Monday, December 2, 2013

Phnom Penh - Chuyến đi để lớn lên




Tôi vội vàng kéo va li ra khỏi nhà sau chuyến huấn luyện ngắn ngày ở Củ Chi để đến Phnom Penh, đó là một ngày nắng đẹp và đầy háo hức; xe gần như chỉ còn chờ mỗi tôi nữa là sẽ xuất phát. Phnom Penh đón tôi trong màn đêm khô hanh và không quá náo nhiệt, một chút xe máy, một chút xe hơi, người ta nói tiếng Việt trọ trẹ, tôi thấy tức cười vì âm sắc vần “ư” dường như xuất hiện ở mỗi câu chữ của người Cambodia. Tôi bắt đầu nhớ nhà.


Tôi nhận lời Eljay, chủ tịch SIGNIS Châu Á, tham gia chuyến tập huấn cấp kỳ dành cho các VJ trẻ tuổi, cùng niềm tin Thiên Chúa giáo muốn dùng truyền thông để loan báo tin mừng và hoà bình. Tôi cứ tưởng tôi sẽ có những buổi tối lang thang khắp các nẻo đường Phnom Penh để ngắm nhìn cuộc sống của những người “anh em”, hay chí ít là bắt chuyến xe đi Siem Reap thăm thú cái gọi là Biển Hồ, Angkor Wat, hay tệ thì cũng phải là Angkor Thom. Tôi còn tính sẽ đi ra chợ Central market mua lạp xưởng cho mẹ, hay ghé ngang cung điện nhà vua chụp tấm hình làm kỷ niệm “coi như là…”. Tôi còn tưởng mình sẽ đi nát Phnom Penh City để xem xứ người ta phồn hoa như thế nào, cầu cống ra sao, hay chí ít thì cũng đi vào thử cái shopping mall xem thử hàng hiệu xứ Cam bày biện ra làm sao.

Ngược lại với mấy cái tính và tưởng của tôi, nguyên ngày đầu tiên chúng tôi chỉ ngồi trong nhà, chia sẻ về những gì rất riêng của mỗi người, gia đình, học hành, công ăn việc làm, bạn bè, cái thích, cái không thích. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng không hiểu sao tôi thấy yêu hơn người bạn Lào chung phòng của mình, người lúc nào cũng vui vẻ nhưng khi nhắc đến chuyện chồng con lại muộn phiền, tôi thấy yêu hơn anh bạn Indo hay cười, bẽn lẽn nhưng lại rất thẳng thắng và khiêm nhường khi nói với mọi người rằng tôi không học hành thành công và tôi chỉ bắt đầu với vị trí của anh chạy việc vặt trong văn phòng, và giờ thì sao, bạn là thần tượng của mọi người với kỹ năng dựng phim đỉnh của đỉnh, tôi thấy yêu hơn chị bạn người Mã Lai khi chị nói chị là một người mơ mộng, chỉ cần nghe chị có thể tưởng tượng ra hành trình của người kể, tôi thấy yêu hơn anh chàng Myanmar hiền lành và điệu đà, cứ mỗi lần hỏi về cô con gái 4 tuổi là lại cười thẹn thuồng, tôi thấy yêu hơn anh bạn Cam bu chia cười cười nói với tôi anh ta nói được tiếng Việt. Chỉ giản đơn vậy thôi, chúng tôi hiểu nhau hơn, chúng tôi quý nhau hơn, và quan trọng hơn, chúng tôi học cách chấp nhận lẫn nhau, bắt đầu bằng nụ cười mỗi buổi sáng, nắm tay cầu nguyện mỗi buổi chiều.


Chúng tôi bắt đầu những bài học đầu tiên với việc chụp hình, chúng tôi học cách nhận biết những yếu tố làm nên một bức hình đẹp, nào là khoảng cách, góc chụp, ánh sáng, tỉ lệ, vân vân, rồi chúng tôi chạy toả ra đường, chụp lại cái thế giới quan của mình, hỏi xem người nhìn có thấy cái thế giới mà chúng tôi thấy khi chụp không, có thấy cái lá tự nhiên đẹp hơn không, có thấy cô bé con cười đẹp hơn không, hay có thấy cái nhà tự nhiên nghiêng nghiêng lãng nhách không. Chúng tôi học bằng cách cứ 45 phút lại chạy ra đường một lần, rồi hễ gặp nhau trên đường lại cười cười gãi đầu hỏi bạn làm tới đâu rồi, chưa tới đâu hả, thôi vậy chụp nhau một tấm đi, được hôn?! Rồi chúng tôi lại chạy ra đường tìm tìm xem chụp cái gì để thể hiện được chủ đề “truyền thông cho hoà bình”, tôi khoái chí chạy về đầu tiên, ai dè tới hồi ngồi xem lại thì mới phát hiện ra mình lạc đề. Những bài học đầu tiên, nhiều hơn chỉ là chụp hình.

Chúng tôi học cách quay phim và làm việc nhóm, chúng tôi được trao cho những công cụ khác nhau, từ đơn giản đến cao cấp, tôi còn nhớ nhóm tôi được giao đi phỏng vấn anh phụ trách chương trình “Messenger” chỉ với cái điện thoại Nokia Xpress 3.2 mp của mình, ấy vậy mà cũng thành một bài phỏng vấn ngon lành, được vỗ tay lộp độp, khen dựng hay, câu hỏi tốt, diễn đạt hoàn chỉnh này nọ, thấy vui vui vì hình như mình đang học một bài học mới, công nghệ là quan trọng nhưng đừng để công nghệ làm bạn chùng chân. Tôi thấy hay quá sá, thế là buổi chiều tôi và bạn cùng nhóm hăng hái xách cái DSLR của bạn đi phỏng vấn anh lái xe tuk-tuk, lần đầu tiên tôi thấy cái cảnh hỏi bằng tiếng Việt, trả lời bằng tiếng Khmer và phụ đề tiếng Anh, tôi nể anh bạn cùng nhóm tôi quá trời!


Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm và “quay ngoại cảnh” trường học của nhà dòng Don Bosco, nhìn thấy các em học mà chơi, ngăn nắp và hồn nhiên, tôi mừng quá, vì cứ tưởng trường dòng thì sẽ khắc khe lắm, nào ngờ, các em ra chơi cứ la cứ hét loạn cả lên mà chẳng ai thấy phiền, ngược lại, vào giờ học rồi thì dãy mẫu giáo hay dãy cấp 1 đều im phăng phắt và ê a tiếng đọc bài, tôi vui quá vì ở nơi nào đó, tuổi thơ vẫn được dạy dỗ trên cả tử tế. Buổi chiều chúng tôi đi thăm nhà tù S21 nơi tập trung, tra tấn và xử tử các tù nhân dưới chế độ Pol Pot, tôi thấy sợ quá, tôi cứ đi sơ sơ bên ngoài mà đâu có dám vào trong, vì giường sắt vẫn còn đó, xiềng xích đó, đinh búa, hộp cưa méo mó vẫn còn đó, không biết do tưởng tượng hay có thật, đôi lúc tôi còn nghĩ mình nghe thấy mùi tanh lợm của máu me, hay có lẽ chỗ tôi đang đứng có người đã từng bị tra tấn tới chết cũng nên, tôi bước vội qua những gương mặt tù nhân, những ánh mắt hoang mang, những gương mặt chắc không ít người vô tội, tôi tự hỏi nếu là mình, chắc mình chẳng thể đứng nổi dù chỉ 1 ngày. Tôi ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ, xem đoạn phim tư liệu về thời kỳ đen tối của người Cam bu chia, để rồi cứ day dứt mãi câu nói của người phụ nữ mất cả con trai lẫn con dâu “tôi sống đến từng này tuổi, tôi hiểu được vì sao con người ta yêu thương nhau, chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, tôi hiểu được rất nhiều thứ, nhưng tôi vẫn không hiểu được vì sao họ bắt bọn trẻ phải xa nhau, vì sao họ bắt con tôi”; hay lời kể của một nhân chứng lịch sử “đó là cái thời mà mọi người mất niềm tin vào nhau, không ai muốn nói với ai điều gì, vì họ sợ sẽ có ai đó nghe được và giết họ mất”. Tôi nhìn chiến tranh chống chế độ Pol Pot bằng một cái nhìn hoàn toàn khác, từ rày tôi dành cho họ một sự tôn trọng đáng kể, vì qua bao đau thương, họ vẫn rất cởi mở, hiền lành, và nhiệt thành, họ cũng rất dấng thân và hy sinh cho nhau. Tôi tự nhắc nhở mình khen mình thì cũng tốt thôi, nhưng hiểu xem người ta nghĩ gì cũng rất quan trọng nữa.


Hai ngày cuối cùng, chúng tôi dành thời gian đi thực địa tại một khu ổ chuột nhếch nhác, đến nỗi vị tập huấn viên người Ấn Độ còn phải thốt lên “tôi không ngờ lại có một nơi ô nhiễm và nhếch nhác như thế này. Ở Ấn Độ chúng tôi có rất nhiều những khu ổ chuột, nhưng đến mức như vầy thì chưa bao giờ”, rồi tôi được gặp người phụ nữ Nhật dành 10 năm cuộc đời mình để phục vụ cho một nơi như thế, họ đơn giản chỉ là mở trường mẫu giáo để trẻ con mỗi ngày được uống sữa, ăn uống tử tế và đi tắm trước khi về lại nơi chật chội, hôi hám đó. Họ chỉ đơn giản mở những buổi tập huấn vào cuối tuần để dạy những bà mẹ trẻ vệ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em. Họ chỉ đơn giản dạy những bà mẹ đơn thân cách làm kem, làm bánh rotti rồi cấp vốn cho các bà mẹ này đi bán để thay đổi cuộc đời. Chỉ đơn giản vậy thôi, trong suốt 10 năm, họ âm thầm cống hiến. Người phụ nữ đó đã nói một điều mà tôi cho rằng chắc tôi sẽ khó mà quên được “Tôi đâu có chọn Cam bu chia để đến, nhưng vì tôi là người Công Giáo, và Thiên Chúa gửi tôi đến đây, tôi tin vậy…Tôi làm việc với những người nghèo và họ cho tôi sức mạnh cũng như năng lượng”.

Chương trình một tuần, mỗi ngày chúng tôi làm việc từ 7 – 8h sáng và lê lết về phòng ngủ có khi 2 – 3h khuya, tôi nhớ đêm cuối cùng, nhóm 4 đứa chúng tôi hoàn tất phim lúc 4h, và dường như tôi đã không hề thay đồ khi về đến khách sạn. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ, quái lạ, đi như vậy có thêm được lương bổng hay có bằng cấp gì đâu mà chúng tôi, tất cả chúng tôi lấy đâu ra mà nhiều năng lượng và nhiệt huyết đến vậy để làm việc gần 20 giờ mỗi ngày.

Ngày Chúa nhật cuối cùng tôi ở lại, mở mắt dậy chị bạn người Lào đã đi từ lúc nào, tôi tự dưng thấy mất mát lạ lùng, người bạn vui vẻ mỗi sáng lại khều khều tôi dậy, hay tôi lại nắm ngón chân chị giật giật hỏi chị dậy chưa, người bạn mà 3 đêm liền phải dậy giữa chừng mở cửa cho tôi, vì nhóm tôi thiếu hiệu suất quá, rồi hai bạn Myanmar và Indo đã dung dăng dung dẻ đi tháp tùng Giám mục đi ra ngoại ô, rồi chị Mã Lai vội vội vàng vàng ôm chào tôi, hẹn gặp tôi ở Việt Nam vào tháng 12, rồi tôi cũng ngượng ngùng vẫy tay chào cô bạn Myanmar nhỏ tuổi, dễ thương với cá tính tomboy, bắt tay thật chặt chào vị huấn luyện viên người Ấn Độ, bắt tay cảm ơn Eljay vì cơ hội có một không hai vô giá này, nắm tay Kanya cảm ơn chị đã ta bà cùng chúng tôi đi lễ nhà thờ, đi ra chợ bán sỉ, rồi dẫn chúng tôi đi ăn thức ăn nhanh chính hiệu Cam bu chia. Tôi bùi ngùi kéo va li một mình ngồi trên chiếc tuk-tuk mà bình thường 6 đứa chen chúc nhau.

Tôi tạm biệt Phnom Penh và những người bạn trong ánh nắng vàng rực rỡ, gió mơn man và một sự bùi ngùi không nhẹ trong lòng. Tôi vẫn cứ thấy tiếng vì chưa gặp lại được anh chàng nhiếp ảnh gia tài năng và cá tính mà nghê đồn đâu đó là người gốc Việt. Ngồi trên xe gà gật mà tôi cứ tiếc vậy đó. 7 ngày trôi qua cứ tua thật nhanh trong đầu như một cuốn phim đẹp đẽ bạn không nỡ tắt khi đã hết. 7 ngày trôi qua, đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác, tôi thấy mình lớn lên.

Tôi sẽ nhớ, nhớ hết mọi người, vì đã khoan dung với tôi, một người trẻ khiếm khuyết và nông cạn.

-Tâm Vũ-









No comments:

Post a Comment