Monday, November 26, 2012

Chuyện thần tượng




Tuổi nhỏ ai cũng có thần tượng. Những năm chín mươi, thần tượng của giới trẻ là ca sĩ Việt Nam, là Lam Trường, Đan Trường, sang sang hơn tí thì là Backstreet Boys, N’sync, con trai thì thích cầu thủ nào là Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, hay Beckham, Ronaldo. Những con người của thế hệ đó rồi cũng lớn lên, cũng cơm, áo, gạo, tiền. Thần tượng vẫn còn nhưng từ người chuyển sang vật LV, Lexus, Apple, hay tiền.

Khi phương tiện truyền thông phát triển đủ để có người viết cả một cuốn sách với tựa đề “Thế giới phẳng”, và thế giới trở nên phẳng thật, biên giới, khoảng cách, thời gian không còn là rào cản, quan hệ giữa các nước trở nên thân thiết hơn thì sự tương tác giữa nền văn hoá của nước này với nước kia gần như mạnh mẽ hơn, ở Tây hắc xì thì ở Việt Nam giật mình, ở Châu Phi hỉ mũi thì ở Trung Quốc trùm mền. Và thế là thần tượng giới trẻ ở nước này dần dà cũng gây được tiếng vang ở nước khác, có thêm một lượng người hâm mộ kha khá ở khắp mọi nơi. Xét trên phương diện nào đó, cuộc sống như thế là thành công.

Có những người nhìn đâu cũng thấy thần tượng, nghĩa là những người đó rất dễ quý mến người khác. Điều này không xấu, trong thế giới bạo lực như ngày hôm nay, yêu thương nhiều một chút cũng tốt. Có những người khác lại chẳng thần tượng ai, nghĩa là họ cảm thấy ai cũng tốt, nhưng chưa đủ để họ phải hâm mộ. Vậy cũng hay, thái độ sống tích cực và rất có lập trường. Cũng có những người suốt ngày chỉ muốn tẩy chay. Cũng không sao, nhưng hơi tiêu cực.

Khoảng thời gian gần đây, tức là mấy năm trở lại đây, báo chí thường xuyên đề cập đến cụm từ “fan cuồng K-pop” hay bất cứ thứ gì có cuồng với có pop. Thậm chí vấn đề này nóng tới mức còn trở thành một câu bình luận trong kỳ thi quốc gia. Dĩ nhiên những người bị cho là “fan cuồng” thì sẽ ra sức “ném đá”, còn những người được liệt vào hàng “anti” thì không ngừng trầm trồ và múa bút.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Hãy thẳng thắn nhìn lại cuộc sống của trẻ em Việt Nam thời đại @, đi học, đi học, đi học, chơi máy tính và xem tivi, hình như đó là những điều duy nhất có trong thời khoá biểu của các em. Người lớn rất cố gắng, cũng ráng hiểu trẻ lắm, nhưng báo cáo chưa viết xong nên thôi chị Kính Hồng sẽ trông con giùm. Lớn lớn một chút, con trẻ phải có không gian riêng, rồi dùng cái khái niệm “không gian riêng” đó để cô lập trẻ, muốn làm gì cũng được, khi nào … hư rồi tính. Bài bạc, hút chích, tụ tập bây giờ xưa rồi! Chỉ có dân tỉnh lẻ mới chơi trò đó! Thanh thiếu niên bây giờ là phải “games”, sống thử, đi ra sân bay đón thần tượng…như vậy mới sành điệu.

Lỗi không hoàn toàn thuộc về các em, cũng không hoàn toàn thuộc về cha mẹ, lỗi một phần nào đó thuộc về xã hội. Giá mà đừng đốn rừng để các em có chỗ đi cắm trại. Giá mà nhà trường bớt khối lượng bài tập lại để các em được học những môn năng khiếu hay môn tự chọn. Giá mà cha mẹ dành chút thời gian để hỏi “hôm nay đi đá banh với ba không”. Giá mà truyền thông bớt mấy trò lăng xê nhăng nhít lại, tạo cơ hội cho những người trẻ được là chính mình. Giá mà cuộc sống chạy chậm lại chút xíu, để mọi người còn kịp rung đùi ngồi ăn khoai nướng giữa đất trời mênh mông, để cùng nằm ngửa ra giữa cát biển mênh mông, và trẻ được chỉ rằng “kia kìa, cái đó là chòm sao bắc đẩu, gáo lớn nè, gáo nhỏ nè. Lý tưởng sống đó, giống như chòm sao bắc đẩu của dân rừng vậy, anh ta không bao giờ có thể chạm vào nó, nhưng thiếu nó anh ta sẽ bị lạc đường”. Giá…rất nhiều cái giá dành cho các em, rất nhiều các muốn được hiểu các em.

Các em có lỗi vì phí phạm cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhưng xã hội có lỗi lớn hơn khi gieo cái mầm tai hại đó vào đầu óc các em.

Có lần tôi đi dạy trẻ lớp 1 kỹ năng sống, lúc tôi thông báo cả lớp sẽ cùng múa hát với nhau một bài có em chợt la lên đòi nhảy “Gangnam Style”, ngay giây phút đó tôi thấy tức cười, nhưng rồi câu chuyện đó cứ tái diễn mãi trong đầu suốt cả tuần lễ sau đó, làm sao, làm sao, làm sao để trẻ con lại được hồn nhiên.

Đã bao giờ bạn chơi trò “Chim bay – Lồng bay” chưa? Ở đơn vị Hướng Đạo của tôi không chơi trò này vì đây là trò chơi phản giáo dục. Phản giáo dục vì đi trái với lẽ tự nhiên, chẳng có con chim nào ngốc tới nỗi đã bay ra khỏi lồng rồi lại giành nhau chui vào cái lồng khác. Nhưng lâu thật lâu trưởng tôi lại cho tráng sinh chơi trò này với lời nhắn “chúng ta giống như những con chim ngốc nghếch, từ bỏ tự do của một nhân vị để chui vào những cái lồng của tiền tài, vật chất, địa vị, tham vọng…do chính mình giăng ra. Để rồi đứng trong cái lồng tù túng và tưởng mình ngon.”

Tôi chỉ ước, trẻ con được là trẻ con, nghĩa là được yêu thương, học tập và vui chơi đúng nghĩa, những cái lồng của người lớn, đừng nhốt các em vào, vậy thôi.

-Tâm Vũ-

No comments:

Post a Comment