Saturday, November 22, 2014

Nước Ý của tôi - Phần 5: Cô đơn ở Venezia


Chín tháng sau chuyến đi trong mơ trên trời rơi xuống đến Ý mộng mơ, tôi mới có dịp hoàn hồn để ngồi lại viết về hành trình cuối cùng của mình tại Ý – Venice. Chín tháng, tức là nếu tôi có bầu thì hẳn giờ này tôi đã đập chum, vừa hay chị hang xóm nhà tôi cũng vừa đập chum, coi như bài viết này dành tặng cho mẹ con chị, chúc mừng mẹ tròn con vuông, và chúc con, ngựa con Kenny mai này phi xa đến những nơi đẹp đẽ tuyệt vời trong đời con như Venice chẳng hạn. Chín tháng đã qua với rất nhiều những thay đổi lớn trong cuộc sống của cá nhân tôi và của gia đình, có những thứ tôi xác định mình từ bỏ, cũng có những niềm vui bất ngờ to lớn đã đến với gia đình, và cũng có rất nhiều cột mốc trong công việc, bức tranh thay đổi nhiều vô cùng, thay đổi tới mức có lẽ buổi chiều đó lúc đứng ngắm hoàng hôn một mình ở cầu Ponte Della Costituzione tôi đã không hề nghĩ đến.

Tôi đến Venice vào khoảng 3 giờ chiều sau buổi sang lang thang ở Florence, và vài giờ đồng hồ ngồi gà gật trên tàu lửa cạnh hai anh trai Nhật Bản đẹp lồng lộng nhưng…không thích con gái. Không hiểu sao khi đặt chân xuống nhà ga trung tâm Venice, tâm trạng tôi đã tụt dốc không phanh, có một nỗi buồn không tên đã bắt đầu len lỏi trong tâm trí, trong cơ thể và trên đôi vai rã rời mà tôi không thể nào lý giải được cũng không tài nào cùng lý trí mà xua tan, tôi bắt đầu tính toán, hay là mình bắt tàu đi tiếp đến Verona? Đến thăm nhà nàng Juliette có lẽ sẽ đỡ buồn hơn chăng? Tôi ghé vào phòng gửi hành lý để bắt đầu lang bạc kỳ hồ ở Venice với cái giá cắt cổ €30 cho 5 tiếng gửi đồ, từ tiếng thứ sáu thì thêm €5 cho mỗi giờ. Người nhân viên xã hội nghèo biết phải làm sao?

Sau khi tống tiễn 30kg hành lý nặng nề, với 10kg trên vai, tôi mua một tấm bản đồ Venice và bắt đầu lang thang, thời gian và kinh phí không cho phép tôi đi xa, nhưng đủ để tôi thấy một Venice sông nước đặc trưng. Venice sông ngòi chằng chịt, để đi từ con phố này sang con phố kia, người ta phải đi qua rất nhiều cây cầu nhỏ nhỏ, cứ dăm ba bước lại thấy một cây cầu bắt ngang qua, chính vì vậy ở Venice dường như không thấy xe hơi (chỉ có phía bên Piazzale Roma) là lát đát vài chiếc bus cỡ bự và rất ít xe hơi, còn lại chủ yếu tôi thấy mọi người đi phà (water taxi) hoặc xe đạp.

Ở Venice thứ gì cũng đã bị thương mại hóa, và nơi này đã được khai thác thành một thành phố du lịch đúng nghĩa, thuyền gondola ư? €20/chuyến 3 giờ, còn muốn nghe hát hò thì phải tip thêm cho anh lái đò. Kem ư? Kem ở Venice cũng đắt hơn hẳn những nơi khác, đắt hơn ở Roma nữa. Chó à? Ở Roma bạn có thể chạy lại và xin phép chụp một tấm hình hoặc sờ mó một chú chó lông phồng đẹp trai mà không hề gì, còn ở Venice thì dù đã cho phép bạn chụp hình, chủ nhân của con chó đẹp trai đó vẫn rất ư bực bội vì có người xâm hại em nó. Quán xá ở Venice thì giá chặt chém trên trời là dĩ nhiên, trên quãng đường tôi lang thang, không hề có bóng dáng của các tiệm thức ăn nhanh như McDonald như thấy nhan nhản ở Roma mà là các kiểu quán cà phê nhỏ nhỏ nhưng cũng chẳng đặc biệt gì, vì cứ na ná nhau, và tôi đã phải trả €5 cho một cái bánh hamburger bò bằm thường thường bậc trung, trong khi McDonald ở Roma Termini bán hamburger gà chiên giá chỉ €1.20/cái. Tôi tiếc ghê lắm nhưng đói sắp xỉu thì biết làm thế nào, vừa là kiếm chỗ để lên mạng, charge laptop, và nghỉ chân luôn, nên thôi, 5 đồng là cái giá cho tất cả các dịch vụ ấy cộng lại.

Vì là đi bộ và thời gian không nhiều nên tôi không dám đi xa, tôi vẫn cứ tiên tiếc vì không đến được Quảng trường nhà thờ San Marco – nơi nổi tiếng với chuyện ngập lụt và bà con sẽ đổ xô ra bơi tắm trượt nước đủ chuyện, tôi cũng không có thời gian để đến Murano, nghe nói đây là làng nghề làm thủy tinh lâu đời ở Venice, nhà cửa ở đó được sơn đủ màu rất đẹp.

Tôi lang thang từ nhà ga trung tâm đến công viên trung tâm nơi ông Mozzart rầu rầu đứng một mình ngó người qua lại mà không ai them để ý đến, thương ổng nên tôi chụp cho ổng một tấm hình làm kiểu; rồi tôi qua nhà thờ thánh Nicola da Tolentino, nơi tôi để ý thấy ở góc nhà thờ có một cuốn sổ lưu niệm cắt dán rất nhiều bài báo liên quan đến một nhóm các bạn trẻ mà có vẻ rất thương tâm, tôi không biết tiếng Ý nên bằng vốn tiếng Anh lình bình, và dăm ba chữ tiếng Tây Ban Nha tôi cố hiểu và xâu chuỗi cuốn sổ này đang nói về chuyện gì, có vẻ đây là một nhóm bạn trẻ sinh hoạt trong phong trào đức tin của giáo xứ vào đầu những năm 80, đại khái vậy, để hiểu rõ hơn, lần sau tôi sẽ nhớ dẫn theo một người thạo tiếng Ý để dịch cho tôi nghe. Bạn cũng vậy, nếu quyết định đi du lịch ở Ý, bạn nên có một thông dịch viên đi cùng, có như vậy bạn mới không tiếc nuối vì đã bỏ qua các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội đáng quan tâm.

Trước khi đêm xuống, tôi mua kem ở chỗ anh-bán-kem-đẹp-trai gần công viên trung tâm rồi đi bộ lên cầu Ponte Della Costituzione để ngắm hoàng hôn. Hành trình trong mơ đến Châu Âu, cơ hội từ thiên đàng gửi đến chuẩn bị chấm dứt, những con tàu xẻ nước chạy ngang Grand Canal, xa xa là những chuyến tàu xuyên nước Ý qua lại, đây là cây cầu chia cắt hai phần Venice cổ kính và hiện đại, một bên chỉ toàn tàu, thuyền, du khách, và phà, bên kia là bus, là xe hơi, là dân bản xứ, nỗi buồn ban chiều khi vừa tới cũng chưa vơi đi mấy, nhưng giờ thì tôi hiểu lý do vì sao tôi buồn. Venice là thành phố của tình yêu, của những đôi tình nhân, và là thành phố của lễ hội, nếu đi một mình thì bạn không nên đến Venice, ít nhất cũng nên đi với một ai đó, thế thôi, nỗi buồn đôi khi chỉ có vậy…cô đơn.




















---

Trước khi kết thúc chuỗi bài viết về chuyến đi Ý, có vài điều cần làm rõ:

1. Không phải khi không tự nhiên tôi được đi Ý, đó là những ngày hoạt động bất chấp khó khăn, mệt mỏi của tôi trong giáo xứ, cho giáo hội, và những đêm dài không ngủ, cãi nhau ì xèo ở Phnom Penh và những lần “dạ” mà không chần chừ. Nói cách khác, chuyến đi này là bài học và là phần thưởng. Vì vậy, nếu bạn cũng trẻ, và cũng muốn đi như vậy, hãy bắt đầu cho đi mà không cần nhận lại.

2.  Chuyến đi Ý này không phải là chuyến đi mộng mơ với toàn những kỷ niệm đầy ắp tiếng cười, tôi đã bị lừa tiền hai lần trắng trợn ở Roma, và một trận tranh cãi căng thẳng với các bạn làm việc cùng nhóm, và rất nhiều những chuyện buồn khác, nhưng chuyện buồn thì không ai cứ muốn lôi ra nhai đi nhai lại. Cho nên bạn đừng ảo tưởng về một hành trình xứ người với những người da trắng, tóc vàng, mắt xanh thân thiện, không phải ai cũng vậy, bạn cần có bản lĩnh để vượt qua những đoạn trầm của bản nhạc để vút cao ở những đoạn thăng hoa.


3. Điểm mấu chốt không phải là bạn đã đi bao xa, đi những đâu, mà là bạn đã làm được gì từ sau mỗi chuyến đi như vậy. Hãy nhớ đến điều này. Mỗi chuyến đi phải là một hành trình lớn lên và làm giàu cho cộng đồng nơi bạn sinh sống chứ không đơn thuần là một kỳ nghỉ dưỡng và chuyến đi xa hoa. Hãy chứng minh với người trao cơ hội cho bạn rằng “cho tôi đi nữa đi, tôi đã, đang, và sẽ làm được nhiều chuyện nên trò”.

4. Cuối cùng, đây là hành trình của cảm xúc, là hành trình tôi đi tìm và xác định bản ngã của riêng mình chứ không phải cẩm nang du lịch. Xin đừng trông chờ tôi sẽ chỉ cho bạn vài chiêu đi Ý, tôi đi theo quán tính của đôi chân, chấp nhận những lần lê la lề đường, bỏ qua những nơi quá xa, và bị lừa giữa thủ đô Roma, vì vậy, đừng thất vọng nếu những gì bạn kiếm tìm không có trong những bài viết này.

Tôi đã đi qua - Roma, Arcisdosso, Pisa, Lucca, Firenze, và Venezia.

Lần sau, hẹn nhau ở nơi khác của trái đất nhé!

-Tâm Vũ-



No comments:

Post a Comment