Wednesday, March 20, 2013

Thư gửi em thiếu sinh nhân Ngày Hạnh Phúc Thế Giới.




Em thương yêu,

Hôm nay là Ngày Hạnh Phúc đầu tiên trên toàn thế giới, tổng thư ký liên hiệp quốc cho rằng yêu thương và chia sẻ sẽ mang đến hạnh phúc cho nhân loại. Chị nghĩ ông này hẳn phải là một Hướng Đạo Sinh mới có thể phát ngôn một câu nói mà một lúc bao hàm cả điều luật lẫn lời hứa Hướng Đạo như vậy, và chị đoan chắc vị huynh trưởng nhận lời hứa của ông ấy hẳn sẽ vô cùng tự hào. Nhưng rốt cuộc chị cũng không biết có phải ông ấy là Hướng Đạo Sinh không nữa, em nào biết thì nhớ báo với chị nhé.

Em thương mến,

Có nhiều lý do để chúng ta mỉm cười và nhận mình là người hạnh phúc. Chúng ta được sinh ra với thân phận con người, đó là một niềm hạnh phúc không ai chối cãi và tước đoạt, vì là con người nên chúng ta biết cảm nhận và bày tỏ sự cảm nhận ra cho những người hạnh phúc khác biết để mà chia sẻ. Vì là con người nên chúng ta có quyền sống và mang cuộc sống mình phục vụ người khác, làm cho người khác hạnh phúc, và do đó chúng ta hạnh phúc nhiều hơn nữa. Vì là con người nên chúng ta có quyền lựa chọn, lựa chọn sống hạnh phúc. Các em thấy không, là con người hạnh phúc đến như vậy đó.

Hiển nhiên đọc tới đây, không ít em cho rằng chị thật ấu trĩ, hoặc là kẻ mơ mộng, vì đầy rẫy ra đó là chiến tranh, thiên tai, bất công, bạo lực, vân vân và vân vân. Quả thật thế giới này không mang màu hồng như trong truyện cổ tích, em quên rồi sao, thế giới này có màu xanh biển và xanh lá chủ đạo. Nhưng đã có rất nhiều những con người hạnh phúc quyết định không san sẻ hạnh phúc của mình cho những người khác mà thay vào đó đi trộm hạnh phúc của người khác về làm của riêng. Chính vì có những con người như vậy, thế giới này mới cần những Hướng Đạo Sinh giỏi như các em biết bao nhiêu.

Thế giới này cần những người nhỏ tuổi “mỗi ngày làm vui lòng một người”, những bạn trẻ “mỗi ngày làm ít nhất một việc thiện”, những chàng trai cô gái lập ra những dự án “giúp ích”, hay những huynh trưởng “không mong công ,mong thưởng”. Thế giới này cần những người trẻ nhiệt huyết như vậy khi họ lấy danh dự đời mình ra hứa sẽ giúp ích mọi người bất cứ lúc nào và xem chuyện giúp đỡ người khác là bổn phận.

Em thương yêu,

Có lần chị được tặng một tấm thiệp có ghi câu này “Lòng tốt giống như chiếc boomerang, luôn luôn quay trở lại”. Lòng tốt giống như một hạt mầm vậy, khi em gieo đi, lúc nào đó sẽ cho em bóng mát, chỗ dựa, hay chỉ đơn giản là làm xanh một mảng trời. Khi chúng ta cho đi những thứ chúng ta đang có, điều đó không có nghĩa chúng ta nghèo đi mà điều đó có nghĩa là một người anh chị em khác xung quanh chúng ta sẽ giàu lên. Khi chúng ta nhận lấy của một ai đó điều gì, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta mắc nợ họ, mà điều đó nghĩa là em sẽ dùng cái mình nhận được để lại trao đi cho ai khác cần đến sự giúp đỡ của em. Khi chúng ta nhận được lòng tốt, chúng ta làm việc tốt cho những người khác xung quanh chúng ta, những người khác đó lại làm cho những người khác nữa việc tốt, thì hẳn tràn ngập trên thế giới sẽ toàn chuyện tốt, và chẳng mấy chốc thế giới lại xanh, lại đẹp thôi em ạ.

Hẳn em còn nhớ hai sự kiện làm rúng động thế giới, đó là trận động đất ở Haiti năm 2010 và trận sóng thần ở Nhật năm 2011 chứ? Những sự kiện làm cả thế giới phải bàng hoàng vì những thương vong và thiệt hại mà nó gây ra. Chị vẫn còn giữ lại tấm hình chụp những người bạn Hướng Đạo trong suốt sự kiện đó, khi họ dấng thân đến với những người gặp nạn mà không nề hà công việc vất vả, dơ bẩn và không có một hứa hẹn lương bổng gì.
 
Em thấy đó, đôi khi cho đi không dễ dàng, nhất là khi chúng ta có quá nhiều thứ phụ thuộc vào mình. Khi em chỉ có vừa đủ, em sẽ muốn cho đi vừa đủ, nhưng khi em có nhiều hơn, dường như em chẳng muốn cho gì, hay chỉ muốn cho chút chút, vì cho nhiều quá, mình sẽ không còn nhiều nữa. Cho đi là một bài học khó khăn cần phải học từng chút mỗi ngày. Đôi khi cho đi không phải chỉ là tiền của, đôi khi cho đi là một ánh mắt cảm thông, một nụ cười ủi an, hay một câu nói động viên.

Em có còn nhớ bài hát sinh hoạt mà chị đã từng dạy em không?

“Tiếc gì một nụ cười tặng nhau mỗi lần gặp nhau, tiếc gì một nụ cười tặng nhau mỗi khi sum vầy. Không ai giàu đến nỗi không cần một nụ cười duyên, không ai nghèo đến nỗi không thể cho nhau nụ cười.”

Em hãy bắt đầu từ những thứ giản dị như vậy, em nhé!

-Hải Ngưu Thận Trọng-

Monday, March 11, 2013

Giới trẻ



Hôm nay lễ tĩnh tâm mùa chay dành cho giới trẻ, nhân dịp đi lễ nghe cha giảng đôi chút về giới trẻ, có đôi chút bức xúc trong lòng nên viết ra. Không phải cha giảng sai, chỉ là những điều cha nói về giới trẻ ngày nay chưa đúng mà thôi.

Dẫn nhập bài giảng của mình, cha dùng dụ ngôn “Người cha nhân hậu” để dẫn chuyện. Đây là dụ ngôn mình thích nhất trong Tân Ước. Trước đây mình rất ghét dụ ngôn này vì sự bất công của nó. Thằng con khốn nạn như vậy mà lại được chào đón hân hoan, trong khi người anh chăm chỉ, vâng phục thì lại có vẻ bị ra rìa. Nhưng rồi càng lớn, càng ngẫm nghĩ, khi nhìn nhận câu chuyện trên quan điểm một đứa con hoang đàng, mình cảm thán tình Cha cao vời. Quả là một câu chuyện hay về tình yêu của Cha và sự tự do của loài người.

Bài giảng hôm nay cha nói tới 3 điều mà mình không đồng ý.

1. Giới trẻ ngày nay thứ quan trọng nhất là cái điện thoại di động lúc nào cũng chỉ gắn kết với cái điện thoại. – Thật ra thì điều này đúng với một bộ phận giới trẻ nhất định, nhưng mình không thích kiểu “cá mè một lứa”. Điện thoại của mình giá khoảng 300 ngàn chỉ có thể nghe, gọi, nhắn tin và báo thức. Đối với mình, điện thoại là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Không có điện thoại, mình vẫn có khối thứ khác giúp mình liên lạc. Và mình tin điều này đúng với không ít người. Đừng đổ lỗi cho công nghệ, lỗi nằm ở người sử dụng công nghệ.

2. Ra đời thứ người trẻ ngày nay trông đợi đó là “kiếm nhiều tiền”, việc ít tiền thì dăm bữa nửa tháng nghỉ, việc không có tiền lại càng không làm. – Tiền ai cũng cần để sống. Mình thích tiền, thích kinh khủng. Nhưng mình vẫn sống tốt khi không có tiền. Có nhiều lúc ra đường trong túi chỉ có mười ngàn, có sao đâu, mình còn trẻ mà! Cũng có lúc vì không có tiền nên đi bộ cho đỡ tiền xăng, có sao đâu, mình còn khoẻ mà! Có những lúc lao đầu làm những việc không hái ra tiền nhưng biết điều đó có ích cho người khác, mình vẫn làm mà. Mình đi HĐ gần 8 năm có ai trả lương đâu, mình vẫn làm HĐ một năm, hai năm nữa và nhiều năm nữa. Với nhiều người, tiền là quan trọng nhất. Nhưng không phải đối với ai tiền cũng là điều đáng quan tâm nhất. Đừng trách tiền, hãy trách định kiến xã hội đã đánh giá con người dựa vào độ dày của bóp tiền.

3. Chuyện các nữ tu dòng kín sống thầm lặng và cách biệt, trong khi những người trẻ không thể sống thiếu internet dù chỉ 3 tiếng đồng hồ. – Với một số đông giới trẻ, đúng, internet là phương tiện, là cứu cánh, là thần thánh. Nhưng cũng có những người internet chẳng qua chỉ là công cụ giải trí, có cũng được, nhịn một chút cũng không sao. Mình đã từng ở trong một dòng kín gần như một tuần lễ, không điện thoại, không internet, không chuyện trò, có sao đâu. Thật ra, thế giới này nhờ internet mà gần nhau hơn. Mình trách những người trẻ nghiện cuộc sống ảo 1 thì mình trách những tổ chức dành cho giới trẻ 10. Cần phải làm gì đó, để tuổi trẻ được sống với tuổi mình, được vui, được đi, và được giúp đời.

Ở xã hội ngày nay, người ta cứ đổ lỗi cho tuổi trẻ, người ta nói “trẻ trâu”, người ta nói “9x bốc đồng”, người ta nói giới trẻ suy đồi đạo đức. Đúng. Nhưng đợi đã, có ai nghĩ rằng, những hoạt động cho giới trẻ cũng đang làm việc thiếu hiệu quả không? Có ai nghĩ rằng tuổi trẻ không nhận được những hướng dẫn cần có để làm hành trang vào đời không? Có ai thấy rằng tuổi trẻ được có được niềm tin từ thế hệ đi trước không? Ở những chương trình trao đổi giới trẻ, cơ hội thường thiên về những người trẻ xuất sắc nhất, nhưng còn những người trẻ không được trời phú cho sự thông minh xuất chúng nhưng lại luôn dấng thân và mong muốn được học hỏi thì sao? Ở những sự kiện quốc tế, người ta nhìn thấy những người trẻ rạng ngời giỏi giang, lắng nghe những con người có hành trình học tập xuất chúng, nhưng đâu đó ở mảnh ruộng cằn cỗi, có ai lắng nghe ý kiến em vẫn miệt mài kiếm cơm bằng nghề mót lúa, nhổ đậu phộng thuê chăng? Tuổi trẻ không thiếu những người dấng thân, tuổi trẻ không thiếu những người bỏ phố về làng, tuổi trẻ không thiếu những người chối tiền để đem yêu thương đến người nghèo. Tuổi trẻ cần sự quảng đại của người đi trước, tuổi trẻ cần người đi trước tin và dạy dỗ. Tuổi trẻ có thể có nhiều sai lầm, nhưng tuổi trẻ cần sai lầm để lại đứng lên đi tiếp.


Mình không thích ai nhìn vào tuổi trẻ và rồi thở dài ngao ngán, tuổi trẻ cũng nhiệt huyết và rực rỡ lắm. Có những người trẻ ngớ ngẩn, cũng có những người trẻ tuyệt vời. Tuổi trẻ cần thiện chí của người lớn để vững vàng hơn, để những thử thách của cuộc đời tôi luyện, để những va chạm giữa đời làm cho sáng bóng. Những khó khăn của người trẻ hôm nay có thể người lớn chưa từng trải qua, vì vậy đừng cho rằng cuộc sống thời nay dễ dàng.  Cuộc sống này không dễ dàng chút nào, con đường của tuổi trẻ ngày nay cũng chông chênh và khó khăn, chỉ mong người lớn đừng đứng bên lề và chỉ trỏ, người lớn hãy cầm đuốc giúp thắp sáng con đường mịt mù đó, để tuổi trẻ không lầm lạc, không vấp ngã. Thế thôi.

-Tâm Vũ-

Tuesday, March 5, 2013

Bình loạn "chảnh"



Chúng ta dùng từ “chảnh” để chỉ về những người kiêu ngạo, hay tỏ thái độ coi thường người khác. Cần phân biệt người mắc bệnh “chảnh” với những người thờ ơ với đời. Hai nhóm người này có những biểu hiện tương đối giống nhau, nhưng không hoàn toàn giống nhau, nếu tinh ý bạn có thể dễ dàng phân biệt.

Đối với người mắc phải bệnh “chảnh” họ sẽ cho rằng mình là quan trọng, là cái rốn của vũ trụ, họ luôn đòi hỏi mọi người chạy theo “dạ dạ”. Còn với người thờ ơ với đời, họ lại chẳng quan tâm đến những cái râu ria, rốn cũng được, ngón chân cũng chẳng sao, “dạ” cũng được “ừ” cũng không sao.

Ông bà xưa nói người mắc bệnh “chảnh” là người đáng thương, bởi mắt không mọc gần mũi mà mọc trên đỉnh đầu nên khi đi đường dễ đạp phải những thứ “này nọ”. Người thờ ơ mắt tuy hơi xa mũi nhưng vẫn thấy được cơ số thứ để tránh, vì bản chất họ không ưa phiền phức nên thà né một chút còn hơn đi rửa chân.

Cũng có sách chép là người mắc bệnh “chảnh” thường hay lớn tiếng và tỏ ra nguy hiểm, họ thích mọi người liệt họ vào hàng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Trong khi đó những người thờ ơ lại chẳng muốn bị coi là nguy hiểm nên họ đâm ra giả ngu, cứ gật gù hay cười vu vơ để tạo cảm giác không đáng tin và do vậy chẳng mấy khi phải làm việc gì.

Cuối cùng, sau một thời gian sống ở đời, gặp gỡ người này người nọ, vỗ vai lắc tay với vài người, mình rút ra được một vài điều về người mắc bệnh “chảnh” mà thiết nghĩ nên chia sẻ ra đây để mọi người cùng giúp nhau tránh khỏi những phiền hà không đáng có, hay những lo buồn không cần thiết khi phải đối phó với căn bệnh xã hội này:


  1. Người mắc bệnh “chảnh” là những người đáng thương, họ có những khiếm khuyết nhất định trong tâm hồn. Họ luôn tự ti với xã hội, vì tự ti nên họ cần tìm cách khoả lấp sự tự ti này bằng cách ăn to nói lớn, hay lấn át người khác, để khoả lấp đi sự yếu kém của bản thân. Đối với những biểu hiện này, sự im lặng trong chừng mực của bạn sẽ làm họ bớt bệnh một chút. Và khi cơn bạo bệnh đã vãn, bạn nên tranh thủ thời cơ vì không biết “cơn” sẽ đến lúc nào.
  2. Người mắc bệnh “chảnh” thường hay tỏ ra nguy hiểm, họ tìm mọi cách để bạn nhận ra sự nguy hiểm của họ. Thật ra đó là một nỗ lực vô ích, vì chỉ cần nhìn mặt họ chúng ta đã dễ dàng nhận ra sự nguy hiểm tột cùng. Đối với dạng này bạn không cần e ngại, chỉ cần bạn tỏ ra ngu ngơ, hay nói cách khác, bạn trở thành người thờ ơ với đời. Sau một thời gian tỏ ra nguy hiểm, người mắc bệnh “chảnh” sẽ mệt vì chính sự nguy hiểm của họ. Đây chính là thời cơ để sự nguy hiểm (nguy hiểm thật sự) của bạn phát huy. Hãy nguy hiểm một cách thông minh.
  3. Người mắc bệnh “chảnh” thường không nói chuẩn ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ thường tìm cách chém gió bằng cách chèn tiếng lạ, đôi khi họ chèn nhiều hơn một loại tiếng lạ vào cuộc hội thoại. Mục đích của họ là làm cho bạn sao nhãng. Thay vì tập trung vào nội dung trao đổi, bạn sẽ bị lái sự chú ý sang việc hâm một khả năng ngoại ngữ của họ. Đối với dạng này, bạn chỉ cần đặt thật nhiều câu hỏi nhằm làm họ mất tập trung. Đại loại thế này: - Chị cho rằng plan lần này somehow thành công, em có think so không? Bạn nên trả lời thế này: - Máy bay gì chị? Máy bay bị gì? Em có thấy nó bị gì đâu?

Chúc bạn thành công. Hãy nhớ rằng sự khéo léo nằm ở chỗ nguy hiểm nhưng không chảnh. Nhớ đấy nhé!

-Tâm Vũ-

---

Tôi viết bài này sau một ngày làm việc và gặp vài người tỏ thái độ lồi lõm với tôi, thành thử tâm trạng viết bài này có đôi chút lồi lõm, mọi người đọc có bức xúc thì cũng bỏ qua, lâu lâu tôi cũng có nhu cầu được tỏ ra nguy hiểm. Chịu!