Tuesday, March 5, 2013

Bình loạn "chảnh"



Chúng ta dùng từ “chảnh” để chỉ về những người kiêu ngạo, hay tỏ thái độ coi thường người khác. Cần phân biệt người mắc bệnh “chảnh” với những người thờ ơ với đời. Hai nhóm người này có những biểu hiện tương đối giống nhau, nhưng không hoàn toàn giống nhau, nếu tinh ý bạn có thể dễ dàng phân biệt.

Đối với người mắc phải bệnh “chảnh” họ sẽ cho rằng mình là quan trọng, là cái rốn của vũ trụ, họ luôn đòi hỏi mọi người chạy theo “dạ dạ”. Còn với người thờ ơ với đời, họ lại chẳng quan tâm đến những cái râu ria, rốn cũng được, ngón chân cũng chẳng sao, “dạ” cũng được “ừ” cũng không sao.

Ông bà xưa nói người mắc bệnh “chảnh” là người đáng thương, bởi mắt không mọc gần mũi mà mọc trên đỉnh đầu nên khi đi đường dễ đạp phải những thứ “này nọ”. Người thờ ơ mắt tuy hơi xa mũi nhưng vẫn thấy được cơ số thứ để tránh, vì bản chất họ không ưa phiền phức nên thà né một chút còn hơn đi rửa chân.

Cũng có sách chép là người mắc bệnh “chảnh” thường hay lớn tiếng và tỏ ra nguy hiểm, họ thích mọi người liệt họ vào hàng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Trong khi đó những người thờ ơ lại chẳng muốn bị coi là nguy hiểm nên họ đâm ra giả ngu, cứ gật gù hay cười vu vơ để tạo cảm giác không đáng tin và do vậy chẳng mấy khi phải làm việc gì.

Cuối cùng, sau một thời gian sống ở đời, gặp gỡ người này người nọ, vỗ vai lắc tay với vài người, mình rút ra được một vài điều về người mắc bệnh “chảnh” mà thiết nghĩ nên chia sẻ ra đây để mọi người cùng giúp nhau tránh khỏi những phiền hà không đáng có, hay những lo buồn không cần thiết khi phải đối phó với căn bệnh xã hội này:


  1. Người mắc bệnh “chảnh” là những người đáng thương, họ có những khiếm khuyết nhất định trong tâm hồn. Họ luôn tự ti với xã hội, vì tự ti nên họ cần tìm cách khoả lấp sự tự ti này bằng cách ăn to nói lớn, hay lấn át người khác, để khoả lấp đi sự yếu kém của bản thân. Đối với những biểu hiện này, sự im lặng trong chừng mực của bạn sẽ làm họ bớt bệnh một chút. Và khi cơn bạo bệnh đã vãn, bạn nên tranh thủ thời cơ vì không biết “cơn” sẽ đến lúc nào.
  2. Người mắc bệnh “chảnh” thường hay tỏ ra nguy hiểm, họ tìm mọi cách để bạn nhận ra sự nguy hiểm của họ. Thật ra đó là một nỗ lực vô ích, vì chỉ cần nhìn mặt họ chúng ta đã dễ dàng nhận ra sự nguy hiểm tột cùng. Đối với dạng này bạn không cần e ngại, chỉ cần bạn tỏ ra ngu ngơ, hay nói cách khác, bạn trở thành người thờ ơ với đời. Sau một thời gian tỏ ra nguy hiểm, người mắc bệnh “chảnh” sẽ mệt vì chính sự nguy hiểm của họ. Đây chính là thời cơ để sự nguy hiểm (nguy hiểm thật sự) của bạn phát huy. Hãy nguy hiểm một cách thông minh.
  3. Người mắc bệnh “chảnh” thường không nói chuẩn ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ thường tìm cách chém gió bằng cách chèn tiếng lạ, đôi khi họ chèn nhiều hơn một loại tiếng lạ vào cuộc hội thoại. Mục đích của họ là làm cho bạn sao nhãng. Thay vì tập trung vào nội dung trao đổi, bạn sẽ bị lái sự chú ý sang việc hâm một khả năng ngoại ngữ của họ. Đối với dạng này, bạn chỉ cần đặt thật nhiều câu hỏi nhằm làm họ mất tập trung. Đại loại thế này: - Chị cho rằng plan lần này somehow thành công, em có think so không? Bạn nên trả lời thế này: - Máy bay gì chị? Máy bay bị gì? Em có thấy nó bị gì đâu?

Chúc bạn thành công. Hãy nhớ rằng sự khéo léo nằm ở chỗ nguy hiểm nhưng không chảnh. Nhớ đấy nhé!

-Tâm Vũ-

---

Tôi viết bài này sau một ngày làm việc và gặp vài người tỏ thái độ lồi lõm với tôi, thành thử tâm trạng viết bài này có đôi chút lồi lõm, mọi người đọc có bức xúc thì cũng bỏ qua, lâu lâu tôi cũng có nhu cầu được tỏ ra nguy hiểm. Chịu!

No comments:

Post a Comment