Monday, September 9, 2013

Chuyện thiên hạ - Chuyện của mình




Nhân dịp dạo gần đây dân mạng có xôn xao nhiều chuyện từ lớn tới nhỏ, từ xa tới gần, từ ta tới tây, tôi lấy chuyện người để nói chuyện mình.


Câu chuyện thứ nhất: Chuyện của Đàm Vĩnh Hưng

Tôi không thích anh này, ngay từ những ngày đầu anh này mới nổi tôi đã không thích vì vậy tôi không nghe bất cứ bài nào anh này hát, như vậy đi cho khoẻ, để khỏi mắc công bực mình rồi nói này nói kia, anh ta cũng chẳng sức mẻ hư hao gì, ngược lại mình phạm tội nghĩ xấu cho người khác, mà trong Hướng Đạo thì rõ một hơi vừa phạm phải điều luật thứ tư, thứ năm và thứ mười. Tôi không dại. Chưa kể đối với ai là người Công Giáo lại còn thêm cái lỗi đức bác ái. Nên thôi, đừng nghe, đừng đọc, đừng chửi. Cuộc sống công bằng lắm, Thượng Đế công bằng lắm, cái gì bỏ được thì cứ cho qua, tội lỗi của mình tự mình phải gánh phải trả thôi.

Câu chuyện thứ hai: Chuyện em nhỏ thắng The Voice Kid và bản công văn kêu gọi

Tôi không biết ai thế nào chứ tôi thì tôi thấy cái ông ấp ông xã nọ thật quá sức sáng tạo và táo bạo. Tôi thích những người dám mạo hiểm. Nếu chuyện không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không xúc phạm nhân phẩm của bất kỳ ai, vậy tại sao không chứ? Tôi không theo dõi chương trình này, vì tôi không cảm thấy thoải mái khi đi xem một bản sao của một sản phẩm đi mua đi mướn mang về và làm không tới đâu. Nhưng khi nghe thiên hạ xôn xao bàn luận tự nhiên tôi nghĩ, năm học mới bắt đầu rồi, liệu các em sẽ trở về cuộc sống thường nhật của mình như thế nào? Thế thôi…tôi chỉ thắc mắc có vậy thôi.

Câu chuyện thứ ba: Chuyện đại diện Việt Nam đi thi Miss World và nói tiếng Anh

Lúc đầu vì tò mò tôi cũng thử mở đoạn phim xem thử, phải công nhận cô này nói tiếng Anh kinh thật. Nhưng ở tuổi 22 hiếm ai vừa đẹp vừa giỏi vừa chín chắn lại vừa tài năng. Có người may mắn học giỏi gia đình có điều kiện được học tiếng Anh tiếng Em, có người có năng khiếu ngôn ngữ học đủ thứ loại ngoại ngữ, nhưng có người kém may mắn hơn chỉ biết tiếng Anh qua chương trình phổ thông, mà chương trình anh văn phổ thông thì ai cũng biết rồi. Bản thân tôi, nếu bạn biết tôi đủ lâu, bạn sẽ thấy tôi khá tự tin với tiếng Anh của mình, nhưng bạn có biết nếu năm lớp 11 tôi không gặp cô bạn thân, có lẽ tiếng Anh của tôi cũng cứ mãi lẹt đẹt “dét dét nô nô” thôi.

Lúc tôi học phổ thông, tôi học chung lớp với cô bạn mà sau này bạn trở thành hoa hậu một cuộc thi sắc đẹp cũng khá có tiếng ở Việt Nam. Hồi bạn mới đoạt giải, tụi tôi cũng coi thường ghê lắm, thậm chí chúng tôi còn kháo nhau “nó mà cũng đậu sao”. Nhiều năm sau khi bạn đăng quang, tôi chợt nghĩ có thể bạn không phải là một người trí thức, cũng có thể bạn không khéo léo giao tiếp, cũng có thể bạn chẳng có gì ngoài cái đẹp, nhưng với cái đẹp của mình, với những thứ đi kèm với cái đẹp của bạn, bạn đã không sa ngã, như vậy là đủ, ai biết được bạn đã phải cố gắng như thế nào, đúng không? Vậy tại sao cứ phải mỉa mai nhau. Bây giờ thì tôi tự hào lắm nhé, bạn học của tôi là “bông hậu” cơ đấy!

Quay lại cô bạn đại diện kia, gửi một cô gái 22 tuổi với vốn tiếng Anh hạn chế đại diện cho nhan sắc một quốc gia, thiết nghĩ mình nên đặt câu hỏi cho cơ quan đã cử cô này đi thay vì chế giễu và khinh chê cô. Trong đoạn clip, tôi nhìn thấy sự đấu tranh, sự vất vả của cô khi phải nói tiếng Anh. Tôi thấy đồng cảm với cô, vì hồi tôi mới học tiếng Anh, đừng nói là kêu tôi tự giới thiệu bản thân, kêu tôi nói “dét nô” cũng đã là tra tấn rồi. Xem đoạn clip, tôi tự hỏi bộ giáo dục có cảm thấy xấu hổ không, bắt trẻ học tiếng Anh nào Let’s go, nào Streamline, nào Headway, cuốn nào cũng đắt tiền, cuốn nào cũng đẹp, vậy sau 7 năm (thời của tôi) hay 12 năm (thời bây giờ) 37 giây giới thiệu về mình bằng tiếng Anh nói cũng không được, vậy cải cách để làm gì, cải cách cái gì, cải cách cho ai?


Chuyện của mình 1:

Từ chuyện của anh ca sĩ nọ, tôi thấm thía cái gọi là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Chiều nay đi ngang qua bàn làm việc của một chị quản lý chương trình trong cơ quan, đọc được 1 câu trong cuốn “Sổ tay trại sinh” do chương trình bên chị thiết kế tổ chức trại cho các em học viên trong chương trình, nhỏ thôi nhưng làm tôi nghĩ hoài: “Trước khi biểu lộ cảm xúc, bạn hãy dừng lại để tự hỏi cảm xúc này từ đâu mà có, vì sao lại có cảm xúc này, cảm xúc này sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào”. Tôi học được rằng trước khi nói một điều tiêu cực, hãy suy nghĩ một điều tích cực. Tôi sẽ tập, tôi sẽ ghi điều này vào quy ước tu thân của tôi.

Chuyện của mình 2:

Trẻ con trong sáng, trẻ con là tương lai của xã hội, của đất nước, của nhân loại. Chúng ta muốn nhân loại này đi về đâu thì hãy giáo dục trẻ con như vậy. Nếu dùng tiền của để đánh đổi năng khiếu của các em, đáng không? Nếu cùng vinh quang để đánh đổi sự trong sáng của các em, đáng không? Nếu dùng sức mạnh dư luận để đánh chìm nhân phẩm của một đứa trẻ, xứng không? Tôi may mắn tham dự một khoá tập huấn làm việc với trẻ do một vị tiến sỹ tâm lý nọ, tôi nhớ hoài lời của cô “Thái độ làm việc với trẻ chính là nghiêm túc và cẩn trọng. Nghĩa là chúng ta cẩn thận vì chúng ta tôn trọng trẻ”. Tự dưng tôi thấy lo quá, chuyện em nhỏ trong chương trình truyền hình này, hay chuyện em nhỏ “đỉnh của đỉnh” năm nào, hay chuyện em nhỏ “truyện tranh là con sâu đục nát tâm hồn”. Trẻ con chỉ là trẻ con thôi, hãy để trẻ được là trẻ, được lớn lên, được hạnh phúc, được trân trọng, có như vậy khi trẻ con thôi là trẻ và trở thành người lớn, các em mới có thể mang lại hạnh phúc cho kẻ khác, các em mới biết trân trọng cuộc sống của mình và người khác, và như thế, chúng ta lớn lên cùng nhau. Điều này cũng sẽ được ghi vào quy ước tu thân, mục “Thăng tiến”.

Chuyện của mình 3:

Ghen tị với điều mình không có, khinh khi những người không bằng mình âu cũng là cảm xúc rất tầm thường của con người. Làm người, không ai có thể tránh khỏi. Nhưng làm sao để cân bằng rồi nhìn nhận nhân phẩm của người khác mới quan trọng. Từ bài học này, tôi tự nhủ, từ nay, tôi sẽ tập để không nói từ “không thích”, tôi sẽ tập để không nói từ “ghét” nữa, tôi sẽ tập để không nói từ “không thể” nữa. Nếu chúng ta không có niềm tin rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn, và chính chúng ta không đặt một ngón tay, hai ngón tay, ba ngón tay…mười ngón tay vào để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, thì đến bao giờ thế giới này mới đẹp mới tốt. Cũng vậy, ngừng nói và suy nghĩ tiêu cực sẽ làm cho cuộc sống tích cực hơn. Tôi sẽ viết điều này vào quy ước tu thân của mình.

Để “yêu thương sẽ như men tan biến trong bột làm nên bánh.”

-Tâm Vũ-

No comments:

Post a Comment