Friday, December 30, 2016

Papa Francesco's quote



To stay in the midst of the people does not only mean encountering others, but also letting ourselves be encountered. We need to be looked at, called, touched, challenged; we need others so we can participate in all that which only others can give to us.

Instagram @franciscus 26.11.2016

Sunday, November 6, 2016

Năm chiếc bánh và hai con cá - Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận

Lạy Chúa, con không đợi chờ,
Con quyết sống phút hiện tại,
Và làm cho nó đầy tình thương,
Vì chấm này nối tiếp chấm kia,
Ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia,
Muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng so mỗi chấm hy vọng
Đời hy vọng so mổi phút hy vọng.

Ngày đẹp trời để yêu nhau

Phải đi qua hết một đời
Mới hay biết được đâu là đúng sai
Phải yêu thương hết một người
Mới mong hiểu hết được một vài nghĩ suy

-Ddong Gu Ree, Park Wolsun-


Sunday, October 2, 2016

Những ngày con bị sốt

Những ngày con bị sốt,
Nằm li bì bó gối, rên hừ hừ,
Chỉ có mẹ, lặng lẽ ngồi bên cạnh,
Im lặng đổ dầu xoa khắp người con,
Mẹ nói mãi "Phải học các tự chăm sóc mình",
Con dẫu mệt rã rời, vẫn chạnh lòng,
Vẫn cảm ơn Chúa vì mẹ còn ở đây...giờ này,
Những đêm trằn trọc, con nghe mẹ trở mình,
Len lén ém lại góc mùng cho con,
Con đã nghĩ dẫu 27 hay nhiều tuổi hơn như vậy,
Con vẫn cần thỉnh thoảng có mẹ ngồi cạnh bên,
Để yên tâm.

Một tuần con bị bệnh,
Là một tuần mỗi ngày 4 lần trước và sau khi đi làm,
Ba đứng bên cạnh giường đưa nước và thuốc
Ba trách móc “mở trang trại nuôi muỗi”
Nhưng ba soi từng vết bang đỏ,
Con không ăn, ba pha sữa và mang đến tận giường,
Đi thử máu xong, ngồi choáng váng,
Ba bỏ làm thay áo dẫn con đi ăn sáng,
Ba đi trước chầm chậm chờ con
Con chợt nghĩ dẫu 27 hay nhiều tuổi hơn như vậy,
Con vẫn cần nhìn thấy bóng lưng ba đi phía trước,
Để yên tâm.

Tuổi trẻ, nhiều sức khoẻ và nhiệt huyết,
Dễ dàng lướt qua những trắc trở về sức khoẻ
Nhưng con biết, sẽ không dễ dàng như vậy,
Nếu mẹ không âm thầm chăm sóc
Và ba lặng lẽ theo dõi.

Ôi Chúa ơi, con chỉ có một ba và mẹ,
Xin Chúa thương gìn giữ ba mẹ con,
Vì Chúa biết, con chưa kịp làm gì cho ba mẹ hết.

02.10.2016
-DaKhac-



Tuesday, September 20, 2016

Nhà thờ Tân Định

Bài này được thu hồi nhà thờ Tân Định còn cây grand piano. Cây đó trước khi bị làm cho biến mất thì cũng hay hư lắm, bị vì cũ lắm rồi mà, nhưng mà cây đàn đó, chứng kiến bao nhiêu thế hệ giáo dân Tân Định lớn lên, trong đó có mình.

Hồi nhỏ nhà thờ Tân Định đẹp lắm mà thấy thương lắm kìa, cái màu tường nhà thờ là màu gạch, ai nói nhà thờ Đức Bà đẹp chứ nhà thờ Tân Định mình đẹp nhất.

Ở cái nhà thờ đẹp nhất lòng mình có ông cha tên Hội, cha Hội rửa tội mình. Hổng hiểu sao bây giờ các cha phó chỉ ở 3 năm (hên là có 3 năm), chứ hồi đó cha Hội rửa tội mình lúc mình 2 tháng tuổi, mẹ kể thế, rồi mãi tới hồi mình đi học giáo lý cha mới đi xứ khác. Hồi nhỏ mình khoái cha Hội ghê lắm, gặp ai cũng nói, cha Hội đó, cha Hội rửa tội con đó. Trong tâm trí mình lúc đó, cha Hội to lớn lắm. Hồi cha Hội chia tay thiếu nhi, mình đi học giáo lý về đứng trước cửa nhà khóc lu loa, tới nỗi ba mở cửa vô xong kêu "thôi đi vô giùm tui cái" mới nín nín rồi lủi thủi đi vô. Bây giờ cũng chả biết cha đi đâu, cha Hội mà biết trong cái đám con cha rửa tội, có một con nhỏ hai mươi mấy năm rồi vẫn còn nhớ cha, hông biết cha thấy hên hay thấy xui.

Ở cái nhà thờ xinh đẹp của mình đó, hồi xưa nhà hài cốt ghê lắm, mái ngói mà, nhưng mà nhà hài cốt cũ lúc nào cũng tạo cho người ta một cái cảm giác mời gọi, giống như kiểu đi ngang qua cái thấy có động lực "vô chào bà bảy một tiếng". Nhà hài cốt bây giờ, lạnh lẽo lắm, không có được cái cảm giác ở đó có người nhà mình.

Hồi nhỏ nhà thờ Tân Định làm gì có màn hình tivi, thành thử ra đi lễ là phải chạy lên hàng trên, để được thấy ông cha, để mà bắt chước cha dâng lễ, tưởng tượng mốt lớn đi tu tui cũng làm cha, lớn lên biết chỉ có con trai mới tu làm cha, nên nghỉ luôn, Chúa kêu mấy lần mà hờn nên từ chối rồi. Rồi cái trong lễ hay phát tờ giấy in bài hát với bài đọc, hay len lén đem về nhà nghêu ngao hát, rồi cái bắt chước mấy cô chú đánh nhịp ca đoàn, về nhà cũng đứng quơ lung tung.

Hồi xưa đi vô nhà thờ vui lắm, rồi cái nhớ là hồi xưa học giáo lý sớm quá, nên hay đi học trễ, mà hên là hồi đó thuộc dạng con ông cháu cha, dựa hơi ba nên ít khi bị la, kiểu các giáo lý viên mắt nhắm mắt mở cho qua, mấy người đó gọi ba mẹ là "thầy cô" mà, nên mình hưởng xái, mặt chảnh lắm. Nghĩ lại, thấy ghét mình ghê.

Không biết từ hồi nào, mình bớt yêu Tân Định rồi, mỗi lần đi vô nhà thờ chỉ để đi lễ và sinh hoạt Hướng Đạo thôi. 

Hổm rài Tân Định có cha sở với cha phó mới, hy vọng là chừng hai chục năm nữa, sẽ có đứa nói "tui yêu cái nhà thờ Tân Định của tui lắm", giống như mình thương cái chốn rửa tội mình cách đây hai mấy năm.

-Tâm Vũ-

Tuesday, September 13, 2016

Nếu nhỡ mai...

Em thương ơi,
Nếu nhỡ mai chị không còn mặc đồng phục
Mỗi sáng cuối tuần chạy ra sân cùng tụi em
Nắng có còn vàng và lá có còn thắm?
Nếu nhỡ mai chị bảo những ngày tới
Con thuyền thiếu đoàn em phải tự chèo chống
Căng buồm ra khơi,
Thuyền thiếu đoàn vẫn vượt sóng chứ?
Em thương ơi,
Nếu nhỡ mai, lửa trại chị không ra,
Ai sẽ soi đèn, thêm củi, châm dầu?
Câu chuyện tàn lửa thiếu đoàn ai sẽ kể em nghe?
Em thương ơi,
Nếu nhỡ mai gấp bộ đồng phục cất
Sáng cuối tuần biết phải làm gì cho qua thời gian?
Nghe tiếng còi xe liệu có tưởng sắp có lệnh tập họp?
Thấy người ta chào cờ, có nhớ tiếng ai hát Hội Ca?
Chạm sợi dây có ngứa tay làm nút dẹt?

Thật mất mát khi nghĩ tới việc phải ngừng sinh hoạt
Trống trải vô cùng cái cảm giác dừng ngay những thứ mình yêu
Bởi vì em là cả bầu trời tự hào chị có
Là niềm kiêu hãnh mỗi sáng cuối tuần
Là lý do để những ngày hè bận rộn
Là sứ mệnh cao cả và là kim chỉ nam
Bởi người xưa mới nói
Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi
Nếu nhỡ đâu, bộ đồ kia gấp lại
Xin em hãy tin rằng,
Ở nơi đó không xa,
Có chị thiếu trưởng luôn dõi theo em,
Em nhé!

HNTT
14/09/2016


Monday, August 8, 2016

WYD_Krakow2016 - Đại hội Giới trẻ Thế giới

Tôi rời khỏi Krakow để đến Zurich với tất cả những cảm xúc lẫn lộn làm hành trang, bây giờ đã là 1 tuần kể từ lúc tôi không còn ở Krakow nữa, và tôi đang ở nhà, nằm trên chiếc giường rộng rãi, êm ái, tiếng quạt máy vù vù và tôi nhớ cái giường sắt ọp ẹp chỉ độ chừng 6 tấc ở Krakow, nhớ cái phòng tắm tập thể, nhớ hàng ăn trước cửa nhà, nhớ những thùng táo đầy ắp phát miễn phí cho mọi người, và những rổ bánh mì ngao ngán mỗi bữa sáng. Phải, tôi nhớ Krakow.

Tôi đã luôn mơ ước được một lần trong đời tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kể từ lần nhận được cây bút bi in chữ “WYD 2006 – Sydney” chị tặng. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) là sáng kiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị, tổ chức lần đầu tiên ở Rome vào năm 1985 với chỉ vỏn vẹn 300,000 người tham dự với bài hát chủ đề “Resta Qui Con Noi” (Hãy ở lại bên con), vậy mà đến năm 2016 này tại Krakow đã có hơn 2 triệu khách hành hương đăng ký và có đến 19,000 tình nguyện viên được huy động.

Vì sao tôi mong muốn được tham dự Đại hội ư? Hãy tưởng tượng khi bạn được đứng giữa một rừng người trẻ đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ nhiều hoàn cảnh, ngành nghề, đam mê và ngôn ngữ khác nhau, nhưng bạn cùng hướng về một giá trị thiêng liêng, lúc ấy, bạn được kết liên trong một niềm tin duy nhất, điều đó không tuyệt hay sao? Khi bạn đứng giữa những người xa lạ cuồng nhiệt, nhưng bạn lại đang cảm thấy như được ở cùng những người anh em ruột thịt, và rồi bạn nhận ra, đây đích thực là anh em mình, bạn có cùng một Người Cha. Điều này có vẻ tín ngưỡng, nhưng đích thị là như vậy, nếu bạn là một Hướng Đạo Sinh, hãy tưởng tượng cảm giác này giống như cái cảm giác ở một Jamboree quốc tế nào đó vậy, nó tương tự như vậy đó.

Tôi nhớ cái ngày nhận được email xác nhận mình trở thành tình nguyện viên của đại hội, bạn quản lý tình nguyện viên đã gửi cho tôi một tin nhắn đại loại như thế này: Chúc mừng bạn trở thành tình nguyện viên của đại hội, đường đến Krakow còn dài lắm. Quả thật là rất dài. Từ chuyện xin visa, đến chuyện xin chữ ký của Đức tổng, rồi chuyện xin nghỉ làm, rồi chuyện thu xếp các trách nhiệm và cả chuyện sắp xếp tài chính nữa. Đó là một con đường rất dài và không hề dễ dàng. Tôi đã khăn gói đến Krakow với một hành trang ngổn ngang như vậy.

Trước khi đại hội bắt đầu 1 tuần, các tình nguyện viên được đề nghị có mặt để bắt đầu các khóa tập huấn. Chúng tôi được chia sẻ các thông tin cơ bản về Đại hội, về Krakow, về khách hành hương, về những người chúng tôi phục vụ, rồi trong bối cảnh rối ren về an ninh, chúng tôi được tập huấn về chống khủng bố, và sơ cấp cứu. Với vài ngàn người tham dự khóa tập huấn, thì việc tập huấn cũng chỉ đạt ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa”, việc còn lại đó là cầu nguyện, xin ơn bình an để không có điều gì đáng tiếc xảy ra trong đại hội. Tạ ơn Chúa, đến khi tất cả mọi người rời khỏi Krakow, mọi thứ đều bình an.

Đã có rất nhiều bất mãn từ phía tình nguyện viên khi Ban điều phối Tình nguyện viên chưa thật sự ăn ý và hiệu quả, nhưng chuyện chưa tốt này, hãy để từng người tự cảm nghiệm. Bây giờ, tôi muốn kể về những điều tuyệt vời mà tôi đã được trải qua trong suốt hai tuần này nhé!

1 – Tình bạn.

Tôi luôn biết rằng, bằng việc cùng ăn cùng ngủ cùng sinh hoạt sẽ đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Đó là lý do vì sao Hướng Đạo đưa các em đi cắm trại, không phải ở cái kỹ năng dựng lều, hay nấu bếp, mà là để thắt chặt tình huynh đệ. Việc cùng sống với nhau trong 2 tuần đã giúp chúng tôi hiểu biết và yêu quý nhau hơn, hoặc…ghét nhau hơn. Đùa đấy! Dù là hai bạn Slovakia giường bên quả thật bầy hầy không chịu nổi nhưng đến phút cuối cùng khi kéo vali đi về, chúng tôi vẫn không quên ôm nhau thật chân thành và cảm ơn nhau vì được gặp nhau một lần giữa thế giới 7 tỉ người và cùng bất mãn, cùng tức cười, và cùng dùng chung ổ điện.

Tình bạn được xây dựng trên sự đồng cảm, hy sinh, và chấp nhận nhau. Đâu có ai được sinh ra và bị quy định là phải giống nhau như khuôn, chúng ta được triển nở một các hoàn toàn khác nhau, từ ngoại hình, đến tính cách, từ lối sống đến tư duy. Và việc chúng ta đồng điệu với ai đó, chấp nhận sự khác biệt của ai đó, và hy sinh một chút cái tôi của ai đó là một khởi đầu của tình bạn. Khi tình bạn bắt đầu nảy nở, những nỗi buồn, sự cô đơn, sự tẻ nhạt, sự căng thẳng, nỗi bực dọc sẽ bị đẩy lùi và tan biến, thay vào đó niềm vui, sự ấm cúng, sự bình an, và các cảm xúc tích cực khác sẽ bắt đầu được gia tăng.

Vào mỗi buổi tối, khi đi tắm cùng các bạn hoặc cũng có khi một mình, tôi đã thầm cảm thấy thật hạnh phúc biết bao, hay lúc đi bộ về nhà, dù gót chân rã rời, tôi có khi phải thốt lên “hên là có mọi người, Krakow còn dễ thương”. 

Bởi, tình bạn là một điều kỳ diệu có thể tạo ra.

2 – Sự bình an trong tâm hồn.

Vốn dĩ có quá nhiều thứ trong cuộc sống cướp mất sự bình an trong tâm hồn mỗi người. Ví dụ như với tôi, mỗi sáng thức dậy, tôi bắt đầu phải suy nghĩ làm sao để kiếm được nhiều tiền cho tổ chức, để các em có thêm thư viện, chuyện giấy phép, chuyện cái bàn cái ghế, chuyện phải làm vui lòng ai đó, chuyện phải cứng rắn với ai đó, chuyện phải đưa ra các thể loại quyết định. Rất nhiều thứ trong cuộc sống thường nhật đẩy lùi bình an trong tâm hồn chúng ta và để cho sự bất an xâm chiếm. Chúng ta lo lắng bị ghét, bị hờn dỗi, bị từ chối, bị la mắng, bị xấu hổ, bị thất bại. Chúng ta lo sợ quá nhiều thứ, đến nỗi chúng ta cho rằng sự bất an này là bình thường và chúng ta phải chấp nhận nó. Chúng ta quên mất cái cảm giác bình an thật sự. Chúng ta không còn vui với người vui và khóc với người buồn.

Suốt hai tuần lễ ở Krakow, tôi không ngừng hỏi Chúa: Chúa muốn gì ở con, Vì sao con có được cơ hội này, Con có thể làm được gì nữa cho con, cho anh em, Chúa muốn nói gì, Chúa muốn con đi đâu, Liệu đây có phải là quyết định đúng, Liệu con có thật sự vô tư trong mọi chuyện, Liệu con có đang lợi dụng Chúa,…Tôi không ngừng đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Cho đến buổi chiều ngày thứ bảy đó sau khi xưng tội trong công viên với một trận khóc lóc thảm thiết, tôi tìm được cho mình sự bình an thật sự. 

“Trong một bối cảnh, rào cản, chỉ cần con cố gắng hết sức. Thiên Chúa luôn ban cho con người nhiều hơn những thứ họ xứng đáng được nhận”.

Thật khó để mô tả trạng thái bình an này, nhưng đó là cái cảm giác bỗng chốc, bạn thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhõm, thật thư thái, bạn thấy bạn được chúc lành và được sai đi.

3 – Quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Trong buổi gặp mặt với các tình nguyện viên, Đức Thánh Cha Phanxico, tôi hay gọi Ngài là người thương, vì Ngài đã và đang sống một cuộc đời chứng nhân đẹp đẽ nhất mà tôi từng được thấy và chứng kiến. Trong buổi gặp mặt đó, Đức Thánh Cha gọi chúng tôi, những người trẻ là “Tương Lai” (Futuro) với hai điều kiện là “Ký ức” (Memoria) và “Sự can đảm” (Coraje).

Một người không có ký ức thì không thể có tương lai và một người có tương lai là một người có can đảm để sống hiện tại.

Bao nhiêu lần, chúng ta không dám sống cái hiện tại của mình chỉ vì lo sợ thử thách? Bao nhiêu lần, chúng ta lẩn tránh sứ mệnh của mình vì không dám tự chèo lấy con thuyền của mình? Bao nhiêu lần, chúng ta núp bóng ai đó với hy vọng tai ương sẽ chừa mình ra?

Tôi, chính tôi đã nhiều lần từ chối những thách thức và chông gai, vì sự yếu đuối của chính mình. Thật không dễ dàng gì để nhận mình yếu kém. Lại càng không dễ dàng gì để thật sự đối mặt với con người nhạt nhẽo và yếu đuối của mình và quyết định đứng lên, phải sửa đổi thôi! Vì lời nói lúc nào cũng dễ dàng nên chúng ta thường chọn nói hơn là làm. Lúc nào đó, khi bạn thấy tôi đang bận lẩn trốn thực tại, xin hãy giúp tôi thức tỉnh.

Memoria + Coraje = Futuro

4 – Auschwit.

Ai cũng biết Auschwit là trại tử thần khủng khiếp trong thời Đức Quốc Xã, là nơi hàng triệu người bị giết. Bạn biết đó, chúng ta không tạo ra sự sống, vì vậy chúng ta không thể cho mình cái quyền cướp đi sự sống của bất kỳ ai khác. Giết người là tội ác không thể chấp nhận được.

Vì Đức Thánh Cha sẽ đến thăm trại Auschwit nên tất cả các buồng giam (nơi được cải tạo thành phòng triển lãm) đều bị đóng cửa và an ninh thắt chặt. Tôi đến thăm Auschwit vào một buổi chiều trong tuần, có rất đông khác hành hương đang ở đây, sự nhộn nhịp bất thường này, niềm vui không thể che giấu của những người trẻ này, vô hình chung đã đẩy lùi phần nào sự thê lương và bất hạnh của nơi này. Nhưng bạn biết đấy, “những bức tường biết nói”. Bạn dường như vẫn còn ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, mùi mồ hôi của những con người bị ép lao động đến kiệt quệ, tiếng khóc nghẹn ngào, tiếng thì thầm an ủi, tiếng la hét của những con người tự cho mình cái quyền chà đạp người khác, bạn dường như có thể cảm thấy nỗi tuyệt vọng từ những ô cửa sổ cũ kỹ…

Con người đã từng đối xử với nhau tàn nhẫn đến như vậy.

Lịch sử liệu có đang lặp lại? Chúng ta học được gì từ cái trại tử thần này?

Tôi học được gì khi đứng trước câu chuyện của Thánh Maximilian Kolbe, người đã đổi mạng sống của mình để một tù nhân khác được sống? Tôi đã học được gì khi đứng trước phòng thí nghiệm trên người sống để tìm ra thuốc chữa bệnh? Tôi đã học được gì từ những hàng rào kẽm gai?

Tôi đã nhận được nhiều hơn số tiền vé máy bay phải bỏ ra để đến Krakow, tôi cũng đã nhận lại nhiều hơn những niềm vui, nhiều hơn những phiền muộn mà tôi bỏ lại sau lưng để lên đường đến Krakow. 

Vào một giai đoạn nào đó của cuộc sống, bạn cần bức ra những thói quen thường nhật, làm một vài chuyện bạn chưa từng làm, và để thử những thứ hoàn toàn mới mẻ, có thể bạn thích hoặc không thích, nhưng bạn cần làm mới chính mình, đẩy mình đến những giới hạn mới, để điều chỉnh lại bản đồ cuộc đời mình. Đi tìm sứ mệnh cuộc đời mình, để nhận ra mình đã sống tệ như thế nào.

Bạn hỏi tôi “Bạn luôn rất tín ngưỡng như vậy từ lâu, hay đã có biến cố gì làm bạn trở nên tín ngưỡng như vậy?”.

Bạn biết không, chúng ta thường “theo” (follow) nhưng không mấy hiểu biết (understand). Chúng ta có một niềm tin khô cứng và rập khuôn mà không hề hiểu gì về Người. Chính vì vậy, chúng ta thường bỏ của chạy lấy người vì những ràng buộc và luật lệ. Nhưng khi chúng ta chợt nhận ra, Người chỉ có 1 điều luật duy nhất, đó là “yêu thương”. Làm sao có thể không yêu người đã chết vì yêu?


Đôi khi, chỉ cần đi, còn lại cả thế giới, cứ để Chúa lo. Vậy thôi.

09.08.2016
Thương nhớ Krakow


Friday, August 5, 2016

WYD_Krakow2016 - Thuỵ Sỹ, thương những người bạn cũ

Tôi cứ chần chừ, lưỡng lự mãi chuyện có nên đi Zurich hay không. Từ Krakow mà bắt tàu, bus, xe (pool car) hay bất cứ thể loại vận chuyển nào cũng đắt trời ơi hết, nhưng rồi bạn cứ nhắn tin hỏi thăm khi nào tới, bạn nói mọi người đã sắp xếp xong hết rồi, chỉ cần tới thôi... vậy nên tôi tới thật. Tôi đặt được vé xe bus vào phút 89 của cuộc chơi, sáng đi, tối tìm được vé, vé về cũng vậy, đợt này đi sao mà liều quá thể không biết.

Hơn 20 tiếng ngồi xe ê ẩm thân mình, xe chạy qua Praha, qua Munich, rồi đến Zurich, vì tài xế chẳng bao giờ thèm nói một chữ tiếng Anh, nên suýt nữa thì được đu đeo ké qua tận Barcelona, hên là bật dậy đúng lúc xe đóng cửa rồi điên loạn đòi xuống nên đã được thả ra trong ánh nhìn ái ngại.

Đi lòng vòng bến xe bus kiếm chỗ câu wifi chùa mà tìm hoài, chả có cái wifi chùa nào ra hồn để vô được cả, cuối cùng, sau 30 phút nỗ lực, tôi quyết định mượn điện thoại một chị đang đứng chờ xe để nhắn tin cho bạn mình ra đón.

Tất cả mọi người quen biết nhau trong chương trình SEED năm 2011, một sáng kiến của các giảng viên các trường đại học trong đó có St.Gallen, Kelangtang, và một số trường khác, sáng kiến này đưa sinh viên các trường đến các nước đang phát triển, sống trong hộ gia đình và tìm hiểu phương thức kinh doanh của hộ gia đình, sau đó vạch ra một bảng kế hoạch kinh doanh để giúp họ cải thiện thu nhập hoặc làm tốt hơn những việc họ đang làm. Năm đó, trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM đăng cai, vì học một chương trình liên kết thuộc ĐH Ngân hàng nên tôi và ba người bạn nữa cũng được chọn tham gia. Chúng tôi quen biết nhau từ dạo đó, cái thời sinh viên hồn nhiên và vô tư, ăn ở với nhau cả tuần lễ ở Bình Phước, mượn xe máy người địa phương chở nhau đi mua sầu riêng "cho bọn nó rửa mũi", rồi đi chợ đầu mối Thủ Đức mua cả một thúng măng cụt, ăn tới đổ ghèn, rồi mua bia bỏ vào vali lén lút đem vào ký túc xá trường đại học... Ôi cái thời hồn nhiên, vô lo mới làm sao.

5 năm gặp lại nhau cứ ngỡ như mọi thứ vẫn chỉ là hôm qua, đúng lài ai rồi cũng sẽ khác, nhưng thật vui vì bạn vẫn là bạn mà mình từng biết. Bạn vốn không quen dậy sớm, nên thức dậy lúc 7g sáng để đi đón mình là một điều hao tổn sức khoẻ của bạn kinh khủng, nhưng bạn vẫn ra đón, bạn chở đi mua  muessli, một món ngũ cốc trộn với sữa chua và trái cây, kiểu ăn sáng đặc trưng của người Thuỵ Sỹ. Bạn mượn xe bạn trai để chở tôi đi chơi, thăm thú trường Đại học Zurich, đúng là nhìn trường lớp thế này, chỉ muốn làm sinh viên hoài mà thôi.

Zurich nhỏ xíu, đi bộ lòng vòng 2 tiếng là đã hết cái thành phố, nhỏ xíu và rất dễ đi lạc. Zurich có muôn vàn kiểu con phố be bé cắt ngang cắt dọc và na ná nhau, sau khi window shopping các kiểu, bạn đưa tôi đi leo núi Uetliberg, nói là leo núi cho oách, chứ thật ra là bắt tàu điện đến hẳn gần đỉnh núi mới bắt đầu leo bộ lên, hai đứa ít vận động, vừa leo vừa thở như trâu.

Buổi tối, tôi dọn vào nhà hai bạn ở, dù đi làm mờ mịt từ 7g sáng đến 7g tối mới về nhà, hai bạn cũng chuẩn bị bữa tối thịnh soạn và ngon nhứt trong suốt 3 tuần ở Châu Âu này, ngồi ôn chuyện cũ, mọi thứ dường như vẫn còn vô cùng rõ ràng, chuyện cô chủ nhà Ếch vì nấu gà mà chặt ngón tay, chuyện các bạn miễn cưỡng ăn sầu riêng, chuyện ăn cả giỏ măng cụt, chuyện trời chuyện đất của 5 năm trước. Bạn bơm cái nệm hơi, và dành hẳn cho tôi phòng khách và phòng ăn làm không gian riêng, mọi thứ trong bếp đều được dành để đón khách, bạn chỉ cái phòng kho thức ăn nhà bạn và nói đùa "tụi này chuẩn bị sẵn cho chiến tranh".

Tôi có nguyên ngày hôm sau để nghỉ ngơi và trả lời đống thư từ, sau đó đi thăm lại cô bạn học cấp 3, đã lâu không gặp, bạn lập gia đình và định cư ở Thuỵ Sỹ, nhìn gia đình nhỏ hạnh phúc của bạn, thấy vui lây, chợt nghĩ, hạnh phúc đơn giản lắm, hạnh phúc mỗi người định nghĩa khác nhau, chỉ cần đón nhận và đáp trả.

Ngày cuối ở Thuỵ Sỹ, bạn chở tụi tôi đi Bern, thăm thú thủ đô của đất nước trung lập này. Vì là thành phố du lịch nên người ta đầu tư cả một kho "hướng dẫn viên du lịch ipod", cả thành phố nằm trong cái ipod này, chỉ cần thuê rồi đeo vào nghe, đi đến đâu nghe đến đó, mệt thì dừng lại nghỉ, hết mệt đi tiếp.

Cho đến lúc ngồi rửa chân ở dòng sông Aare và ngắm mọi người thả mình ở đây, tôi bắt đầu cảm thấy xúc động vì những thứ các bạn đã làm cho mình. Các bạn có quyền không cần phải nồng nhiệt đến như vậy, người Thuỵ Sỹ bận rộn ai cũng biết, các bạn có thể đưa cho tôi cái bản đồ, đánh dấu những chỗ cần đến và không cần thiết phải đưa tôi đi như vậy, hay các bạn có thể chẳng cần phải í ới gọi tôi đến Zurich chi cho phiền....

Bởi vậy, thật không biết được cuộc đời sẽ đưa chúng ta đi về những ngã đường nào, nếu có gặp nhau, hãy sống tử tế với nhau. Chắc sẽ khó có lần thứ hai quay lại Thuỵ Sỹ, nhưng từ nay, Thuỵ Sỹ sẽ không còn xa lạ, lạnh lùng và chảnh choẹ như vốn tưởng. Từ nay, Thuỵ Sỹ là chỗ có mấy đứa bạn thiệt là giỏi, thiệt là dễ thương và thiệt là ấm áp. Như bạn nói "ai cũng sẽ thay đổi nhưng con người và giá trị sống không thay đổi thì người đó vẫn còn thân quen".

06.08.2016
Tạm biệt Thuỵ Sỹ.












Sunday, May 22, 2016

Viết tặng em, em phụ tá

Ngày mai sẽ là một ngày đặc biệt,
Thiếu đoàn chào đón em.. một lần nữa,
Màu khăn xanh lại lần nữa thắm vai em,
Em bé nhỏ ngơ ngác ngày nào
Một Sói con lên đoàn, một em thiếu "thơm lông"
Em từng bước, từng bước cho mọi người thấy
Em cũng nỗ lực, cũng cố gắng biết bao nhiêu
Cũng vài lần dẫn đội giành cờ danh dự
Cũng trăn trở để thành đội trưởng giỏi
Ngày tiễn em, nước mắt chan chứa
Đầy tự hào nhìn em vững bước nơi đoàn mới
Nhìn em phục vụ trong màu khăn đỏ giúp ích
Thấy ở em lửa nhiệt huyết vẫn hừng hực
Tạ ơn Chúa vì được làm huynh trưởng của em
Đếm từng ngày đón em quay trở lại
Để một lần nữa được đồng hành cùng em
Em thương yêu,
Ngày mai sẽ là một ngày đặc biệt
Bởi ngày mai, chúng mình là cộng sự
Sẽ cùng nhau dẫn thiếu đoàn về phía trước
Màu khăn xanh đã chuyển màu một chút
Em bây giờ không là em thiếu sinh nhỏ tuổi nữa
Em bây giờ là cộng sự của chị
Chào mừng em quay trở về Thiếu đoàn
Vinh dự biết bao, lại được tiếp tục cộng tác cùng em
Chặng đường mới, thử thách mới
Bước cùng nhau, em nhé!

21/05/2016
Hải Ngưu Thận Trọng

Tuesday, April 19, 2016

Thầy

Trưởng của tôi, người giữ gìn ký ức, người giữ gìn phong trào.

Con cảm ơn trưởng.


Saturday, February 6, 2016

Tạm biệt em

Em thương yêu,

Cảm ơn em đã kiên nhẫn giữ lời hứa đập heo vào thời điểm này như đã ước hẹn với chị. Đây là bài học cuối cùng chị muốn chỉ dạy cho em với vai trò là một thiếu trưởng Thiếu đoàn Bắc Giang.

Cuộc sống không ai biết trước điều gì đang chờ đón mình phía trước em nhỉ? Mong em nhớ những gì chị dạy về “sắp sẵn” và “sẵn sàng”, và mong em ứng dụng những gì mình học cùng nhau trên con đường Hướng Đạo cũng như con đường đời của em phía trước.

Được đồng hành cùng em trong suốt những năm tháng qua là một niềm vinh dự to lớn của chị, được nhìn em va vấp, được cùng em đứng lên, được cùng em gặt hái những thành công, và được chứng kiến em trưởng thành, là một đặc quyền mà không phải ai cũng có. Cảm ơn em đã yêu Hướng Đạo, và cảm ơn em đã yêu Bắc Giang.


Chị thương chúc em sẽ tiếp tục cùng với chị Minh Ân và chị Hồng Ân lèo lái con thuyền Bắc Giang đến với những thành công mới, những thay đổi trong thiếu đoàn trong thời gian tới hẳn sẽ khiến em nản chí, nhưng mong em đừng từ bỏ, mong em hãy cùng với các chị, các bạn giữ cho lá cờ Bắc Giang được tiếp tục bay cao trong gió, để những đàn chị đi trước được tiếp tục tự hào, và để chị có thể ngẩng cao đầu tự hào về những gì mình để lại.

Thương chúc em vững vàng, bao dung, khôn ngoan, và thăng tiến.

Hướng Đạo một ngày – Hướng Đạo mãi mãi.


Thương em,

Hải Ngưu Thận Trọng

Friday, February 5, 2016

Thư gửi anh Thanh trưởng

Chào anh, anh Thanh trưởng,

Em xem hình Thanh đoàn đi trại, em vui vô cùng, cảm ơn anh, vì những tâm tư và nhiệt huyết của anh dành cho các em.

Trong suốt những năm tháng cầm đoàn, nhiều lần em có vinh dự nhận Sói con lên đoàn, mỗi một lần nhận các em, em lại trịnh trọng hứa với các Akela rằng "Tôi xin hứa sẽ tiếp tục dìu dắt em trên con đường Hướng Đạo mà trưởng đã đưa em đi", và lời hứa này em luôn cố gắng hết sức để thực hiện, đó là vinh dự và cũng là trăn trở. Chính vì vậy, em cũng kỳ vọng khi em tiễn đàn em của mình rời Thiếu đoàn, người huynh trưởng mới của các em cũng sẽ tiếp tục dìu dắt các em trên con đường Hướng Đạo đầy đam mê và niềm vui này.

Cảm ơn anh, đã tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Hướng Đạo trong các em, giúp cho ngọn lửa ấy cháy sáng, lan rộng và ấm áp biết bao nhiêu. Em chưa bao giờ có cơ hội tìm hiểu thật sự Thanh đoàn sinh hoạt những gì, chỉ biết đứng quan sát từ xa, nhìn thấy nụ cười của tụi nhỏ, mỗi lần hỏi thăm lại nghe giọng điệu bí mật "hay lắm chị ơi" mà vừa mừng, vừa thèm. 

Cảm ơn anh, đã giữ lấy từng em mà không để rơi rụng em nào cho đến giờ phút này. Thanh đoàn, với em là cả một tương lai của Đạo mình. Chính các em sẽ trưởng thành hơn từ vườn ươm này, cảm ơn anh, đã giúp cho các em chững lại, không còn những bộp chộp tuổi thiếu, nhưng vẫn đủ những háo hức để luôn học hỏi. Thiết nghĩ anh cũng có khối thứ phải lo lắng, vậy mà, mỗi tuần anh đều dành cho tụi nhỏ toàn những bất ngờ nho nhỏ. Không biết từ bao giờ, cứ mở miệng ra tụi nhỏ lại nói "anh B. nói là...", "theo anh B. thì...", "anh B. phán...". Mặc dù hơi ghen tị, nhưng em phải công nhận hẳn là đối với tụi nhỏ, anh Bảo tuyệt vời lắm lắm.

Cảm ơn anh, đã khiến trò chơi Hướng Đạo trở nên hấp dẫn hơn và đặt ra tiêu chuẩn mới trong lòng các em. Với một ngân sách giới hạn, nhưng anh đã luôn biết cách khiến cuộc chơi này trở nên hấp dẫn với các em. Với những em đã từng đi qua ngành Ấu, Thiếu, cảm ơn anh đã biết cách biến tấu những điều cũ rích thành mới mẻ để giữ lửa cho các em. Lâu lắm rồi, em mới thấy lại Thanh đoàn với một sức sống tràn trề, đầy năng lượng, và tinh thần ngùn ngụt như vậy.

Cảm ơn anh, anh Thanh trưởng.
Cảm ơn anh về cảm giác yên tâm này để trong tương lai gần, các Thiếu trưởng trong Đạo như em, sẽ có thể nhẹ nhõm tiễn đàn em của mình rời khỏi thiếu đoàn và dặn dò "Chúc em sẽ khám phá được nhiều điều mới lại cùng với Thanh đoàn, và chị tin chắc em sẽ có rất nhiều niềm vui."

Chào anh, anh Thanh trưởng, chúc anh cũng tìm được nhiều niềm vui cùng tụi nhỏ.

-Hải Ngưu Thận Trọng-