Friday, September 30, 2011

Răng và mẹ


Ban đầu đó là mũi thuốc tê, cảm giác cây kim ngoáy sâu vào nướu bạn, toàn cơ thể căng cứng vì lo lắng, 5 giây sâu, thuốc bắt đầu phát huy tác dụng, bạn dần dần mất cảm giác cục bộ, khẽ đưa tay lên sờ vào má, tê rần rần, cứ như đang rờ phải mặt của ai đó, lạ!

45 phút, bạn nằm há họng cho người ta chọt chọt, khoan khoan đục đục, rồi lại kéo, giật, rồi tiếng máy hút nước bọt, rồi vị mặn và tanh nồng của máu, vị mằn mặn thuốc của cái chất nước muối màu nâu mà mỗi lần khoan thì phải xịt thẳng vào mũi khoan.

Tất cả diễn ra ngay khi bạn hoàn toàn tỉnh táo, bạn hoàn toàn thấy được người ta đang làm gì trong miệng mình. Bạn tự nhủ, ta không sợ, nhưng cơ thể thì căng cứng, tay bạn bấu chặt cái điện thoại trong tay.

Đó là hành trình lấy đi một cái răng trong miệng bạn, 45 phút, khoa học tiến bộ, cho bạn mấy chục mililít thuốc tê, rồi thuốc giảm đau, để giảm thiểu tối đa sự đau của bạn. Bạn than thở với bất cứ ai bạn gặp. Mọi người lo lắng hỏi thăm, bạn hỉ hả trong lòng vì ít ra bạn bè còn quan tâm tới bạn, và bạn lại ca bài ca con cá “úi chà, thì đau lắm, đau không tả nổi đâu, nhưng không thành vấn đề với tớ”, bạn cười trong bụng, chắc hẳn mọi người thán phục mình lắm đây. Gớm! Can đảm chưa!

Nằm vắt tay lên trán, bạn nghĩ về mẹ, khi sinh bạn ra, hẳn mẹ đã chẳng có lấy 1 mililít thuốc tê để bớt đau hơn. Cuộc vượt cạn của mẹ chắc rằng phải dài hơn 45 phút cỏn con của bạn. Lượng máu mẹ mất đi chắc phải tính bằng lít, phải lau bằng giẻ chứ chẳng phải bông gòn như bạn, và hẳn ngày mẹ sinh bạn ra, mẹ đã chẳng có nhiều người để than thở, vì hẳn mọi người sẽ săm soi bạn, nựng nịu bạn, bế bồng bạn, còn mẹ chỉ câm lặng nằm trong mệt mỏi, tủi thân. Và bạn nhận ra, mẹ can đảm và vĩ đại hơn bạn trăm ngàn lần. Da này, thịt này, bạn vẫn còn nợ mẹ.

Ngồi ăn chén cháo nóng mà mẹ vừa nấu xong bạn xuýt xoa nhăn nhó, rên rỉ, mẹ ngồi kề bên vuốt tóc bạn, làm nước cam rồi xoa lưng bạn, mẹ ủi an, rồi sẽ khỏi, mẹ chạy lên lầu lấy thuốc giảm đau cho bạn uống. Mẹ xót xa, bạn xót xa.

Xót dáng mẹ hao mòn theo tháng năm, xót mình vẫn chưa làm được gì cho mẹ, rồi bạn bật khóc, cái hàm không làm bạn đau nữa, nét thời gian hằn trên đuôi mắt mẹ làm bạn đau, đau khủng khiếp. Có thuốc giảm đau nào cho cái đau này chăng?

Đôi tay mẹ, gầy gầy, xương xương. Thương quá!


-TâmVũ-

Friday, September 16, 2011

Ông nội



Những ngày này tôi cảm thấy bị thôi thúc phải viết gì đó. Ban đầu đó là một làn sóng nhẹ nhàng, lăn tăn. Sau đó, nó trở nên dữ dội và bức bối. Tất cả những hình ảnh tôi thấy, tất cả những đoạn đường tôi đi qua, những góc nhà, những cành cây ngọn cỏ đều tạo cho tôi một cảm giác như thể tôi đang dư ra rất nhiều cảm xúc.
Cảm giác này quay cuồng suốt cả tuần lễ cho đến chiều hôm qua, khi tình cờ trên đường đi học về, tôi bắt gặp một tấm bảng quảng cáo của một cửa hàng bán chăn nệm. Tấm bảng ghi rằng “Nệm xơ dừa lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam”. Thoạt tiên tôi thấy buồn cười vì biết rằng nệm xơ dừa vốn có từ lâu ít nhât cũng phải hơn ba năm, vì những ngày cuối đời của nội tôi, ông đã đề nghị mẹ mua cho ông một tấm nệm xơ dừa, và những ngày đó cách nay đã ba năm.
Chuyên bắt đầu từ những tấm nệm xơ dừa làm tôi nhớ khôn nguôi ông nội tôi. Tôi đã có mười tám năm sống chung với ông dưới một mái nhà, được bước cùng ông những tháng ngày cuối cùng, được thức chông mắt với ông trong những đêm dài đau đớn. Tạ ơn Chúa vì những ngày tháng ít ỏi với hình ảnh vô cùng kiên cường của ông nội.

Ông tôi có một tuổi thơ bình yên với gia đình thôn dã, lớn lên làm việc tại ngân hàng và có gia đình. Cuộc sống sẽ rất đẹp nếu như biến cố năm 1975 không xảy ra và nội không bị thôi việc ở ngân hàng. Trải dài sau đó là một cuộc đời bất đắc chí, chìm đắm trong rượu chè, và cũng tạ ơn Chúa, mặc cho bao nhiêu rượu nội tôi ngập mình trong đó, nội tôi chưa một lần ruồng rẫy con cái, vẫn đều đặn đi làm mang tiền về nuôi cả gia đình, vẫn chở ba tôi đi học, vẫn đưa các cô tôi tới trường, vẫn là một người cha, người chồng, dù chưa hoàn hảo.
Rồi ung thư, ung thư đánh thức ông khỏi cơn mê của rượu. Sau lần mổ đầu tiên, ông không được uống rượu nữa, hoá trị, xạ trị, thuốc men, bào mòn con người ông, người đã gồng gánh cả gia đình trong suốt mấy mươi năm. Ngồi trên xe, ba tôi chở ông đi xạ trị hàng tháng, vài tuần lại vào hoá chất. Sức khoẻ không còn, rượu bia không uống, mặc cảm dựa dẫm con cái, nội tôi hiền như bột, suốt ngày đọc sách, nghe đài và xem phim, thỉnh thoảng nổi nóng vì bế tắc, hụt hẫng. Thời điểm đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu ông, mỗi lần như vậy, tôi chép miệng và lãng tránh.
Ông nội chưa từng lên tiếng đòi hỏi phải có cháu trai nối dõi tông đường, nhưng chưa một lần bế bồng ba đứa cháu gái, tôi ngầm hiểu ra, có lẽ, nếu một trong ba chị em tôi là con trai, chắc ông nội sẽ vui vẻ và thương tụi tôi hơn nhiều. Tôi chưa từng nhận ra ông nội thương tụi tôi biết dường nào, cho đến khi thời gian ông ở với chúng tôi chỉ còn được tính bằng ngày, bằng phút, từng tích tắc của đồng hồ.
Ung thư tái phát sau tám năm ngủ yên, nó sinh sôi, di căn nhanh hơn bất cứ thứ bệnh tật nào. Đó là một buổi chiều Chúa Nhật, khi tôi và mẹ đi dự tĩnh tâm về, cả nhà đang nháo nhào cả lên, đó là lần đầu tiên sau tám năm, ông nội đã không thể kiểm soát cơ thể mình. Kể từ ngày hôm đó, lúc nào bên cạnh ông cũng phải có người, bất kể ngày đêm.
Không thấy đường, không thể ăn, không thể tự ngồi dậy, không thể đi tiêu tiểu, không nghe được, không nói nổi và cuối cùng là ông không thể thở được. Ông ra đi vào một buổi sáng thư tư, gần một năm nằm gục trên giường, dù đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng cả gia đình tôi gần như khuỵ ngã vào ngày hôm đó. Một cú đánh choáng váng. Đó là lần đầu tiên tôi khóc khi chạy xe ngoài đường, một cảm giác bàng hoàng khi nhận được điện thoại báo “ông nội mất, về gấp”. Tôi không chắc bạn hiểu rõ cảm giác này, nhưng đó là một thứ cảm giác rất kinh khủng, khi bạn biết rằng, trong lúc bạn sống, có một người mất đi, và khi bạn về nhà, bạn nhận ra rằng người mất đi đó là người thân của bạn, bạn ước rằng bạn đã nói với người thân đó bạn yêu họ biết dường nào. Và bạn cũng ước rằng, trong cái chớp mắt cuối cùng, bạn nằm trong tâm trí của người ấy.
Bằng cách nào đó rất đặc biệt, ông đã đánh dấu vào lòng chúng tôi một dấu vết không thể xoá nhoà, không thể quên lãng, không thể gạt đi. Bình dị.
Ba năm, phòng nội đã bỏ trống ba năm.
Tôi chợt nhận ra, sự giục giã mà tôi gặp phải những ngày gần đây là vì tôi nhớ nội quá!
-Tâm Vũ-

----

Sắp tới đám giỗ của nội, nhớ ông nội quá.
Nhớ hồi xưa ông nội hay làm cà phê, ông nội cố ý làm 1 ly thật đầy để uống nửa ly cho con nửa ly.
Nhớ hồi xưa ông nội hay coi phim tàu kiếm hiệp rồi kêu con qua cắt nghĩa.
Nhớ tủ sách cổ của ông nội với sách nào sách nấy vàng khè đụng vô sợ gãy giấy.
Nhớ món cơm chiên nước mắm của ông nội.
Nhớ những lúc còn khoẻ ông nội hay đạp xe đi mua báo, mua cây kiểng, mua phân về trồng.
Nhớ ông nội quý cây cau trên sân thượng nên mua tôn về cắt rào xung quanh chậu để khỏi trôi đất, từ ngày con té vào tôn may hết 4 mũi nội dẹp luôn tấm tôn, cứ vài tháng lại đi mua đất thêm vào.
Ông nội nóng nảy và hay la, ông nội ít thể hiện tình cảm và ít cười, ông nội có mùi thuốc lá và mùi của người già, nhưng ông nội luôn thầm lặng yêu thương, và vì ông nội là ông nội con...
Mèn ơi, con nhớ ông nội quá trời.

09/09/2013 

Friday, September 9, 2011

Lang thang



Mở máy, tính lên mạng tìm vài bài tiếng Anh đọc để khỏi bị mai một cái vốn tiếng Anh vốn dĩ đã chẳng có bao nhiêu, thế rồi không thể không vào kiểm tra cái “phây bút”, vào rồi không thể không ghé thăm người này người kia. Vài tấm hình mới bạn cập nhật…những chuyến đi, bạn làm ta chồn chân mỏi gối.

Ta nhớ những chuyến đi của mình, những ngày cắp balô rời nhà từ sáng sớm, trước khi đi ghé qua phòng ba mẹ và hai chị, có chút bồi hồi cứ như ta sẽ không bao giờ quay lại. Đó là thói quen, bởi ta muốn hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm trí phải luôn là gia đình, là người ta thương yêu vô hạn.

Ta nhớ những làn sương sớm thong thả đậu trên tóc, trên mặt vào những buổi sớm đứng xếp gậy điểm danh, trong lành vô cùng. Ta ước cuộc đời cũng có những bước đi bình dị như vậy, chứ đừng vội vã người lướt người rồi bỏ quên nhau.

Ta nhớ những chuyến xe lộng gió chở tiếng cười, tiếng hát của em, rộn ràng lắm, xe đi đến đâu cũng rộn rã cả góc đường, mãi mãi sau này, ta biết rằng sẽ chẳng thế có những chuyến xe nào có thể rộn ràng suốt cả cuộc hành trình mà không nghỉ như vậy, chỉ có chuyến xe chở niềm vui của em là thế thôi.

Ta thèm tuổi trẻ được lang thang trên khắp nẻo đường đất nước, được thấy người dân ta chân chất, thật thà lắm chứ, được đón mời bằng những nụ cười trẻ thơ lẩn giữa cánh đồng xanh thấp thoáng cánh cò. Là quê hương ta đó!

Ta thèm thả tuổi trẻ rong ruổi trên những con đường quê hương, để góp nhặt đây đó những bài học không thể tìm thấy nơi sách vở. Nơi những bài học được rút ra từ mồ hôi ông cha, từ cái cây ngọn cỏ, từ nắm đất, biển xanh. Đó là thứ tuổi trẻ cần phải học.

Ta thèm tuổi trẻ rong chơi nơi xứ người, để từ khắp bốn phương trời và muôn lối đi trong đời mọi người tề tựu trong tình anh em hiệp nhất, nơi có thể con người ta không nói cùng ngôn ngữ, không cùng chia sẻ một niềm tin, không cùng bản sắc văn hoá vẫn có thể nắm tay nhận nhau là anh em. Tuổi trẻ phải được bồi đắp trong thứ ánh sáng như thế thì thế giới này mới có thể tốt đẹp hơn.

Ta quay về với ngôi nhà nhỏ và căn phòng chật hẹp, nung nấu một ý chí, ước mơ, hoài bão. Ta chọn cho mình một lý tưởng sống, ta bơi ngược dòng, ta cảm thấy khó khăn quá, vì có ai đó đã cười ta dại dột “những thằng bơi ngược dòng là những thằng hay chết đuối”. Ta mặc kệ, bởi ta biết nếu xuôi theo dòng nước, tất thảy rồi sẽ rơi xuống thác cao mà tan xác.

Ta quay về với em ta, nhận những nụ cười trong sáng làm động lực cố gắng, lấy những mơ ước của em làm khí cụ chiến đấu, ta quyết biến cuộc chơi thành trò chơi có mục đích cho trẻ nhỏ.

Ta quay về với cuộc đời thực, nơi quá nhiều những điều dang dở cần hoàn tất. Sẽ mất rất nhiều thời gian để làm cho xong cái này cái kia, và thời gian đâu có chờ, tuổi xuân đâu có đợi, ta phải làm thôi, gác những chuyến đi lại, không phải là lúc để lang thang vô định nữa rồi…

Lang thang…chờ đấy!


-Viết trong một ngày nghe quá nhiều những bài hát du ca. Trong bài, tôi có mượn vài chữ của mấy bài du ca quen thuộc.-
Tâm Vũ