Saturday, December 31, 2011

Đón năm mới

Năm mới sang là dịp để nhìn lại năm cũ, những gì đã đạt được và cả những gì chưa làm được, những thành quả và những thất bại, những cái có và những cái mất.

Ba năm gần đây mình không đón năm mới ở nhà, lớn rồi giống như có một sức hút kéo mình ra đường, kéo mình ra khỏi vòng tay cha mẹ. Tưởng vậy mà không phải vậy. Rồi khi những cuộc vui tàn, quẩy ba lô lên vai, con về với mẹ cha.

Năm 2009, mình bị hụt chuyến đi dự trại họp bạn HĐ Châu Á Thái Bình Dương ở Makiling, bỏ lở khối chuyện thú vị, để hưởng thụ đời sống trại đích thực cùng các anh em trong mảnh đất âm u Dĩ An. 12h00 đêm, trong lúc mọi nơi trên thế giới ngắm pháo hoa, anh em HĐ ngồi quanh ánh lửa thì thầm “chúc mừng năm mới”, điện thoại rung ầm ỉ những lời cầu chúc tốt lành, mọi người nhìn nhau cười xuề xoà, giờ này chắc ở Makiling đang có đại tiệc, ừ thì chúng mình cũng pạc-ti.

Năm 2010, quay lại Thái Lan lần thứ hai, lần này không ở Chiang Mai, lần này ở Chonburi. Cùng với hơn 7000 anh em Hướng Đạo từ Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan,…Lần đầu tiên mình được sống chìm ngập trong thứ tình huynh đệ HĐ ấm áp đến như vậy, được bắt tay trái và chào người anh em không cùng ngôn ngữ, được ôm mọi người và hét lên rằng “Happy New Year!”.

Năm 2011 kết thúc trên đỉnh cầu Ông Lãnh. Khởi đầu là một chuyến đi ăn chơi cùng “đồng bọn”, cố sức tìm đường không bị kẹt xe mà về, ấy vậy mà lại bị kẹt cứng ngắt ngay giữa cầu Ông Lãnh, cùng với vô số những người khác trầm trồ nhìn pháo hoa như thể trẻ con lần đầu trông thấy kẹo. Giữa những nụ cười đón chào năm mới, có ai để ý trước mặt có chiếc xe cứu thương đã bị mắc kẹt? Có chị y sĩ miệt mài chỉnh chai nước biển, ống tiêm, lọ thuốc, có anh thân nhân căng thẳng cầu nguyện cho mỗi cm chiếc xe nhích về phía trước. Tự dưng thấy có lỗi, hoá ra mình lại là một trong những tác nhân gây ra vụ kẹt xe kinh điển này. Trong phút giây đó, pháo hoa không còn đẹp nữa…

Một năm đã khép lại để một năm mới ùa về, vẫn còn rất nhiều phía trước những dự định, toan tính, vẫn còn đó dư âm của năm cũ, những sự kiện xảy đến vào những ngày cuối năm, vị ngọt của thành công và vị đắng chát của thất bạn. Có lần mình đọc ở đâu đấy rằng “Thất bại là mẹ thành công, nhưng thành công lại không nhận thất bại làm mẹ”. Thất bại hôm nay để ngẩn cao đầu chiến thắng ngày mai, nhé!

Chúc mừng năm mới cả nhà!

-Tâm Vũ-

Sunday, November 27, 2011

Cá bé nhỏ

Cũng lâu rồi, có lần tôi bắt gặp một nickname tên “Cá bé nhỏ” trên trang cá nhân của một người bạn. Tôi thường không mấy quan tâm đến tên một ai đó, nhưng không hiểu sao, tôi rất thích ba từ này, nó diễn tả một cách chính xác mỗi con người chúng ta trong cuộc đời này. Cuộc sống bao la và rộng lớn với vô vàn những sóng to gió lớn, những thử thách, cạm bẫy bủa vây, và mỗi chúng ta cũng giống như cá bé nhỏ đang chu du trong chính cuộc đời này. Có người sẽ hưởng thụ cuộc sống như chính bản chất của nó, có người sẽ tìm cách né tránh nó, lặn thật sâu để rồi chẳng bao giờ nhìn thấy mặt trời trên kia, cũng có người lúc nổi lúc chìm để lớn lên sau mỗi con sóng vùi.

Tôi vốn dĩ muốn viết gì đó về những người bạn đồng trang lứa, vì những ngày gần đây, nghe, đọc, thấy nhiều chuyện không vui, không hay, tự dưng cho phép mình kẻ cả được răng đe người khác, nhưng càng ngẫm nghĩ, là cá bé nhỏ, mình cũng chẳng dám bảo ban ai, cũng chỉ là viết đôi dòng cóp nhặt đây đó, một lời tâm sự, một lời sẻ chia từ một người trẻ đang từng ngày thu gom những vật dụng làm thành hành trang bước từ ao tù ra biển lớn. Cũng như ai, tôi cũng có những khát vọng, những hoài bão, những khắc khoải, không thiếu những tiếc nuối, hụt hẫng và lỗi lầm, nhưng trên hết, tôi biết mình muốn gì và tôi khao khát được thực hiện điều tôi muốn. Thế thôi.

Lúc trước tôi luôn tự hỏi vì sao trẻ con thường có nhiều mơ ước và thường xuyên thay đổi các mộng ước của mình, còn khi đã là người lớn thì lại kiên quyết theo đuổi một cái gì đó. Trước đây tôi không hiểu, nhưng giờ thì hiểu rồi. Trẻ con mơ nhiều và mọi giấc mơ trẻ con đều rất đẹp và trong sáng, bởi nếu mơ về tiền, trẻ con sẽ mong có nhiều tiền để giúp đỡ mọi người nghèo trên toàn thế giới; bởi nếu mơ về tình, trẻ con sẽ mơ mình có thể yêu thương được hết thảy mọi người; hay nếu mơ có sức mạnh phi thường, em sẽ mơ làm siêu nhân để bất cứ nơi nào cần, em sẽ bay đến giúp đỡ. Càng lớn lên, càng bị vùi dập, người lớn càng trở nên cay cú, và vụ lợi, nếu nghĩ về tiền, họ sẽ nghĩ mình phải mua nhà hay xe hơi; nếu nghĩ về tình, họ sẽ mong có trai xinh, gái đẹp vây quanh; nếu nghĩ về sức mạnh phi thường họ sẽ mong có thể quật ngã đối thủ – những thằng đáng ghét. Bản chất của cái “mơ ước” không xấu, nhưng chính vì con người chúng ta đổi thay, chúng ta cũng biến đổi cái tốt đẹp của mơ ước. Cũng từ những giấc mơ không lành, chúng là làm đời thêm bão táp.

Có lần, ai đó đã nói tôi nghe rằng “80% giới trẻ ngày này sống thiếu lý tưởng”, thoạt nghe thấy cũng bình thường. Vì lý tưởng là cái hoàn hảo, và giữa cuộc đời thị phi, làm gì có cái gọi là hoàn hảo, vậy nên lý tưởng cũng là ảo tưởng. Nhưng rồi mấy tháng gần đây, tôi có dịp gặp lại những người bạn cũ, những người ngày xưa tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ tiến xa, thì giờ đây họ lại đang đi con đường rất tươi sáng, những người bạn tôi vốn nghĩ họ là số dách thì lại đang tàn tàn đâu đó phía sau. Có người đổ lỗi cho số phận đưa đẩy, cũng có người đổ lỗi cho hoàn cảnh, cũng có người gãi đầu gãi tai tự hỏi “tôi sống để làm gì?”. Tự dưng tôi thấy tiếc vì nước nhà đang bị mất đi một nguồn lực đáng kể từ những người trẻ đáng ra xuất sắc này.

Thời buổi này, nếu bạn không gia nhập quân đội, hay chí ít là dân thích mạo hiểm, ham thích thám du, đi rừng, lặn lội về với thiên nhiên, thì khó có thể hình dung tầm quan trọng của chòm sao Bắc Đẩu. Tôi vốn rất tệ môn ngắm sao trong tất cả các kỹ năng nghề rừng, nhưng bao giờ tôi cũng thích ngắm chòm sao này, bởi có lần, giữa bầu trời đêm ngàn sao, giữa tiếng củi lửi lèo xèo, giữa sương đêm lành lạnh, một đàn anh đã nói với chúng tôi – những người trẻ hăm hở rằng “lý tưởng cũng giống như sao Bắc Đẩu của dân đi rừng, em không bao giờ có thể chạm tới, hay cầm nắm nó, nhưng thiếu nó, em sẽ lạc đường.” Lạc đường giữa chốn đô thị phố phường thì cũng thường thôi, nhưng phải thử cảm giác bị lạc giữa nơi núi rừng hoang vu, cỏ cao lút đầu, chim kêu vượn hú, đến lúc chiều tà mà vẫn chưa thấy đường ra, có thế bạn mới thấy hết tầm quan trọng của việc đi đúng đường và tìm được về đích.

Cuộc đời của mỗi chúng ta cũng vậy, cuộc đời mỗi người là một tấm bản đồ, tấm bản đồ này sẽ cho bạn thấy nơi khởi điểm và chính bạn sẽ chọn ra nơi mình đến và để đến đó bạn cũng phải tự vạch lấy lộ trình mình đi, bạn sẽ không thể tránh khỏi những lúc trèo đèo lội suối, những lúc gian nan hay sướng vui, bởi đó là một phần của cuộc hành trình. Nếu bạn tự vẽ ra quá nhiều đam mê, bạn sẽ thấy cuộc đời mình cứ loay hoay mãi mà không trọn vẹn, nếu bạn chẳng có lấy một đam mê nào rõ ràng, bạn sẽ thấy mình cứ chạy loanh quanh làm cái này cái kia mà không thể thoả mãn, cuộc đời bạn cứ có cảm giác vụn vỡ không thành. Cần phải có đủ thời gian để trái chín, cần phải có đủ nắng, đủ mưa để trái lớn, bạn cũng cần có đủ những va chạm để thấy được mình muốn gì, và phải có đủ gian nan cùng với hạnh phúc để hiểu được đó có thực sự là đích đến của đời mình.Và khi bạn biết rõ cuộc đời mình sẽ đi về đâu, hãy hăng say tiến về đích. Đừng làn nhàn, đừng tàn tàn. Hăng say, dấng thân đi!

Thế giới đang có hơn 7 tỉ người, nếu ai cũng có một lý tưởng sống cao đẹp, nếu ai cũng có tấm bản đồ trên tay, hẳn cuộc đời sẽ đẹp thêm nhiều, mọi người sẽ nhân ái hơn và trọn vẹn hơn, kiếp người.

Cá bé nhỏ bơi ra biển lớn, vùng vẫy và viên mãn, cá nhé!



-TâmVũ-


Tuesday, November 22, 2011

Tranh Luận - Dũ Lan LÊ ANH DŨNG

-Bài viết sưu tầm từ báo Công Giáo & Dân Tộc-

"Người ta thấy Thượng Đế mỗi ngày chỉ có điều họ không nhận ra Ngài - People see God everyday, they just don't recognize Him"
Pearl Bailey (nữ nghệ sĩ Mỹ, 1918 - 1990)



Đây là một chuyện tôi nghe :

Một vị giáo sư thách thức sinh viên trả lời câu hỏi này:

- Có phải Thượng Đế tạo ra mọi thứ đang hiện hữu?

Một sinh viên mạnh dạn đáp :

- Thưa thầy, đúng vậy.

- Nếu Thượng Đế tạo ra mọi thứ, vậy thì Thượng Đế cũng tạo ra tội ác, vì tội ác đang hiện hữu. Như thế, Thượng Đế ác chứ không thiện.

Trước lập luận này, sinh viên kia nín lặng. Vị giáo sư đắc chí, huênh hoang với cả lớp rằng ông đã chứng minh thuyết Thượng Đế sáng tạo vạn vật là một huyền thoại.

Một sinh viên khác bèn giơ tay :

- Em hỏi thầy một câu được không ạ?

- Mời anh.

- Thưa thầy, lạnh có hiện hữu không ạ?

- Sao lại không? Anh chưa bao giờ bị lạnh ư?

- Thưa thầy, thật ra lạnh không hiện hữu. Theo luật vật lý, cái mà chúng ta cho là lạnh thực sự là thiếu nhiệt. Không độ là tình trạng hoàn toàn không có nhiệt, khi đó cơ thể trơ ra và không thể phản ứng lại. Chúng ta tạo ra chữ "lạnh" để diễn tả trạng thái thiếu nhiệt. Cho nên lạnh không hiện hữu.

Sinh viên ấy lại hỏi :

- Thưa thầy, bóng tối có hiện hữu không?

- Ồ, hiển nhiên là có chứ!

- Thưa thầy, thật ra bóng tối không hiện hữu. Bóng tối chỉ là tình trạng không có ánh sáng. Chúng ta có thể nghiên cứu ánh sáng chứ không nghiên cứu được bóng tối. Chúng ta có thể dùng lăng trụ (prism) của Newton để tách ánh sáng trắng ra thành nhiều màu và nghiên cứu độ dài sóng (wavelengths) khác nhau của mỗi màu. Chúng ta đo được ánh sáng nhưng chúng ta không đo được bóng tối. Chúng ta tạo ra chữ "bóng tối" để diễn tả trạng thái không có ánh sáng.

Sinh viên ấy lại hỏi :
- Thưa thầy, tội ác có hiện hữu không?

- Thì tôi đã nói là có. Chúng ta vẫn thấy nó hàng ngày quanh ta, hình thức này hay hình thức khác.

- Thưa thầy, tội ác không hiện hữu, hay nói đúng hơn tội ác tự nó không có. Tội ác đơn giản chỉ là thiếu vắng Thượng Đế. Tương tự như lạnh và bóng tối, con người tạo ra chữ "tội ác" để gọi sự thiếu vắng Thượng Đế. Tội ác là hệ quả của những con tim thiếu vắng tình thương Thượng Đế. Nó giống như khi thiếu nhiệt thì ta bị lạnh, thiếu ánh sáng thì ta bị bóng tối bao phủ. Vậy, Thượng Đế không tạo ra tội ác. Thượng Đế là thiện.

Bà Chiểu, 18-7-2011


-sưutầm-

Thursday, November 17, 2011

Tản mạn chuyện cũ


Tốt nghiệp cấp ba, con nhớ mãi ngày con cầm tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời bước ra khỏi trường. Giây phút đó, mọi thứ chợt ngưng đọng, con háo hức bước vào đời quá, đến nỗi con chỉ kịp ngoái đầu nhìn lại sân trường ấy một tíc tắc. Trong phút giây đó, con thấy hành lang lớp học ồn ào những giờ ra chơi, con thấy sân trường đầy những mái đầu cắm cúi chép bài của nhau những buổi sáng thứ hai chào cờ, con thấy sợi dây kéo co bị giằng kéo trong tiếng reo hò cuồng nhiệt như World Cup đang diễn ra, con thấy con chó to lớn tên Na đang lừ lừ đi dạo trong trường, con thấy cây phượng trổ bông và con cũng thấy cuộc đời học trò mình vừa chính thức chấm dứt.

Con háo hức bước chân vào giảng đường đại học, với những tháng ngày nhàn nhã, không điểm danh, không kiểm tra miệng, không kiểm tra 15’, không kiểm tra một tiết, không chép phạt, không mời phụ huynh. Con làm chủ cuộc đời con. Con đường thênh thang trước mặt, con có toàn quyền bước đi, chạy nhảy, hay vấp ngã. Bỗng con thèm ghê gớm những buổi chiều quên chép phạt bị đuổi ra cửa lớp ngồi chép phạt khi nào xong mới được vào. Con thèm quá những buổi kiểm tra 15’ không báo trước, làm bọn học trò quỷ dáo dác lật tập trong hộc bàn. Con nhớ những buổi kiểm tra một tiết tập trung. Đẹp biết bao nhiêu, quãng đời đó!

Làm sinh viên, con cũng bon chen đi làm thêm kiếm chút tiền chi xài, nếm mùi đời, con chợt ao ước quay lại những ngày xưa, thà bị thầy cô la rầy còn hơn bị khách hàng rủa sả, thà bị bạn bè cóp pi bài còn hơn bị đồng nghiệp giành khách, thà ra về muộn để được học thêm kiến thức mới còn hơn phải làm tăng ca mà không được thêm tiền. Cuộc đời khắc nghiệt quá, con nhớ những ngày bình yên dưới mái trường cũ. Biết sao được, con đò nhỏ cập bến mất rồi, con đã đặt chân lên bờ bên này rồi.

Ngày nhà giáo lại sắp đến, xôn xao khắp phố phường cả mấy tuần nay là những cuộc thi viết về thầy cô, tri ân những người khai sáng, người lái đò thầm lặng…Con biết viết gì về thầy cô đây? Nếu chỉ là giấy và chữ làm sao con có thể kể hết cho người đời nghe về những con người tuyệt vời đã tặng con chữ? Những người âm thầm cho con kiến thức, để ngày con bước vào đời không bị thua thiệt? Nếu biết những gì thầy cô dạy con ngày đó, là bệ phóng của con tàu ước mơ, để giờ đây con tàu bay cao, bay xa, thầy cô có vui không?

Con mong nền giáo dục Việt Nam gỡ bớt những áp lực trên đôi vai vốn hao gầy của thầy cô, để thầy cô có thể bước lên bục giảng với tất cả niềm hăng say mà không phải lo lắng về thành tích, dự giờ, thi đua vớ vẩn.

Con mong quốc hội Việt Nam sẽ suy xét tăng lương cho nhà giáo, để thầy cô có thể đi dạy tận tâm, tận lực dạy dỗ học trò mà không phải lo nghĩ chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

Con mong thế hệ giáo viên trẻ tốt nghiệp ra trường, sẽ bước lên bục giảng với bầu nghiệt huyết sôi sục, với tấm lòng yêu thương học sinh chân thành, và làm tròn sứ mạng trao truyền tri thức.

Con mong lớp đàn em con biết kính trọng, yêu mến và trân quý thầy cô bởi thầy cô xứng đáng nhận được hơn cả những thứ như thế, và bởi thầy cô đã dành cuộc đời mình để thắp sáng biết bao nhiêu cuộc đời khác.

Nếu có thể được, cho con … xin một vé đi tuổi thơ*!

-Tâm Vũ-

*Mượn tựa một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Sunday, October 9, 2011

Lãn đãn


Gửi mây, gửi gió, gửi cánh chim mỏi

Vẽ mây, vẽ nước, vẽ cá bé nhỏ

Ngắm núi, ngắm sông, ngắm đời bạc bẽo

Hít vào, thở ra ta ướp đời này.

09/10/2011

-DạKhắc-

Friday, September 30, 2011

Răng và mẹ


Ban đầu đó là mũi thuốc tê, cảm giác cây kim ngoáy sâu vào nướu bạn, toàn cơ thể căng cứng vì lo lắng, 5 giây sâu, thuốc bắt đầu phát huy tác dụng, bạn dần dần mất cảm giác cục bộ, khẽ đưa tay lên sờ vào má, tê rần rần, cứ như đang rờ phải mặt của ai đó, lạ!

45 phút, bạn nằm há họng cho người ta chọt chọt, khoan khoan đục đục, rồi lại kéo, giật, rồi tiếng máy hút nước bọt, rồi vị mặn và tanh nồng của máu, vị mằn mặn thuốc của cái chất nước muối màu nâu mà mỗi lần khoan thì phải xịt thẳng vào mũi khoan.

Tất cả diễn ra ngay khi bạn hoàn toàn tỉnh táo, bạn hoàn toàn thấy được người ta đang làm gì trong miệng mình. Bạn tự nhủ, ta không sợ, nhưng cơ thể thì căng cứng, tay bạn bấu chặt cái điện thoại trong tay.

Đó là hành trình lấy đi một cái răng trong miệng bạn, 45 phút, khoa học tiến bộ, cho bạn mấy chục mililít thuốc tê, rồi thuốc giảm đau, để giảm thiểu tối đa sự đau của bạn. Bạn than thở với bất cứ ai bạn gặp. Mọi người lo lắng hỏi thăm, bạn hỉ hả trong lòng vì ít ra bạn bè còn quan tâm tới bạn, và bạn lại ca bài ca con cá “úi chà, thì đau lắm, đau không tả nổi đâu, nhưng không thành vấn đề với tớ”, bạn cười trong bụng, chắc hẳn mọi người thán phục mình lắm đây. Gớm! Can đảm chưa!

Nằm vắt tay lên trán, bạn nghĩ về mẹ, khi sinh bạn ra, hẳn mẹ đã chẳng có lấy 1 mililít thuốc tê để bớt đau hơn. Cuộc vượt cạn của mẹ chắc rằng phải dài hơn 45 phút cỏn con của bạn. Lượng máu mẹ mất đi chắc phải tính bằng lít, phải lau bằng giẻ chứ chẳng phải bông gòn như bạn, và hẳn ngày mẹ sinh bạn ra, mẹ đã chẳng có nhiều người để than thở, vì hẳn mọi người sẽ săm soi bạn, nựng nịu bạn, bế bồng bạn, còn mẹ chỉ câm lặng nằm trong mệt mỏi, tủi thân. Và bạn nhận ra, mẹ can đảm và vĩ đại hơn bạn trăm ngàn lần. Da này, thịt này, bạn vẫn còn nợ mẹ.

Ngồi ăn chén cháo nóng mà mẹ vừa nấu xong bạn xuýt xoa nhăn nhó, rên rỉ, mẹ ngồi kề bên vuốt tóc bạn, làm nước cam rồi xoa lưng bạn, mẹ ủi an, rồi sẽ khỏi, mẹ chạy lên lầu lấy thuốc giảm đau cho bạn uống. Mẹ xót xa, bạn xót xa.

Xót dáng mẹ hao mòn theo tháng năm, xót mình vẫn chưa làm được gì cho mẹ, rồi bạn bật khóc, cái hàm không làm bạn đau nữa, nét thời gian hằn trên đuôi mắt mẹ làm bạn đau, đau khủng khiếp. Có thuốc giảm đau nào cho cái đau này chăng?

Đôi tay mẹ, gầy gầy, xương xương. Thương quá!


-TâmVũ-

Friday, September 16, 2011

Ông nội



Những ngày này tôi cảm thấy bị thôi thúc phải viết gì đó. Ban đầu đó là một làn sóng nhẹ nhàng, lăn tăn. Sau đó, nó trở nên dữ dội và bức bối. Tất cả những hình ảnh tôi thấy, tất cả những đoạn đường tôi đi qua, những góc nhà, những cành cây ngọn cỏ đều tạo cho tôi một cảm giác như thể tôi đang dư ra rất nhiều cảm xúc.
Cảm giác này quay cuồng suốt cả tuần lễ cho đến chiều hôm qua, khi tình cờ trên đường đi học về, tôi bắt gặp một tấm bảng quảng cáo của một cửa hàng bán chăn nệm. Tấm bảng ghi rằng “Nệm xơ dừa lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam”. Thoạt tiên tôi thấy buồn cười vì biết rằng nệm xơ dừa vốn có từ lâu ít nhât cũng phải hơn ba năm, vì những ngày cuối đời của nội tôi, ông đã đề nghị mẹ mua cho ông một tấm nệm xơ dừa, và những ngày đó cách nay đã ba năm.
Chuyên bắt đầu từ những tấm nệm xơ dừa làm tôi nhớ khôn nguôi ông nội tôi. Tôi đã có mười tám năm sống chung với ông dưới một mái nhà, được bước cùng ông những tháng ngày cuối cùng, được thức chông mắt với ông trong những đêm dài đau đớn. Tạ ơn Chúa vì những ngày tháng ít ỏi với hình ảnh vô cùng kiên cường của ông nội.

Ông tôi có một tuổi thơ bình yên với gia đình thôn dã, lớn lên làm việc tại ngân hàng và có gia đình. Cuộc sống sẽ rất đẹp nếu như biến cố năm 1975 không xảy ra và nội không bị thôi việc ở ngân hàng. Trải dài sau đó là một cuộc đời bất đắc chí, chìm đắm trong rượu chè, và cũng tạ ơn Chúa, mặc cho bao nhiêu rượu nội tôi ngập mình trong đó, nội tôi chưa một lần ruồng rẫy con cái, vẫn đều đặn đi làm mang tiền về nuôi cả gia đình, vẫn chở ba tôi đi học, vẫn đưa các cô tôi tới trường, vẫn là một người cha, người chồng, dù chưa hoàn hảo.
Rồi ung thư, ung thư đánh thức ông khỏi cơn mê của rượu. Sau lần mổ đầu tiên, ông không được uống rượu nữa, hoá trị, xạ trị, thuốc men, bào mòn con người ông, người đã gồng gánh cả gia đình trong suốt mấy mươi năm. Ngồi trên xe, ba tôi chở ông đi xạ trị hàng tháng, vài tuần lại vào hoá chất. Sức khoẻ không còn, rượu bia không uống, mặc cảm dựa dẫm con cái, nội tôi hiền như bột, suốt ngày đọc sách, nghe đài và xem phim, thỉnh thoảng nổi nóng vì bế tắc, hụt hẫng. Thời điểm đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu ông, mỗi lần như vậy, tôi chép miệng và lãng tránh.
Ông nội chưa từng lên tiếng đòi hỏi phải có cháu trai nối dõi tông đường, nhưng chưa một lần bế bồng ba đứa cháu gái, tôi ngầm hiểu ra, có lẽ, nếu một trong ba chị em tôi là con trai, chắc ông nội sẽ vui vẻ và thương tụi tôi hơn nhiều. Tôi chưa từng nhận ra ông nội thương tụi tôi biết dường nào, cho đến khi thời gian ông ở với chúng tôi chỉ còn được tính bằng ngày, bằng phút, từng tích tắc của đồng hồ.
Ung thư tái phát sau tám năm ngủ yên, nó sinh sôi, di căn nhanh hơn bất cứ thứ bệnh tật nào. Đó là một buổi chiều Chúa Nhật, khi tôi và mẹ đi dự tĩnh tâm về, cả nhà đang nháo nhào cả lên, đó là lần đầu tiên sau tám năm, ông nội đã không thể kiểm soát cơ thể mình. Kể từ ngày hôm đó, lúc nào bên cạnh ông cũng phải có người, bất kể ngày đêm.
Không thấy đường, không thể ăn, không thể tự ngồi dậy, không thể đi tiêu tiểu, không nghe được, không nói nổi và cuối cùng là ông không thể thở được. Ông ra đi vào một buổi sáng thư tư, gần một năm nằm gục trên giường, dù đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng cả gia đình tôi gần như khuỵ ngã vào ngày hôm đó. Một cú đánh choáng váng. Đó là lần đầu tiên tôi khóc khi chạy xe ngoài đường, một cảm giác bàng hoàng khi nhận được điện thoại báo “ông nội mất, về gấp”. Tôi không chắc bạn hiểu rõ cảm giác này, nhưng đó là một thứ cảm giác rất kinh khủng, khi bạn biết rằng, trong lúc bạn sống, có một người mất đi, và khi bạn về nhà, bạn nhận ra rằng người mất đi đó là người thân của bạn, bạn ước rằng bạn đã nói với người thân đó bạn yêu họ biết dường nào. Và bạn cũng ước rằng, trong cái chớp mắt cuối cùng, bạn nằm trong tâm trí của người ấy.
Bằng cách nào đó rất đặc biệt, ông đã đánh dấu vào lòng chúng tôi một dấu vết không thể xoá nhoà, không thể quên lãng, không thể gạt đi. Bình dị.
Ba năm, phòng nội đã bỏ trống ba năm.
Tôi chợt nhận ra, sự giục giã mà tôi gặp phải những ngày gần đây là vì tôi nhớ nội quá!
-Tâm Vũ-

----

Sắp tới đám giỗ của nội, nhớ ông nội quá.
Nhớ hồi xưa ông nội hay làm cà phê, ông nội cố ý làm 1 ly thật đầy để uống nửa ly cho con nửa ly.
Nhớ hồi xưa ông nội hay coi phim tàu kiếm hiệp rồi kêu con qua cắt nghĩa.
Nhớ tủ sách cổ của ông nội với sách nào sách nấy vàng khè đụng vô sợ gãy giấy.
Nhớ món cơm chiên nước mắm của ông nội.
Nhớ những lúc còn khoẻ ông nội hay đạp xe đi mua báo, mua cây kiểng, mua phân về trồng.
Nhớ ông nội quý cây cau trên sân thượng nên mua tôn về cắt rào xung quanh chậu để khỏi trôi đất, từ ngày con té vào tôn may hết 4 mũi nội dẹp luôn tấm tôn, cứ vài tháng lại đi mua đất thêm vào.
Ông nội nóng nảy và hay la, ông nội ít thể hiện tình cảm và ít cười, ông nội có mùi thuốc lá và mùi của người già, nhưng ông nội luôn thầm lặng yêu thương, và vì ông nội là ông nội con...
Mèn ơi, con nhớ ông nội quá trời.

09/09/2013 

Friday, September 9, 2011

Lang thang



Mở máy, tính lên mạng tìm vài bài tiếng Anh đọc để khỏi bị mai một cái vốn tiếng Anh vốn dĩ đã chẳng có bao nhiêu, thế rồi không thể không vào kiểm tra cái “phây bút”, vào rồi không thể không ghé thăm người này người kia. Vài tấm hình mới bạn cập nhật…những chuyến đi, bạn làm ta chồn chân mỏi gối.

Ta nhớ những chuyến đi của mình, những ngày cắp balô rời nhà từ sáng sớm, trước khi đi ghé qua phòng ba mẹ và hai chị, có chút bồi hồi cứ như ta sẽ không bao giờ quay lại. Đó là thói quen, bởi ta muốn hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm trí phải luôn là gia đình, là người ta thương yêu vô hạn.

Ta nhớ những làn sương sớm thong thả đậu trên tóc, trên mặt vào những buổi sớm đứng xếp gậy điểm danh, trong lành vô cùng. Ta ước cuộc đời cũng có những bước đi bình dị như vậy, chứ đừng vội vã người lướt người rồi bỏ quên nhau.

Ta nhớ những chuyến xe lộng gió chở tiếng cười, tiếng hát của em, rộn ràng lắm, xe đi đến đâu cũng rộn rã cả góc đường, mãi mãi sau này, ta biết rằng sẽ chẳng thế có những chuyến xe nào có thể rộn ràng suốt cả cuộc hành trình mà không nghỉ như vậy, chỉ có chuyến xe chở niềm vui của em là thế thôi.

Ta thèm tuổi trẻ được lang thang trên khắp nẻo đường đất nước, được thấy người dân ta chân chất, thật thà lắm chứ, được đón mời bằng những nụ cười trẻ thơ lẩn giữa cánh đồng xanh thấp thoáng cánh cò. Là quê hương ta đó!

Ta thèm thả tuổi trẻ rong ruổi trên những con đường quê hương, để góp nhặt đây đó những bài học không thể tìm thấy nơi sách vở. Nơi những bài học được rút ra từ mồ hôi ông cha, từ cái cây ngọn cỏ, từ nắm đất, biển xanh. Đó là thứ tuổi trẻ cần phải học.

Ta thèm tuổi trẻ rong chơi nơi xứ người, để từ khắp bốn phương trời và muôn lối đi trong đời mọi người tề tựu trong tình anh em hiệp nhất, nơi có thể con người ta không nói cùng ngôn ngữ, không cùng chia sẻ một niềm tin, không cùng bản sắc văn hoá vẫn có thể nắm tay nhận nhau là anh em. Tuổi trẻ phải được bồi đắp trong thứ ánh sáng như thế thì thế giới này mới có thể tốt đẹp hơn.

Ta quay về với ngôi nhà nhỏ và căn phòng chật hẹp, nung nấu một ý chí, ước mơ, hoài bão. Ta chọn cho mình một lý tưởng sống, ta bơi ngược dòng, ta cảm thấy khó khăn quá, vì có ai đó đã cười ta dại dột “những thằng bơi ngược dòng là những thằng hay chết đuối”. Ta mặc kệ, bởi ta biết nếu xuôi theo dòng nước, tất thảy rồi sẽ rơi xuống thác cao mà tan xác.

Ta quay về với em ta, nhận những nụ cười trong sáng làm động lực cố gắng, lấy những mơ ước của em làm khí cụ chiến đấu, ta quyết biến cuộc chơi thành trò chơi có mục đích cho trẻ nhỏ.

Ta quay về với cuộc đời thực, nơi quá nhiều những điều dang dở cần hoàn tất. Sẽ mất rất nhiều thời gian để làm cho xong cái này cái kia, và thời gian đâu có chờ, tuổi xuân đâu có đợi, ta phải làm thôi, gác những chuyến đi lại, không phải là lúc để lang thang vô định nữa rồi…

Lang thang…chờ đấy!


-Viết trong một ngày nghe quá nhiều những bài hát du ca. Trong bài, tôi có mượn vài chữ của mấy bài du ca quen thuộc.-
Tâm Vũ

Wednesday, August 24, 2011

Giang Hồ - Phạm Hữu Quang


-Đã có thời mê mẩn bài thơ này, bởi cái cảnh và cái tình bài thơ rất giống ý mình. Bẵn đi một thời gian dài, cũng phải hai hay ba năm chứ chẳng ít, mình quên khuấy đi mất là trên đời có bài thơ tếu táo đến thế. Hôm nay tự nhiên lục lọi lại trí nhớ, phát hiện ra hai câu thơ mình thích nhất (in đậm), vậy là đọc lại cả bài thơ. Lại mê!-




Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với...giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang Hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu...

Giang hồ ta chẳng thay áo ráng
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng ngay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.

[Phạm Hữu Quang]

Saturday, August 20, 2011

Thư gửi em sắp sửa làm thiếu sinh

Gửi em tân thiếu sinh nhỏ bé, bước qua khỏi cây cầu này, em sẽ được kiệu đi như một nhà quý tộc, đằng sau lưng em là những tháng ngày tươi đẹp của tuổi thơ ấu, là akéla của em, là đàn của em, là bạn bè của em, là khung trời nhiều trẻ thơ mơ ước. Khung trời đó là những ngày tháng nhảy múa bên nhau, là tiếng rống lớn, là hội đồng trăng, là tô màu, là những lần được Sói già chăm chút thương yêu. Em sẽ nhớ những đêm trong chiếc lều bung ấm áp, những khoảng đất đẹp nhất và những bữa ăn được dọn sẵn, những buổi lửa trại được ưu tiên diễn trước. Em sẽ nhớ rất nhiều những điều tươi đẹp đó! Đừng vội quên em nhé, vì đó là một phần thân thương của tuổi thần tiên.

Em bước qua cây cầu thử thách, những chiếc khăn xanh chào đón em, trước mắt em là một khoảng trời mới mẻ, là thiếu đoàn của em, là đội của em, đội trưởng của em, là những tháng ngày…vui khủng khiếp đang chờ đón. Trong khoảng trời mênh mông đó, em sẽ được chơi với tất cả sức trẻ của mình, em sẽ chạy, em sẽ nhảy, em sẽ bò, em sẽ trườn, em sẽ hát, em sẽ la, và em sẽ có tiếng kêu đội, mỗi đội kêu một kiểu nhé! Rồi em sẽ thấy những đêm dưới bầu trời sao, đúng nghĩa khách sạn ngàn sao, là gió thông thốc vào từng khe lều, mà khe thì bao la, em sẽ trải nghiệm cảm giác đói kinh khủng vì hoả đầu quân lui cui mãi vẫn chưa xong bữa cơm đội, em sẽ phải chờ đợi hồi hộp để đến phiên đội mình diễn văn nghệ lửa trại, và khi sáng dậy, em sẽ hấp tấp dấm dúi mấy bộ đồ phơi ngoài dây đem dấu vì các trưởng đang đi thăm lều. Khoảng trời đó là trò chơi lớn, là trò chơi thi đua, là trò chơi vòng tròn, sẽ có xây xát, sẽ có trầy trụa, và thiếu trưởng em sẽ giả lơ đó!

Gửi em tân thiếu sinh nhỏ bé, bóng dáng em rụt rè trông thật thương quá, nụ cười em méo xệch trong làn nước mắt lã chã rơi, tôi hiểu em yêu dấu biết bao nhiêu khung kỷ niệm em vừa bỏ lại sau lưng, thôi nhé, lớn rồi! Em đã đi một chặng đường rất dài cùng Akéla của em, cùng Baloo, cùng Bagheraa, hẳn em đã săn được rất nhiều mồi ngon, tôi đoan chắc rằng em đã cắn giập rất nhiều mẩu xương và hút được tuỷ. Hành trang của em, hẳn sẽ rất hoành tráng, vì em là Sói Con lên đoàn cơ mà!

Ở thiếu đoàn sẽ rất khác, em phải làm người lớn, và làm người lớn thì rất khó, và sẽ càng khó hơn nữa vì xung quanh em cũng toàn những người học làm người lớn giỏi. Nhưng tôi hứa với em rằng, những tháng ngày trước mắt em sẽ rất vui, vì không chỉ thiếu trưởng em, mà cả đội trưởng và các bạn trong đội của em nữa, sẽ chỉ cho em thấy rất nhiều điều mới mẻ, những điều mới mẻ theo cái cách rất khác mà em vốn được biết. Tôi cá em sẽ ghiền những đêm thậm thụt rọi đèn pin kể chuyện ma trên trại, rồi hét toáng lên khi thấy bóng dáng thiếu trưởng từ đàng xa. Tôi cá em sẽ rất thích những phiên canh trại buổi đêm, cái cảm giác mình đang làm điều thiêng liêng : canh giấc cho mọi người. Tôi cá em sẽ mê tít cái trò hát hò trên xe, cái trò không bao giờ kết thúc cho đến khi tới đất trại, cái trò có tính sát thương cổ họng của em rất cao. Tôi cá em sẽ cố gắng hết sức tạo ra càng nhiều nhọ nồi càng tốt để tới buổi trại cuối em sẽ mang ra trét lên mặt các bạn. Và tôi cũng cá em sẽ mê nhiều thứ khác nữa! Là thiếu đoàn đấy, là những chiếc khăn xanh đang vẫy vẫy em kìa!

Còn rất nhiều những điều hay ho khác mà tôi rất muốn mang ra khoe em, còn vô khối những trò hay khủng khiếp khác mà em cần phải nghe qua. Nhưng thôi, tôi để em tự khám phá ra những cái đó! Bóng dáng em nhỏ bé, khép nép bên Akéla không muốn rời, tôi tự hỏi, tới ngày em rời tôi, em có khép nép vậy chăng? Chắc sẽ không, không đâu nhỉ, các cựu thiếu sinh?!

Chào em, em tân thiếu sinh! Ngành thiếu chào đón em, tinh hoa của phong trào!

-HNTT-

Wednesday, August 17, 2011

KẺ ĐI

Lại một kẻ nữa đi mà ta không tiễn

Bối rối trong lòng, một thoáng buồn

Rồi bỗng nhận ra ta đã rầu hơn thế

Bởi mất đi một chút, một khoảnh tình bạn

Kẻ đi rồi cũng chẳng làm được gì nữa

Chúc kẻ ấy sớm ổn định và thành công

Sẽ quay về khi thời gian chín muồi

Hứa sẽ lại dẫn kẻ ấy ăn chơi

Sẽ lại chở kẻ ấy vi vu đâu đó

Như cái thời vẫn còn chung mái trường.

Nói vậy thôi chứ thoi thóp trong lòng

Buồn lắm đấy!

17/08/2011

-Dạ Khắc-

Wednesday, July 27, 2011

Daddy

Got this from my young brother from Thailand. Would say thank you to Sorranin.
Daddy is the only man in this world dare to use his life for your well-being.
Love.


Friday, July 1, 2011

Ngày mưa


Đầu tiên là ướt, cái ướt len lỏi vào từng thớ vải, rồi từng ngóc ngách của cơ thể. Cái ấm của thân nhiệt giảm dần để cân bằng với cái lạnh của mưa và gió. Ướt, ướt từ mặt, nước loang xuống cổ, hai tay rồi hai chân, áo và quần. Ướt sũng.

Kế đến là lạnh. Bất giác rùng mình như một hành động vô thức để làm ấm người. Lạnh xốn xao, lạnh tới mức có cảm giác như tay đã bị đông cứng lại. Theo từng hồi gió, lại càng lạnh hơn nữa. Chạy chầm chậm với hy vọng sẽ ít thấy lạnh hơn nếu mình chạy chậm.

Rồi cóng. Gió không nhẹ đi chỉ vì mình lạnh. Từng chập gió quất làm mưa có vẻ nặng hạt hơn. Xe chao đảo. Lạnh và cóng.

Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi mới lại đi về dưới mưa. Chẳng biết từ bao giờ tôi không còn thích mưa, chẳng biết từ lúc nào, những tình tiết lãng mạn có mưa trong phim hay trong tiểu thuyết đã làm tôi cảm thấy lãng xẹt. Tôi ghét bị ướt. Ghét cái cảm giác áo quần trở nên nặng trịch, ghét cái cảm giác quần áo cứ dính chặt vào người, và ghét bị lạnh. Nhưng rồi chiều nay, tôi lại lãng xẹt chọn cách bỏ hết những thứ lỉnh kỉnh trong túi quần vào ba lô rồi cho ba lô vào bao nilon để chống ướt và rồ xe chạy về trong mưa.

Bạn chớ vội tưởng tôi khoái đóng phim tình cảm lãng mạn, hay muốn chơi trội, chẳng qua bởi vì tôi đang có chút việc bận cần phải chạy về gấp, không thể chần chừ. Nhưng quả thật, cơ hội chạy về trong mưa này, đã kéo bao nhiêu kỷ niệm về lại suốt chặng đường về nhà. Những kỷ niệm nhỏ bé, thân thương mà tôi đã quên mất, bỗng dưng rõ ràng và đáng yêu quá.

Ngày tôi còn nhỏ, xóm nhà tôi chưa khang trang được như bây giờ, những cống và rãnh thường xuyên bị tắt nghẽn và chảy nước rất chậm, vì vậy cứ mỗi lần mưa lớn như chiều nay, xóm lại ngập và bọn trẻ con chúng tôi lại có dịp xếp thuyền giấy từ những cuốn tập cũ và thả đi, bởi chúng tôi tin rằng thuyền sẽ theo nước ra sông rồi ra biển, sẽ chở ước mơ của chúng tôi đến những phương trời xa, và càng nhiều những chiếc thuyền chúng tôi xếp, thì khả năng ước mơ thành hiện thực sẽ lớn hơn và lớn tới mức thành sự thật. Mưa mang mơ ước bé con đi xa.

Hồi tôi còn nhỏ, mẹ làm việc ở làng SOS Thủ Đức, thỉnh thoảng vào những dịp nghỉ hè, mẹ hay chở tôi lên làng chơi. Trong khi cả ngày mẹ làm việc cùng các bác, thì tôi được chạy lăng quăng qua các nhà, nhà mẹ Cúc, nhà mẹ Quốc, chơi với các anh, các chị, có cả các bạn bằng tuổi và các em nhỏ tuổi hơn nữa. Rồi chúng tôi được ra cả hồ bơi, hay ghé qua chỗ cô Hạnh ngồi tô màu vẽ tranh. Xong việc mẹ chở về, trên chiếc xe cup 50 cũ kỹ, tôi ngồi trong lòng mẹ, trong lòng chiếc áo mưa nhìn mặt đường trôi tuột cố đoán xem mình đang ở đoạn nào, bao lâu sẽ về tới nhà. Mưa là mùi thơm dịu dàng của lòng mẹ, là bàn tay mẹ thỉnh thoảng thò vào chụp lấy tay tôi và những mặt đường ướt át.

Cũng khoảng thời gian tôi còn nhỏ, ba tôi khi ấy buổi sáng đi làm ở bệnh viện, buổi chiều ba ở nhà tới bốn giờ chiều mới đi làm phòng mạch tới tối, nên tuổi thơ của tôi luôn có hình ảnh của ba. Ba ăn trưa, ba ngủ trưa, ba dạy học, ba giặt đồ, ba trả bài và ba tắm mưa. Ba tôi lớn lên trong gia đình đông anh em, tuổi thơ ba trải dài trên những con phố cũ trước giải phóng, những ngày hè ở Gò Công chăn trâu thả diều. Nên khi tôi được sinh ra, ba cũng muốn tôi có một tuổi thơ đáng nhớ như vậy. Vì thế ba chỉ cho tôi cách tắm mưa. Không thường đâu nhé! Tắm mưa theo kiểu bác sĩ đảm bảo bạn sẽ không bệnh, vả chăng có bệnh thì cũng được chữa ngay, con gái bác sĩ mà lị! Ngày nhỏ, tôi thích tắm mưa lắm, nhưng chỉ được tắm khi có ba ở nhà thôi. Vì vậy, vô hình chung, mưa luôn gợi tôi nhớ hình ảnh của ba ngày nào…

Rồi tôi lớn lên, xóm tôi sửa sang đi, con đường đất đá ngày nào thành đường xi măng, cái cống tạm bợ giờ được lắp miệng và đục lỗ hẳn hoi, mưa không còn ngập nữa, trừ phi tụi nhỏ chúng tôi lén lấy lá khế lấp cho miệng cống bị bít thì mới ngập. Nhưng rồi chuyện học hành, trường lớp làm tôi quên mất những trận mưa, lá rụng đầy sân cũng chẳng đứa nào buổn lụm lại mà lấp cống. Mỗi lần mưa là lại chạy huỳnh huỵch lên sân thượng lấy quần áo vào không thôi lại ướt. Mưa trở nên xa xỉ.

Tôi đi Hướng Đạo, những ngày trại vui nhất là những ngày trại có mưa, là thử thách hữu hiệu cho sự sắp sẵn của bọn nhỏ chúng tôi. Lúc nào quần áo trong ba lô cũng được gói trong túi nilon nên miễn đừng dìm vào biển thì sẽ chẳng ướt. Những ngày ở tráng, cũng có lúc mưa gió, chúng tôi phải phơi mình trong mưa cố sức giăng cho được tấm bạc che mưa cho các em Sói Con, hay dù mưa thì vẫn phải cố mà làm cho xong một công trình trò chơi lớn để kịp cho các em chơi. Những lúc như vậy thật vui, vì dù mưa to gió lớn, bạn sẽ không cảm thấy cực nhọc hay cô độc, cứ nhìn quanh xem, những người huynh đệ cũng đang cùng bạn gồng gánh. Và khi tôi không còn đeo màu khăn đỏ, mỗi lần mưa là mỗi lần mặc áo mưa đi thăm lều các em, các em có ổn không, lều có dột không, có cần hỗ trợ không. Hay những đêm đang ngủ thì trời mưa, lật đật bật dậy, tay đèn pin tay lùa các em vào chòi trú mưa. Dỗ dành giấc ngủ em, ta thấy cuộc đời rộng lớn vô chừng, hạnh phúc là được sống giữa thiên nhiên, cảm nhận thiên nhiên đổi thay. Mưa mang mùi Hướng Đạo về.

Ngày chị đi trời cũng mưa lất phất, đó là một ngày tháng mười một, phi trường đông người, chị nắm tay tôi trao phó thiếu đoàn. Chúng tôi chia tay đúng kiểu Hướng Đạo tại sân bay, rồi chị đi, tôi sẽ không bao giờ quên được tấm lưng nhỏ nhắn của người chị, người bạn, người đã âm thầm nhìn tôi lớn lên từ phương trời xa xôi. Mưa làm tôi nhớ chị, nhớ lời hứa không trọn vẹn của chị.

Thời gian trôi nhanh đúng như thoi đưa. Mọi thứ đổi thay, vật chuyển sao dời. Tôi tốt nghiệp cấp ba, tôi vào đại học, tôi học đại học, tôi được đi đây đi đó, những chuyến đi ngắn, những chuyến đi dài, những chuyện này nọ làm tôi quên đi mất niềm vui được đầm mình trong mưa. Mưa trở nên vô duyên, nhớp nháp và làm mất sức. Tôi tránh né mưa, mỗi lần mưa tôi chỉ muốn yên thân trong nhà, cầm tách trà nóng nhâm nhi đọc sách, hay trùm mền ngủ cho sướng. Tôi quên mất đã từng có thời mưa mang lại những niềm vui nhỏ nhoi.

Hôm nay mưa, lạnh, bệnh và rất nhiều kỷ niệm chảy về. Mưa của ước mơ tuổi nhỏ. Mưa của mẹ và làng SOS Thủ Đức. Mưa của ba vào những buổi chiều sớm. Mưa của anh em Bách Hợp. Mưa của chị. Và mưa của tôi.

Viết cho một ngày mưa.

-Tâm Vũ-

Monday, June 20, 2011

Bạn đi



-Cho ngày bạn đi ta ko tiễn

Bồn chồn phòng thi, bạn phi trường

Mong ngày tái ngộ, bạn đã xa-

.

Nghẹn ngào chấp chới chim di trú

Phi trường nhộn nhịp cảnh biệt li.

Thủ tục trên tay, em đã sẵn

Ngỏanh đầu nhìn lại, bạn thân đâu?!

Một nấc, hai nấc, cửa máy bay

Đường băng heo hút, bạn đâu rồi?

Chân chì thoăn thoắt con đường mới

Nặng lòng ai nhớ, nhớ chuyện xưa

Xưa kia bạn hứa luôn bên mình

Giờ này bạn đó, em đây, cảnh li biệt

Chao mình giữa trời, con chim sắt

Đồng xanh, trâu trắng, nhìn lần cuối

Vẫy chào quê hương, ta chia tay…

9/7/2008


[Bài thơ này tìm thấy khi tôi đang dọn dẹp lại máy tính. Viết đã lâu cho một người bạn. Vì ngày bạn đi tôi không thể đi tiễn. Mãi tới giờ người ấy vẫn chưa về. Chút kỷ niệm, mang ra gửi lại người đó. Mong bạn vui.]

Tuesday, May 31, 2011

Giấc mơ của anh



Lặng lẽ chất cây củi cuối cùng vào đống lửa sắp tàn, giữa trời biển mênh mông, tôi kể mọi người nghe câu chuyện về giấc mơ bị bỏ dở của anh, một người đã chọn cách từ bỏ, không thể đi tiếp con đường của mình.

Anh sinh ra mồ côi cha mẹ, anh lớn lên trong sự bao bọc, dưỡng dục của bà nội, người phụ nữ cằn cỗi hết mực yêu thương anh, bà thương đứa cháu không cha không mẹ, thiệt thòi đủ thứ, vì vậy bà cho anh thứ tình thương vô bờ bến chỉ mong ngày bà nhắm mắt xuôi tay, anh đã có một cuộc sống tốt đẹp.

Anh lớn lên với mặc cảm của thằng con côi cút, anh lăn lộn ra khỏi vòng tay của bà, anh ngạo nghễ nhìn đời, đời đã không cho anh được có cha có mẹ, đời đã tướt của anh khối yêu thương to lớn, vậy thì anh, anh đứng trên đôi chân của mình mà đội trời, thách thức đời.

Tốt nghiệp cấp ba, anh bắt tay làm đủ thứ, anh đi dạy kèm con nít toán lý, anh ra công trường vác từng thúng cát, đặt từng viên gạch, anh vào nhà hàng rửa chén, phụ bếp, anh lang bạc đây đó, anh đi cho thoả chí trai, cho thoả đôi chân tuổi trẻ. Rong ruổi trên những con đường của đất nước, anh mơ ước ngày sau, đôi tay khối óc anh sẽ làm cho những con đường này xanh đẹp hơn, trẻ thơ vui đùa trên những công trình kiến trúc mà anh tạo ra và bà anh sẽ có dịp cầm cây quạt mo phất phơ tự hào khoe anh với xóm giềng, rằng bà có thằng cháu giỏi lắm, nó xây đủ thứ cho người ta ở.


Mơ như vậy, anh về, anh về với bà, đếm từng nếp nhăn trên khuôn mặt bà để mạnh mẽ mà tiếp tục những tháng ngày sôi kinh nấu sử, anh học, chuẩn bị thi đại học, chuẩn bị bắt lấy giấc mơ đời mình. Anh đậu. Anh đậu trường Bách Khoa, bắt đầu cuộc đời của anh sinh viên khoa kỹ sư xây dựng. Những tháng ngày đẹp nhất đời anh. Anh học và anh đến với chúng tôi, hội những người anh em.

Trong những đêm trăng sáng và gió biển miết vào bờ cát thế này, anh hay cùng chúng tôi ngồi quanh đống lửa hồng và kể. Anh kể không thôi về cái nghề anh chọn, về những bản vẽ, những cân bằng lực, về móng, về nền, về cấu trúc toà nhà. Anh vẽ lên trong mắt chúng tôi những công trình kiến trúc, những toà tháp mà sau này Forbes phải liệt ngang hàng với Twin Towers, Golden Bridge. Và tôi nhìn thấy trong mắt anh niềm tin đang lấp lánh. Tôi tin anh sẽ thành công.

Những dòng suy tưởng của anh cứ trải thênh thang như những đồi cát vàng kia, có khi anh kể về tương lai, cũng có khi anh kể chúng tôi nghe về tháng ngày trai trẻ lang thang đây đó của anh. Năm tháng tuổi trẻ với những trải nghiệm không tiền, không nhà, không người thân, những đêm nhậu say tuý luý khi công trình hoàn tất, những bữa tiệc thừa sau khi đóng cửa nhà hàng, tràng chửi bới liên tu bất tận của gã cai, cái nhìn khinh khỉnh của tay quản lý nhà hàng, lời trách móc của phụ huynh chỗ anh dạy kèm. Là niềm vui, là kinh nghiệm để đời, là nước mắt, là nỗi đau trống trải không thể nào lấp liếm, là giọng bà nội tha thiết trong điện thoại “khi nào thì bây về”.

Rồi ngày kia, trong niềm vui hội tụ, nằm chụm đầu dưới bầu trời đêm đầy sao, anh kể cho chúng tôi nghe bí mật lớn nhất đời anh. Tháng ngày tuổi trẻ của anh đã hao mòn theo từng làn khói thuốc. Những ngày xa nội, nơi những vùng đất vắng bóng người, nơi bạn xấu nhiều hơn bạn tốt, anh đã làm quen với ma tuý. Thứ bột trắng có khả năng biến nỗi cô đơn thành nỗi đê mê, anh được say trong thứ cảm giác anh chưa từng một lần có, trong cơn say, anh thấy mình ấm áp với vòng tay của một ai đó, rất gia đình. Anh tìm đến ma tuý cũng nhiều như nỗi khao khát được đùm bọc. Anh nghiện. Phải mất rất nhiều thời gian sau, anh mới nhận ra tuổi trẻ anh đang bị thứ ảo giác mộng mị kia giết đi. Anh đấu tranh, anh quyết liệt, anh hận bản thân mình, anh vật lộn với phần con và phần người trong mình, để nhắc nhở bản thân rằng đâu đó ở quê nhà, nội anh đang vò võ chờ đợi thằng cháu trai yêu thương, đâu đó xa xôi trong miền ký ức, anh đã từng có một ước mơ, rất cháy bỏng, đâu đó trong một cõi nào đó, có lẽ bố mẹ anh cũng đang mong cho anh thành người. Anh phải quay về, phải sống như một đấng nam nhi, phải nên nghiệp lớn.

Sau ngày đó, anh biến mất. Chúng tôi ôm ấp câu chuyện của anh và tự hỏi vì sao anh kể chúng tôi nghe bí mật của anh để rồi anh lại biến mất? Chỉ với những dòng ngắn ngủi để lại trước cửa nhà một người bạn, anh bỏ cuộc, anh thôi chiến đấu với “nó”. Anh tái nghiện. Anh gác lại giấc mơ làm kỹ sư xây dựng, những toà nhà sẽ không bao giờ nhú lên khỏi giấy, nhưng cây cầu không bao giờ có thể nối liền, những niềm tin vụn vỡ và một ước mơ đã tắt.

Mãi đến bây giờ, nhiều năm tháng sau sự ra đi của anh, tôi vẫn còn giữ lại lá thư của anh “Lý tưởng cũng giống như chòm sao Bắc Đẩu của dân đi rừng, ta không bao giờ có thể bắt được nó trong tay, nhưng thiếu nó ta sẽ bị lạc. Không có lý tưởng, ta bị lạc khỏi ước mơ. Anh lạc rồi.”

Sương đêm càng lúc càng lạnh, đám lửa kia cũng càng lúc càng nhập nhoạng tàn, biển thì vẫn mải mê xô bờ, câu chuyện của tôi về một người bạn xa vẫn còn văng vẳng đập vào ký ức từng người. Tôi thầm khấn cầu ở một nơi nào đó, anh đã thắng “nó”. Một ngôi sao nữa chợt loé lên trên bầu trời đêm, một giấc mơ tuổi trẻ của ai đó lại được thắp lên, tôi cầu chúc bạn sẽ không bị lạc.

Đêm.

-Tâm Vũ-

Wednesday, May 18, 2011

Rùa và Thỏ của CEO Coca Cola



Đây là một câu chuyện có vẻ quen thuộc với chúng ta nhưng được mở rộng bởi CEO (Chief Executives Officer) của Coca Cola như sau:

Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.

Thỏ xuất phát nhanh như bắn và chạy thụt mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, dành chiến thắng. Thỏ giựt mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.
Bài học của câu chuyện trên là: chậm và ổn định đã chiến thắng cuộc đua.

Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế, câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm:
Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có cửa hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

Thế, bài học của câu chuyện này?: nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định. Nếu có 2 người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn. Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.

Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ớ đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.

Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 Km nữa ở bên kia sông!

Thỏ dành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Ý nghĩa từ câu chuyện này?. Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại.


Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội.

Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

Bài học của câu chuyện này là gì? Thật tuyệt vời nếu mỗi người đều thông minh và đều có ưu điểm riêng, nhưng trừ khi các bạn cùng làm việc với nhau trong một đội và cùng chia xẻ, cống hiến ưu thế của từng người, bạn sẽ không bao giờ thực hiện công việc được hoàn hảo bởi vì luôn luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác.

Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải chọn được người trưởng nhóm trong từng trường hợp cụ thể. Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ làm trưởng nhóm.
Còn nhiều bài học nữa từ câu chuyện này. Lưu ý rằng cả thỏ và rùa đều không hề đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc hăng hơn và cố gắng nhiều hơn sau khi phải thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức. Trong cuộc sống, khi phải chịu đựng, đối mặt với thất bại, có thể đó cũng là thời điểm thích hợp để cố gắng hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần phải thay đổi chiến lược và thử tìm kiếm giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả hai.

Thỏ và rùa cũng đã học thêm một bài học để đời khác: thay vì chúng chống đối (hay cạnh tranh) với nhau, chúng bắt đầu tìm cách giải quyết tình huống, và chúng đã cùng nhau làm tốt hơn rất nhiều. Khi Roberto Goizueta đảm nhận vị trí CEO của Coca Cola vào những năm 1980, ông đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với Pepsi. Nhân viên của ông ta đang tập trung vào cạnh tranh với Pepsi và cố gắng tăng thị phần từng 0.1%. Goizueta quyết định không cạnh tranh với Pepsi mà thay vào đó là tìm cách chiếm thị phần. Ông ta hỏi các nhân viên và biết rằng trung bình mỗi ngày, mỗi người Mỹ uống các loại nước là 14 ounces (đơn vị đo lường của Mỹ), trong đó thì Coke chỉ có 2 ounces/ngày/người. Rõ ràng việc cạnh tranh không chỉ là Pepsi mà còn là nước, trà, cà phê, sữa và các loại nước trái cây.

Mọi người sẽ dễ dàng tìm thấy Coke bất kể khi nào họ cần uống. Coke quyết định đầu tư các máy bán coca cola tự động ở khắp các góc đường. Doanh thu tăng nhảy vọt và cho đến nay thì Pepsi vẫn không thể nào theo kịp.

Kết luận: câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa đã dạy cho chúng ta khá nhiều bài học lý thú. Ý tưởng quan trọng nhất là “nhanh và vững chắc” sẽ luôn đánh bại “chậm và ổn định”; làm việc với những ưu điểm của bạn, đầu tư nhiều tài nguyên và làm việc theo nhóm sẽ luôn chiến thắng bất cứ một cá nhân nào; không bao giờ đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Và cuối cùng, phải tìm giải pháp cho mọi tình huống, không chống lại cuộc chiến.

(Sưu tầm)