Tuesday, May 31, 2011

Giấc mơ của anh



Lặng lẽ chất cây củi cuối cùng vào đống lửa sắp tàn, giữa trời biển mênh mông, tôi kể mọi người nghe câu chuyện về giấc mơ bị bỏ dở của anh, một người đã chọn cách từ bỏ, không thể đi tiếp con đường của mình.

Anh sinh ra mồ côi cha mẹ, anh lớn lên trong sự bao bọc, dưỡng dục của bà nội, người phụ nữ cằn cỗi hết mực yêu thương anh, bà thương đứa cháu không cha không mẹ, thiệt thòi đủ thứ, vì vậy bà cho anh thứ tình thương vô bờ bến chỉ mong ngày bà nhắm mắt xuôi tay, anh đã có một cuộc sống tốt đẹp.

Anh lớn lên với mặc cảm của thằng con côi cút, anh lăn lộn ra khỏi vòng tay của bà, anh ngạo nghễ nhìn đời, đời đã không cho anh được có cha có mẹ, đời đã tướt của anh khối yêu thương to lớn, vậy thì anh, anh đứng trên đôi chân của mình mà đội trời, thách thức đời.

Tốt nghiệp cấp ba, anh bắt tay làm đủ thứ, anh đi dạy kèm con nít toán lý, anh ra công trường vác từng thúng cát, đặt từng viên gạch, anh vào nhà hàng rửa chén, phụ bếp, anh lang bạc đây đó, anh đi cho thoả chí trai, cho thoả đôi chân tuổi trẻ. Rong ruổi trên những con đường của đất nước, anh mơ ước ngày sau, đôi tay khối óc anh sẽ làm cho những con đường này xanh đẹp hơn, trẻ thơ vui đùa trên những công trình kiến trúc mà anh tạo ra và bà anh sẽ có dịp cầm cây quạt mo phất phơ tự hào khoe anh với xóm giềng, rằng bà có thằng cháu giỏi lắm, nó xây đủ thứ cho người ta ở.


Mơ như vậy, anh về, anh về với bà, đếm từng nếp nhăn trên khuôn mặt bà để mạnh mẽ mà tiếp tục những tháng ngày sôi kinh nấu sử, anh học, chuẩn bị thi đại học, chuẩn bị bắt lấy giấc mơ đời mình. Anh đậu. Anh đậu trường Bách Khoa, bắt đầu cuộc đời của anh sinh viên khoa kỹ sư xây dựng. Những tháng ngày đẹp nhất đời anh. Anh học và anh đến với chúng tôi, hội những người anh em.

Trong những đêm trăng sáng và gió biển miết vào bờ cát thế này, anh hay cùng chúng tôi ngồi quanh đống lửa hồng và kể. Anh kể không thôi về cái nghề anh chọn, về những bản vẽ, những cân bằng lực, về móng, về nền, về cấu trúc toà nhà. Anh vẽ lên trong mắt chúng tôi những công trình kiến trúc, những toà tháp mà sau này Forbes phải liệt ngang hàng với Twin Towers, Golden Bridge. Và tôi nhìn thấy trong mắt anh niềm tin đang lấp lánh. Tôi tin anh sẽ thành công.

Những dòng suy tưởng của anh cứ trải thênh thang như những đồi cát vàng kia, có khi anh kể về tương lai, cũng có khi anh kể chúng tôi nghe về tháng ngày trai trẻ lang thang đây đó của anh. Năm tháng tuổi trẻ với những trải nghiệm không tiền, không nhà, không người thân, những đêm nhậu say tuý luý khi công trình hoàn tất, những bữa tiệc thừa sau khi đóng cửa nhà hàng, tràng chửi bới liên tu bất tận của gã cai, cái nhìn khinh khỉnh của tay quản lý nhà hàng, lời trách móc của phụ huynh chỗ anh dạy kèm. Là niềm vui, là kinh nghiệm để đời, là nước mắt, là nỗi đau trống trải không thể nào lấp liếm, là giọng bà nội tha thiết trong điện thoại “khi nào thì bây về”.

Rồi ngày kia, trong niềm vui hội tụ, nằm chụm đầu dưới bầu trời đêm đầy sao, anh kể cho chúng tôi nghe bí mật lớn nhất đời anh. Tháng ngày tuổi trẻ của anh đã hao mòn theo từng làn khói thuốc. Những ngày xa nội, nơi những vùng đất vắng bóng người, nơi bạn xấu nhiều hơn bạn tốt, anh đã làm quen với ma tuý. Thứ bột trắng có khả năng biến nỗi cô đơn thành nỗi đê mê, anh được say trong thứ cảm giác anh chưa từng một lần có, trong cơn say, anh thấy mình ấm áp với vòng tay của một ai đó, rất gia đình. Anh tìm đến ma tuý cũng nhiều như nỗi khao khát được đùm bọc. Anh nghiện. Phải mất rất nhiều thời gian sau, anh mới nhận ra tuổi trẻ anh đang bị thứ ảo giác mộng mị kia giết đi. Anh đấu tranh, anh quyết liệt, anh hận bản thân mình, anh vật lộn với phần con và phần người trong mình, để nhắc nhở bản thân rằng đâu đó ở quê nhà, nội anh đang vò võ chờ đợi thằng cháu trai yêu thương, đâu đó xa xôi trong miền ký ức, anh đã từng có một ước mơ, rất cháy bỏng, đâu đó trong một cõi nào đó, có lẽ bố mẹ anh cũng đang mong cho anh thành người. Anh phải quay về, phải sống như một đấng nam nhi, phải nên nghiệp lớn.

Sau ngày đó, anh biến mất. Chúng tôi ôm ấp câu chuyện của anh và tự hỏi vì sao anh kể chúng tôi nghe bí mật của anh để rồi anh lại biến mất? Chỉ với những dòng ngắn ngủi để lại trước cửa nhà một người bạn, anh bỏ cuộc, anh thôi chiến đấu với “nó”. Anh tái nghiện. Anh gác lại giấc mơ làm kỹ sư xây dựng, những toà nhà sẽ không bao giờ nhú lên khỏi giấy, nhưng cây cầu không bao giờ có thể nối liền, những niềm tin vụn vỡ và một ước mơ đã tắt.

Mãi đến bây giờ, nhiều năm tháng sau sự ra đi của anh, tôi vẫn còn giữ lại lá thư của anh “Lý tưởng cũng giống như chòm sao Bắc Đẩu của dân đi rừng, ta không bao giờ có thể bắt được nó trong tay, nhưng thiếu nó ta sẽ bị lạc. Không có lý tưởng, ta bị lạc khỏi ước mơ. Anh lạc rồi.”

Sương đêm càng lúc càng lạnh, đám lửa kia cũng càng lúc càng nhập nhoạng tàn, biển thì vẫn mải mê xô bờ, câu chuyện của tôi về một người bạn xa vẫn còn văng vẳng đập vào ký ức từng người. Tôi thầm khấn cầu ở một nơi nào đó, anh đã thắng “nó”. Một ngôi sao nữa chợt loé lên trên bầu trời đêm, một giấc mơ tuổi trẻ của ai đó lại được thắp lên, tôi cầu chúc bạn sẽ không bị lạc.

Đêm.

-Tâm Vũ-

Wednesday, May 18, 2011

Rùa và Thỏ của CEO Coca Cola



Đây là một câu chuyện có vẻ quen thuộc với chúng ta nhưng được mở rộng bởi CEO (Chief Executives Officer) của Coca Cola như sau:

Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.

Thỏ xuất phát nhanh như bắn và chạy thụt mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, dành chiến thắng. Thỏ giựt mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.
Bài học của câu chuyện trên là: chậm và ổn định đã chiến thắng cuộc đua.

Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế, câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm:
Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có cửa hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

Thế, bài học của câu chuyện này?: nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định. Nếu có 2 người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn. Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.

Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ớ đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.

Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 Km nữa ở bên kia sông!

Thỏ dành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Ý nghĩa từ câu chuyện này?. Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại.


Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội.

Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

Bài học của câu chuyện này là gì? Thật tuyệt vời nếu mỗi người đều thông minh và đều có ưu điểm riêng, nhưng trừ khi các bạn cùng làm việc với nhau trong một đội và cùng chia xẻ, cống hiến ưu thế của từng người, bạn sẽ không bao giờ thực hiện công việc được hoàn hảo bởi vì luôn luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác.

Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải chọn được người trưởng nhóm trong từng trường hợp cụ thể. Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ làm trưởng nhóm.
Còn nhiều bài học nữa từ câu chuyện này. Lưu ý rằng cả thỏ và rùa đều không hề đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc hăng hơn và cố gắng nhiều hơn sau khi phải thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức. Trong cuộc sống, khi phải chịu đựng, đối mặt với thất bại, có thể đó cũng là thời điểm thích hợp để cố gắng hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần phải thay đổi chiến lược và thử tìm kiếm giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả hai.

Thỏ và rùa cũng đã học thêm một bài học để đời khác: thay vì chúng chống đối (hay cạnh tranh) với nhau, chúng bắt đầu tìm cách giải quyết tình huống, và chúng đã cùng nhau làm tốt hơn rất nhiều. Khi Roberto Goizueta đảm nhận vị trí CEO của Coca Cola vào những năm 1980, ông đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với Pepsi. Nhân viên của ông ta đang tập trung vào cạnh tranh với Pepsi và cố gắng tăng thị phần từng 0.1%. Goizueta quyết định không cạnh tranh với Pepsi mà thay vào đó là tìm cách chiếm thị phần. Ông ta hỏi các nhân viên và biết rằng trung bình mỗi ngày, mỗi người Mỹ uống các loại nước là 14 ounces (đơn vị đo lường của Mỹ), trong đó thì Coke chỉ có 2 ounces/ngày/người. Rõ ràng việc cạnh tranh không chỉ là Pepsi mà còn là nước, trà, cà phê, sữa và các loại nước trái cây.

Mọi người sẽ dễ dàng tìm thấy Coke bất kể khi nào họ cần uống. Coke quyết định đầu tư các máy bán coca cola tự động ở khắp các góc đường. Doanh thu tăng nhảy vọt và cho đến nay thì Pepsi vẫn không thể nào theo kịp.

Kết luận: câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa đã dạy cho chúng ta khá nhiều bài học lý thú. Ý tưởng quan trọng nhất là “nhanh và vững chắc” sẽ luôn đánh bại “chậm và ổn định”; làm việc với những ưu điểm của bạn, đầu tư nhiều tài nguyên và làm việc theo nhóm sẽ luôn chiến thắng bất cứ một cá nhân nào; không bao giờ đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Và cuối cùng, phải tìm giải pháp cho mọi tình huống, không chống lại cuộc chiến.

(Sưu tầm)

Sunday, May 1, 2011

Cô Bé Lọ Lem


Một lần, nhận được mail của chị, chị gửi mình xem cách người Mỹ dạy trẻ con về câu chuyện kinh điển "Cô Bé Lọ Lem". Kỳ rồi đi trại, mình cũng cho các em đóng kịch rồi ngồi nói chuyện với "sắp nhỏ". Nói với các em mà mình cũng học được rất rất nhiều thứ. Post lên đây, vì sợ một lúc nào đó mình sẽ quên mất bài học cuộc sống giản dị này.

-----

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem.

Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ).
Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?

HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?

HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?

HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ !

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?

HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.

Cảm nghĩ sau khi đọc bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy”

Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc)