Friday, July 31, 2009

Anh phải sống - Khái Hưng



Cũng đọc truyễn này lâu lắm rồi, thỉnh thoảng đọc lại để tìm cảm giác xưa. Lần nào cũng vậy, cũng ngùi ngùi, một cảm giác rất thật, để thấy được rằng, trong cuộc sống đôi lúc cần phải dừng lại, nhìn lại và yêu thương một cái gì đó, dù nhỏ bé cũng được, dù bình thường cũng được, miễn là có thứ gì đó dành riêng cho mình thương yêu.

Cũng chợt giật mình, đâu đó trong thời buổi bon chen này vận tồn tại những con người sẵn sàng hy sinh cho nhau. Có không? Hay chỉ là cảm giác cá nhân? Vận mong sẽ có, có những con người như vậy trong cuộc đời kỳ dị này, để mình noi theo ...

==================

Trên đê Yên Phụ, một buổi chiều mùa hạ.

Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.

Theo dòng nước đỏ lờ lờ, những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về, nổi lềnh bềnh, như một dẫy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thực nhanh tới một nơi không bờ không bến.

Đứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ra ý thèm muốn, rồi quay lại, đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời, lắc đầu thở dài, nói:

- Gió to quá, mà đám mây đen kia ở chân giời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ!

Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng đứng dừng lại, hỏi vợ:

- Mình đã thổi cơm chưa?

Vợ buồn rầu đáp:

- Đã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.

Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau... Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên, nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông: Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.

Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:

- Liều!

Vợ lắc đầu, không nói. Chồng hỏi:

- Mình đã đến nhà bà Ký chưa?

- Đã.

- Thế nào?

- Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.

- Thế à?

Hai chữ "thế à" rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên bức tường đương xây. Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:

- Này! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.

- Đã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.

- Nhưng mình về thì vẫn hơn. Cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.

- Vậy thì tôi về... Nhưng mình cũng về, chứ đứng đây làm gì?

- Được, cứ về trước đi, tôi về sau.

Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.

...

Tới nhà, gian nhà lụp xụp, ẩm thấp, tối tăm, chị phó Thức đứng dừng lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh nghèo khó mà đau lòng.

Lúc nhúc trên phản gỗ không chiếu, ba đứa con đương cùng khóc lóc gọi bu. Thằng Bò kêu gào đòi bú. Từ trưa đến giờ, nó chưa được tí gì vào bụng.

Cái Nhớn dỗ em không nín cũng mếu máo, luôn mồm bảo cái Bé:- Mày đi tìm bu về để cho em nó bú.

Nhưng cái Bé không chịu đi, nằm lăn ra phản vừa chửi vừa kêu.Chị phó Thức chạy vội lại ẵm con, nói nựng:

- Nao ôi! Tôi đi mãi để con tôi đói, con tôi khóc.

Rồi chị ngồi xuống phản cho con bú. Song thằng Bò, ý chừng bú mãi không thấy sữa, nên mồm nó lại nhả vú mẹ nó ra mà gào khóc to hơn trước.

Chị Thức thở dài, hai giọt lệ long lanh trong cặp mắt đen quầng. Chị đứng dậy, vừa đi vừa hát ru con. Rồi lại nói nựng:

- Nao ôi! Tôi chả có gì ăn, hết cả sữa cho con tôi bú!

Một lúc, thằng bé vì mệt quá lặng thiếp đi. Hai đứa chị, người mẹ đã đuổi ra đường chơi để được yên tĩnh cho em chúng nó ngủ.

Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã qua. Bộ óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ một cách rành mạch, là chưa bao giờ được thư nhàn, được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có.

...

Năm mười hai, mười ba, cái đĩ Lạc, tên tục chị phó Thức, xuất thân làm phu hồ. Cái đời chị, nào có chi lạ. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm...

Năm chị mười bảy, một lần cùng anh phó Thức cùng làm một nơi, chị làm phu hồ, anh phó ngõa. Câu nói đùa đi, câu nói đùa lại, rồi hai người yêu nhau, rồi hai người lấy nhau.

Năm năm ròng, trong gian nhà lụp xụp ẩm thấp, tối tăm ở chân đê Yên Phụ, không có một sự gì êm đềm đáng ghi chép về hai cái đời trống rỗng của hai người khốn nạn, càng khốn nạn khi họ đã đẻ luôn ba năm ba đứa con.

Lại thêm gặp buổi khó khăn, việc ít công hạ, khiến hai vợ chồng loay hoay, chằn vặt suốt ngày này sang ngày khác vẫn không đủ nuôi thân, nuôi con.Bỗng mùa nước năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng ngày ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ, lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thãi.

Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.

Thì hôm qua, cái ăn, trời đã bắt đầu đưa đến cho gia đình nhà bác.

Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.

...

Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.

Gió vẫn to, vù vù, gầm hét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy nhanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời: da trời một màu đen sẫm.

Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu bành bạch như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.

Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan. Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại các nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc, mới bước vào thuyền, hỏi:

- Mình định đi đâu?

Thức trừng trừng nhìn vợ, cất tiếng gắt:

- Sao không ở nhà với con?

Lạc sợ hãi ấp úng:

- Con ... nó ngủ.

- Nhưng mày ra đây làm gì?

- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?

- Mày hỏi làm gì?... Đi về!

Lạc bưng mặt khóc.

Thức cảm động:

- Sao mình khóc?

- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.

Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:

- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!

Lạc cười:

- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.

- Được!

Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời một lúc một đen. Thức hỏi:

- Mình sợ?

- Không....

Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.

Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

- Giời ôi!Thuyền đã chìm.

Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...Chồng hỏi vợ:

- Mình liệu bơi được đến bờ không?

Vợ quả quyết:

- Được!

- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!

- Được! Mặc em!

Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:

- Thế nào?

- Được! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:

- Có bơi được nữa không?

- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

- Em buông ra cho mình vào nhé?Chồng cười:

- Không! Cùng chết cả.

Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:

- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

- Không!... Sao?

- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói:

- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

...

Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

-------------------------------------------

Nghe bài hát này cũng lâu rồi, trước đây do Cảm Ly hát, hình như tựa là "Mẹ" thì phải ...


Wednesday, July 29, 2009

THÁNG HAI














Tháng hai qua, gió mênh mông réo gọi về
Dòng Thạch Hãn cuốn phăng đôi bờ cát
Những lo toan và cả những suy tư.
Ta vẫn biết hạt rữa để lên cây
Hoa phải tàn để trái ra đời
Giữ làm gì khi đã lỡ buông tay ?

Hết tháng hai, khép lòng lại
Chặng đường dài, hun hút phía sau lưng
Bên kia rào, chân trời mới, dòng sông mới
Chờ em đó, sải bước chân cuối cùng.

-Những bài thơ xưa cũ tuổi chớm nở
Chút mộng mơ tuổi mới lớn xa xôi
Bước chập chững thấy cuộc đời tuyệt vời
Càng bước tới càng nhớ những ngày qua-


24/2/2008


-Dạ Khắc-

Tuesday, July 28, 2009

Mỏi


“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời”
Phải gió, phải mây, ngàn năm không mỏi
Có những chiều chồn chân mỏi gối
Muốn dừng lại để đời yêu thương
Để ngày mai còn đi đến cuối
Rồi những ngày bạc tóc, da nhăn
Muốn nhìn lại để được thương yêu
Để một khi xuôi tay, nhắm mắt
Thấy giữa đời đã từng có tôi.


21/1/2009

-Dạ Khắc-

Monday, July 27, 2009

Nhỏ


Em có quên điều gì không hả nhỏ
Gió chiều nay nghe xao xác ngoài sân
Em có xa kỷ niệm nào không nhỏ
Cát ngày qua bỗng nhợt nhạt chiều hôm.

Mây cứ bay và non vững chãi
Những trụ cột của rừng sâu
Những trái tim của biển ngàn khơi
Giữa bất diệt, vô hạn, hữu hạn
Em bé nhỏ, miên man và xa vắng.

Sải đôi cánh, hải âu về biển
Phi nước kiệu, ngựa hoang hồi lâm
Có bao giờ em nghĩ mình cũng thế
Vươn đôi tay ôm trọn quê hương
Về với mẹ cha, đồng quê và bè bạn
Xếp lại tháng ngày, hiu quạnh, đơn độc.
Về,
Em nhé!

13/5/2009

Dạ Khắc

Saturday, July 25, 2009




Hôm nay tôi lang thang trên net, như thường lệ, tôi ghét available, nhờ vậy tôi có thể lặng lẽ đọc được nhiều thứ, có cái làm tôi hạnh phúc tràn trề, có cái gợi cho tôi chút cảm giác miên man, và đôi lúc cũng có những điều làm tôi cảm thấy xót xa.


Mấy hôm nay có nhiều chuyện xảy ra quanh mình, và tôi phần nào có liên can. Đa phần những thứ đó thật chẳng ra làm sao, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện hiểu lầm, ba phải và phát ngôn bừa bãi.


Là những người trưởng thành, đôi khi có những điều không nên nói ra. Và tôi cũng cho rằng, danh dự của một con người trưởng thành được xác lập không chỉ bởi hành động đâu mà còn bao gồm cả thái độ nữa cơ. Tôi chợt nghĩ, nếu tất cả mọi sự xảy ra ở sở làm trong một ngày dài mệt mỏi ba đều dđem kể với mẹ và tôi thì có lẽ cái đầu tôi sẽ nổ tung vì tầm cỡ quá sá bự sự của những thứ trên sở làm của ba mà tôi không tài nào có thể dung nạp.











Ví dụ, nếu ba nói ông Chanh - sếp của ba, thay vì cử một nhân viên kỳ cựu như ba và bác Hải đi tu nghiệp ở Sing 1 tháng lại đi gửi chú Đức mới chuyển về... thì có lẽ tôi sẽ nghĩ "tay" Chanh này thật thiển cận hay tay này có vấn đề về dùng người... Nhưng tôi làm sao có thể sáng suốt và bình tĩnh nhìn ra rằng ba tôi năm nay 57 rồi, chỉ còn vài năm nữa sẽ hưu, trong khi chú Đức mới có 40, chú ấy sau khi tu nghiệp về có thể phục vụ dài lâu hơn, vả lại ba tôi giỏi tiếng Pháp, trong khi đó ở Sing người ta nói tiếng Anh, và quả thực, chú Đức vừa lãnh bằng IELTS 7.0 về.


Rồi tôi sẽ đi kể với nhỏ Trúc - con bác Bình, bạn ba (ý tôi nói bác Bình là bạn ba còn nhỏ Trúc là bạn tôi) rằng ông Chanh là một tay đểu cáng vì dám đì ba tôi sói cả trán, rằng tay này có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng ... trớt quớt... Dĩ nhiên nhỏ Trúc sẽ tin tôi sái cổ, vì tôi là bạn thân nó mà, thế là khỏi nói cũng biết, bác Bình cũng sẽ tin chuyện như thế thật vì nhỏ Trúc là con gái rượu của bác ý mà, sau đó có trời mới biết bao nhiêu người nữa sẽ tin cái chuyện ông Chanh là tên trời đánh thánh vật.


Nhờ ơn tôi, "lão" Chanh đã bị thiên hạ xa lánh.


Vậy, bạn này, xin lỗi vì đã ví dụ dài dòng quá chừng, nhưng tôi mong bạn hiểu, có những chuyện nên phổ biến đại trà, cũng có những chuyện chỉ nên cho một số ít người liên quan biết, và mặc nhiên có những chuyện "sống để bụng, chết mang theo". Là người lớn, chúng ta nên học cách bảo vệ nhau, hơn là gây chiến ngõ hầu làm cho con trẻ nhìn thấy cuộc đời thật tồi tệ như mớ giấy lộn (ý tôi là giấy đi cầu ý).












Khi ai đó bảo tôi ba phải nghĩa là họ đang chửi tôi khá là xéo. Vì tôi tin, người đàng hoàng thì sẽ không ba phải nhỉ?! Nhưng tôi xin nói rõ với bạn thế này, ba phải nghĩa là "gió chiều nào theo chiều nấy" bạn ạ, đừng nhầm với chuyện tin mù quáng bạn nhé. Điều này cũng có thể dùng để nói đến những kẻ "thượng đội hạ đạp" bạn ạ, à, ừ có thể giải thích đơn giản thế này, đôi khi chúng ta phải có lập trường vững chắc, vì đó là niềm tin, sự xác tín, chúng ta cược niềm tin ấy với tất cả những gì quý giá nhất mình có, ví dụ như danh dự chẳng hạn. Nhưng cũng có những chuyện, chúng ta phải sửa đổi cho tốt hơn sau khi đã lắng nghe mọi người, tìm hiểu vấn đề và nhìn lại bản thân, để mai này, chúng ta không đổ lỗi tại người này hay người nọ xúi giục, mà chúng ta có thể hiên ngang vỗ ngực nói "vâng, chính tôi đã phá ten ben cái viêc này, tôi xin lỗi mọi người, tôi đã đi nhầm hướng, lẽ ra, tôi nên lắng nghe, phân tích và quan sát nhiều hơn nữa. Xin lỗi các bạn, vì tôi cố chấp."


Đấy, bạn thấy chưa, không dễ nhỉ, vì cuộc sống giống như một canh bạc, có thể thắng mà cũng có thể thua, có thể thành công mà cũng có thể thất bại. Nhưng tôi nghĩ, là người trưởng thành, chúng ta nên học cách đứng trên đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của chính bản thân và sống bằng chính con tim mình. Chúng ta đâu phải cây tầm gửi nhỉ?!












Tới đây, bạn đã thấy sức mạnh ghê gớm của lời nói chưa. Một lời nói có thể giữ lại một sự sống cũng có thể tước bỏ sự sống của ai đó. Sự sống không có nghĩa là thở, đi lại, làm việc, cười, ăn , tắm... mà sự sống còn bao gồm cả cảm nhận, yêu thương, hi vọng và vươn lên. Nếu lời nói của bạn vô tình hay hữu ý cướp đi niềm hi vọng của ai đó, thì bạn đã hủy diệt cả một cuộc đời đấy. Có những người cả đời chỉ sống nhờ hi vọng, họ hi vọng cuộc đời họ sẽ tốt đẹp hơn, họ hi vọng con cái họ sẽ trở về từ chốn ngục tù, họ hi vọng, vụ mùa năm nay sẽ mang lại nhiều hoa trái ... họ sống nhờ có hi vọng. Chỉ cần bạn nói, cuộc đời anh sẽ chẳng thể khá hơn lên với cái nghề thấp kém này, hay con chị là tử tù, nó sẽ không bao giờ trở về đâu... chỉ cần có thế, bạn thật tàn nhẫn!

Bạn thân mến, tôi thường suy nghĩ rất lâu trước khi nói, nhưng đôi khi tôi vẫn phải đấm ngực ăn năn vì đã làm ai đó đau khổ. Cũng như hôm nay, tôi đã ngồi lâu thật lâu mới viết nhiều đến thế, nhưng tôi cam đoan với bạn rằng, 50% những người nhận được bài viết này, sẽ không đọc trọn vẹn vì cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng dù sao, tôi cược với bạn rằng, 50% đọc đến dòng này sẽ hiểu vì sao tôi vẫn kiên quyết viết ra, dẫu biết rằng sẽ rất nhiều người buồn khổ.













Tôi chúc bạn đừng hiểu lầm người khác, không bao giờ trở thành kẻ ba hoa và hãy cẩn trọng trong từng lời nói. Tôi thành thực xin lỗi bạn và mong bạn thành công trong cuộc đời này.


Du Kha

Wednesday, July 22, 2009

Đọc sách





Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần



"Nhưng tôi muốn nói với bạn một điều, chúng ta phải bí mật. Chuyện đó phải riêng tư. Khi bạn giữ một điều bí mật về mình hay về ai đó, bạn sẽ không bao giờ quên. Những chuyện bạn nói ra rồi, bạn sẽ quên mất. Tôi dám chắc như vậy. Và còn một điều nữa, bạn phải tăng số lần bà mụ đánh lên, bởi vì như bố tôi nói, chúng ta không bao giờ có cơ hội được bà mụ đánh lần thứ hai. Chúng ta chỉ được khóc một lần khi chào đời, một cái khóc dễ thương nhất."










Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình - Dương Thụy



"Từ mái vòm phủ rêu xanh êm đềm, chúng đã chứng kiến bao nhiêu chộn rộn của những tháng ngày phấn đấu. Lũ bồ câu hẳn rồi phải đổi gu, chuyển sang món mì ống spaghetti, làm sao anh ta có thể tìm cho chúng những hột cơm nguội vét ra từ nồi cơm điện tí hon?" - Bồ câu chung mái vòm







Cánh đồng bất tận - Nguyện Ngọc Tư


"Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn." - Cánh Đồng Bất Tận






Cỏ hát - Lý Lan

"Em cứ nghĩ là được sinh ra đời, con người tối thiểu phải có quyền được sống. Nhưng chị biết hôn, những cái sọ người vét dưới ao lên hầu hết đều bị bể, dấu vết của những cán cuốc đập vào đầu. Những người đã bị đập đầu chắc khi phải chết, họ còn muốn sống lắm. Càng trẻ người ta càng ham sống. Mà trong những cái sọ ấy có những cái sọ nhỏ của trẻ em. Chắc là khi bị đập đầu cho chết, họ cũng giãy giụa, cũng làm mọi cách để níu lấy cuộc sống. Và nếu là trẻ em, chắc chúng òa lên khóc và có đứa kêu cứu "má ơi!..." "

Tuesday, July 21, 2009

Học trò ...



SS1

-Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm của dòng trôi
“Nhớ con sông quê hương” – Tế Hanh-

Hạt mưa lấm tấm, buổi học cuối cùng
Lặng lẽ nhìn cô, bạn bè và cửa lớp
Cánh hạc trên tay run rẩy mà nhỏ xíu
Những giấc mơ xanh, những khát vọng lớn.
Những kẻ thân thương dẫu chưa từng nói
Giữa muôn ngã đường, biết đã là hạnh phúc
Khẽ dặn lòng mãi gọi nhau là bạn
Bởi giống nhau đã vấp ngã và đứng dậy
Bước chông chênh, hỡi những kẻ sang sông
Buổi học cuối, chợt ngùi ngùi, xa vắng
Viết tặng ai, những dòng thay lưu bút
Để rồi mai, ngàn trùng xa xôi … nhớ…

17/6/2009

Dạ Khắc









TS0

-TS0, ngày cuối cùng gặp gỡ
Mọi con sông đều đổ tràn ra biển
Hỡi biển kia phải bao lâu mới đầy-

Gác mái chèo con đò nhỏ cập bến
Bước thênh thang những kẻ hơn lần ngã
Tôi lặng lẽ nhìn người lái đò đó
Bụi thời gian khẽ vương nơi dáng người.
Tôi liếc nhìn những kẻ đã cùng tôi
Bước xuống đò, chấp nhận mình thất bại
Ngẩng cao đầu vì dám làm lại nữa.
Những con người chưa khi nào bắt chuyện
Có những người chẳng thể nhớ nổi tên
Ước vung tay níu thời gian chậm lại
Nếu được nói, tôi sẽ nói một điều
Lúc nào đó, trên đường đời của bạn
Có gặp nhau xin nhận là bạn cũ
Bởi tôi tin hơn một lần duyên nợ
Vạn con người, triệu nẻo đường sông núi
Gặp một lần, đã là nhiều hạnh phúc.
Bước thong dong mà lòng chơi vơi quá
Ngoái nhìn ai, cho ai bước, mặc ai…

-Cảm xúc giống như bông hoa e thẹn chầm chậm nở-

21/6/2009



Dạ Khắc


.


================



.


Lâu quá không nhận được tin lớp, bỗng hôm nay Bình Sữa gọi nhắc họp lớp.

Nhớ quá chừng khung cửa lớp học...

.

Qua rồi ... còn đâu ...

.

.

.

Ngẩn tò te nghe hoa buồn thở nhẹ
Buổi chiều muộn nắng tắt, ngày qua.
Cánh chuồn chuồn thơ thẩn, nhởn nhơ
Gió đổi chiều cho chim về tổ ấm
Cho thú về hang, cho nước về nguồn
Mây có về chăng, hay chẳng nhớ đường?


8/10/2009


Dạ Khắc

Friday, July 10, 2009

10/07/2009





Tôi chợt nhận ra cuộc đời không phải lúc nào cũng lắng đọng như ly rượu bị lãng quên.



Tôi chợt nhận ra, cuộc đời là thứ gì đó phức tạp mà vô cùng thú vị.



Và tôi cũng nhận ra, được là một phần trong dòng chảy cuộc đời đó đã là một hạnh phúc vô biên.






Cuộc sống là một chốn cô độc, mà con người là những nhân vị lẻ loi. Mỗi ngày qua, tôi cảm nhận cuộc đời thật lạnh lùng và khắc nghiệt biết bao. Nhưng giữa những khó nhọc của cuộc đời đó, tôi nhận ra được sự cố gắng của con người ta lớn lao biết dường nào.


Có những giấc mơ bị chôn vùi, cũng có những giấc mơ thành hiện thực. Và trong suốt quá trình giấc mơ đó biến đổi, cách này hay cách kia thì con người ta cũng chỉ có một mình.





Và khi đó, Thiên Chúa dang đôi tay ngài che chở thế gian.