Friday, September 16, 2011

Ông nội



Những ngày này tôi cảm thấy bị thôi thúc phải viết gì đó. Ban đầu đó là một làn sóng nhẹ nhàng, lăn tăn. Sau đó, nó trở nên dữ dội và bức bối. Tất cả những hình ảnh tôi thấy, tất cả những đoạn đường tôi đi qua, những góc nhà, những cành cây ngọn cỏ đều tạo cho tôi một cảm giác như thể tôi đang dư ra rất nhiều cảm xúc.
Cảm giác này quay cuồng suốt cả tuần lễ cho đến chiều hôm qua, khi tình cờ trên đường đi học về, tôi bắt gặp một tấm bảng quảng cáo của một cửa hàng bán chăn nệm. Tấm bảng ghi rằng “Nệm xơ dừa lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam”. Thoạt tiên tôi thấy buồn cười vì biết rằng nệm xơ dừa vốn có từ lâu ít nhât cũng phải hơn ba năm, vì những ngày cuối đời của nội tôi, ông đã đề nghị mẹ mua cho ông một tấm nệm xơ dừa, và những ngày đó cách nay đã ba năm.
Chuyên bắt đầu từ những tấm nệm xơ dừa làm tôi nhớ khôn nguôi ông nội tôi. Tôi đã có mười tám năm sống chung với ông dưới một mái nhà, được bước cùng ông những tháng ngày cuối cùng, được thức chông mắt với ông trong những đêm dài đau đớn. Tạ ơn Chúa vì những ngày tháng ít ỏi với hình ảnh vô cùng kiên cường của ông nội.

Ông tôi có một tuổi thơ bình yên với gia đình thôn dã, lớn lên làm việc tại ngân hàng và có gia đình. Cuộc sống sẽ rất đẹp nếu như biến cố năm 1975 không xảy ra và nội không bị thôi việc ở ngân hàng. Trải dài sau đó là một cuộc đời bất đắc chí, chìm đắm trong rượu chè, và cũng tạ ơn Chúa, mặc cho bao nhiêu rượu nội tôi ngập mình trong đó, nội tôi chưa một lần ruồng rẫy con cái, vẫn đều đặn đi làm mang tiền về nuôi cả gia đình, vẫn chở ba tôi đi học, vẫn đưa các cô tôi tới trường, vẫn là một người cha, người chồng, dù chưa hoàn hảo.
Rồi ung thư, ung thư đánh thức ông khỏi cơn mê của rượu. Sau lần mổ đầu tiên, ông không được uống rượu nữa, hoá trị, xạ trị, thuốc men, bào mòn con người ông, người đã gồng gánh cả gia đình trong suốt mấy mươi năm. Ngồi trên xe, ba tôi chở ông đi xạ trị hàng tháng, vài tuần lại vào hoá chất. Sức khoẻ không còn, rượu bia không uống, mặc cảm dựa dẫm con cái, nội tôi hiền như bột, suốt ngày đọc sách, nghe đài và xem phim, thỉnh thoảng nổi nóng vì bế tắc, hụt hẫng. Thời điểm đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu ông, mỗi lần như vậy, tôi chép miệng và lãng tránh.
Ông nội chưa từng lên tiếng đòi hỏi phải có cháu trai nối dõi tông đường, nhưng chưa một lần bế bồng ba đứa cháu gái, tôi ngầm hiểu ra, có lẽ, nếu một trong ba chị em tôi là con trai, chắc ông nội sẽ vui vẻ và thương tụi tôi hơn nhiều. Tôi chưa từng nhận ra ông nội thương tụi tôi biết dường nào, cho đến khi thời gian ông ở với chúng tôi chỉ còn được tính bằng ngày, bằng phút, từng tích tắc của đồng hồ.
Ung thư tái phát sau tám năm ngủ yên, nó sinh sôi, di căn nhanh hơn bất cứ thứ bệnh tật nào. Đó là một buổi chiều Chúa Nhật, khi tôi và mẹ đi dự tĩnh tâm về, cả nhà đang nháo nhào cả lên, đó là lần đầu tiên sau tám năm, ông nội đã không thể kiểm soát cơ thể mình. Kể từ ngày hôm đó, lúc nào bên cạnh ông cũng phải có người, bất kể ngày đêm.
Không thấy đường, không thể ăn, không thể tự ngồi dậy, không thể đi tiêu tiểu, không nghe được, không nói nổi và cuối cùng là ông không thể thở được. Ông ra đi vào một buổi sáng thư tư, gần một năm nằm gục trên giường, dù đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng cả gia đình tôi gần như khuỵ ngã vào ngày hôm đó. Một cú đánh choáng váng. Đó là lần đầu tiên tôi khóc khi chạy xe ngoài đường, một cảm giác bàng hoàng khi nhận được điện thoại báo “ông nội mất, về gấp”. Tôi không chắc bạn hiểu rõ cảm giác này, nhưng đó là một thứ cảm giác rất kinh khủng, khi bạn biết rằng, trong lúc bạn sống, có một người mất đi, và khi bạn về nhà, bạn nhận ra rằng người mất đi đó là người thân của bạn, bạn ước rằng bạn đã nói với người thân đó bạn yêu họ biết dường nào. Và bạn cũng ước rằng, trong cái chớp mắt cuối cùng, bạn nằm trong tâm trí của người ấy.
Bằng cách nào đó rất đặc biệt, ông đã đánh dấu vào lòng chúng tôi một dấu vết không thể xoá nhoà, không thể quên lãng, không thể gạt đi. Bình dị.
Ba năm, phòng nội đã bỏ trống ba năm.
Tôi chợt nhận ra, sự giục giã mà tôi gặp phải những ngày gần đây là vì tôi nhớ nội quá!
-Tâm Vũ-

----

Sắp tới đám giỗ của nội, nhớ ông nội quá.
Nhớ hồi xưa ông nội hay làm cà phê, ông nội cố ý làm 1 ly thật đầy để uống nửa ly cho con nửa ly.
Nhớ hồi xưa ông nội hay coi phim tàu kiếm hiệp rồi kêu con qua cắt nghĩa.
Nhớ tủ sách cổ của ông nội với sách nào sách nấy vàng khè đụng vô sợ gãy giấy.
Nhớ món cơm chiên nước mắm của ông nội.
Nhớ những lúc còn khoẻ ông nội hay đạp xe đi mua báo, mua cây kiểng, mua phân về trồng.
Nhớ ông nội quý cây cau trên sân thượng nên mua tôn về cắt rào xung quanh chậu để khỏi trôi đất, từ ngày con té vào tôn may hết 4 mũi nội dẹp luôn tấm tôn, cứ vài tháng lại đi mua đất thêm vào.
Ông nội nóng nảy và hay la, ông nội ít thể hiện tình cảm và ít cười, ông nội có mùi thuốc lá và mùi của người già, nhưng ông nội luôn thầm lặng yêu thương, và vì ông nội là ông nội con...
Mèn ơi, con nhớ ông nội quá trời.

09/09/2013 

No comments:

Post a Comment