Wednesday, September 24, 2014

Nước Ý của tôi - Phần 2: Arcisdosso

Nếu có ai hỏi, tôi sẽ làm bộ rầu rầu nhìn về nơi xa mà nói "cái hồi ở Tuscany đó, nó như vầy nè...", phải, tôi đã có một lần được đến Tuscany thôn dã. Tôi nhận lời mời của một anh Couchsurfer và đến ở nhà anh này tại thị trấn nhỏ tẹo tên Arcisdosso nằm ở ngọn núi lửa đã tắt lâu năm mà không biết có tắt hẳn chưa - Monte Amiata. Thị trấn này thuộc tỉnh Grosseto và cách Firenze gần 100 cây số. Cái thị trấn rộng vỏn vẹn 93 cây số vuông lại có đến hơn bốn ngàn dân, tức là thị trấn này rộng gấp 3 lần Sapa mà dân số thì chỉ bằng có phân nửa Sapa thôi.

Hồi nhận lời tới đây tá túc, tôi háo hức, hớn hở lắm, vì đây là trải nghiệm couchsurfing đầu tiên của tôi, tôi thử một lần đặt niềm tin hết vào con người, dọn đồ tới ở chung với người lạ. Ngồi trên xe buýt rồi trên xe hàng chú nông dân cho đi nhờ, tôi ngắm nghía những cánh đồng cuối đông xanh xanh chuẩn bị cho mùa vụ mới, những vườn nho eo xèo, và những cây ô liu trụi lá. Vậy thôi nhưng vẫn đẹp, dù không giống trong mấy tấm hình mà anh Google cho tôi xem. nhưng mà vậy thôi cũng đã phê như con tê tê rồi.

Tới lúc hạ đồ xuống, kéo vali 30kg chinh chiến trên những con dốc triền miên của Arcisdosso, tôi mới bớt yêu chỗ này lại một chút, thị trấn nhỏ xíu, lưa thưa dân, vì trên núi nên rất lạnh, ẩm ướt và âm u, lúc trời nắng nhất, tức là 3g trưa thì nhiệt độ vẫn còn đâu đó ở con số 10. Tôi ghét bị ướt, nên chỉ có vậy thôi mà đã bớt ưa chỗ này rồi.

Hồi lúc trước khi đi Ý, tôi chưa có thân với anh Google lắm nên tôi cũng chưa hỏi thăm ảnh nhiều về chỗ này, thì tôi cũng nghĩ Rome mà 10 thì Arcisdosso cũng hẳn là phải 5 hay 6, ai dè đâu, chỗ này buồn hiu hắt, chẳng ai đời lại đi du lịch cái chốn này cả, tới Trip Advisor mà còn chỉ có lưa thưa vài mẩu tin ngắn về cái thị trấn này thôi, tôi buồn ghê gớm.

Tôi ở chung nhà với một anh chủ nhà theo chủ nghĩa ăn chay cực đoan, tức là anh chàng này không ăn thịt và không cho bất cứ ai ở trong nhà mình ăn thịt cả, mèn ơi, tôi đâu có biết, tối hôm mới tới tôi còn xì xà xì xụp nấu món miến phú hương với paste mua ở siêu thị gần đó nữa chứ, rồi tôi còn mời mọi người ăn thử "Vietnamese instant noodle" nữa, tôi thấy có lỗi quá trời, tại tôi mà cả nhà bữa đó phá giới. Tới sáng hôm sau mắt mũi rõ ràng rồi tôi mới đọc thấy dòng chữ cấm ăn thịt trong nhà của anh chủ nhà, đàng tiu nghỉu giấu nhẹm nửa hộp paste tươi ngon ơi là ngon vào vali.


Chủ nhà áp dụng mọi tiêu chí của việc "sống xanh" thái quá, ví dụ như nhà không dùng hệ thống sưởi bằng điện mà chỉ dùng lò than và củi, mà bạn biết đó, tôi đến đây vào cuối mùa đông, chớm xuân, mà nhiệt độ chiều chiều đã là 4 - 5 độ rồi, thì thử coi đêm xuống còn bao nhiêu. Vậy đó. Khủng khiếp hơn nữa là nhà anh này có hệ thống nước dẫn từ suối xuống và không có bình nước nóng, thành ra, không tắm là chuyện bình thường. Tôi ở đó 3 ngày, đừng nói tới tắm, sáng ngủ dậy rửa mặt là một cực hình, cực hình bạn hiểu không? Còn nữa, cực hình này cũng khủng khiếp không kém, không biết là chăn ra gối đệm bao lâu anh này sẽ giặt một lần, cơ mà lúc tôi nằm xuống thì có một cái thứ mùi giống như nùi giẻ, cũng hên là tôi mang rất nhiều thể loại khăn choàng nên cũng tạm có thể quấn quanh mặt qua đêm, với cả lạnh như vậy, tôi lại bị xoang nên lỗ mũi cũng đình công, tạm sống qua ngày.

Tôi dành mấy ngày ở đây để nghỉ ngơi sau chuyến làm việc cực lực ở Rome, nên tôi ngủ tới trưa trờ trưa trật mới dậy, còn tối thì thức đến tận khuya, phần vì ngủ no giấc, phần vì chiến lược tự làm mình mệt để tới hồi đặt lưng xuống là ngủ thôi. Ban ngày tôi ăn sáng, uống cà phê, ngồi dỏng tai nghe bà con trong nhà bàn chuyện tào lao một chút rồi lại đi bộ vào thị trấn, mua cái này, cái kia. Vì Arcisdosso là một thị trấn heo hút quá, nên mấy món nhu yếu phẩm rẻ cực kỳ, ví dụ như chai sữa tắm thơm lừng lực 750ml mà chỉ có 6 euros, tôi mà biết nó thơm như vầy, thể nào tôi cũng mua một thùng mang về Việt Nam bán lại....Bởi....cái đầu thiếu máu kinh doanh nó hiền lành vậy đó.

Tôi quyết tâm là ở mọi nơi tôi đi qua ở Ý, tôi phải ăn thử món kem của họ, nhưng rất tiếc, ở đây không có những quầy kem như ở Roma, Pisa, Lucca, hay Venezia. Ở đây sự xuất hiện của khách vãng lai trở nên kỳ lạ nhưng mọi người chỉ dòm rồi lại thôi. Vậy là tôi cũng không thử được kem ở đây ngon dở ra sao, mà chắc không ngon rồi, vì lạnh vậy mà ăn kem thì quả là không bình thường đâu nhỉ.


Tôi rời Arcisdosso vào lúc sáng sớm, vì tàu từ Grosseto tới Pisa mà tôi mua vé là vào lúc 8g30 nên 5g tôi đã phải bắt bus vào trung tâm rồi, ôi trời, bình thường thị trấn này đã buồn, vào lúc 5g sáng thì ở đây còn buồn hơn nữa, những con phố vắng tanh, ma cô ma cạo chẳng thấy một bóng, chỉ có chiếc xe cảnh sát "Policia" chạy chầm chậm để ông cảnh sát dòm dòm tôi rồi khoát tay đi mất, vậy thôi, chỉ vậy thôi.

Tôi đi và chứng kiến mặt trời mọc trên những dãy đồi xanh mướt dập dờn như sóng lượn, chợt nhận ra, có lẽ tôi không sai khi nhận lời đến đây, ở đây bình yên đến buồn, có vậy, tôi mới biết yêu những ngày rộn ràng ở Firenze, những ngày dập dìu ong bướm ở Venezia, những ngày rộn ràng quay về Roma.

Tuscany, tôi đã đến rồi đó nha.

-Tâm Vũ-





Sunday, September 21, 2014

Giang hồ

Tôi rất thích bài thơ này, mỗi lần buồn buồn lại ngồi lẩm nhẩm, nghĩ sống ở đời cũng nên một lần thử làm giang hồ, chỉ cần cất giỏ quay lưng là sẽ ổn cả, nhưng nghĩ thôi chứ không làm được.

Tôi thích bài thơ này đến nỗi, đây là lần thứ hai tôi đăng lại bài thơ này, thương lắm, thèm lắm, lại cứ muốn xách ba lô rồi lên đường thôi. Tôi mơ đứng giữa đại ngàn Mông Cổ, nhìn những đứa trẻ mắt hẹp và má hây hây hồng, tôi mơ mình lang thang trên những con đường cổ xưa Tây Ban Nha, nghe tiếng guitar réo rắt, quyến rũ, tôi mơ mình đi chân không vào những ngôi chùa dát vàng Myanmar, đắm mình trong không khí linh thiêng lặng lẽ của cái xứ đóng cửa quá lâu, tôi mơ mình lại lặn lội rừng già châu phi, hú hồn thấy em cọp gằm ghè kế bên, hay là vừa đi vừa xí xô xí xào thứ tiếng Tây Ban Nha lai tạp ở Nam Mỹ. Tôi thèm đi quá, tôi muốn đi quá, tôi nhớ cái cảm giác xa nhà.

Bởi vậy mới nói, lớn lên, ai cũng nên vài lần đi xa, để biết yêu hơn mái nhà đang có.

---

Giang Hồ

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu...

Giang hồ ta chẳng thay áo ráng
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng ngay mới hiểu mình tóc bạc
Chơt tiếng trẻ thưa ở bên đường.


Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵng dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.

[Phạm Hữu Quang]


Sunday, September 14, 2014

Gửi em

Sáng Chúa nhật vừa rồi chị cho các em họp đội, chị ngồi gần đó im lặng ngắm nhìn các em tự vui, tự chơi, và tự dạy nhau học. Chị thấy các em chơi thật vui, các em bày trò chơi với nút dây, đội sinh đứng dậy chào đội trưởng khi thực hiện xong nhiệm vụ, đội trưởng phạt đội sinh vì mặc đồ không chỉnh chu, đội trưởng cố sức giải thích cho đội sinh hiểu thế nào là “sắp sẵn”. Chị thấy các em thật lớn, chị thấy trong ánh mắt, nụ cười của các em đã không còn đơn giản là một cô nhóc bé nhỏ nữa rồi, mang trong dáng đứng, cử điệu là một cô thiếu nữ đang rất lớn. Chị cảm thấy may mắn lắm khi được chứng kiến các em lớn lên từng ngày, rồi mai này, các em sẽ vươn vai lớn lên, trở thành những người trẻ đầy bản lĩnh và đi xa.

Em biết không, có những đứa trẻ cũng trạc tuổi em thôi, nhưng mỗi sáng lại phải dậy từ lúc 1g sáng để đi cạo mủ cao su vì mặt trời lên mủ cao su sẽ đông lại. Cũng có những đứa trẻ đôi mặt đượm buồn chiều chiều đi giăng câu kiếm cá ăn qua ngày. Lại có những đứa trẻ khác ngày ngày tần tảo đi bộ 5 cây số đến trường, chỉ vì đi học thì vui hơn đi mót mì.

Em biết không, có những đứa trẻ ngày đêm chìm đắm trong chăn ấm nệm êm, nhiệt độ phòng không bao giờ vượt quá 25 độ C. Cũng có những đứa trẻ khác lúc nào cũng vui tươi, nở nụ cười chói nắng chào ngày tươi đẹp. Lại có những đứa trẻ chỉ cần thích thì có thể được ăn pizza, yến sào, hay McDonald.

Chúng ta không chọn được cho mình bối cảnh gia đình khi mình sinh ra các em ạ. Chúng ta không thể quyết định được cha mình phải là giám đốc bệnh viện còn mẹ thì là siêu mẫu nổi tiếng. Chúng ta không chọn được mình sẽ sinh ra ở Berlin hay Kuala Lumpur. Chúng ta đâu có chọn được cho mình là con trai hay con gái. Lúc sinh ra chúng không có nhiều lựa chọn, chúng ta được trao tặng một cuộc đời phía trước để quyết định.

Các em ạ, ngành tráng hay lắm, khi các em “tu luyện” đến một trình độ nào đó, em sẽ được “lên đường” và trao cho em cây gậy nạn – tức là cây gậy hình chữ y, ý muốn nói cuộc đời là sự lựa chọn, lựa chọn theo ngã thiện hay ác là nằm nơi quyết định của em.

Chị thương em chị thiệt thòi không tham gia được những trại họp bạn quốc tế để gặp gỡ giao lưu, chị thương em chị bé nhỏ không có nhiều cơ hội đi trại chung với nhiều đoàn bạn, chị thương em chị thiếu thốn nhiều thứ để lớn lên viên mãn. Nhưng chị thương em chị đã luôn cố gắng mỗi ngày để làm một hướng đạo sinh giỏi. Chị chúc em chị luôn là người dẫn đường đến những miền đất mới, để em có bản lĩnh quyết định cuộc đời mình từ những việc nhỏ thôi, chị mong em quyết định mình sẽ học giỏi, em quyết định mình sẽ yêu thương và vị tha, em quyết định mình yêu những thứ mình có và chia sẻ những gì mình đong đầy. Chị mong em biết chọn ngã thiện trong từng bước đường đời mình.

Mai này, em sẽ tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Em nha.

23.09.2014

---

Cách đây gần 10 năm, chị có một người bạn rất thân thiết, những ngày đầu mới mẻ, học tập cùng nhau, bọn chị đã từng rất thân thiết, những khó khăn, va chạm, chị và người bạn đó đã chung vai đi cùng nhau. Chị đã rất yêu quý người bạn đó, giống như chị đang có thêm một người anh vậy. Nhưng cuộc sống là thứ mình không biết trước các em ạ, người bạn đó bị nghiện, một lần sai, hai lần sai, và những lần sai sau đã đẩy bạn chị ra đi. Đôi lúc chị nghĩ, bây giờ bạn như thế nào rồi nhỉ, có khoẻ không, có gia đình chưa, có nhớ về những người huynh đệ cũ ngày xưa hay không? Chị cũng không biết nữa. Chị chỉ cảm thấy day dứt, vì ngày xưa, chị đã không vượt qua được sự kỳ thị của bản thân để đến gần hơn bạn mình và nói "mạnh mẽ lên, mình cùng chiến đấu".

Hôm qua, chị cũng đã mất một người bạn khác với lý do cũng gần như vậy, 5 năm kề vai sát cánh rồi cũng tan biến như chưa từng có gì xảy ra. Chị không quá thân thiết với bạn nhưng rất nhiều dự án đã làm chung cùng nhau, vì vậy, sẽ không phải là nói quá nếu gọi bạn ấy là "cộng sự". Mà em biết rồi "Hướng Đạo Sinh trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người CỘNG SỰ" mà.

Tình bạn là một điều gì đó rất kỳ diệu và quý giá, em đừng đợi nó mất đi rồi mới nhận ra em đã từng quý mến họ như thế nào. Tình bạn cũng không phải thứ vĩnh cửu không tự nhiên mà lớn lên theo thời gian. Tình bạn cần nhiều hơn những lúc cười nói vui vẻ trên bàn nhậu, tình bạn không phải chỉ là những lúc vi vu đi chơi cùng nhau.

Tình bạn là nỗ lực, là chia sẻ và là sự cộng tác của cả hai phía để cùng đi về một chí hướng chung.
Từ hôm qua đến nay, chị buồn ghê gớm, chị tiếc cho một người bạn, nhưng chị cũng tự cảm thấy ray rứt vì mình đã chẳng làm gì được để giữ lấy bạn. Mọi thứ rồi cũng sẽ trôi qua, em có lúc nào đó cũng sẽ quên mất mình có người bạn này, nhưng những lúc tối trời, sao sáng, ngồi ở biển nghe củi lửa bí bép, em sẽ chợt nhớ ra, em đã từng có người bạn này.

Có một chút mất mát.

Thiếu sinh của chị, câu chuyện riêng của chị, sẽ là bài học của các em. Vì các em là thiếu sinh của chị nên các em sẽ giỏi hơn chị, bản lĩnh hơn chị, tận tâm hơn chị. Chị mong các em biết chọn bạn chơi và biết gìn giữ tình bạn đó, để tình bạn là động lực để em tốt đẹp hơn.

14.09.14

---

Hồi xưa, lúc học lớp 9, chị đọc cuốn sách "hàn lâm" đầu tiên trong đời, cuốn "Con đường chẳng mấy ai đi" do một tiến sĩ tâm thần người Mỹ nổi tiếng lắm viết. Cuốn sách chia ra làm hai phần nói về đời sống quy phạm (hiểu nôm na là những nguyên tắc sống, lý tưởng, kỷ luật bản thân...) và về tình yêu. Cuốn sách này hay lắm, nhưng quả là hơi khó so với một đứa 14 tuổi, chị mất một năm để đọc xong cuốn sách này, vì cứ phải đọc lại để hiểu tác giả đang nói cái gì, nhưng sau khi đọc xong, chị lại khao khát trở thành một bác sĩ tâm thần, để được tìm tòi, quan sát, nghiên cứu và chữa trị các ca liên quan đến hành vi và suy nghĩ con người. Cũng vừa hay, trong gia đình họ hàng, chị có một người dượng (tức là chồng của dì ruột) cũng là bác sỹ tâm thần, sau đó đến năm lớp 11 lại đọc cuốn hồi ký của một bác sỹ tâm thần khác "Gọi bình yên quay về", nói chung là, đến tận lúc làm hồ sơ thi đại học, chị vẫn rất quyết tâm sẽ trở thành bác sỹ tâm thần. Chị thấy mình có đủ động lực, nền tảng, và đam mê để đi theo con đường này. Thi trượt y hai lần, thật ra chị vẫn còn ý định thi lại lần thứ ba nữa cơ, nhưng sau một tháng quán triệt tư tưởng, mẹ chị đã thành công thuyết phục chị học quản trị kinh doanh. Trước ngày nhập học 6 tháng, chị có cơ hội tham gia một hội nghị truyền thông về quyền trẻ em. Tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với những nhà truyền thông xã hội, những người dành cả cuộc đời rong ruổi đấu tranh vì quyền lợi trẻ em, nói với thế giới rằng "trẻ em là những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội" và "trẻ em chính là tương lai của thế giới này". Trở về sau hội nghị, chị cứ bị thôi thúc mãi, đúng là những gì Hướng Đạo đang làm cho trẻ em thì thật tuyệt vời, nhưng mình, bản thân mình có thể làm được nhiều nhiều hơn những công việc đó nữa. Vậy là chị quyết định hướng khả năng và tâm trí làm việc vì trẻ em. Một trong những giảng viên đại học của chị còn nói rằng "nếu Vi thích trẻ em như vậy, tôi nghĩ bạn nên làm về giáo dục chứ không phải kinh doanh". Và đến hiện tại thì chị đang làm cái nghề mà người ta gọi là nhân viên xã hội, nghĩa là chẳng liên quan gì đến bác sĩ tâm thần hay quản trị kinh doanh cả.

Nói dài dòng như vậy, chỉ vì chị muốn nói với các em rằng, con đường mình chọn cho cuộc đời mình, không phải cứ ngồi xuống lấy tờ giấy, cây viết, vẽ là sẽ ra. Cần mất rất nhiều thời gian, suy nghĩ, lựa chọn, đắn đo, và thay đổi để có thể quyết định mình làm gì, đi đâu và sẽ là ai trong tương lai. Không phải em cứ mơ ước là sẽ cứ đâm đầu vào cái mơ ước đó hay lầm lũi gánh vác một ước mơ của ai khác. Nói vậy để các em hiểu rằng, bản ngã cuộc đời (à, hiểu nôm na là tấm bản đồ cuộc đời) cần được định hướng và vẽ dần qua thời gian.

Yêu thích là một chuyện, nhưng em cũng cần hiểu rằng, khả năng, tố chất cũng là một nhân tố quyết định hướng đi. Em không thể trở thành bác sỹ nếu như em ghê tởm máu me. Em không thể trở thành ca sỹ nếu như em ghét âm nhạc. Hay em không thể trở thành bà ma sơ nếu như em không yêu thích những khoản thời gian ngồi riêng với Chúa và phục vụ trong thinh lặng.

Nói chung là, nếu chẳng may năm trước em mơ ước trở thành giáo viên, còn năm sau em lại tự nhiên thích làm hoa hậu thì cũng chẳng sao cả. Điều đó cũng bình thường thôi. Mấu chốt nằm ở chỗ, em có hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình hay không mà thôi. Nếu em không biết mình giỏi ở đâu hoặc dở cái gì, thì cho dù em có mơ 100 giấc mơ thì cuộc đời em vẫn cứ lênh đênh.

Chị cũng thích 20 năm nữa có một em thiếu sinh làm giám đốc, diễn viên, bác sỹ, ma sơ.....lắm, nhưng thật ra, chị thích nhìn các em vững vàng hơn. Vậy nên, chị chúc các em hiểu mình.


13.09.14

---

Mỗi năm, chương trình của mình hỗ trợ khoảng 2,500 trẻ đến trường thông qua các gói học bổng và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khẩn cấp, và can thiệp khác. Với số lượng trẻ đồ sộ như vậy, và dàn nhân lực mỏng tan 4 cán bộ địa bàn, 1 admin, và một điều phối viên cấp cao, việc đi thăm nhà ngần ấy trẻ là một chuyện phim nhiều tập dài lê thê không bao giờ hết. Ví dụ như từ tháng 8 năm 2013 đến hết tháng 8 năm nay, với nỗ lực cực lực quên cả lấy chồng của cả phòng, chỉ khoản 500 trẻ trong số 2,500 được thăm nhà. Mấy hôm nay lại tiếp tục chuẩn bị hồ sơ lên đường đi thăm 100 em khác ở địa bàn mình phụ trách. Thông tin sai lệch, thiếu trước hụt sau, thông tin ảo, trẻ nghỉ học, địa phương không hợp tác, mình bị rối. Vậy là cả tuần ngồi loay hoay kiểm tra thông tin, dọn dẹp danh sách sao cho gọn gàng, phân phối lực lượng...Cuối tuần, ngẫm nghĩ lại, chuyện gì chưa bắt tay vô làm thì cũng thật gớm ghiếc, lằng nhằng, nhưng nó vẫn cứ gớm ghiếc và lằng nhằng như vậy hoài cho đến khi mình đâm đầu vô, xắn tay áo lên làm, kệ xác nó là có u đầu mẻ trán không, cứ làm thôi. Vậy đó, dài dòng vậy chỉ để tóm lại, cứ làm thôi, mọi thứ sẽ ổn.

12.09.14

---

Thật ra chị rất thích nội dung và ý tưởng của tấm hình này, vừa hay nhìn vào hình em nào cũng đang cười, vì cười là một loại dấu hiệu hiển nhiên của hạnh phúc.

Hôm nay đi làm, chị đọc được 2 mẩu tin mà làm chị cảm thấy lăn tăn cả ngày. Mẩu tin thứ nhất là của UNICEF kêu gọi bảo vệ quyền trẻ em cho trẻ em ở vùng GAZA với câu chuyện của một em nhỏ đã tận mắt chứng kiến mẹ, chị gái, và anh trai bị thảm sát vì bom, còn em thì may mắn sống sót. Chuyện thứ hai là một câu chuyện về một bạn nhỏ học lớp 7 mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải vừa đi học vừa chăm sóc anh trai và chị gái bị tâm thần. Cũng hôm nay chị gọi điện cho một học sinh trong chương trình để hỏi thăm tình hình thi cử xem kỳ thi chuyển cấp vừa rồi em ấy vào trường nào, thì mới biết là em ấy đã nghỉ học dù được hứa tài trợ học phí.

Những câu chuyện ngày thường xảy ra ở tây ở ta, ở Trung Đông hay ở Hải Dương, hoặc thậm chí rất gần, cũng nhiều lúc mình thấy, mình chứng kiến, nhưng hình như là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Có những lúc mình hạnh phúc quá rồi mình quên mất có rất nhiều người khác đang ngụp lặn trong bế tắc và đau khổ, phải không các em?
Trong lúc sáng CN hàng tuần các em ăn bận đẹp đẽ, tinh tươm, vận lên người bộ đồng phục sáng màu và bắt mắt để bắt bài hát, chơi trò chơi, thì đâu đó có những đứa trẻ vận trên người bộ đồ rách bươm và hôi thối đi bán vé số, kẹo bánh, hay khăn giấy để nuôi sống bản thân.

Nói vậy không có nghĩa là các em nên ngừng đi Hướng Đạo và về nhà xin ba má cho đi bán vé số. Nói vậy để nhắc các em, nhắc chị rằng, mỗi ngày đến, mỗi ngày trôi qua là một ngày tràn đầy ơn trên và là một ngày ý nghĩa. Sống trọn vẹn hôm nay, yêu thương, cho đi mà không cần nhận lại, từ bỏ cái tôi bướng bỉnh của mình để hoà nhã và rộng lượng với mọi người. Để hôm nay em là một Hướng Đạo Sinh giỏi, còn mai này em sẽ là một công dân có ích cho xã hội. Và để mai này lớn lên, chị mong em không chỉ không trở thành gánh nặng xã hội mà còn luôn là người dẫn đường và có trái tim biết rung động, đồng cảm và thương yêu.

Chỉ như vậy thôi, chị nghĩ không riêng chị, mà cả cha mẹ, thầy cô của các em cũng mơ như vậy.
Các em là những đứa trẻ hạnh phúc, hạnh phúc là thứ có thể lây lan. Hãy bắt đầu từ em.

 11.09.14

Monday, September 8, 2014

Linh tinh khói củi

Tôi rất thích đoạn thơ dịch này thường hay được in trên trang bìa các cuốn sổ khoá trại Huấn luyện Hướng Đạo, bởi vì tôi đã từng trải qua những đêm như vậy, nghe mùi khói củi thơm nồng, nghe tiếng lép bép lửa cháy, rồi nhìn bóng đêm bị xua tan một khoảng, ngồi cạnh những người anh em chung lưng đấu cật vì một lý tưởng cao đẹp nào đó.

Tôi đã từng tương tư Hướng Đạo nặng như vậy....bây giờ thì lớn rồi, không yêu nhiệt tình như thế nữa. Tiếc lắm thay.


"Ai đã ngửi khói rừng khi chạng vạng?
Ai đã nghe củi cháy giữa đêm thâu?
Ai đã nhanh đọc tiếng của rừng sâu?
Hãy để họ theo bước chân kẻ đi trước
Vì chân người trẻ đang quay bước
Hướng về nguồn của nguyện ước với niềm vui"
-Rudyard Kipling-

Sunday, September 7, 2014

...

Tôi muốn đăng gì đó thật ý nghĩa, nhưng độ rày tâm trạng lộn xộn lại thêm chuyện ít hôm trước vừa kết một anh không thể với tới, thành ra lại càng rối rắm. Thôi thì có cái hình với cái quote hay hay, gắn đỡ bớt buồn.



---

Bữa nay tôi quyết định xoá hết mấy cái blast cũ, mà xoá thì cũng uổng, vì treo lâu quá thành ra thân thương như thật, nên thôi dán lại ở đây, biết đâu đó lúc nào hợp tâm trạng, hay bữa nào rụng trứng đổi tánh đổi nết lại muốn treo lại thì sao.

- Người ta nói hạnh phúc là tự do mình, lúc trước tôi tin điều này ghê lắm, nhưng giờ tôi cũng không biết nữa, vì có lúc trong tôi chỉ toàn buồn rầu.

- Tôi luôn ước giá như lúc nào đó thời gian đừng trôi nữa, để tôi kịp chạy về đâu đó sửa sai và nhìn lại. Nhưng cái khó là dù tôi có ước thời gian vẫn cứ chầm chậm trôi qua. Mỗi năm tôi dành thời gian tĩnh tâm nhìn về năm cũ và nhìn vào năm mới, chợt thấu chơi vơi lạ lùng.

- Thật ra chúng ta đều sẽ đổi thay, đến ngày mà còn sáng nắng tối tàn nữa cơ mà. Chống lại sự đổi thay là chống lại tự nhiên. Chúng ta thảy đều nhỏ bé và khó lòng chống lại cái tự nhiên vô hạn đó, những gì mình có thể làm, đó là lèo lái cái thay đổi theo hướng tốt nhất có thể. Vậy thôi.