Tuesday, September 3, 2013

Đi làm


Ngày 28 tháng 02 năm 2012, tôi chinh phục nóc nhà Đông Dương ở độ cao 3,143 met. Đoạn đường khởi đầu là đoạn đường đẹp nhất, dễ đi nhất, tôi đi qua rừng hoa đỗ quyên, với suối chảy róc rách, sương mù bảng lảng. Ở những đoạn cao hơn, đường đi gồ ghề hơn, ướt át hơn, sương mù cũng dày đặt hơn, tôi đi qua những đoạn sườn núi mà chỉ cần sảy chân là mất mạng, hay vượt qua những tảng đá to không có chỗ bấu víu, vấp ngã là chuyện bình thường. Ở chặng đường lên đến đỉnh, chỉ ba bốn trăm met nhưng lại là đoạn đường chông gai nhất, trơn trợt, hoang vu, mờ mịt, dốc, tôi đã xử gọn chai nước suối của mình trong 100 met đầu tiên, và xử nốt chai nước của anh dẫn đường trong khoảng thời gian còn lại, đã có lúc tôi đòi quay về, cũng có lúc tôi nghĩ về hay đi tiếp cũng không đi nổi nữa rồi, dã man quá. Nhưng khi chạm tay đến cột mốc trên đỉnh núi, một cảm giác sảng khoái lan toả, một loại niềm vui chiến thắng và chinh phục, lúc đó, tôi biết rằng không gì là không thể, chỉ cần quyết tâm, kiên trì, và có kế hoạch, tôi sẽ đạt được những điều tôi muốn.

Trong buổi phát biểu tốt nghiệp của Oprah Winfrey tại một trường đại học danh tiếng tại Mỹ, bà đã nói “Tốt nghiệp không phải là kết thúc của một chặng đường, lễ tốt nghiệp là điểm khởi đầu của một cuộc hành trình”. Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình cách đây gần 1 năm. Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng cách nhốt mình trong phòng, giữa tiếng nhạc văng vẳng pha trộn các loại âm thanh cuộc sống khác, tự đặt lại cho mình câu hỏi “tôi muốn làm gì với chính cuộc đời của mình?”, “tôi đã làm gì được với cuộc đời của mình?”, “tôi đang sử dụng cuộc đời mình ra sao?”. Sau nhiều ngày, tôi quyết định rằng vì mình đã có một tuổi thơ hạnh phúc và được yêu thương, mình đã được lớn lên trong sự vun đắp của mẹ cha và xã hội, mình đã trở nên cứng cáp để bước vào đời nhờ sự chỉ dạy của đấng sinh thành và thầy cô, vậy thì bất kỳ trẻ em nào cũng nên được hạnh phúc như vậy. Tôi quyết định sẽ gắn bó cuộc đời mình vì hạnh phúc của trẻ em.
Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình cùng với SCC, và gạt qua một bên những kiến thức về tài chính doanh nghiệp, thống kê định tính, định lượng, tiếp thị, kinh tế vi mô, vĩ mô; mở ra những chương mới mẻ về tâm lý trẻ, công tác xã hội, phương pháp tiếp cận dựa trên nguồn lực sẵn có, bắt đầu những bản báo cáo về con người, về trẻ. Tôi nhận ra mình cười nhiều hơn, mình hạnh phúc hơn, cuộc sống mình tròn đầy hơn.
Khi đi làm người ta dùng từ “đồng nghiệp” để mô tả những người làm chung với mình, nhưng tôi thích gọi những người làm chung với mình là đàn anh, đàn chị hơn. Đó là những người thầy dạy cho tôi như thế nào là đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, như thế nào là yêu thương vô vụ lợi, như thế nào là lắng nghe bằng cả trái tim. Tôi học được rằng khi ai đó đi công tác bên ngoài, và có sự bọc lót tốt từ phía văn phòng, người đó sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn. Tôi học được những bài học cuộc sống đầu tiên.
Đâu có con đường nào không có ổ gà, đâu có con đường nào không có chướng ngại vật. Con đường cùng SCC cũng không phải ngoại lệ, cũng nào là khó khăn, cũng nào là trì trệ, cũng nào là sự bất hợp tác, lắm lúc cũng phải bó tay, lắm lúc phải chấp nhận từ bỏ. Bảo huynh của tôi đã nói rằng “Rào cản là để vượt qua, khó khăn là để tôi luyện”. Cùng với những người thiện chí, chúng tôi sẽ vượt qua, tôi tin như vậy.
Đi làm cũng giống như chinh phục đỉnh Fansipan, chọn ra một mục tiêu để đạt đến, tận hưởng những giây phút thăng hoa cùng công việc, vùi đầu vào công việc, tỉ mẩn gỡ ra từng nút thắt trong công việc, lắm lúc muốn từ bỏ, lắm lúc mình hoài nghi về mục tiêu mình đã đề ra, đấu tranh với chính mình, vượt qua sức ì bản thân để tiến lên. Anh dẫn đường hay chai nước của anh cũng giống như những lời chỉ bảo của những người đàn anh đàn chị làm chung với mình. Đôi khi với cái tôi to lớn thật khó khăn để thừa nhận mình sai, nhưng nếu không dám nhận mình sai, đó là lúc mình sảy chân vấp ngã.
Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng đã nói “Yêu là làm cho nhau lớn lên”. Tôi đã chọn một công việc tôi yêu thích, và tôi được lớn lên, tôi mong những gì tôi đóng góp cũng làm cho tổ chức lớn mạnh hơn.
Paul Wong trong một buổi tập huấn tại SCC đã nói “Người ta không thể chọn cho mình năm sinh hay năm mất, họ cũng không chọn tên hay chọn cha mẹ, nhưng người ta làm cho cuộc đời mình trở nên khác biệt nơi dấu gạch nối của năm sinh và năm mất.”
Tôi, một người trẻ trên hành trình vẽ dấu gạch nối của mình vào cuộc đời này.

-TâmVũ-

No comments:

Post a Comment