Sunday, September 14, 2014

Gửi em

Sáng Chúa nhật vừa rồi chị cho các em họp đội, chị ngồi gần đó im lặng ngắm nhìn các em tự vui, tự chơi, và tự dạy nhau học. Chị thấy các em chơi thật vui, các em bày trò chơi với nút dây, đội sinh đứng dậy chào đội trưởng khi thực hiện xong nhiệm vụ, đội trưởng phạt đội sinh vì mặc đồ không chỉnh chu, đội trưởng cố sức giải thích cho đội sinh hiểu thế nào là “sắp sẵn”. Chị thấy các em thật lớn, chị thấy trong ánh mắt, nụ cười của các em đã không còn đơn giản là một cô nhóc bé nhỏ nữa rồi, mang trong dáng đứng, cử điệu là một cô thiếu nữ đang rất lớn. Chị cảm thấy may mắn lắm khi được chứng kiến các em lớn lên từng ngày, rồi mai này, các em sẽ vươn vai lớn lên, trở thành những người trẻ đầy bản lĩnh và đi xa.

Em biết không, có những đứa trẻ cũng trạc tuổi em thôi, nhưng mỗi sáng lại phải dậy từ lúc 1g sáng để đi cạo mủ cao su vì mặt trời lên mủ cao su sẽ đông lại. Cũng có những đứa trẻ đôi mặt đượm buồn chiều chiều đi giăng câu kiếm cá ăn qua ngày. Lại có những đứa trẻ khác ngày ngày tần tảo đi bộ 5 cây số đến trường, chỉ vì đi học thì vui hơn đi mót mì.

Em biết không, có những đứa trẻ ngày đêm chìm đắm trong chăn ấm nệm êm, nhiệt độ phòng không bao giờ vượt quá 25 độ C. Cũng có những đứa trẻ khác lúc nào cũng vui tươi, nở nụ cười chói nắng chào ngày tươi đẹp. Lại có những đứa trẻ chỉ cần thích thì có thể được ăn pizza, yến sào, hay McDonald.

Chúng ta không chọn được cho mình bối cảnh gia đình khi mình sinh ra các em ạ. Chúng ta không thể quyết định được cha mình phải là giám đốc bệnh viện còn mẹ thì là siêu mẫu nổi tiếng. Chúng ta không chọn được mình sẽ sinh ra ở Berlin hay Kuala Lumpur. Chúng ta đâu có chọn được cho mình là con trai hay con gái. Lúc sinh ra chúng không có nhiều lựa chọn, chúng ta được trao tặng một cuộc đời phía trước để quyết định.

Các em ạ, ngành tráng hay lắm, khi các em “tu luyện” đến một trình độ nào đó, em sẽ được “lên đường” và trao cho em cây gậy nạn – tức là cây gậy hình chữ y, ý muốn nói cuộc đời là sự lựa chọn, lựa chọn theo ngã thiện hay ác là nằm nơi quyết định của em.

Chị thương em chị thiệt thòi không tham gia được những trại họp bạn quốc tế để gặp gỡ giao lưu, chị thương em chị bé nhỏ không có nhiều cơ hội đi trại chung với nhiều đoàn bạn, chị thương em chị thiếu thốn nhiều thứ để lớn lên viên mãn. Nhưng chị thương em chị đã luôn cố gắng mỗi ngày để làm một hướng đạo sinh giỏi. Chị chúc em chị luôn là người dẫn đường đến những miền đất mới, để em có bản lĩnh quyết định cuộc đời mình từ những việc nhỏ thôi, chị mong em quyết định mình sẽ học giỏi, em quyết định mình sẽ yêu thương và vị tha, em quyết định mình yêu những thứ mình có và chia sẻ những gì mình đong đầy. Chị mong em biết chọn ngã thiện trong từng bước đường đời mình.

Mai này, em sẽ tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Em nha.

23.09.2014

---

Cách đây gần 10 năm, chị có một người bạn rất thân thiết, những ngày đầu mới mẻ, học tập cùng nhau, bọn chị đã từng rất thân thiết, những khó khăn, va chạm, chị và người bạn đó đã chung vai đi cùng nhau. Chị đã rất yêu quý người bạn đó, giống như chị đang có thêm một người anh vậy. Nhưng cuộc sống là thứ mình không biết trước các em ạ, người bạn đó bị nghiện, một lần sai, hai lần sai, và những lần sai sau đã đẩy bạn chị ra đi. Đôi lúc chị nghĩ, bây giờ bạn như thế nào rồi nhỉ, có khoẻ không, có gia đình chưa, có nhớ về những người huynh đệ cũ ngày xưa hay không? Chị cũng không biết nữa. Chị chỉ cảm thấy day dứt, vì ngày xưa, chị đã không vượt qua được sự kỳ thị của bản thân để đến gần hơn bạn mình và nói "mạnh mẽ lên, mình cùng chiến đấu".

Hôm qua, chị cũng đã mất một người bạn khác với lý do cũng gần như vậy, 5 năm kề vai sát cánh rồi cũng tan biến như chưa từng có gì xảy ra. Chị không quá thân thiết với bạn nhưng rất nhiều dự án đã làm chung cùng nhau, vì vậy, sẽ không phải là nói quá nếu gọi bạn ấy là "cộng sự". Mà em biết rồi "Hướng Đạo Sinh trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người CỘNG SỰ" mà.

Tình bạn là một điều gì đó rất kỳ diệu và quý giá, em đừng đợi nó mất đi rồi mới nhận ra em đã từng quý mến họ như thế nào. Tình bạn cũng không phải thứ vĩnh cửu không tự nhiên mà lớn lên theo thời gian. Tình bạn cần nhiều hơn những lúc cười nói vui vẻ trên bàn nhậu, tình bạn không phải chỉ là những lúc vi vu đi chơi cùng nhau.

Tình bạn là nỗ lực, là chia sẻ và là sự cộng tác của cả hai phía để cùng đi về một chí hướng chung.
Từ hôm qua đến nay, chị buồn ghê gớm, chị tiếc cho một người bạn, nhưng chị cũng tự cảm thấy ray rứt vì mình đã chẳng làm gì được để giữ lấy bạn. Mọi thứ rồi cũng sẽ trôi qua, em có lúc nào đó cũng sẽ quên mất mình có người bạn này, nhưng những lúc tối trời, sao sáng, ngồi ở biển nghe củi lửa bí bép, em sẽ chợt nhớ ra, em đã từng có người bạn này.

Có một chút mất mát.

Thiếu sinh của chị, câu chuyện riêng của chị, sẽ là bài học của các em. Vì các em là thiếu sinh của chị nên các em sẽ giỏi hơn chị, bản lĩnh hơn chị, tận tâm hơn chị. Chị mong các em biết chọn bạn chơi và biết gìn giữ tình bạn đó, để tình bạn là động lực để em tốt đẹp hơn.

14.09.14

---

Hồi xưa, lúc học lớp 9, chị đọc cuốn sách "hàn lâm" đầu tiên trong đời, cuốn "Con đường chẳng mấy ai đi" do một tiến sĩ tâm thần người Mỹ nổi tiếng lắm viết. Cuốn sách chia ra làm hai phần nói về đời sống quy phạm (hiểu nôm na là những nguyên tắc sống, lý tưởng, kỷ luật bản thân...) và về tình yêu. Cuốn sách này hay lắm, nhưng quả là hơi khó so với một đứa 14 tuổi, chị mất một năm để đọc xong cuốn sách này, vì cứ phải đọc lại để hiểu tác giả đang nói cái gì, nhưng sau khi đọc xong, chị lại khao khát trở thành một bác sĩ tâm thần, để được tìm tòi, quan sát, nghiên cứu và chữa trị các ca liên quan đến hành vi và suy nghĩ con người. Cũng vừa hay, trong gia đình họ hàng, chị có một người dượng (tức là chồng của dì ruột) cũng là bác sỹ tâm thần, sau đó đến năm lớp 11 lại đọc cuốn hồi ký của một bác sỹ tâm thần khác "Gọi bình yên quay về", nói chung là, đến tận lúc làm hồ sơ thi đại học, chị vẫn rất quyết tâm sẽ trở thành bác sỹ tâm thần. Chị thấy mình có đủ động lực, nền tảng, và đam mê để đi theo con đường này. Thi trượt y hai lần, thật ra chị vẫn còn ý định thi lại lần thứ ba nữa cơ, nhưng sau một tháng quán triệt tư tưởng, mẹ chị đã thành công thuyết phục chị học quản trị kinh doanh. Trước ngày nhập học 6 tháng, chị có cơ hội tham gia một hội nghị truyền thông về quyền trẻ em. Tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với những nhà truyền thông xã hội, những người dành cả cuộc đời rong ruổi đấu tranh vì quyền lợi trẻ em, nói với thế giới rằng "trẻ em là những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội" và "trẻ em chính là tương lai của thế giới này". Trở về sau hội nghị, chị cứ bị thôi thúc mãi, đúng là những gì Hướng Đạo đang làm cho trẻ em thì thật tuyệt vời, nhưng mình, bản thân mình có thể làm được nhiều nhiều hơn những công việc đó nữa. Vậy là chị quyết định hướng khả năng và tâm trí làm việc vì trẻ em. Một trong những giảng viên đại học của chị còn nói rằng "nếu Vi thích trẻ em như vậy, tôi nghĩ bạn nên làm về giáo dục chứ không phải kinh doanh". Và đến hiện tại thì chị đang làm cái nghề mà người ta gọi là nhân viên xã hội, nghĩa là chẳng liên quan gì đến bác sĩ tâm thần hay quản trị kinh doanh cả.

Nói dài dòng như vậy, chỉ vì chị muốn nói với các em rằng, con đường mình chọn cho cuộc đời mình, không phải cứ ngồi xuống lấy tờ giấy, cây viết, vẽ là sẽ ra. Cần mất rất nhiều thời gian, suy nghĩ, lựa chọn, đắn đo, và thay đổi để có thể quyết định mình làm gì, đi đâu và sẽ là ai trong tương lai. Không phải em cứ mơ ước là sẽ cứ đâm đầu vào cái mơ ước đó hay lầm lũi gánh vác một ước mơ của ai khác. Nói vậy để các em hiểu rằng, bản ngã cuộc đời (à, hiểu nôm na là tấm bản đồ cuộc đời) cần được định hướng và vẽ dần qua thời gian.

Yêu thích là một chuyện, nhưng em cũng cần hiểu rằng, khả năng, tố chất cũng là một nhân tố quyết định hướng đi. Em không thể trở thành bác sỹ nếu như em ghê tởm máu me. Em không thể trở thành ca sỹ nếu như em ghét âm nhạc. Hay em không thể trở thành bà ma sơ nếu như em không yêu thích những khoản thời gian ngồi riêng với Chúa và phục vụ trong thinh lặng.

Nói chung là, nếu chẳng may năm trước em mơ ước trở thành giáo viên, còn năm sau em lại tự nhiên thích làm hoa hậu thì cũng chẳng sao cả. Điều đó cũng bình thường thôi. Mấu chốt nằm ở chỗ, em có hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình hay không mà thôi. Nếu em không biết mình giỏi ở đâu hoặc dở cái gì, thì cho dù em có mơ 100 giấc mơ thì cuộc đời em vẫn cứ lênh đênh.

Chị cũng thích 20 năm nữa có một em thiếu sinh làm giám đốc, diễn viên, bác sỹ, ma sơ.....lắm, nhưng thật ra, chị thích nhìn các em vững vàng hơn. Vậy nên, chị chúc các em hiểu mình.


13.09.14

---

Mỗi năm, chương trình của mình hỗ trợ khoảng 2,500 trẻ đến trường thông qua các gói học bổng và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khẩn cấp, và can thiệp khác. Với số lượng trẻ đồ sộ như vậy, và dàn nhân lực mỏng tan 4 cán bộ địa bàn, 1 admin, và một điều phối viên cấp cao, việc đi thăm nhà ngần ấy trẻ là một chuyện phim nhiều tập dài lê thê không bao giờ hết. Ví dụ như từ tháng 8 năm 2013 đến hết tháng 8 năm nay, với nỗ lực cực lực quên cả lấy chồng của cả phòng, chỉ khoản 500 trẻ trong số 2,500 được thăm nhà. Mấy hôm nay lại tiếp tục chuẩn bị hồ sơ lên đường đi thăm 100 em khác ở địa bàn mình phụ trách. Thông tin sai lệch, thiếu trước hụt sau, thông tin ảo, trẻ nghỉ học, địa phương không hợp tác, mình bị rối. Vậy là cả tuần ngồi loay hoay kiểm tra thông tin, dọn dẹp danh sách sao cho gọn gàng, phân phối lực lượng...Cuối tuần, ngẫm nghĩ lại, chuyện gì chưa bắt tay vô làm thì cũng thật gớm ghiếc, lằng nhằng, nhưng nó vẫn cứ gớm ghiếc và lằng nhằng như vậy hoài cho đến khi mình đâm đầu vô, xắn tay áo lên làm, kệ xác nó là có u đầu mẻ trán không, cứ làm thôi. Vậy đó, dài dòng vậy chỉ để tóm lại, cứ làm thôi, mọi thứ sẽ ổn.

12.09.14

---

Thật ra chị rất thích nội dung và ý tưởng của tấm hình này, vừa hay nhìn vào hình em nào cũng đang cười, vì cười là một loại dấu hiệu hiển nhiên của hạnh phúc.

Hôm nay đi làm, chị đọc được 2 mẩu tin mà làm chị cảm thấy lăn tăn cả ngày. Mẩu tin thứ nhất là của UNICEF kêu gọi bảo vệ quyền trẻ em cho trẻ em ở vùng GAZA với câu chuyện của một em nhỏ đã tận mắt chứng kiến mẹ, chị gái, và anh trai bị thảm sát vì bom, còn em thì may mắn sống sót. Chuyện thứ hai là một câu chuyện về một bạn nhỏ học lớp 7 mồ côi cả cha lẫn mẹ và phải vừa đi học vừa chăm sóc anh trai và chị gái bị tâm thần. Cũng hôm nay chị gọi điện cho một học sinh trong chương trình để hỏi thăm tình hình thi cử xem kỳ thi chuyển cấp vừa rồi em ấy vào trường nào, thì mới biết là em ấy đã nghỉ học dù được hứa tài trợ học phí.

Những câu chuyện ngày thường xảy ra ở tây ở ta, ở Trung Đông hay ở Hải Dương, hoặc thậm chí rất gần, cũng nhiều lúc mình thấy, mình chứng kiến, nhưng hình như là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Có những lúc mình hạnh phúc quá rồi mình quên mất có rất nhiều người khác đang ngụp lặn trong bế tắc và đau khổ, phải không các em?
Trong lúc sáng CN hàng tuần các em ăn bận đẹp đẽ, tinh tươm, vận lên người bộ đồng phục sáng màu và bắt mắt để bắt bài hát, chơi trò chơi, thì đâu đó có những đứa trẻ vận trên người bộ đồ rách bươm và hôi thối đi bán vé số, kẹo bánh, hay khăn giấy để nuôi sống bản thân.

Nói vậy không có nghĩa là các em nên ngừng đi Hướng Đạo và về nhà xin ba má cho đi bán vé số. Nói vậy để nhắc các em, nhắc chị rằng, mỗi ngày đến, mỗi ngày trôi qua là một ngày tràn đầy ơn trên và là một ngày ý nghĩa. Sống trọn vẹn hôm nay, yêu thương, cho đi mà không cần nhận lại, từ bỏ cái tôi bướng bỉnh của mình để hoà nhã và rộng lượng với mọi người. Để hôm nay em là một Hướng Đạo Sinh giỏi, còn mai này em sẽ là một công dân có ích cho xã hội. Và để mai này lớn lên, chị mong em không chỉ không trở thành gánh nặng xã hội mà còn luôn là người dẫn đường và có trái tim biết rung động, đồng cảm và thương yêu.

Chỉ như vậy thôi, chị nghĩ không riêng chị, mà cả cha mẹ, thầy cô của các em cũng mơ như vậy.
Các em là những đứa trẻ hạnh phúc, hạnh phúc là thứ có thể lây lan. Hãy bắt đầu từ em.

 11.09.14

No comments:

Post a Comment