Monday, March 31, 2014

Thư gửi em, những món quà của Chúa



Em thương yêu,

Như em đã biết, mọi người gọi nghề của chị là nhân viên xã hội, nhưng chị thì lại cảm thấy chị chưa phải là một nhân viên xã hội thực thụ, chị chỉ là một nhân viên xã hội tập sự, nhưng dù là tập sự hay chính thức, thì chị cũng đã có cơ hội tiếp xúc với những cảnh đời éo le tưởng chừng chỉ có trong phim truyền hình Việt Nam thôi.

Chị yêu công việc chị làm lắm, vì trước tiên công việc này thoả mãn được khao khát được ra đi của chị. Đối với chị, sống là một cuộc hành trình dài bao gồm những chuyến đi nhỏ. Chị còn nghĩ, giá mà tới lúc chết đi, đến cổng thiên đàng, ông thánh Phao-lô sẽ hỏi “để lấy máy đo coi linh hồn Vi Cao đã đi được bao nhiêu cây số tổng cộng?”, đo giữa chừng thì máy hư, vậy nên không thể đo tiếp, nên Chúa đi ra nói “thôi cho nó vô đi, nó đi dữ quá!” Vậy đó, cuộc sống là một cuộc hành trình dài để mỗi chuyến đi lại làm cho cuộc hành trình cuộc sống ý nghĩa hơn, và em sẽ thấy yêu mến cuộc sống của mình hơn, để tại những trạm nghỉ mệt, em sẽ thấy chỉ cần dừng lại đã là phí phạm, và thế là em cứ đứng lên, quẩy ba lô đi mãi.

Em thương yêu,

Suốt những chặng đường chị đi, chị đã tiếp xúc với những cảnh đời, có lẽ nếu không gặp, mình sẽ nghĩ là không thực, mình sẽ nghĩ “trời ơi, thời buổi này, làm gì có chuyện đó”, ấy vậy mà có, có hết em ạ. Em đã từng đi trại, em đã từng sống thiếu thốn cái này cái kia, nhưng có bao giờ em thiếu tới mức ăn bánh tráng chấm nước trà pha muối qua ngày chưa? Có lần chị đã suýt khóc khi nghe một em nhỏ lớp 6 (cũng nhỏ bé và đáng yêu như các em) nói rằng “một tuần nhà con ăn thịt một lần, khi nào mẹ bắt được cá thì ăn cá, còn không thì ăn cơm với canh thôi”, vậy mà nụ cười của em ấy vẫn rất tươi, đôi mắt vẫn rất long lanh. Em đã từng sống cảnh “màn trời chiếu đất” sóng biển phập phù bên cạnh, em thích lắm, đúng không? Nhưng sau vài ngày em lại nhớ cái ổ thân yêu nhà mình. Có những người phải sống như vậy gần như cả đời, em hãy thử tưởng tượng cuộc đời mình sẽ như thế nào khi chân tay lúc nào cũng lắm lem bùn đất, điện xài theo giờ, nước xài theo mét khối, mùa mưa đi học phải mang theo đồ thay vì đường đất đỏ. Cuộc sống đó khó quá phải không em?

Bởi vậy chị mới nói, các em là những món quà của Chúa, những món quà được vận chuyển từ thiên đàng đến thế gian và rơi trúng vào vòng tay cha mẹ các em. Các em phải tự hào, các em phải hạnh phúc, các em phải tận dụng cái cơ hội là quà của Chúa này để làm muối cho đời, ướp cho cuộc đời này đậm đà hơn, để làm ánh sáng giữa bóng đêm, để thắp sáng những cuộc đời đang chìm ngập trong bóng đêm quanh em. Và để làm một món quà hoàn hảo, em phải nở nụ cười luôn luôn, vì em là một Hướng Đạo Sinh giỏi, và vì sau này em sẽ là “hạt điều sấy”. À phải rồi, em chưa biết “hạt điều sấy” nghĩa là gì đúng không? Lúc nào đó, đây sẽ là câu chuyện tàn lửa nhé!

Em thương yêu,

Em là món quà của Chúa không chỉ cho gia đình của em mà còn là món quà của phong trào nữa. Em là món quà đặc biệt được trao gửi trong tay chị, em là điều kỳ diệu của chị mỗi buổi sáng Chúa Nhật, vì vậy, điều kỳ diệu ơi, nhớ xuất hiện đầy đủ và đều đặn nhé!

Hôm nay đi công tác về, nhìn nắng vàng ươm, bầu trời xanh ngắt, chị chợt nhận ra, hình như hè sắp đến rồi, các chương trình hè chắc sẽ bắt đầu nhen nhóm nhanh thôi, sẽ là biển xanh cát vàng, sẽ là những ngày về với thiên nhiên, sẽ là những chuyến đi không mệt mỏi, sẽ là những đêm nằm bên lửa trại ngắm sao và nghe lửa hát. Các em đã sẵn sàng chưa?

Những gói quà đẹp đẽ ơi,

Cuộc đời là những chuyến đi vô tận, có người sẽ đi nhanh, có người sẽ đi chậm, có người thích leo núi, cũng có người thích lội suối. Dù cho em chọn cách đi nào, ở đâu, cũng đừng bao giờ quên giá trị của mình, mình là một nhân vị hoàn hảo đứng giữa trời đất và mình được sai đi với một sứ mệnh, chính vì vậy, em đừng chỉ hì hục leo leo trèo trèo, mà thỉnh thoảng hãy dừng lại cười với ai đó, lâu lâu hãy đi chậm lại chỉ để đồng hành cùng một người bạn, đôi khi phải tăng tốc để bắt kịp người trước mặt nữa.

Cuối cùng, vì em không chỉ là một gói quà đơn thuần, em là một món quà của Chúa và đóng dấu Hướng Đạo, nên em còn phải mở mắt vảnh tai với cuộc sống nữa, hãy là một hướng đạo sinh giỏi để biết danh dự là sống làm sao để người khác tin mình, và hãy là một người dẫn đường giỏi, bắt đầu từ việc dẫn đường cuộc đời mình, em nhé!

-Hải Ngưu Thận Trọng-


Monday, March 24, 2014

Bệ cửa sổ



Hôm qua vô tình đọc được một bài viết, đại khái tác giả nói rằng ai cũng cần có một thói quen lành mạnh, loại giống như chốn bình yên vậy, thói quen của chị là ngồi trên bệ cửa sổ những ngày oi ả để tìm bình yên. Tôi cũng chợt nghĩ, có lẽ ai cũng cần có một bệ cửa sổ của riêng mình.

Tôi đã từng nghĩ cuộc đời thật giản đơn, chỉ cần lớn lên, tốt nghiệp, đi làm, và già đi, bình yên.  Nhưng càng lớn tôi mới nhận ra cuộc đời là một mớ bòng bong, giữa những trạm dừng cuộc đời là tất tả ngược xuôi, là lỡ làng và bất ngờ. Chính vì vậy, giữa cuộc đời rối ren và bận rộn, chúng ta cần một nơi chốn bình yên để nương náu.

Hồi trước tôi thi vị lắm, tôi thích viết tản văn và làm thơ, đúng, tôi làm cả thơ nữa, nhưng bây giờ tôi viết ít lại và hiếm khi làm thơ. Hồi trước, tôi thích viết về những hoài bão của mình, những mơ ước, những toan tính, bây giờ tôi chỉ viết về những thứ đã qua, tôi mơ ít lại, tôi tính nhỏ đi, tự dưng tôi sợ, tôi bắt đầu sợ những cú ngã, sợ những thất bại, sợ những ê chề. Tôi đã thôi nhìn đời chỉ với màu hồng lung linh.

Cho tới hôm qua vô tình đọc được bài viết về bệ cửa sổ của một người lạ, tôi lại chợt nghĩ, bệ cửa sổ của mình đâu, bao nhiêu năm qua, tất bật học hành, chạy đua bài vở, phấn đấu tốt nghiệp với thành tích hoạt động cũng thuộc loại … dày, bệ cửa sổ của tôi đâu. Tôi đã có nơi chốn bình yên chưa, có thứ gì khi tôi làm tôi lại cảm thấy thư thả và hạnh phúc chưa. Tự nhiên tôi thấy, cuộc đời mình sao dang dở quá.

Có những ngày tự nhiên thấy buồn, hôm nay là một ngày buồn như vậy, chắc tại chưa tìm ra khung cửa của mình chăng.

-Tâm Vũ-

Sunday, March 23, 2014

Tiễn em (2)




Chặng đường đó dù dài hay ngắn
Chúng mình đi qua và kỷ niệm ở lại
Biểu đồ nhiệt huyết lên lên xuống xuống
Điều quan trọng là em đã ở lại
Cùng với chị đi qua những đoạn chông gai nhất
Nắng rất vàng và màu khăn rất xanh
Nghi thức này chỉ dành cho những người kỳ cựu n


hất
Thôi chào em, mình đi cùng đến đây thôi
Giây phút đó, trưởng em hứa đưa em đi tiếp con đường Hướng Đạo
Chị đã buồn, và rất nhiều mất mát
Cứ như thể tất cả chỉ vừa hôm qua
Hành tranh trên vai, chị chúc em thành công.

HNTT
23/3/2014

Thursday, March 6, 2014

Arcidosso và món ô mai của mẹ





Couchsurfing là một cộng đồng phượt quốc tế, nơi kết nối những ngôi nhà muốn đón khách thập phương và những bước chân giang hồ lại. Tôi nghe nói về Couchsurfing đã lâu nhưng chưa bao giờ có một cơ hội thật sự để trải nghiệm, dù trước đây ở nhà, cũng đã gặp vài bạn couchsurfer quốc tế. Vậy là nhân dịp lang thang ở Ý, tôi quyết định liều mình trải nghiệm.

Nơi tôi quyết định dừng chân là Arcidosso, một thị trấn nhỏ nằm heo hút trên núi Monte Amiata, vùng Tuscany nổi tiếng thôn dã và xinh đẹp. Do Arcidosso cách trung tâm thành phố Grosseto khá xa, phải đến 1 giờ xe bus, nên bạn chủ nhà đã hướng dẫn tôi qua điện thoại là phải bắt chuyến nào đến đâu thì xuống, mặc cho tôi nằng nặc năn nỉ bạn nhắn tin địa chỉ để cho chắc, vì tôi không rõ ngữ điệu tiếng Anh của bạn, bạn vẫn cười và nói ở Arcidosso chỉ có 2 trạm xe bus, xuống chỗ nào cũng được, thế nên tôi cũng ngậm ngùi cúp máy.

Vừa leo lên xe, tôi đã nói ngay với bác tài, tôi sẽ xuống ở Arcidosso, trạm Castel di Piano, bác gật gật và hậu quả là quăng tôi giữa đường, nơi đồng không mông quạnh, chỉ có mấy ông già dòm tôi cười cười và đi qua đi lại tập thể dục. Tôi đói, tôi mệt, và trong tay tôi là cái vali gần 30 ký, trên vai là gần 10 ký máy tính, máy chụp hình và đủ thể loại dây nhợ điện tử khác. Sau khi khoa tay múa chân hỏi han một hồi, tôi mới biết chỗ tôi xuống còn cách Arcidosso 23 km, và cách Grosseto 30 km, nghĩa là tôi đi cũng dở về cũng không xong, và điểm thắt nút là phải đến 3 tiếng nữa mới có chuyến xe buýt tiếp theo. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đời mình vậy là xong.

Sau khi ăn hết trái lê đem theo từ khách sạn ở Rome, tôi lấy hết sức bình sinh lôi cái vali lên dốc và bắt đầu trả giá với Chúa, nào là bình thường con rất tốt bụng với mọi người, con còn yêu trẻ con nữa, gặp ai con cũng không quản khó nhọc giúp đỡ, rồi con hứa sẽ yêu thương mọi người nhiều hơn, bớt ghét mọi người lại, cười nhiều hơn, vân vân. Vậy mà bao nhiêu chiếc xe hơn xanh đỏ tím vàng, mới có cũ có, có cả xe tang và xe cứu thương chạy qua, chẳng có đến một chiếc chạy chậm lại chỉ để hỏi thăm. Tôi chợt nghĩ, thôi rồi, có nước mà đi bộ tới tối, cứ đi vậy, không biết chừng 3 tiếng nữa xe bus chạy ngang qua sẽ hốt được xác mình lên đồi.

Tôi thất thểu đi trong vô vọng như vậy phải đến gần 3 cây số thì bỗng có một bác lái xe thồ 3 bánh dừng lại, quơ tay quơ chân ý bảo lên đi, ngồi với bác trong chiếc xe có vận tốc tối đa là 60km/h, và chỉ chạy nổi 20km/h, những đoạn cua dốc ngoằn nghoèo thì chỉ còn 10km/h, tôi cũng hồi hộp theo, có khi nào bác thấy nặng quá rồi bảo tôi xuống, bác không chở nữa thì khổ, vì vậy tôi không dám táy máy, dù rất muốn cựa mình rút máy ra chụp lại cảnh lên đèo ngoạn mục này.

Tự dưng tôi thấy buồn buồn, cuộc sống đôi khi tiến bộ quá, người ta quên mất phải đưa tay cho những người thấp kém hơn mình. Trong cuôc sống này, đôi khi những người cho đi nhiều nhất lại là những người thật ra chẳng có là bao. Giống như chuyện hiến tế trong đền thờ cũng vậy, thầy tư tế, ông thu thuế thì chỉ góp vài đồng bạc lẻ, trong khi bà goá nghèo khó thì đã góp cả gia tài, dù cũng chỉ là vài đồng bạc lẻ. Tôi tự hỏi, có lúc nào đó trong cuộc đời này, mình đi nhanh quá và đã đánh rơi lòng tốt chăng?


Arcidosso là dạng thị trấn miền núi điển hình, nghĩa là đầy gió, mờ sương, lạnh và vắng vẻ. Khác với khi lê lết ở Rome bạn cứ phải thấp thỏm lo lắng bị sờ đùi móc túi, thì ở Arcidosso, ai cũng cố đi thật nhanh để về nhà ấm áp, chẳng có lũ trẻ choai tụ tập ngoài đường, không có những hình vẽ grafiti xấu xí, cũng chẳng có những người ăn xin ngồi lê la ngoài đường, ai cũng cắm mặt tay đút túi đi thật nhanh.

Nhà anh Lorenzo, người mời tôi trên trang Couchsurfing là một kiểu nhà cổ rất đáng yêu với hai phần kiến trúc biệt lập, phòng khách và phòng ngủ. Phòng khách với lò sưởi bằng củi lớn, ấm áp, mọi người ngồi quay quần, có khi thả hồn vào việc riêng của mình, có khi cùng bàn luận gì đó. Phòng ngủ thì phải đi vòng ra bên ngoài rồi đi xuống dốc vào ngỏ sau. Phòng ngủ có 12 cái giường đôi, cứ người này đi thì người kia đến, phòng lúc nào cũng đầy, tôi tự hỏi, có bao giờ anh Lorenzo kịp giặt đống ra nệm này không.

Hai ngày ở tại nhà anh Lorenzo là hai ngày yên ả nhất trong chuyến hành trình ở Ý này của tôi, do tôi đã có 1 tuần lễ bão tố tại Rome làm việc gần như 20 tiếng một ngày và lúc nào cũng chạy đua cùng deadline, lúc nào cũng bị quan sát và đánh giá, ngược lại ở Arcidosso, chẳng ai màng đến bạn là ai, mọi người chỉ thuận miệng chào hỏi khi gặp phải bạn trên phố hay lỡ nấu cơm dư nên mời bạn ăn cho hết, vậy thôi. Những cuộc tranh luận chung cũng kiểu vô thưởng vô phạt, vui thì cả đám nói tiếng Anh, đến phần nào khó quá thì tiếng Anh tiếng Ý tiếng Pháp loạn xạ.

Ban đầu cũng hơi tự ái cái kiểu đón tiếp kém nồng hậu này, nhưng rồi sau đó tôi cũng cảm thấy nhờ vậy mà ai cũng có cái không gian riêng để cảm nhận phố núi này theo cách riêng của mình. Chị Estonia đã ở đây 1 tuần và rất nghiện rửa chén, cứ hễ thấy chén dơ là rửa, bất chấp chuyện chủ nhà theo phong cách sống xanh, tức là không dùng nước nóng, mà dùng hệ thống nước suối tự nhiên lạnh như băng. Hay chị người Mỹ đang theo học học kỳ trao đổi tại Rome, đến Arcidosso vì ngán sự tất bật ở Rome. Rồi anh người Pháp rong ruổi ngang dọc châu Âu với chiếc xe đạp của mình, biết tôi có mình gói nên ngỏ ý mua lại, nhưng tôi không quen ở ác, nên còn 3 gói mình tôi cho anh luôn, chứ không lẽ lấy 3 euro?! Rồi có cả cô bạn người Mỹ nọ đã đổi ngành học 4 lần rồi nhưng vẫn chưa biết nên học cái gì, khổ chưa…

Ngày tôi rời Arcidosso, trời mờ sương sớm, 6g sáng tôi lất cất lôi xềnh xệch cái vali ra trạm xe buýt, 2 lần xe cảnh sát chạy ngang qua, chậm lại rồi đi mất hút, tự an ủi bản thân, chắc tại nhìn mặt mình hiền lành không giống trộm cắp nên được bỏ qua.

Nhà ga Grosseto sáng sớm gió thổi thông thốc lạnh run người, tôi đói, nhưng ngặt nổi mấy cái cửa hàng ăn nhanh toàn bán những món có thịt, hôm nay tôi giữ chay, thứ tư lễ tro, nên tôi đành kiềm lòng theo kiểu cô bé bán diêm, lôi bịch ô mai mẹ chuẩn bị từ nhà ra, lột viên thứ nhất tưởng tượng về tô phở ở nhà, viên thứ hai, tô bún bò, viên thứ ba là dĩa bánh cuốn Tây Hồ với món nước mắm tuyệt hảo, trời ơi tôi nhớ nhà kinh khủng. Cám dỗ lớn nhất chính là cái loại cám dỗ khi mình biết mình phải giữ chay.

Cuối cùng xe lửa cũng tới, tôi chào tạm biệt phố núi bình yên Arcidosso, Grosseto để về lại phố thị. Tôi mừng vì mình đã quyết định đến đây, vì như vậy tôi mới có thể tự hào nói với mọi người rằng, khi tôi đến Ý, tôi đã có cơ hội bước đi giữa những vùng đất bình dị không dành cho khách du lịch, vì tôi chưa bao giờ muốn mình là khách du lịch, tôi muốn mình là người lữ hành giữa đời, đi đến những khoảnh khắc chân thật của cuộc sống chứ không phải những nơi đông đúc, lúc nhúc người qua.

Chào nhé Arcidosso, chắc sẽ không quay lại, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ quên buổi chiều bước vội trên phố.

06/03/2014
-Tâm Vũ-

Tuesday, March 4, 2014

Rome và em




Tôi sắp xếp hành lý và háo hức lên đường theo lời mời tham dự Hội nghị truyền thông công giáo thế giới tại Rome, nơi bất kỳ người công giáo nào cũng mơ ước được đến một lần trong đời, tôi cũng vậy, tôi mơ đến giây phút tôi đứng ở quảng trường thánh Peter, nhìn thấy Đức thánh cha, nghe ngài nói, nhìn thấy ngài bằng xương bằng thịt. Và thế là tôi lên đường, trải qua 2 ngày vạ vật ở sân bay KLIA, rồi bị hoãn chuyến bay hơn 5 tiếng đồng hồ tại Dubai do kẹt đường băng, nơi có 65 chiếc máy bay đang xếp hàng để cất cánh.

Rome đón chúng tôi (tức là tôi, bạn Indonesia, và bạn Cambodia) bằng khí trời lạnh run người, trời nhá nhem tối khi chúng tôi bước ra khỏi sân bay, mưa lất phất nhè nhẹ. Thật ấm áp khi gặp lại Sunny - cô bé người Myanmar nhỏ bé, ít nói và rất xinh, gặp lại Melisa – chị bạn người Malaysia điềm đạm và đam mê truyền thông hình ảnh, ông Eljay – người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa tôi đến Rome, và rất nhiều người khác, một cái ôm siết chặt, không phải kiểu xã giao, mà là tình thân, một cái ôm siết khi bạn rời khỏi mái nhà để đến nơi xa lạ, đó là điều quý giá nhất.

Tôi ăn tối trong trạng thái vật vờ, 8g tối ở Rome tức là 2g sáng ở Việt Nam, dù ở Việt Nam tôi thức rất khuya, nhưng 2g là giờ tôi đã ngủ rồi, vậy là tôi vật vờ cười giả lả, nhưng thực tế não tôi đã đi ngủ mất rồi, tôi nhớ mình đã ăn món gì đó, ravioli thì phải.

Chúng tôi có một lịch làm việc dày đặc trong suốt tuần bắt đầu vào 7g sáng và kết thúc vào 2 – 3 giờ sáng. Chúng tôi quay phim và làm phóng sự về hội nghị, mỗi nhóm có 2 người, một châu á một châu phi, bạn cùng nhóm của tôi chưa tới do trục trặc visa, nên hai ngày đầu tiên tôi phải làm việc một mình, quay phim, edit phim, lồng tiếng. Trời ơi, tôi tự hào về mình biết bao nhiêu!


Làm việc trong một nhóm “quốc tế” như vậy, đặc biệt là giữa châu á và châu phi, hai châu lục có rất ít kiến thức về nhau thì việc xảy ra mâu thuẫn trong cách làm việc là điều đương nhiên, hơn nữa nhóm châu á chúng tôi đã có 1 tuần tập huấn cùng nhau, chúng tôi hiểu tính cách nhau, chúng tôi hiểu cách làm việc của nhau, và chúng tôi chia sẻ chung một quan điểm chung đó là rạch ròi giữa làm việc và giải trí, chúng tôi khá tập trung trong lúc làm, trong khi đó, các bạn châu Phi thì lại có xu hướng từ tốn (nghĩa là từ từ và tốn thời gian), các bạn vừa làm vừa nghe nhạc, rồi thỉnh thoảng đá ghế đứng lên nhảy, rồi chạy vọt đi đâu đó mua bia uống, bá vai bá cổ, trời ạ, tôi thề là hơn chục lần tôi nhắc nhở các bạn ở Châu Á, chúng tôi không ôm ấp như vậy, các bạn xuề xoà nói ở Kenya/Togo, mày có thể làm bất cứ điều gì mày muốn. Tôi thề là tôi đã lẩm bẩm … nhưng chúng mày đang ở Ý cơ mà.

Trải nghiệm tuyệt vời nhất có lẽ là buổi sáng thứ tư khi chúng tôi phơi mình trong nắng và gió để được gặp Đức Giáo Hoàng trong buổi Papal Audience. Đứng giữa một đám đông lớn như vậy, chờ đợi “người trong mộng” có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên. Tạ ơn Chúa vì đã gửi một con người tuyệt vời như vậy đến cho chúng con!

Tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người tuyệt vời trong suốt hội nghị, một người bạn quê ở Bologna, đến Rome lập nghiệp và mơ ước trở thành nhà truyền thông, một Đức tổng giám mục giản dị, và ấm áp, luôn rạng rỡ nụ cười, và trao cho tôi cái ôm ấm áp mỗi khi ngài nhìn thấy tôi, một vị linh mục khôn khéo, người phát ngôn của Giám mục ở Zambia, cứ mỗi lần gặp lại đặt tay lên đầu tôi và chúc lành, một linh mục người Ấn Độ sống và làm việc tại Kenya 25 năm, vị cựu chủ tịch SIGNIS thế giới, người âm thầm tổ chức sinh nhật lần thứ 70 cho vợ và lúc nào cũng nắm tay bà khi đi ra ngoài, ít ai biết ông là người Malaysia còn bà là người Philippines, … đột nhiên tôi có kết luận rằng, bất cứ ai làm việc cho SIGNIS đều sẽ có một gia đình hạnh phúc.
Tôi đã không có nhiều thời gian để thăm thú hết Rome xinh đẹp, và tráng lệ, nhưng tôi hạnh phúc vì mình đã đến đây, đã cố gắng hết sức để đi hết những nơi mình có thể. Tôi mong mình sẽ có lúc nào đó quay lại Rome, thông thả hơn, không cần phải suy nghĩ 1 euro là 28 ngàn, hay không phải lo lắng không kịp giờ tới chỗ này chỗ kia.

Tôi đã không kịp thời gian để vào bên trong đền Pantheon, hay vào thăm đấu trường Colosseum nổi tiếng, nhưng tạ ơn Chúa, tôi đã có cơ hội vào thăm 3 ngôi nhà thờ quan trọng nhất Rome, tôi được đi ngang đường phố nơi người ta diễu hành lễ hội hoá trang, những đứa trẻ xinh như búp bê mặc đồ công chúa, hay cải trang thành siêu nhân, tôi đã được đi ngang qua thành phố cổ, tàng tích của chế độ La Mã, được đến Hồ Trevi và ném tiền xuống với lời hứa sẽ quay lại đây cùng với những người bạn từ khắp nơi, điều thú vị là tôi lại đi ném đồng tiền Ringit, như vậy có lẽ tôi sẽ quay lại Rome với một anh chàng người Malaysia chăng. Ai biết được, đúng không?!

Tôi đã không có nhiều thời gian và tiền của để ăn pizza, spaghetti, pasta, và hàng trăm thứ khác đặc sản của người Ý, tôi cũng không thích vang, nên chỉ uống cầm chừng cho biết. Nhưng tôi hạnh phúc vì mỗi bữa ăn của tôi, tôi đã cùng ăn, cùng cười, cùng chia sẻ những phút giây ngắn ngủi và bình yên này với những người bạn mới quen.

Tôi vẫn luôn tin sống là một hành trình, cuộc hành trình không phải là lớn lên, đi làm, lập nghiệp, dựng vợ gả chồng, và già đi, rồi chết. Cuộc hành trình cũng không phải là đi đến những vùng đất mới như những chiến công và liệt kê vào danh sách tôi đã đến những nơi này. Cuộc hành trình cuộc đời, theo ý kiến riêng của tôi, chính là những giai đoạn của cuộc đời, bạn sống hết mình, trải nghiệm và phục vụ, gặp gỡ, ra đi để học hỏi, quay về để đền đáp. Chỉ những lúc ra đi thật xa, trải nghiệm thật nhiều, chúng ta mới biết ơn cuộc sống này, biết ơn những người đã yêu thương và tin tưởng chúng ta. Chỉ những lúc lang thang một mình trên những con phố xa lạ, nhìn những cánh cửa đóng chặt, chúng ta mới biết yêu hơn cánh cửa nhà mình, nơi luôn rộng mở chào đón chúng ta. Chỉ những lúc đứng trên một triền dốc xinh đẹp, nhìn những tán cây ô liu rung rinh, đón những làn gió lạnh phả vào mặt, chúng ta mới biết yêu hơn cuộc sống của mình, trân trọng những gì mình đang có, và phấn đấu cho những gì chúng ta chưa đạt được. Chỉ những lúc bạn tần ngần đứng trước một thứ thiết bị xa lạ, loạy hoay không biết dùng như thế nào, bạn mới biết khiêm tốn và nhìn nhận con người khiếm khuyết của mình, từ đó bạn sẽ biết giang rộng vòng tay với những người anh em cũng khiếm khuyết và bị gán mác “quê mùa”, vì bạn biết, ở một lĩnh vực nào đó, họ là chuyên gia, nhưng có những lĩnh vực khác, họ là hai lúa, tôi cũng vậy, bạn cũng vậy, chúng ta tất thảy đều như vậy.

Tôi mừng vì mình đã đến đây, làm việc cực lực mỗi ngày, và đã lớn lên. Cái cây tôi hình như đã cao lên được vài centimet khôn ngoan.

Tôi, hạnh phúc.

-Tâm Vũ-