Sunday, September 21, 2014

Giang hồ

Tôi rất thích bài thơ này, mỗi lần buồn buồn lại ngồi lẩm nhẩm, nghĩ sống ở đời cũng nên một lần thử làm giang hồ, chỉ cần cất giỏ quay lưng là sẽ ổn cả, nhưng nghĩ thôi chứ không làm được.

Tôi thích bài thơ này đến nỗi, đây là lần thứ hai tôi đăng lại bài thơ này, thương lắm, thèm lắm, lại cứ muốn xách ba lô rồi lên đường thôi. Tôi mơ đứng giữa đại ngàn Mông Cổ, nhìn những đứa trẻ mắt hẹp và má hây hây hồng, tôi mơ mình lang thang trên những con đường cổ xưa Tây Ban Nha, nghe tiếng guitar réo rắt, quyến rũ, tôi mơ mình đi chân không vào những ngôi chùa dát vàng Myanmar, đắm mình trong không khí linh thiêng lặng lẽ của cái xứ đóng cửa quá lâu, tôi mơ mình lại lặn lội rừng già châu phi, hú hồn thấy em cọp gằm ghè kế bên, hay là vừa đi vừa xí xô xí xào thứ tiếng Tây Ban Nha lai tạp ở Nam Mỹ. Tôi thèm đi quá, tôi muốn đi quá, tôi nhớ cái cảm giác xa nhà.

Bởi vậy mới nói, lớn lên, ai cũng nên vài lần đi xa, để biết yêu hơn mái nhà đang có.

---

Giang Hồ

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu...

Giang hồ ta chẳng thay áo ráng
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng ngay mới hiểu mình tóc bạc
Chơt tiếng trẻ thưa ở bên đường.


Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵng dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.

[Phạm Hữu Quang]


No comments:

Post a Comment