Monday, August 8, 2016

WYD_Krakow2016 - Đại hội Giới trẻ Thế giới

Tôi rời khỏi Krakow để đến Zurich với tất cả những cảm xúc lẫn lộn làm hành trang, bây giờ đã là 1 tuần kể từ lúc tôi không còn ở Krakow nữa, và tôi đang ở nhà, nằm trên chiếc giường rộng rãi, êm ái, tiếng quạt máy vù vù và tôi nhớ cái giường sắt ọp ẹp chỉ độ chừng 6 tấc ở Krakow, nhớ cái phòng tắm tập thể, nhớ hàng ăn trước cửa nhà, nhớ những thùng táo đầy ắp phát miễn phí cho mọi người, và những rổ bánh mì ngao ngán mỗi bữa sáng. Phải, tôi nhớ Krakow.

Tôi đã luôn mơ ước được một lần trong đời tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kể từ lần nhận được cây bút bi in chữ “WYD 2006 – Sydney” chị tặng. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) là sáng kiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị, tổ chức lần đầu tiên ở Rome vào năm 1985 với chỉ vỏn vẹn 300,000 người tham dự với bài hát chủ đề “Resta Qui Con Noi” (Hãy ở lại bên con), vậy mà đến năm 2016 này tại Krakow đã có hơn 2 triệu khách hành hương đăng ký và có đến 19,000 tình nguyện viên được huy động.

Vì sao tôi mong muốn được tham dự Đại hội ư? Hãy tưởng tượng khi bạn được đứng giữa một rừng người trẻ đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ nhiều hoàn cảnh, ngành nghề, đam mê và ngôn ngữ khác nhau, nhưng bạn cùng hướng về một giá trị thiêng liêng, lúc ấy, bạn được kết liên trong một niềm tin duy nhất, điều đó không tuyệt hay sao? Khi bạn đứng giữa những người xa lạ cuồng nhiệt, nhưng bạn lại đang cảm thấy như được ở cùng những người anh em ruột thịt, và rồi bạn nhận ra, đây đích thực là anh em mình, bạn có cùng một Người Cha. Điều này có vẻ tín ngưỡng, nhưng đích thị là như vậy, nếu bạn là một Hướng Đạo Sinh, hãy tưởng tượng cảm giác này giống như cái cảm giác ở một Jamboree quốc tế nào đó vậy, nó tương tự như vậy đó.

Tôi nhớ cái ngày nhận được email xác nhận mình trở thành tình nguyện viên của đại hội, bạn quản lý tình nguyện viên đã gửi cho tôi một tin nhắn đại loại như thế này: Chúc mừng bạn trở thành tình nguyện viên của đại hội, đường đến Krakow còn dài lắm. Quả thật là rất dài. Từ chuyện xin visa, đến chuyện xin chữ ký của Đức tổng, rồi chuyện xin nghỉ làm, rồi chuyện thu xếp các trách nhiệm và cả chuyện sắp xếp tài chính nữa. Đó là một con đường rất dài và không hề dễ dàng. Tôi đã khăn gói đến Krakow với một hành trang ngổn ngang như vậy.

Trước khi đại hội bắt đầu 1 tuần, các tình nguyện viên được đề nghị có mặt để bắt đầu các khóa tập huấn. Chúng tôi được chia sẻ các thông tin cơ bản về Đại hội, về Krakow, về khách hành hương, về những người chúng tôi phục vụ, rồi trong bối cảnh rối ren về an ninh, chúng tôi được tập huấn về chống khủng bố, và sơ cấp cứu. Với vài ngàn người tham dự khóa tập huấn, thì việc tập huấn cũng chỉ đạt ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa”, việc còn lại đó là cầu nguyện, xin ơn bình an để không có điều gì đáng tiếc xảy ra trong đại hội. Tạ ơn Chúa, đến khi tất cả mọi người rời khỏi Krakow, mọi thứ đều bình an.

Đã có rất nhiều bất mãn từ phía tình nguyện viên khi Ban điều phối Tình nguyện viên chưa thật sự ăn ý và hiệu quả, nhưng chuyện chưa tốt này, hãy để từng người tự cảm nghiệm. Bây giờ, tôi muốn kể về những điều tuyệt vời mà tôi đã được trải qua trong suốt hai tuần này nhé!

1 – Tình bạn.

Tôi luôn biết rằng, bằng việc cùng ăn cùng ngủ cùng sinh hoạt sẽ đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Đó là lý do vì sao Hướng Đạo đưa các em đi cắm trại, không phải ở cái kỹ năng dựng lều, hay nấu bếp, mà là để thắt chặt tình huynh đệ. Việc cùng sống với nhau trong 2 tuần đã giúp chúng tôi hiểu biết và yêu quý nhau hơn, hoặc…ghét nhau hơn. Đùa đấy! Dù là hai bạn Slovakia giường bên quả thật bầy hầy không chịu nổi nhưng đến phút cuối cùng khi kéo vali đi về, chúng tôi vẫn không quên ôm nhau thật chân thành và cảm ơn nhau vì được gặp nhau một lần giữa thế giới 7 tỉ người và cùng bất mãn, cùng tức cười, và cùng dùng chung ổ điện.

Tình bạn được xây dựng trên sự đồng cảm, hy sinh, và chấp nhận nhau. Đâu có ai được sinh ra và bị quy định là phải giống nhau như khuôn, chúng ta được triển nở một các hoàn toàn khác nhau, từ ngoại hình, đến tính cách, từ lối sống đến tư duy. Và việc chúng ta đồng điệu với ai đó, chấp nhận sự khác biệt của ai đó, và hy sinh một chút cái tôi của ai đó là một khởi đầu của tình bạn. Khi tình bạn bắt đầu nảy nở, những nỗi buồn, sự cô đơn, sự tẻ nhạt, sự căng thẳng, nỗi bực dọc sẽ bị đẩy lùi và tan biến, thay vào đó niềm vui, sự ấm cúng, sự bình an, và các cảm xúc tích cực khác sẽ bắt đầu được gia tăng.

Vào mỗi buổi tối, khi đi tắm cùng các bạn hoặc cũng có khi một mình, tôi đã thầm cảm thấy thật hạnh phúc biết bao, hay lúc đi bộ về nhà, dù gót chân rã rời, tôi có khi phải thốt lên “hên là có mọi người, Krakow còn dễ thương”. 

Bởi, tình bạn là một điều kỳ diệu có thể tạo ra.

2 – Sự bình an trong tâm hồn.

Vốn dĩ có quá nhiều thứ trong cuộc sống cướp mất sự bình an trong tâm hồn mỗi người. Ví dụ như với tôi, mỗi sáng thức dậy, tôi bắt đầu phải suy nghĩ làm sao để kiếm được nhiều tiền cho tổ chức, để các em có thêm thư viện, chuyện giấy phép, chuyện cái bàn cái ghế, chuyện phải làm vui lòng ai đó, chuyện phải cứng rắn với ai đó, chuyện phải đưa ra các thể loại quyết định. Rất nhiều thứ trong cuộc sống thường nhật đẩy lùi bình an trong tâm hồn chúng ta và để cho sự bất an xâm chiếm. Chúng ta lo lắng bị ghét, bị hờn dỗi, bị từ chối, bị la mắng, bị xấu hổ, bị thất bại. Chúng ta lo sợ quá nhiều thứ, đến nỗi chúng ta cho rằng sự bất an này là bình thường và chúng ta phải chấp nhận nó. Chúng ta quên mất cái cảm giác bình an thật sự. Chúng ta không còn vui với người vui và khóc với người buồn.

Suốt hai tuần lễ ở Krakow, tôi không ngừng hỏi Chúa: Chúa muốn gì ở con, Vì sao con có được cơ hội này, Con có thể làm được gì nữa cho con, cho anh em, Chúa muốn nói gì, Chúa muốn con đi đâu, Liệu đây có phải là quyết định đúng, Liệu con có thật sự vô tư trong mọi chuyện, Liệu con có đang lợi dụng Chúa,…Tôi không ngừng đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Cho đến buổi chiều ngày thứ bảy đó sau khi xưng tội trong công viên với một trận khóc lóc thảm thiết, tôi tìm được cho mình sự bình an thật sự. 

“Trong một bối cảnh, rào cản, chỉ cần con cố gắng hết sức. Thiên Chúa luôn ban cho con người nhiều hơn những thứ họ xứng đáng được nhận”.

Thật khó để mô tả trạng thái bình an này, nhưng đó là cái cảm giác bỗng chốc, bạn thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhõm, thật thư thái, bạn thấy bạn được chúc lành và được sai đi.

3 – Quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Trong buổi gặp mặt với các tình nguyện viên, Đức Thánh Cha Phanxico, tôi hay gọi Ngài là người thương, vì Ngài đã và đang sống một cuộc đời chứng nhân đẹp đẽ nhất mà tôi từng được thấy và chứng kiến. Trong buổi gặp mặt đó, Đức Thánh Cha gọi chúng tôi, những người trẻ là “Tương Lai” (Futuro) với hai điều kiện là “Ký ức” (Memoria) và “Sự can đảm” (Coraje).

Một người không có ký ức thì không thể có tương lai và một người có tương lai là một người có can đảm để sống hiện tại.

Bao nhiêu lần, chúng ta không dám sống cái hiện tại của mình chỉ vì lo sợ thử thách? Bao nhiêu lần, chúng ta lẩn tránh sứ mệnh của mình vì không dám tự chèo lấy con thuyền của mình? Bao nhiêu lần, chúng ta núp bóng ai đó với hy vọng tai ương sẽ chừa mình ra?

Tôi, chính tôi đã nhiều lần từ chối những thách thức và chông gai, vì sự yếu đuối của chính mình. Thật không dễ dàng gì để nhận mình yếu kém. Lại càng không dễ dàng gì để thật sự đối mặt với con người nhạt nhẽo và yếu đuối của mình và quyết định đứng lên, phải sửa đổi thôi! Vì lời nói lúc nào cũng dễ dàng nên chúng ta thường chọn nói hơn là làm. Lúc nào đó, khi bạn thấy tôi đang bận lẩn trốn thực tại, xin hãy giúp tôi thức tỉnh.

Memoria + Coraje = Futuro

4 – Auschwit.

Ai cũng biết Auschwit là trại tử thần khủng khiếp trong thời Đức Quốc Xã, là nơi hàng triệu người bị giết. Bạn biết đó, chúng ta không tạo ra sự sống, vì vậy chúng ta không thể cho mình cái quyền cướp đi sự sống của bất kỳ ai khác. Giết người là tội ác không thể chấp nhận được.

Vì Đức Thánh Cha sẽ đến thăm trại Auschwit nên tất cả các buồng giam (nơi được cải tạo thành phòng triển lãm) đều bị đóng cửa và an ninh thắt chặt. Tôi đến thăm Auschwit vào một buổi chiều trong tuần, có rất đông khác hành hương đang ở đây, sự nhộn nhịp bất thường này, niềm vui không thể che giấu của những người trẻ này, vô hình chung đã đẩy lùi phần nào sự thê lương và bất hạnh của nơi này. Nhưng bạn biết đấy, “những bức tường biết nói”. Bạn dường như vẫn còn ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, mùi mồ hôi của những con người bị ép lao động đến kiệt quệ, tiếng khóc nghẹn ngào, tiếng thì thầm an ủi, tiếng la hét của những con người tự cho mình cái quyền chà đạp người khác, bạn dường như có thể cảm thấy nỗi tuyệt vọng từ những ô cửa sổ cũ kỹ…

Con người đã từng đối xử với nhau tàn nhẫn đến như vậy.

Lịch sử liệu có đang lặp lại? Chúng ta học được gì từ cái trại tử thần này?

Tôi học được gì khi đứng trước câu chuyện của Thánh Maximilian Kolbe, người đã đổi mạng sống của mình để một tù nhân khác được sống? Tôi đã học được gì khi đứng trước phòng thí nghiệm trên người sống để tìm ra thuốc chữa bệnh? Tôi đã học được gì từ những hàng rào kẽm gai?

Tôi đã nhận được nhiều hơn số tiền vé máy bay phải bỏ ra để đến Krakow, tôi cũng đã nhận lại nhiều hơn những niềm vui, nhiều hơn những phiền muộn mà tôi bỏ lại sau lưng để lên đường đến Krakow. 

Vào một giai đoạn nào đó của cuộc sống, bạn cần bức ra những thói quen thường nhật, làm một vài chuyện bạn chưa từng làm, và để thử những thứ hoàn toàn mới mẻ, có thể bạn thích hoặc không thích, nhưng bạn cần làm mới chính mình, đẩy mình đến những giới hạn mới, để điều chỉnh lại bản đồ cuộc đời mình. Đi tìm sứ mệnh cuộc đời mình, để nhận ra mình đã sống tệ như thế nào.

Bạn hỏi tôi “Bạn luôn rất tín ngưỡng như vậy từ lâu, hay đã có biến cố gì làm bạn trở nên tín ngưỡng như vậy?”.

Bạn biết không, chúng ta thường “theo” (follow) nhưng không mấy hiểu biết (understand). Chúng ta có một niềm tin khô cứng và rập khuôn mà không hề hiểu gì về Người. Chính vì vậy, chúng ta thường bỏ của chạy lấy người vì những ràng buộc và luật lệ. Nhưng khi chúng ta chợt nhận ra, Người chỉ có 1 điều luật duy nhất, đó là “yêu thương”. Làm sao có thể không yêu người đã chết vì yêu?


Đôi khi, chỉ cần đi, còn lại cả thế giới, cứ để Chúa lo. Vậy thôi.

09.08.2016
Thương nhớ Krakow


No comments:

Post a Comment