Sunday, December 15, 2013

Lớn



Viết về hành trình lớn lên của ai đó thật khó khăn, viết về chặng đường mình đã đi qua còn khó khăn hơn nữa. Tôi không nhớ nhiều về những khoá huấn luyện đầu tiên của mình, trong trí nhớ mơ hồ, tôi chỉ nhớ rằng trại huấn luyện là nơi tôi không cần phải giả bộ mình giỏi giang, trại huấn luyện là nơi mình có thể tạm gác lại những trách nhiệm, lo toan hàng ngày, những chương trình sinh hoạt, hay những đợt kiểm tra chuyên hiệu. Trại huấn luyện là nơi đẹp đẽ như vậy đó, mỗi lần về trại huấn luyện tôi hạnh phúc lắm, giống như cảm giác của con đà điểu rụt đầu vào cát vậy, biết là tạm bợ, biết là nhất thời, nhưng trốn cái đã.

Cũng giống như biết bao anh em Hướng Đạo khác, tôi trải qua những năm tháng màu hồng với Hướng Đạo, khi sống thắm thiết giữa tình huynh đệ trong sáng, những ngày vác ba lô lên vai  vô tư, những buổi sinh hoạt tràn ngập tiếng cười, những kỷ niệm mà cho đến tận bây giờ vẫn còn rất rõ ràng, và cũng trở thành những tài sản vô giá động viên tôi tiến lên trong những lúc ngã lòng.

Thật đáng mừng vì Hướng Đạo không phải thứ màu hồng đơn điệu, Hướng Đạo là bảng màu phong phú của một nghệ sỹ bậc thầy, Hướng Đạo cũng có những tông màu trầm, lạnh, rồi những tông màu sáng, ấm áp khác. Tôi đi trên con đường Hướng Đạo nơi những người anh em mỗi ngày lại thêm một người từ bỏ cuộc chơi, trên con đường đó lắm lúc ồn ào, xô bồ như chợ Tân Định mỗi sáng, nhưng cũng lắm khi vắng vẻ, thênh thang như đường phố Cần Giờ lúc 8 giờ tối. Cũng có những lúc tôi cho rằng, thôi chắc cũng tới lượt mình treo khăn rồi. Nhưng dễ gì tháo cái khăn, cây còi khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên trẻ thơ, khi mỗi sáng Chủ nhật lại có ai đó đứng nghiêm trang chào chị.

Thời gian đầu tôi về trại trường cũng giống như những bạn trẻ khác, háo hức, mơ tưởng về chiếc khăn rừng và hai mẫu gỗ. Những ngày đầu đó tôi may mắn được các trưởng nâng đỡ, chắc cũng tại vì Hướng Đạo xưa nay ít nữ, nên tôi được hưởng nhiều sự chiếu cố từ các trưởng, những lỗi lầm của tôi cũng được các trưởng chỉ dạy nhẹ nhàng hơn, những thiếu sót của tôi cũng trở nên nhỏ bé hơn, những ý kiến của tôi cũng được các trưởng lắng nghe nhiều hơn. Tôi biết ơn những vị huynh trưởng đầu hai thứ tóc đã kê vai cho tôi đi lên qua bao năm tháng, nếu không có sự động viên của các trưởng, có lẽ tôi sẽ không có ngày hôm nay. Ngày hôm nay, chắc sẽ không có một Hải Ngưu Thận Trọng hoạt bát và láu lỉnh như vậy.

Nhưng rồi Bạch Mã, Tùng Nguyên, tôi nhận ra, chiếc khăn rừng và hai mẫu gỗ kia, không phải là vật phẩm trang trí lung linh, đẹp đẽ, đó là trách nhiệm, đó là 32 đứa trẻ, đó là thách thức. Tự dưng tôi thấy sợ. Tôi sợ trách nhiệm, tôi sợ tôi không đủ trưởng thành để có thể bắt chước trưởng tôi kê vai cho các em lớn lên, tôi sợ mình làm gương xấu cho trẻ, tôi sợ mình không đủ yêu trẻ để sống với các em giúp các em vượt qua tuổi dậy thì đầy cạm bẫy, tôi bắt đầu sợ đủ thứ. Tôi cũng bắt đầu nhận ra những áp lực vô hình từ phía các trưởng, tôi bắt đầu có nỗi sợ mới, tôi sợ làm các trưởng thất vọng, tôi sợ các trưởng phải thốt lên rằng “trời, tưởng em nó giỏi, ai dè…”.


Tôi cũng bắt đầu bước những bước chân đầu tiên vào đời, tôi cũng như bao người trẻ khác, cũng cơm áo gạo tiền, cũng phấn đấu, cũng lên chức, cũng bon chen. Lắm lúc cũng ngã lòng tự nhủ hay là tạm nghỉ Hướng Đạo một năm để ổn định rồi đi lại nhỉ. Tôi cũng có những lúc chạy loạn lên vì công việc, tập huấn, công tác, họp hành. Cũng có những ngày Chủ nhật tôi đến với các em bằng thân xác mệt mỏi, đầu óc trống rỗng. Cũng có những tối thứ bảy tôi ngồi đến hai ba giờ sáng vò đầu bức tóc tự hỏi sao phải sống khổ như vậy, sao không dẹp hết đi cho khoẻ, thiếu mợ chợ vẫn đông mà. Nhưng tôi không bỏ được, tôi nhớ ánh mắt em tôi, tôi nhớ nụ cười hiền của trưởng tôi, tôi nhớ cái bắt tay rất chặt và ấm của trưởng tôi, tôi nhớ lời động viên “vu vơ” của trưởng tôi lúc kết khoá. Hoá ra đặt xuống không dễ như tôi tưởng.

Tôi từng nghe nói “Già đi là điều hiển nhiên, nhưng trưởng thành lại là lựa chọn”, ai nói tôi quên mất rồi, nhưng tôi đã ghi lại câu này trong sổ tay để tự nhắc nhở bản thân. Không ai có thể bảo da ơi đừng nhăn, tóc ơi đừng bạc, miệng ơi đừng móm, khớp ơi đừng đau; tuổi già rồi cũng sẽ ập đến như xô nước ai đó vô tình hắc đi, không thể hốt lại, không thể cứu vãng. Nhưng không phải ai già đi cũng sẽ trưởng thành, thực tế chứng minh ngoài kia nhiều lắm những đứa trẻ sống lâu, vì vậy phải lựa chọn “tôi muốn trưởng thành” và chấp nhận những hệ quả đi kèm, và trách nhiệm là một trong những thứ đại khái vậy.

Trở về từ khoá huấn luyện Huy Hiệu Rừng, tôi ngồi ngẫm nghĩ, sao mình không có cảm giác hớn hở nhưng ngày xưa tưởng tượng nhỉ. Ngày xưa tôi nghĩ, khi nào tôi đi xong khoá huấn luyện Huy Hiệu Rừng về chắc tôi sẽ phải tự hào lắm tôi trẻ quá mà, tôi giỏi quá mà, tôi xịn quá mà. Nhưng thực tế hình như không phải vậy. Những gì tôi có bây giờ là những dự định, trách nhiệm, và hoài bão. Tôi không biết con đường Hướng Đạo của mình sẽ dài thêm bao nhiêu năm nữa, tôi không biết trong bao nhiêu năm đó tôi sẽ làm được gì, tôi cũng không biết bao nhiêu năm nữa, Hướng Đạo Việt Nam sẽ lại có tên trong danh sách thành viên của Hướng Đạo Thế Giới, điều mà từ lâu tôi đã không còn mơ tưởng nữa. Tôi không có biệt tài đoán trước tương lai, nhưng tôi là người có nghị lực và quyết tâm, tôi biết rằng, giây phút nào tôi còn mặc bộ đồng phục, vẫn còn ai đó đến xin tôi tuyên lời hứa Hướng Đạo, khi tôi vẫn còn hạnh phúc được vác ba lô lên vai và về với thiên nhiên, ngửi mùi củi lửa, tôi biết rằng chừng đó, tôi vẫn sẽ cố gắng, ít nhất vì cái tôi cần trưởng thành, vì 32 em của tôi, vì liên đoàn của tôi, vì đạo, vì châu. 


Người ta nói dòng sông nào cũng đổ ra biển, nhưng biển lại không đầy. Nhưng tôi biết, dòng sông tôi nhỏ bé, cũng như hàng ngàng dòng sông nhỏ bé khác của anh em Hướng Đạo nếu vì biển không đầy mà ngừng chảy thì biển sẽ cạn.

Tôi, chấp nhận những thách thức của trách nhiệm và trưởng thành.



-Hải Ngưu Thận Trọng-

Sunday, December 8, 2013

SIGNIS Asia - VJ Program



I left home in a rush after the scout woodbadge training course and heading to the bus station, I nearly missed the bus due to my latiness. After 7 hours journey, Phnom Penh capital welcome me in the dry and hot weather, not so many traffic, few bikes, few cars, there was Vietnamese sound around me when I got out of the bus, I started feeling homesick.

I met for the first time my new companions from Laos, Cambodia, Malaysia, Myanmar, Malaysia, and Indonesia, I started confused, I cannot remember their names and where they said they were from, I was exhausted, my mind was so empty, what I wanted to do was just to have a tight sleep and a rest after the training, I even was not so sure why I was there.

We spent our first day just to make short presentations to introduce who we were, what we did, our family, friends, hobbies, ect. The workshop seemed so simple but I suddenly recognized how wonderful my friends’ journey of life, how hard they faced, how much effort they had to trade-off to come today. I must thank God for what I have granted so far, no more complain, feeling blessed. Then we learned how to take a good photo, up angle, low angle, long shot, mid shot, shade and light, square and circle, object and background; from now on, I know every photo has a meaning, every detail in a photo says something.

I used to blame technologies for my poor communication skills, I was sure that people had to have in hand hi-tech camera, fancy software, and awesome technique to create a fine-art production. But then I was required to make an interview just with my Nokia Xpress 3.2 mp, my team did it. It once said that “something just can be taught, others just can be caught”, moments are stuff like that, when you catch it, no matter what technology you have in hand, just capture it, and you have what you want.

Every assignment, I learned from my friends. I learned from Melissa and Edgar that thinking out of the box is old concept, they were thinking as there is no box at all, creativity is endless. I learned from Ngean and Sunny that verbal communication can be obstacle, but obstacle is to overcome, not to stop you; if you really want to work with each other, you can find a way. I learned from Ignatius and Lattana that at the end of the day, simplicity wins; effect will make things more attractive, but content makes delighted feeling, look and observe things in-depth rather that just the surface, learning is a progress, not a point. I learned from my teammate – Sam, for his commitment and humility, what a responsible teammate. I learned from the instructors – Dr.Magi and Mr.Sovanna that constructive comments always make good change, the do’s is better than the don’ts. I learned from Eljay that making a good film requires lots of effort, sometimes you have to push yourself and your team toward, and teamwork means working together, not to abandon anyone, because at the end, relationship is what you have.

I learned that there are chances just come once in a life time, take it or refuse it will make your life turn different direction. Four years ago, 2009 in Chiang Mai, when I took the chance to VJ program, it turned my life to commit with children. Four years later, 2013 in Phnom Penh, when I took the chance to VJ asia program, I think my life has reached a milestone to confirm the purpose of being.

I learned that when I sleep tight in my cosy room, with aircon and quality bed, there are many people who live with garbage and struggle everyday without a solution. I learned that when I am thinking of how to make my scouts happy and fulfill their wishes, there are many children do not even have a chance to go to school. I learned that when I complain about my government about their lack of support, there are people who live without any support from their government.

I learned that when I indulge my life in complaining for what I do not have, there are people who are thankful for everyday passed by and they can sell lots of garbage today.

I sat on the bus home, the whole week just kept passing my mind as a slow motion movie, it is kind of sad emotion, I realized there is noone would call me “Vi Chao”, there is noone would stay up late to edit film with me, there is noone would smile with me and recall my scare “P’Mak ghost”, there is noone would walk with me to Smiley hotel and stop at the corner to buy coffee. I just wished to have more time to correct our mistakes, to produce a better production.

Memories will live on as  treasure and become courage to move on. The trip is one good chapter of my life, writing new chapter connected to the previous chapter is my task.

Tomorrow is a new day, make it remarkable not a routine.

-ViCao-

Monday, December 2, 2013

Phnom Penh - Chuyến đi để lớn lên




Tôi vội vàng kéo va li ra khỏi nhà sau chuyến huấn luyện ngắn ngày ở Củ Chi để đến Phnom Penh, đó là một ngày nắng đẹp và đầy háo hức; xe gần như chỉ còn chờ mỗi tôi nữa là sẽ xuất phát. Phnom Penh đón tôi trong màn đêm khô hanh và không quá náo nhiệt, một chút xe máy, một chút xe hơi, người ta nói tiếng Việt trọ trẹ, tôi thấy tức cười vì âm sắc vần “ư” dường như xuất hiện ở mỗi câu chữ của người Cambodia. Tôi bắt đầu nhớ nhà.


Tôi nhận lời Eljay, chủ tịch SIGNIS Châu Á, tham gia chuyến tập huấn cấp kỳ dành cho các VJ trẻ tuổi, cùng niềm tin Thiên Chúa giáo muốn dùng truyền thông để loan báo tin mừng và hoà bình. Tôi cứ tưởng tôi sẽ có những buổi tối lang thang khắp các nẻo đường Phnom Penh để ngắm nhìn cuộc sống của những người “anh em”, hay chí ít là bắt chuyến xe đi Siem Reap thăm thú cái gọi là Biển Hồ, Angkor Wat, hay tệ thì cũng phải là Angkor Thom. Tôi còn tính sẽ đi ra chợ Central market mua lạp xưởng cho mẹ, hay ghé ngang cung điện nhà vua chụp tấm hình làm kỷ niệm “coi như là…”. Tôi còn tưởng mình sẽ đi nát Phnom Penh City để xem xứ người ta phồn hoa như thế nào, cầu cống ra sao, hay chí ít thì cũng đi vào thử cái shopping mall xem thử hàng hiệu xứ Cam bày biện ra làm sao.

Ngược lại với mấy cái tính và tưởng của tôi, nguyên ngày đầu tiên chúng tôi chỉ ngồi trong nhà, chia sẻ về những gì rất riêng của mỗi người, gia đình, học hành, công ăn việc làm, bạn bè, cái thích, cái không thích. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng không hiểu sao tôi thấy yêu hơn người bạn Lào chung phòng của mình, người lúc nào cũng vui vẻ nhưng khi nhắc đến chuyện chồng con lại muộn phiền, tôi thấy yêu hơn anh bạn Indo hay cười, bẽn lẽn nhưng lại rất thẳng thắng và khiêm nhường khi nói với mọi người rằng tôi không học hành thành công và tôi chỉ bắt đầu với vị trí của anh chạy việc vặt trong văn phòng, và giờ thì sao, bạn là thần tượng của mọi người với kỹ năng dựng phim đỉnh của đỉnh, tôi thấy yêu hơn chị bạn người Mã Lai khi chị nói chị là một người mơ mộng, chỉ cần nghe chị có thể tưởng tượng ra hành trình của người kể, tôi thấy yêu hơn anh chàng Myanmar hiền lành và điệu đà, cứ mỗi lần hỏi về cô con gái 4 tuổi là lại cười thẹn thuồng, tôi thấy yêu hơn anh bạn Cam bu chia cười cười nói với tôi anh ta nói được tiếng Việt. Chỉ giản đơn vậy thôi, chúng tôi hiểu nhau hơn, chúng tôi quý nhau hơn, và quan trọng hơn, chúng tôi học cách chấp nhận lẫn nhau, bắt đầu bằng nụ cười mỗi buổi sáng, nắm tay cầu nguyện mỗi buổi chiều.


Chúng tôi bắt đầu những bài học đầu tiên với việc chụp hình, chúng tôi học cách nhận biết những yếu tố làm nên một bức hình đẹp, nào là khoảng cách, góc chụp, ánh sáng, tỉ lệ, vân vân, rồi chúng tôi chạy toả ra đường, chụp lại cái thế giới quan của mình, hỏi xem người nhìn có thấy cái thế giới mà chúng tôi thấy khi chụp không, có thấy cái lá tự nhiên đẹp hơn không, có thấy cô bé con cười đẹp hơn không, hay có thấy cái nhà tự nhiên nghiêng nghiêng lãng nhách không. Chúng tôi học bằng cách cứ 45 phút lại chạy ra đường một lần, rồi hễ gặp nhau trên đường lại cười cười gãi đầu hỏi bạn làm tới đâu rồi, chưa tới đâu hả, thôi vậy chụp nhau một tấm đi, được hôn?! Rồi chúng tôi lại chạy ra đường tìm tìm xem chụp cái gì để thể hiện được chủ đề “truyền thông cho hoà bình”, tôi khoái chí chạy về đầu tiên, ai dè tới hồi ngồi xem lại thì mới phát hiện ra mình lạc đề. Những bài học đầu tiên, nhiều hơn chỉ là chụp hình.

Chúng tôi học cách quay phim và làm việc nhóm, chúng tôi được trao cho những công cụ khác nhau, từ đơn giản đến cao cấp, tôi còn nhớ nhóm tôi được giao đi phỏng vấn anh phụ trách chương trình “Messenger” chỉ với cái điện thoại Nokia Xpress 3.2 mp của mình, ấy vậy mà cũng thành một bài phỏng vấn ngon lành, được vỗ tay lộp độp, khen dựng hay, câu hỏi tốt, diễn đạt hoàn chỉnh này nọ, thấy vui vui vì hình như mình đang học một bài học mới, công nghệ là quan trọng nhưng đừng để công nghệ làm bạn chùng chân. Tôi thấy hay quá sá, thế là buổi chiều tôi và bạn cùng nhóm hăng hái xách cái DSLR của bạn đi phỏng vấn anh lái xe tuk-tuk, lần đầu tiên tôi thấy cái cảnh hỏi bằng tiếng Việt, trả lời bằng tiếng Khmer và phụ đề tiếng Anh, tôi nể anh bạn cùng nhóm tôi quá trời!


Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm và “quay ngoại cảnh” trường học của nhà dòng Don Bosco, nhìn thấy các em học mà chơi, ngăn nắp và hồn nhiên, tôi mừng quá, vì cứ tưởng trường dòng thì sẽ khắc khe lắm, nào ngờ, các em ra chơi cứ la cứ hét loạn cả lên mà chẳng ai thấy phiền, ngược lại, vào giờ học rồi thì dãy mẫu giáo hay dãy cấp 1 đều im phăng phắt và ê a tiếng đọc bài, tôi vui quá vì ở nơi nào đó, tuổi thơ vẫn được dạy dỗ trên cả tử tế. Buổi chiều chúng tôi đi thăm nhà tù S21 nơi tập trung, tra tấn và xử tử các tù nhân dưới chế độ Pol Pot, tôi thấy sợ quá, tôi cứ đi sơ sơ bên ngoài mà đâu có dám vào trong, vì giường sắt vẫn còn đó, xiềng xích đó, đinh búa, hộp cưa méo mó vẫn còn đó, không biết do tưởng tượng hay có thật, đôi lúc tôi còn nghĩ mình nghe thấy mùi tanh lợm của máu me, hay có lẽ chỗ tôi đang đứng có người đã từng bị tra tấn tới chết cũng nên, tôi bước vội qua những gương mặt tù nhân, những ánh mắt hoang mang, những gương mặt chắc không ít người vô tội, tôi tự hỏi nếu là mình, chắc mình chẳng thể đứng nổi dù chỉ 1 ngày. Tôi ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ, xem đoạn phim tư liệu về thời kỳ đen tối của người Cam bu chia, để rồi cứ day dứt mãi câu nói của người phụ nữ mất cả con trai lẫn con dâu “tôi sống đến từng này tuổi, tôi hiểu được vì sao con người ta yêu thương nhau, chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, tôi hiểu được rất nhiều thứ, nhưng tôi vẫn không hiểu được vì sao họ bắt bọn trẻ phải xa nhau, vì sao họ bắt con tôi”; hay lời kể của một nhân chứng lịch sử “đó là cái thời mà mọi người mất niềm tin vào nhau, không ai muốn nói với ai điều gì, vì họ sợ sẽ có ai đó nghe được và giết họ mất”. Tôi nhìn chiến tranh chống chế độ Pol Pot bằng một cái nhìn hoàn toàn khác, từ rày tôi dành cho họ một sự tôn trọng đáng kể, vì qua bao đau thương, họ vẫn rất cởi mở, hiền lành, và nhiệt thành, họ cũng rất dấng thân và hy sinh cho nhau. Tôi tự nhắc nhở mình khen mình thì cũng tốt thôi, nhưng hiểu xem người ta nghĩ gì cũng rất quan trọng nữa.


Hai ngày cuối cùng, chúng tôi dành thời gian đi thực địa tại một khu ổ chuột nhếch nhác, đến nỗi vị tập huấn viên người Ấn Độ còn phải thốt lên “tôi không ngờ lại có một nơi ô nhiễm và nhếch nhác như thế này. Ở Ấn Độ chúng tôi có rất nhiều những khu ổ chuột, nhưng đến mức như vầy thì chưa bao giờ”, rồi tôi được gặp người phụ nữ Nhật dành 10 năm cuộc đời mình để phục vụ cho một nơi như thế, họ đơn giản chỉ là mở trường mẫu giáo để trẻ con mỗi ngày được uống sữa, ăn uống tử tế và đi tắm trước khi về lại nơi chật chội, hôi hám đó. Họ chỉ đơn giản mở những buổi tập huấn vào cuối tuần để dạy những bà mẹ trẻ vệ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em. Họ chỉ đơn giản dạy những bà mẹ đơn thân cách làm kem, làm bánh rotti rồi cấp vốn cho các bà mẹ này đi bán để thay đổi cuộc đời. Chỉ đơn giản vậy thôi, trong suốt 10 năm, họ âm thầm cống hiến. Người phụ nữ đó đã nói một điều mà tôi cho rằng chắc tôi sẽ khó mà quên được “Tôi đâu có chọn Cam bu chia để đến, nhưng vì tôi là người Công Giáo, và Thiên Chúa gửi tôi đến đây, tôi tin vậy…Tôi làm việc với những người nghèo và họ cho tôi sức mạnh cũng như năng lượng”.

Chương trình một tuần, mỗi ngày chúng tôi làm việc từ 7 – 8h sáng và lê lết về phòng ngủ có khi 2 – 3h khuya, tôi nhớ đêm cuối cùng, nhóm 4 đứa chúng tôi hoàn tất phim lúc 4h, và dường như tôi đã không hề thay đồ khi về đến khách sạn. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ, quái lạ, đi như vậy có thêm được lương bổng hay có bằng cấp gì đâu mà chúng tôi, tất cả chúng tôi lấy đâu ra mà nhiều năng lượng và nhiệt huyết đến vậy để làm việc gần 20 giờ mỗi ngày.

Ngày Chúa nhật cuối cùng tôi ở lại, mở mắt dậy chị bạn người Lào đã đi từ lúc nào, tôi tự dưng thấy mất mát lạ lùng, người bạn vui vẻ mỗi sáng lại khều khều tôi dậy, hay tôi lại nắm ngón chân chị giật giật hỏi chị dậy chưa, người bạn mà 3 đêm liền phải dậy giữa chừng mở cửa cho tôi, vì nhóm tôi thiếu hiệu suất quá, rồi hai bạn Myanmar và Indo đã dung dăng dung dẻ đi tháp tùng Giám mục đi ra ngoại ô, rồi chị Mã Lai vội vội vàng vàng ôm chào tôi, hẹn gặp tôi ở Việt Nam vào tháng 12, rồi tôi cũng ngượng ngùng vẫy tay chào cô bạn Myanmar nhỏ tuổi, dễ thương với cá tính tomboy, bắt tay thật chặt chào vị huấn luyện viên người Ấn Độ, bắt tay cảm ơn Eljay vì cơ hội có một không hai vô giá này, nắm tay Kanya cảm ơn chị đã ta bà cùng chúng tôi đi lễ nhà thờ, đi ra chợ bán sỉ, rồi dẫn chúng tôi đi ăn thức ăn nhanh chính hiệu Cam bu chia. Tôi bùi ngùi kéo va li một mình ngồi trên chiếc tuk-tuk mà bình thường 6 đứa chen chúc nhau.

Tôi tạm biệt Phnom Penh và những người bạn trong ánh nắng vàng rực rỡ, gió mơn man và một sự bùi ngùi không nhẹ trong lòng. Tôi vẫn cứ thấy tiếng vì chưa gặp lại được anh chàng nhiếp ảnh gia tài năng và cá tính mà nghê đồn đâu đó là người gốc Việt. Ngồi trên xe gà gật mà tôi cứ tiếc vậy đó. 7 ngày trôi qua cứ tua thật nhanh trong đầu như một cuốn phim đẹp đẽ bạn không nỡ tắt khi đã hết. 7 ngày trôi qua, đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác, tôi thấy mình lớn lên.

Tôi sẽ nhớ, nhớ hết mọi người, vì đã khoan dung với tôi, một người trẻ khiếm khuyết và nông cạn.

-Tâm Vũ-