa chớp mắt thì chiếc xe điên cuồng nào đó đã huỷ hoại cuộc sống của cô rồi, chỉ một phần trăm của giây. Trong những câu chuyện thường ngày quanh ly rượu, chén trà, sau tiếng thở dài, người ta chép miệng, “mới hôm qua…”, “mới cái độp đây mà…”. Bất trắc nhanh đến nỗi khiến người ở lại phải hoang mang giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa có nghĩa và vô nghĩa, bởi rõ ràng thân xác đã nguội rồi, rồi, nhưng cảm giác về người cũng còn nguyên vẹn. Trong veo. Rực rỡ. Tôi sợ…


Ông già thì đã tám mươi tư…


Nhưng ông già đã hẹn tôi, ông không thèm nhìn cái tuổi tám mươi tư của ông, mà sao tôi cứ nhìn mãi, thấy mãi. Xe tôi khuất qua những thôn xóm, qua trùng trùng muôn muôn những vườn cây trái, những dòng sông, hàng trăm cây số, về đến nhà, đóng chặt cửa, nhắm mắt lại tôi vẫn nhìn thấy mái tóc ông bạc, lưa thưa, giọng nói đã hơi run khi vượt thoát khỏi đôi môi, và gầy đến chiếc áo của ông cũng ngẩn ngơ như nó đã đánh mất da thịt của ông rồi.


Nhưng ông già đã hẹn tôi. Ông không thấy cái tuổi tám mươi tư của mình, bởi vì ông không có tuổi, chẳng bất trắc nào đánh gục được ông, ông sống hàng trăm tuổi ấy, với những gì ông để lại. Một nhân cách hơi kỳ lạ, cô đơn sâu nhói, đeo đuổi sự tự trọng đến cuối đời. Những trang văn đau, sâu sắc, tinh tế, mà sang trọng, lịch lãm. Ông “đi chỗ khác chơi”, không “bẹo hình bẹo dạng” nữa, nhưng nhiều người vẫn gặp ông khi qua căn gác cũ, con đường cũ, quán cũ, trang sách cũ… Bao giờ còn những khoảnh khắc mà các hạt bụi như tôi bỗng nhớ đến non-ông, nhớ cái cây cổ thụ già ấy thì ông vẫn còn nguyên trân đó, dù cái áo xưa đã xếp lại, hết chỗ cho nó phất phơ rồi.


Hóa ra, cái hình ảnh tám mươi tư tuổi của ông già chỉ là tôi mượn để nói tránh về một tôi già nua, chỉ tôi là nhìn thấy tuổi, nhìn người, nhớ người, hẹn người bằng tuổi. Tuổi không phải là biểu tượng của đời đâu, nhỏ ơi. Ông già chắc không biết là câu nói hẹn gặp lại bị tôi suy diễn xa dữ vậy.


Đơn giản, chỉ là ông kêu có dịp thì gặp nhau, nói chuyện văn chương vô tận chơi thôi. Đơn giản là tuổi già của ông bị cô đơn ăn hiếp quá, dồn đuổi quá, lâu lâu có đứa nhỏ buồn mà cà chớn như tôi đến chơi thì vui chớ sao. Thì muốn còn tập tiếp theo chớ sao. Dù ngày mai, mốt đó là của những ngày mai, mốt khác. Nó xa, nhưng mà gần, cứ kêu lên, ngày mai, chẳng phải qua đêm nay là tới sao? Những hẹn hò có khi mãi mãi là hẹn hò, nhưng nhờ nó, người ta mới chịu khó ngồi nuôi dưỡng niềm tin. Tôi mới chịu khó sống và viết, tôi mà tệ quá, ông già không chịu tiếp, thì chết.


Tôi vẫn còn muốn hái thật nhiều trái chín của cái cây cổ thụ tuyệt đẹp có sức sống mãnh liệt đó. Tôi tham quá trời đi.


Mai mốt gặp, dạ, mai mốt gặp.
.
.
.


Sundial Dreams - Kevin Kern

Thương


Hôm nay tính làm cho xong mấy món quà để mang đi cho nhóm, nhưng tay đau quá, mới xong phân nữa, chắc để mai làm tiếp, cũng còn xấp tài liệu phải đọc. Quải quá!

--------------

Chiều nay gặp phụ huynh, có nói chuyện đôi chút. Chẳng nói gì nhiều, quanh đi quẩn lai cũng chỉ là chuyện về các em, chuyện về mình với các em.

Từ ngày cầm đoàn, mình chả ngán việc gì, chỉ ngán mỗi cái gọi là "công tác phụ huynh" thôi. Đã dính vào phụ huynh thì đồng nghĩa với não phải hoạt động với công suất tối đa. hic. Tê tái cả não.

Chẳng phải mình là đồ dỏm hay hàng nhái mà sợ phụ huynh đến vậy. Chỉ bởi trước các em mình tự tin thế nào thì trước phụ huynh mình lại cảm thấy bối rối thế nấy. Có lẽ tuổi đời còn ít cũng là một trong những nguyên nhân làm mình thiếu tự tin.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, được phụ huynh quan tâm hỏi han chuyện vui chơi của con em, mình cũng thấy vui, điều đó có nghĩa HĐ không phải nhà trẻ cho trẻ vị thành niên. Thỉnh thoảng một cô phụ huynh mìm cười và nói "Con vất vả quá!" cũng đủ tiếp thêm sinh lực cho mình dấng bước trên con đường mịt mù, hay chỉ đơn giản đi trước khi đi trại một bác phụ huynh "gửi con chút trái cây cho các em", chỉ cần những điều nhỏ bé đó, tự dưng mình hạnh phúc kinh khủng.

Mình chơi với mấy đứa lớn còn đỡ, chứ mấy chị ngành Bầy mới cực, tới CN là điện thoại réo liên tục, nhất là những hôm xuất du hay đi trại, điện thoại reo phát quạu, vậy mà vẫn không quạu. Quá trùm!

Hôm kia có cô phụ huynh hỏi mình có thấy cực không, cực chứ, dĩ nhiên là cực rồi. Tự dưng CN nào cũng phải vô nhảy nhót, ca hát với "người dưng", cực chứ, dĩ nhiên là cực rồi. Lại còn phải ôn luyện Morse và Semaphore thường xuyên nữa, cực chứ, dĩ nhiên là cực rồi. Lúc nào cũng phải mày mò mẹo vặt làm mấy cái nút dây rối rắm, bình thường muốn cột cái gì cứ làm nút đơn là xong, cần gì phải màu mè nút dẹt hay thuyền chài, cực chứ, dĩ nhiên là cực rồi....

Vậy tại sao lại cứ thích cực nhỉ?! Chẳng biết tự bao giờ mình yêu nụ cười của các em, yêu cái trong sáng của tuổi thơ, yêu cả cái hờn dỗi của ai đó khi bị bắt đi ngủ sớm mà không được cho ăn khoai lang lùi nữa, yêu những đêm trăng sáng thức canh giấc cho mấy nhỏ...

Thế là hết cực.

Sẽ không còn cực nữa những khi được nghe Tiếng Rống Lớn của Sói Con, yêu cái băng reo của Thiếu Sinh, yêu lời Tâm Nguyện Kha Sinh, yêu buổi lễ lên đường của "người trưởng thành", yêu cái cách ai đó không gọi tên mình mà gọi "Hải Ngưu ơi, Hải Ngưu à"...

Thế là hết cực.

Vậy có sá gì cái chuyện tuổi đời thua kém khi các em tin ở mình, phụ huynh tin ở mình. Vậy có sá gì đoan đường dài phía trước không rõ đích đến. Vậy có sá gì khi dấng bước dẫn đường?

Thế là ...


.
Bài này hình như Hứa Vĩ Văn (mặc dù hok biết là ai, nhưng mà ghi ra cho có vẻ thông thái^^) cũng có hát, nghe cũng dễ thương, nhưng mình thích Lý hát hơn. Giọng hát của chị hòa với tiếng guitar mộc mạc, nghe chân thành quá!
.
Mình thích chân thành và sẽ cố sống luôn chân thành.
.

Sunday, September 27, 2009

Tình Chúa Cao Vời - Bài Ca Yêu Thương


TÌNH CHÚA CAO VỜI

Sáng tác : Lm. Duy Thiên

Đk: Tình Chúa cao vời biết bao, nào con biết đáp đền thế nào, để cho cân xứng Chúa ơi! Để cho cân xứng Chúa ơi!

1. Ôi tình yêu thương Chúa cao vời, tình yêu thương Chúa muôn đời, Người yêu con từ ngàn xưa. Từ khi chưa có đồi non, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn người, tìm con giữa nơi bùn nhơ.

2. Ôi vì tình thương con Chúa quên mình vì yêu nên hiến thân mình, gọi con nên bạn tình Cha. Dù bao sóng gió hiểm nguy, dìu con đi giữa trần gian, ơn Chúa ngày đêm ấp ủ con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn.

3. Con thành tâm dâng hiến trọn đời, thành tâm dâng hiến xác hồn, để nên tông đồ của Cha, và nên nhân chứng của Cha. Truyền rao chân lý của Cha, gieo rắc Lời Chúa khắp gần xa. Rồi con sẽ đi khắp miền, làm nhân chứng cho tình yêu.


-------------------------------


BÀI CA YÊU THƯƠNG


Đk: Con nghe trong quạnh vắng tiếng ai gọi lòng con khát khao. Con nghe gió nhẹ hát khúc tình Giêsu đến với con đây, đến rất dịu dàng rồi trào dâng. Nguyện hãy giữ cho tim con luôn thật thà sống giữa lòng cuộc đời này. Ôi con sẽ hát mãi câu tạ ơn luôn mọi ngày.


1/ Yêu thương sẽ như men tan biến trong bột làm nên bánh. Yêu thương sẽ luôn nêu cao đuốc soi đêm thâu cho dù bão tố. Yêu thương sẽ tươi vui như đóa hoa nội ngàn giữa trời xuân.


2/ Yêu thương sẽ ra đi khắp bốn phương trời loan tin vui. Yêu thương sẽ cho mưa ngâu chứa chan địa cầu trong ngày nắng gắt. Yêu thương sẽ luôn đơn sơ giống như chim câu, như trẻ thơ.


-------------------------------


Cầu mong đến lễ mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn thế này nữa, không thôi thì ... ghê quá! ^^






Tinh Chua Cao Voi - Bai Ca Yeu Thuong - Ca Doan St.Georges
.
-------------------
.
Tạ ơn Chúa! Hay quá!
.


LK Tinh Chua cao voi - Bai ca yeu thuong - Ca Doan St.Georges
.
4/10/2009
.

Saturday, September 26, 2009

Một bài du ca chưa biết tên



Tôi muốn chia sẻ với mọi người một bài du ca của nhạc sĩ Tuấn Khanh mà tôi chưa biết tên. Một bài hát nghe rất hay, có chút gì đó ... ray rứt nữa!




Một bài hát không cầu kỳ về giai điệu, thậm chí là đơn điệu đến nỗi bế tắc, nhưng cũng có lẽ vì vậy mà hay, có lẽ cái hồn bài hát nằm ở chỗ này. Giọng người hát cũng rất đặc biệt, không trau cuốt, không mượt mà, khàn khàn, giống như giọng con người ta cố nói sau khi đã gào thét rất lâu. Phần nhạc đệm lại càng mộc mạc, tuyệt vời ...




---------------------




Đêm nay gió lên rồi
Mà đường về xa lắm em ơi
Biển xanh nay nghe tù tội
Phận người theo con sóng trôi.


Chim ơi bay phía chân trời
Gửi lời này đến quê tôi
Quê tôi xa xôi vời vợi
Nước mắt rơi thành lời


Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi


Tiếng thở than nào
trên áo tang đẫm máu
Có tiếng ai về sau
Hay linh hồn nghẹn ngào?


Đêm nay gió lên rồi
Đời người buồn lắm em ơi
Biết đâu tương lai mà đợi
Từng ngày nhìn con sóng trôi


Ai đang ngóng con thuyền
vật vờ phía khơi xa?
Trôi như con sóng xô
Trôi như phận nước tôi


Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi.
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi


Biết về nơi nào
Khi biển xanh nhuốm máu.
Ai mang chung niềm đau
khi nước Việt nghẹn ngào?




Bai Du Ca so 12 -Tuan Khanh.mp3 -

Wednesday, September 23, 2009

Đôi bờ





Lần đầu tiên nghe bài hát này, lâu lắm rồi, tự dưng nghĩ đến chị. Có lần chị hỏi "em ở đâu trong tim chị nhỉ?" , đâu đó cũng có lần tự hỏi "mình ở đâu trong tim chị?".


Đêm nay khó ngủ quá chừng, nghe đi nghe lại một bản nhạc, lần dở lại những tấm hình xưa cũ, những tấm hình hiếm hoi còn đủ mặt mọi người... sao mà xa xôi quá! Nơi đó có ánh lửa bập bùng, có những mái đầu quấn khăn, có tiếng thì thầm, rồi có tiếng đàn hát, có anh - một người bạn rất đặc biệt. Có chị - một người bạn đã đồng hành cùng trong những giây phút khó khăn nhất dù chị ở rất rất xa. Có những con người - lúc nào đó, mình đã ước đánh đổi tất cả để có lại một lần như thế. Giống như những cách chim vô định, trong cuộc lữ hành xa xôi tình cờ gặp gỡ nhau rồi tung cánh bay xa mãi mãi.


Đêm nay có mưa, mưa rả rích, tiếng nước mưa dột nhỏ xuống miếng giẻ đã ướt nhẹp làm mình nhớ tiếng những giọt sương đêm nhỏ lẹp bẹp trên đám lá ướt ... lúc nào đó, lâu rồi.


Rất nhiều lần kể từ lần đó, mình tự hỏi, giờ này anh sao rồi, anh đã từ bỏ chưa, anh có gia đình chưa, ... hay chỉ là, anh còn tồn tại không? Mình nhớ tiếng đàn của anh, dồn dập nhưng lửa múa, là khát khao của anh "Dừng bước giang hồ". Rất nhiều lần mình nhớ.


Điều kỳ diệu của nỗi nhớ, nó làm người ta không thể quên, nó làm người ta hạnh phúc hay xót xa. Được nhớ và nhớ là hạnh phúc.


Kỳ diệu ...




. . Bóng con thuyền vượt ngàn trùng lệ trào dâng...






... hỡi non cao ôi sông sâu đời bể dâu ...
.
---------------------------------------
.
Thích cái chất giọng của Lý, mộc mạc. Thích cả tiếng guitar rất phiêu của chị. Nghe những bản nhạc chị trình bày, bao giờ cũng tìm thấy những chỗ chưa hoàn hảo, đôi khi như thế lại hay, cuộc đời đâu có hoàn hảo. Và dù cho âm nhạc không hoàn hảo thì vẫn có một tác dụng nào đấy.
.
Ví dụ như nghe nhạc do Trần Lê Quỳnh sáng tác để ... buồn hơn; nghe nhạc Lý hát để thả hồn đi chơi một lúc thì nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng để chửi đời mà không cần phải tự lên tiếng ...
.
Thú vị thật, cái gọi là âm nhạc đương đại./.
.
=================
.
Đêm nay mưa,
buồn quá trời đất,
không khóc được và không được khóc.
Đâu đó trong tim có một lỗ hổng, à không, là ba lỗ chứ.
.
Em dặn chị đừng buồn, từ từ rồi cũng lấp được thôi, không ít thì nhiều.
Sao chờ hoài hok thấy cái lỗ nhỏ bớt. Càng lúc càng tan hoang.
.
Rầu quá, mưa ơi là mưa!
.
4/10/2009
.
.
.

Ba ơi, mình đi đâu?





Ở mỗi thời kỳ, tại mỗi thành phố, trong mỗi ngôi trường, luôn từng có và luôn sẽ có, nơi cuối lớp, thường là gần lò sưởi, một đứa học sinh với ánh mặt vô định. Mỗi lần nó đứng lên, mỗi lần nó mở miệng để trả lời một câu hỏi, người ta đều biết rằng mình sẽ bật cười. Lúc nào nó cũng trả lời huyên thuyên, vì nó không hiểu, vì nó sẽ không bao giờ hiểu. Thầy giáo, vốn đôi khi khoái những trò tàn ác, cố hỏi thêm, để mua vui cho cả lớp, tạo bầu không khí sôi nổi và khiến cả lớp tập trung.

Đứa trẻ với ánh mắt vô định, đứng giữa đám học sinh hung dữ, không muốn gây cười, nó không có ý thế, mà ngược lại. Nó thích mình không gây cười, nó thích mình hiểu, nó nổ lực, nhưng bất chấp những nổ lực của nó, nó vẫn nói những điều ngốc nghếch, vì không ai hiểu nó.

Khi còn bé, tôi luôn là đứa đầu tiên bật cười trước điều đó, giờ đây, tôi rất cảm thông với đứa trẻ có ánh mắt vô định ấy. Tôi nghĩ đến các con tôi.

May thay, người ta thậm chí sẽ không thể cười nhạo chúng ở trường được. Chúng sẽ chẳng bao giờ đến trường.
- Jean-Louis Fournier-


-------------------------------------


Em đớt đát hỏi chị có học trường Trưng Vương không, vì em cũng học trường Trưng Vương, ở đó em phải mặc áo lạnh đi học, ở đó em cao nhất lớp, cô giáo hỏi em có muốn làm lớp trưởng không vì cô thấy em lớn hơn các bạn trong lớp một tuổi, nhưng em bảo em không làm lớp trưởng được bởi em không thể nghe rõ cô giáo nói gì nếu như không thấy miệng cô và em lớn tuổi hơn các bạn vì khi em sáu tuổi em vẫn còn đang học cùng các bạn ở trường Nguyện Đình Chiểu.

Hôm kia em rón rén lại sau lưng chị, em định sẽ làm chị giậc mình, nhưng chị biết vì thấy bóng em trên màn hình tivi, bấc giác chị quay lại làm em giật mình. Tự nhiên thôi, chị đưa tay lên ngực em và nghe tim em đập thình thịch, chị cười nói "Tim Ngọc đập quá trời nè" rồi em hỏi "Sao Ngọc không nghe?", bỗng dưng thương em quá đỗi, em bị tước mất cái quyền được lắng nghe tiếng con tim - âm thanh của sự sống, lắng nghe tiếng tíc tắc đồng hồ, em không thể nghe tiếng vo ve của cánh ruồi, em chỉ có thể nghe tiếng cuộc lờn phóng lớn...

Ngày em về Đà Lạt, em níu tay chị dặn dò "Ngọc đi Đà Lạt, chị nhớ Ngọc nha!"


Làm sao quên được em, thiên thần của chị!
.
===================
.
24/9 sinh nhật em.
.
Cuộc gọi từ Đà Lạt.

Sunday, September 13, 2009

Ông nội

Tuần sau là giỗ đầu của ông nội, con cũng không ngờ thời gian trôi nhanh tới vậy. Nội xuống sức thấy rõ vào chiều Chúa Nhật tháng sáu năm 2008, trong khi EURO 2008 đang nóng dần, còn nội thì yếu dần.

Chiều hôm trước, thấy con tần ngần trước bàn thờ nội, em hỏi con có tin không khi thắp nhang cho nội. Con bảo không. Con chỉ thắp nhang vì trước đây, nội vẫn thường thắp nhang cho ông bà cố vào mỗi chiều, đúng 6g. Con thắp nhang vì con muốn mình không quên thói quen của nội.

Con vẫn rất ân hận vì khi nội trút hơi thở cuối cùng, con đã không ở nhà, và khi về đến nhà rồi, nhìn nội nằm đó, con vẫn không tin nội đi, và khi chị bảo con đi đón mẹ, trên đường về, con vẫn không tin nội đi, tối hôm qua, khi cả nhà quây quần đọc kinh, nội còn hôn thằng Đô, con bé Bông ... con cũng hôn nội ... lần cuối...

Con nhớ những buổi tối học bài xong sớm con qua xem phim cùng nội, con nhớ những buổi chiều ngồi nghe nhạc cùng nội, con nhớ buổi cơm gia đình có nội bao giờ cũng tươm tất hơn, con nhớ hai lần nội mổ ung thư, con nhớ những ngày cuối đời nội thèm ăn đủ thứ nhưng lại chẳng ăn được bao nhiêu ...

Con nhớ lúc nhỏ nội chở hai đứa tụi con đi học mẫu giáo trên chiếc xe đạp cũ bây giờ cho thằng Đô, con nhớ tấm lưng nhăn nheo của nội, con nhớ thói quen quệt mắt của nội, con nhớ hơi thở khò khè những đêm trời trở gió, những đêm cuối tháng 8...

Những tháng cuối nội ốm đi nhiều, nằm ván cấn xương rất đau, vậy mà nội chỉ dám hỏi mẹ mua giúp cho tấm nệm xơ dừa rẻ tiền...

Tuần sau, giổ nội, con nhớ nội... nội ơi ...
.


-------------------------

.

Cách đây mấy hôm, trời mưa tầm tã, chị hai bị té xe. Thương quá!

.

Hôm nay trời nắng khô ráo, gió lặng như tờ, chị hai cũng té xe. Kỳ quá! Mà cũng thương quá trời. Trầy trụa cả chân tay...

.

Lục tủ thuốc, chị hai nhăn nhó nhờ mình bóp dầu. Cái chai "dầu xoa bóp Huế" sao quen vậy cà...

.

Hai chị em ngồi lặng như trời hôm nay đứng gió.

Năm ngoái, à không, hơn một năm trước, tối nào cũng xoa bóp tay chân cho nội bằng cái thứ dầu này. Dầu còn, sao nội không còn?

.

Nhớ quá, nội ơi!

.

7/10/2009



------------------------------



Xe đạp…



Hôm nay đọc được lá thư của một người anh trai gửi cho em mình. Trong thư người anh bày tỏ sự tự hào khi nhận được thư nhà mẹ kể rằng em trai anh đã có thể tự đạp xe đến nơi sinh hoạt. Xa hơn niềm tự hào về chuyện biết đi xe đạp là lời nhắn nhủ làm người trưởng thành của người anh xa nhà…

Nhắc về xe đạp. Đó là cả một khung trời nhiều kỷ niệm gắn với những người thương yêu.

Chiếc xe đạp cũ ông nội dung để chở chị em tôi đi học mẫu giáo…Xe đạp tống ba đấy.
Chiếc xe đạp nhỏ xíu, đầu tiên trong đời tôi được cưỡi trong niềm hoang mang mất lái.
Chiếc xe đạp của con bé hàng xóm mới cón mà đêm đêm tôi nằm mơ được đạp thử một lần.
Chiếc xe đạp của nội mà những buổi chiều ba mẹ vắng nhà tôi lén lút chạy ra đường lớn, chỉ để mọi người thấy “ta đây cũng có xe đạp”.
Những chiếc xe đạp của bọn bạn ngày ngày đến trường mà dù ao ước cũng không bao giờ có một chiếc đạp đến trường, bởi nhà tôi cách trường 5 phút đi bộ…
Và chiếc xe đạp màu đen tôi yêu thích, trên yên xe là dấu bút xóa, đánh dấu năm tháng cấp ba của cuộc đời tôi “C14”, “B16”, “A10”.

Xe đạp, một thứ phương tiện đơn sơ mà trong cuộc đời ai đó cũng có cơ hội thử (xác xuất được thử rất cao, đồ rằng 1000 người thì có 999 người từng đi xe đạp).

Cái thứ phương tiện thương thương này xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Thỉnh thoảng mon men vào văn học, nhất là loại văn học tuổi học trò, có những câu như thế này trên các báo HHT hay MT “chiếc lưng hắn đẫm mồ hôi, đôi chân guồng cỗ xe đạp leo dốn…”; rồi âm nhạc, có một bài hát khá nổi tiếng nói về xe đạp, à không, nói về chuyện tình xe đạp “quay đều quay đều …” (sau đó là gì nữa thì quên mất rồi); và cả trong phim ảnh cũng không thiếu…

Và thế là tuy cũ kỹ, lạc hậu nhưng xe đạp vẫn cứ tồn tại trong cuộc đời con người như con trâu cái cày đối với người nông dân.

…nhớ tiếng cười trẻ con đằng sau lưng nội, những buổi chiều tan học…lớp mầm…











Looking Back - Yiruma


Saturday, September 12, 2009

Tuổi trẻ - Samuel Ullman


Tuổi trẻ không phải là một khỏang thời gian của cuộc đời – đó là một trạng thái của tâm trí, đó không phải là chuyện má hồng, môi đỏ và đầu gối uyển chuyển mà là chuyện của ý chí, là năng lực của trí tưởng tượng, là sinh lực của cảm xúc. Đó chính là sự tươi mới của những mùa xuân cuộc đời sâu lắng.

Tuổi trẻ có nghĩa là một sự thắng thế thường có của lòng can đảm, sự chế ngự bản tính nhút nhát trong ước muốn vượt trội của tính mạo hiểm, và sự kiểm sóat của tính ưa dễ dãi.

Không ai già đi chỉ vì số tháng năm của cuộc đời, nhưng chúng ta già đi vì từ bỏ lý tưởng của chúng ta.

Năm tháng có thể làm da nhăn nheo, còn từ bỏ sự hăng hái thì làm tâm hồn ta nhăn nhúm. Những lo âu, hồ nghi, mất tự tin, sợ hãi và thất vọng triền miên trì hoãn trái tim ta và biến tinh thần ta thành cát bụi.

Dù 70 hay chỉ 16 tuổi, trái tim ta luôn có niềm say mê điều mới lạ, ta có ước muốn dịu kỳ của trẻ thơ trước điều sắp đến, và giữ niềm vui với trò chơi cuộc đời.

Bạn cũng trẻ trung như niềm hy vọng của bạn,
và bạn cũng già cỗi như chính những hồ nghi;
trẻ trung như lòng tin ở bản thân
già cỗi như nỗi sợ;
trẻ trung tựa hy vọng
và già cỗi khác nào những tuyệt vọng.

Ở giữa trái tim bạn là một trạm thông tin vô tuyến. Chừng khi nào nơi ấy còn tiếp nhận được những tín hiệu của cái đẹp, của hi vọng, vui tươi, can đảm, của sức mạnh từ tha nhân và từ vô cùng, thì bấy lâu đó bạn còn “trẻ”.

Đến bao giờ những cây cầu kết nối ấy vụn vỡ, tâm hồn bạn bị bao phủ bởi lớp băng tuyết của cay độc và bi quan, thì khi ấy bạn đã già, thật đấy!
-Lược dịch-

Sunday, September 6, 2009

Nhớ ...








Kết tình huynh đệ 2006
Sông Thao - Sông Hàn











Nhớ những kẻ xa ...



Chợt nhớ tiếng ghi ta của anh
Nhớ nồi cháo lươn của chị
Nhớ cả củ khoai lùi, chảo ... cà phê

..


Ngửa mặt lên trời tự hỏi, ở nơi nào đó xa xôi, có ai cũng nhớ đêm hôm đó?

.

==========

.

Lâu rồi mới thấy chị online, và cũng lâu rồi chị mới chạy vào hỏi "rảnh không em, chị buồn quá". Vậy ra cuộc sống xa xứ là vậy, những giây phút buồn ơi là buồn tự dưng cần một người xa.

.

Chị chẳng nói lý do chị buồn, mình cũng không hỏi lý do chị buồn, vì có hỏi chị cũng sẽ không nói, chị là vậy. Không nói những chuyện không liên quan tới người nghe. Nhưng mình đoán, chắc cũng trúng, nên chị nói quá chừng. Lâu rồi mới nghe chị nói nhiều thế ...

.

Chị hỏi "nhỏ có buồn không?", có chứ chị, em buồn nhiều. Chị nói chị cũng buồn nhiều, những người bạn của chị, cuộc sống nơi xa của chị, chị buồn vì nhớ nhà, nhớ mấy đứa cháu, chị nhớ HĐ.... chị có nỗi buồn cũng lớn lắm, nỗi buổn ế chổng mông..

.

Chị hỏi về khoảng trống mình vẫn chừa mỗi khi đi trại, chỗ trống có còn trống không? Có ai ngồi ở đấy chưa? Sao chẳng để ai ngồi? Mình bảo không biết nữa, không biết vì sao mình đóng ở đó cái dấu mang tên ba người đặc biệt. Một người tuyên hứa cùng mình, một người mình dẫn lên tuyên hứa và một "cộng sự". Cả ba con người đó, chắc mình chẳng bao giờ có cơ hội ngồi cùng một lần nữa. Nhưng mình vẫn giữ.

.

Chị bảo chị sắp về. 10 ngày. Chị không muốn mình nói cho ai khác. Chị chán những cảnh bội bạc. Chị ghét những kẻ bán đứng niềm tin của chị, chị bảo "khi chị tin, chị tin bằng tất cả con tim và khối óc, nhưng chị mà mất niềm tin, thì chị mất trắng". Đó cũng là câu nói chị nói với mình, ngày chị trao gửi thiếu đoàn trong tay mình. Thiếu sinh chị gửi mình, mình chẳng giữ nổi ai. Có lỗi quá.

.

Chị về, chị muốn lấp khoảng trống bên cạnh mình, chị muốn thử một lần giúp mình không lạnh nữa, giúp lửa trại ấm hơn trong lòng mình.

...

.

==========

.

ngày 25 tháng 9 năm 2009

Chị Kim Bò nợ Hải...Tặc 1 câu chuyện chưa kể.


.

-----

.


Chị gọi về kể tôi nghe giấc mơ của chị, giấc mơ rộng thênh thang, trong giấc mơ đó, chị bảo chị thấy chị tìm đến khúc sông cạn, vắng người qua lại bởi chỗ đó nguy hiểm, đá lởm chởm lại rêu phong trơn trợt, đi lang bang ở đó té bất tỉnh như chơi. Nhưng chị thích nơi đó, chị thường đến đó, cả trong những giấc mơ. Tôi thích giọng chị mỗi khi chị thì thầm như thế, mặc dù đôi lúc qua điện thoai, tôi không thật sự nghe hết chị nói gì, nhưng tôi thích lúc chị xuống tông giọng thấp nhất, lúc đó, tôi có cảm giác, chị không đang kể chuyện cho tôi, chị đang kể cho chính chị. Cảm giác đó, rất thật…



25/12/2009



========================
.

Trời mưa không tiễn người thương đi
Góc vắng vang khúc nhạc bỏ quên
Hai trời hai cảnh những hẹn hò
Mai sau chắc gì lại thấy nhau
…[chị đi rồi]…

19/1/2010

Thursday, September 3, 2009

Kỷ niệm mái trường ...


Tôi sẽ không bao giờ quên buổi sáng hôm ấy, ba chị em chúng tôi ngồi trong căn phòng tập hát, và em đã đàn bài này...

Bài hát này em nói, em viết vào buổi học cuối cùng ở trường trung học phổ thông, trước ngày em bắt đầu ở nhạc viện, buổi chiều bên khung cửa lớp học, em viết với tất cả tâm tình, còn bên ngoài, trời cứ mưa ... lất phất ...

Tôi sẽ không quên, giây phút của ba chị em, lắng đọng lại, sau những thử thách, sóng gió. Vẫn còn đó thứ tình bạn đậm đà như vị của tách cà phê buổi sớm ...

Cảm ơn em, cả hai đứa ...




Ky Niem Mai Truong - Thanh Nam.mp3 - Le Anh Tai

Món quà ...


[Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hoặc cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó... -Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần-]
------------------


Mình kể chuyện gì khi kể chuyện quà ...


Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng mất nhẫn. Mất tận hai chiếc, tổng trị giá gần 4 tỉ. Đọc thấy có hẳn mấy bài viết khác nhau nói về chuyện này. Bên blog anh Goldmund phân thích ra rằng dựa trên tiền đóng thuế cuả anh này thì với thu nhập cuả anh phải mất đến 6 hay 7 năm không ăn uống chi xài gì cả mới đủ tiền mua hai chiếc nhẫn bị mất đó. Trừ khi đó là tài sản thưà kế hay quà tặng, đại loại vậy. Nhưng anh Hưng thì ai chẳng biết thuở hàn vi cuả anh là một thợ cắt tóc nghèo ôm mộng làm ca sỹ, rồi phải chép điã đem tặng miễn phí cho mấy quán cafe mở để khán giả quen tai, lúc đó mới bán được đĩa và dần dà thành ca sỹ nổi tiếng. Nếu có sẵn 4 tỉ thưà kế chắc anh đã không phải cực khổ tới vậy để được như ngày hôm nay, đeo hẳn một lúc hai chiếc nhẫn trị giá một căn nhà tương đối. Hay là anh có vấn đề về đầu óc ? Cái này thì không phải tiếp xúc với anh ấy mới kết luận được (mà nhiều khi tiếp xúc rồi còn chưa chắc kết luận đúng !). Còn về chuyện quà tặng, có bài báo trên VnExpress trích lời anh Hưng rằng đây là nhẫn anh nhờ người ta mua bên Mỹ. Tức là không phải quà tặng. Tức là không ai tặng nhẫn gá trị to thế cho anh để ngành thuế tha hồ có việc làm. Tức là anh Hưng đã buồn có thể sẽ còn buồn hơn. Tội anh Hưng.


Nhưng đó là chuyện xôn xao trong “làng giải trí Việt”, kể ra cho vui vậy thôi. Làng giải trí mà, lúc nào chẳng có chuyện để người ta giải trí. Anh Hưng hiện đang làm live show gì đấy to lắm, không biết tình hình thế nào nhưng gần đây thấy anh hăng hái lên báo nói chuyện gịật gân quá, chắc là anh muốn tăng thêm mức độ giải trí cho người khác. Mục đích là gì thì phải hỏi anh Hưng thôi. Còn mình thì không biết đâu. Mình chỉ thắc mắc vì không thể tưởng tượng ra được (nếu có thì) người ta tặng nhau những món quà trị giá hằng tỉ như thế để làm gì. Như đại gia hay thích tặng ô tô cho người đẹp, như người nổi tiếng hay thích tặng đồ quý giá cho nhau.. Nếu là vì tình cảm thì mình nghĩ có nhiều cách khác ít tốn kém và lùm xùm hơn, trừ khi việc lùm xùm là cố ý. Nhưng như vậy thì mục đích tặng quà hẳn không còn là mục đích đơn giản ban đầu, là để nói lên tình cảm cuả người tặng và để mang lại niềm vui cho người được tặng. Thế thì làm như vậy để làm gì nhỉ ?


Mình có thói quen giữ lại những món quà nhỏ, hàng đống thiệp đủ mọi dịp trong năm, và qúy nhất là những món quà hay thiệp tự làm. Mình cũng thích tự tay làm một cái gì đó để tặng cho người khác. Những thứ “handmade” như thế luôn chứa đựng tình cảm cuả người tặng và lưu lại trong lòng người được tặng. Sau này bận rộn, mình ít làm quà hơn nhưng ngay cả khi mua quà cũng chọn những thứ có giá trị nhỏ nhưng mang ý nghĩa với mình và người được tặng. Tặng quà mà cũng thấy vui như nhận quà. Tiếc là trong thời buổi mà đồ “handmade” cũng bày bán trong cưả hiệu thì càng lúc càng ít người hiểu được niềm vui đó..


..


Chuyện ngày xưa, để cưới được Mị Nương công chuá, chàng Sơn Tinh đã phải nhanh tay lẹ mắt chọn ra được một đống lễ vật hoành tráng để mang đến cho vua Hùng từ sớm. Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, một trăm thúng cơm nếp, hai trăm nẹp bánh chưng.. Cũng may vua Hùng mến tài Sơn Tinh, biết chàng là vua miền rừng núi. cố tình chọn toàn món trên cạn, chứ nếu mà vua đòi hải sản với sushi, chắc là Sơn Tinh không lấy được vợ, chắc là Thủy Tinh giờ đang đắc ý, và chắc là mỗi khi muà mưa tới nước ta sẽ không còn tình trạng ngập lụt giữa thành phố, mà có khi hằng năm báo chí lại thông báo nước ta có thêm núi, thêm rừng không chừng. Nói cho vui vậy thôi chứ chuyện đó đời nào xảy ra..


Đó là nói chuyện xưa, để thấy được vấn đề quà cáp (hồi đó gọi là lễ vật) vốn dĩ là một phần nền văn hoá lâu đời cuả ông cha ta. Dù là bản chất và tên gọi có biến đổi đôi phần, nhưng nhìn chung thì vẫn giữ nguyên nội dung và mục đích, là để chứng tỏ khả năng cuả mình và để lấy lòng người khác. Người càng tài, cầu cạnh chuyện càng lớn thì quà tặng phải càng to. Người có thân phận càng lớn, bụng càng to và càng nhiều người tài cầu cạnh, thì yêu cầu quả tặng lại càng gắt gao. Chuyện xem ra không thường chút nào, nhưng dần dà thấy môi người đều xem như bình thường. Ấy là “lễ vật”, mà lễ vật thì là chuyện quá bình thường trong xã hội phong kiến còn gì. Chỉ hơi lệch một chút là chế độ phong kiến thì đã qua tương đối lâu, nhưng chắc cũng không ảnh hưởng lắm, ăn nhằm gì, miễn còn có người nhận..


Nói vâỵ thôi chứ thử nghĩ mà xem nếu ngày xưa vua Hùng chỉ dựa vào tài năng để kén rể thì hẳn nhiên người ta không phục. Nên vua mới lấy chuyện lễ vật làm cái cớ để kén được rể hiền. Cái cớ nho nhỏ đó cũng chính là một phần rất dễ thương trong nền văn hoá Á Đông vốn xem trọng lễ nghĩa. Không phải tự dưng mà miếng trầu trở thành đầu câu chuyện. Yêu nhau thì cởi áo (í à) cho nhau, xong về nhà lại bảo mẹ là qua cầu gió bay.. Món quà nho nhỏ trở thành tín vật, thành vật đại diện cho sự quý mến nhau, thành sự đánh dấu cho mối quan hệ khi trở nên sâu sắc. Nếu cứ giữ nguyên bản chất là cái cớ nho nhỏ, hồn nhiên như thế thì hẳn là đẹp biết bao..


Còn chính những món quà mà chỉ mượn cớ là quà chứ thực ra là bán buôn, đổi chác mới là thứ làm xấu đi vẻ đẹp lâu đời cuả văn hoá Việt Nam. Thời buổi mà vật chất đi kèm theo vật giá thì lại càng cần hơn sự trong sáng và những món quà cho nhỏ mang nặng giá trị tinh thần. Tặng quà là một nét đẹp, nên nhân rộng chứ đừng xoá bỏ, cái cần xoá bỏ là nếp hẳn lâu đời về sự gian lận, đổi chác mà thôi. Ví như anh Đàm Vĩnh Hưng mà lên báo nói rằng tôi làm mất chiếc áo hôm qua nhặt được trên cành hoa sen ở đầu đình trong khi tát nước, chuyện chắc không rộn vậy, mà người ta không chừng còn yêu quý anh hơn vì biết gìn giữ những giá trị vô hình. Nhưng nói vui thế thôi, dĩ nhiên báo chí thì dù là trang “giải trí” cũng không đăng những chuyện như thế, nhưng ai cấm được việc nghĩ về những điều tốt đẹp..


Tự nhiên mình nghĩ nếu trước khi mất nhẫn mà anh Hưng bán quách hai chiếc nhẫn giá 4 tỉ để làm quà cho trẻ em vui trung thu. Không biết chuyện có lùm xùm vầy không, không biết ngành thuế có hỏi anh kiếm đâu ra nhẫn 4 tỉ không, còn mình nghĩ thì thấy vui vui khi có những đưá trẻ được nhận quà..
..


-Land-


Ngày12.8.2009