Monday, August 17, 2009

Lá thư thứ mười bảy - Có nên đẩy xuống?


Lá thư thứ mười bảy,

Hồi lâu trên báo có đưa tin, ở Trung Quốc có một người vì nợ nần mà leo lên thành cầu cao dọa sẽ tự tử, mọi người đứng xem rất đông nhưng không ai dám tới gần vì sợ anh ta sẽ nhảy thật. Lúc đó có một người đàn ông đi ngang bèn vạch đám đông ra, chen vào trong và bảo là để khuyên nạn nhân. Khi đến được cạnh nạn nhân thì ông này đẩy luôn người kia xuống sông. Cũng may ở bên dưới cảnh sát đã cho căng sẵn đệm và nhờ đó người tự tử không chết, còn người đàn ông nọ thì bị đưa vào trại tâm thần. Khi cảnh sát hỏi cung ông ta, ông trả lời rằng những người tự tử là kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm với bản thân và xã hội, vì vậy mà khi thấy người kia muốn chết thì ông nghĩ rằng không nên để anh ta sống làm gì nữa.

Bài báo khiến nhiều người phì cười về hành động hết sức “thẳng thắn” cuả người đàn ông nọ. Nhưng rốt cuộc có nên đẩy người đang đứng trên thành cầu cheo leo xuống không ? Câu hỏi này tuy đơn giản mà cũng có thể khiến chúng ta ngẫm nghĩ ít nhiều. Liệu hành động thẳng thắn như thế là tốt hay xấu ?
-Nói em nghe đôi dòng về những người quyết định tự sát. Người Công Giáo khi qua đời được chôn ở nơi gọi là Đất Thánh, riêng đối với những người tự sát thì họ bị từ chối chôn ở đấy, vì tự sát là có tội. Ngày nay một số người vẫn giữ quan niệm này, mặc dầu Giáo Hội đã thay đổi quan điểm về vấn đề này. Riêng chị có suy nghĩ thế này, quả thật những người tự sát ích kỷ thật, họ nghĩ đến những khó khăn mà mình gặp phải, họ cảm thấy cuộc đời họ thật bế tắc, học cảm thấy rằng chẳng còn nước để mà tát nữa ... họ chọn con đường tự sát. Đối với thiên hạ, những kẻ tự sát là kẻ yếu đuối, nhu nhược, ích kỷ và có tội. Nhưng hãy nhìn vào nội tâm của một con người bị đẩy đến mức tự sát, họ có tỉnh táo không để chọn cho mình một sợi giây níu kéo, họ có đủ tỉnh táo không để chọn cách tiếp tục sống, chấp nhận khó khăn? Hay họ hoảng loạn, túng quẫn đến nỗi chẳng biết gì nữa, thậm chí bản thân là ai? Nếu trước khi phê phán một con người tự tử, em chịu khó quan sát những dằn vặt nội tâm của người đó, em sẽ thấy họ đáng thương hơn đáng trách, em ạ ..-

Trong cuộc sống này ai cũng có thể gặp phải những khó khăn. Sẽ có lúc em nghĩ rằng khó khăn “tưởng như không thể vượt qua”, cho đến khi hoàn toàn vượt qua được rồi và nhìn lại để thấy thực ra nó cũng không đến nỗi “không thể” em tưởng. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, ai cũng vậy, sẽ có đôi khi em phân vân muốn bỏ cuộc. Giống như người nọ leo lên cầu và muốn kết thúc mọi thứ nhưng vẫn chần chừ chưa nhảy. Ai cũng hiểu rằng khi gặp khó khăn thì phải tìm cách vượt qua, đó là trò chơi mà cũng là bài học cuả cuộc sống. Nhưng trong hoàn cảnh đứng trên thành cầu cao, em có thể tự mình nhận ra mà leo xuống để tiếp tục vượt qua không. Em có cần là ai đó đi ngang đẩy mình xuống nhanh ? Hay điều em thực sự cần là một lời khuyên để giúp mình vượt qua ?

Đặt mình vào hoàn cảnh như vậy, em sẽ nhận ra có đôi khi ta nghĩ rằng thẳng thắn góp ý với ngưới khác là cách tốt nhất để họ nhận biết sai lầm của mình, nhưng thực sự lời nói thẳng, nói thật trong những lúc như vậy cũng giống như một bàn tay đẩy nhẹ từ sau lưng cuả người đang bối rối không biết nên gieo mình xuống sông hay quay đầu leo xuống và tiếp tục đối diện với khó khăn. Chỉ là một cái đẩy tay, một hành động hay thậm chí một lời nói, nhưng nếu đặt chúng chỗ có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống cuả một con người..

Vậy theo em, nếu người đứng trên cầu là bạn bè hay người thân của em, dù người ấy ích kỷ và vô trách nhiêm với bản thân và xã hội đi nữa, liệu có nên thuận tay đẩy xuống ?

Anh có thói quen luôn mở điện thoại dù nhiều lúc rất căng thẳng khi tập trung làm việc, và anh cũng luôn trả lời mọi tin nhắn từ bạn bè. Việc tưởng như đơn giản đó cũng cần một số cố gắng nhất định, cố gắng để không làm sai và để sự “luôn luôn lắng nghe” trở nên trọn vẹn nhất. Vì anh nghĩ, biết đâu trong lúc mình tắt điện thoại thì có một người bạn nào đó cần sự chia sẻ, vì quá bế tắc và vì không thể tìm được ai mà làm điều không hay. Với tin nhắn cũng vậy, vì bận rộn mà không trả lời một tin nhắn hỏi han vì nghĩ nó không quan trọng, biết đâu được đó là lời mở đầu cho việc chia sẻ khó khăn vốn khó nói ra, khiến người khác hay phải vòng vèo hồi lâu. Nói tóm lại, anh không muốn là người vô tình rụt tay lại khi một người bạn nào đó ở trên cầu sắp ngã và người sức chụp lấy bàn tay ai đó trong một tíc tắc hiếm hoi. Nhất là khi bàn tay họ chọn chụp lấy, là bàn tay cuả anh.

Thực tế đã chứng minh rằng có đôi lần như thế thật. Có những cuộc gọi lúc nửa đêm khiến anh phải chạy vội đến chỗ bạn mình. Có những tin nhắn vòng vèo rồi rốt cuộc nội dung chuyển hướng hoàn toàn và hoá ra bạn anh đang rất khó khăn, bế tắc. Cuộc sống là như thế, và vì không thể thay đổi được nó, anh chọn cách sẵn sàng, dù không bắt buộc anh phải làm vậy. Nhưng em nghĩ xem đó có phải chính là sự “sắp sẵn” trong tình bạn, tình người hay không ?

Lại nói về sự góp ý thẳng thắn. Khi nói thật thì mọi người thường lấy câu “sự thật mất lòng” để giải thích (hay bào chữa) cho cái rõ ràng cuả mình. Nhìn một bức tranh cuả bạn, em thấy chả đẹp tí nào và em nói ngay: “xấu !”. Đọc một bài văn bạn viết, em thấy không hay và nói ngắn gọn: “dở !”. Một người bạn tìm em và kể em nghe một chuyện với em hết sức bình thường, chả có gì phải nghiêm trọng, em trả lời: “nhảm !”. Em nhìn xem có phải mình vô tình trở thành người đàn ông đã vạch được đám đông đến cạnh người sắp nhảy, thế mà lại chọn hành động đẩy ngay người trên cầu xuống. Hành động như thế là gọn nhất, nhưng cũng là cách giải quyết tệ nhất mà em có thể chọn. Vì em thử nghĩ xem, làm vậy rốt cuộc có ích gì ?

Có thể bức tranh cuả bạn em vẽ chưa tốt, đối với em là người có học vẽ nữa thì nó vẫn còn vụng về nhiều, nhưng biết đâu trong bức tranh chất chưá tâm trạng cuả người vẽ, và họ cần người khác hiểu mình qua những nét nguệch ngoạc đó ? Biết đâu bài văn mà bạn em viết là sự tìm tòi bắt đầu cho đam mê trở thành một nhà văn thực sự ? Biết đâu câu chuyện kể ra bình thường đối với em nhưng nó mang ý nghĩa thực sự với người kể em nghe ? Anh không nói rằng điều đó là hoàn toàn đúng, anh chỉ nói là biết đâu, vì cái gì cũng có thể xảy ra được cả. Và nếu thực sự là như vậy, em đã giết chết niềm tin cuả một người chọn em để chia sẻ, giết nó phũ phàng như xô một người xuống khỏi thành cầu cao.

Em đã bao giờ vô tình làm thế giới này mất đi một họa sỹ, một nhà văn, một nhạc sỹ, hay một người tốt, một con người ?

Em sẽ hỏi anh rằng vậy mình phải làm sao ? Tập nói những điều mà lòng mình không nghĩ ? Không em ạ, điều anh muốn nói với em là hãy học cách đặt mình vào ví trí người đối diện, và học cả cách hiểu được người đối diện. Chỉ đơn thuần noí lời khen hay chê, là em đã vô hình chung mang cái tôi cuả mình áp đặt vào hoàn cảnh người khác, đó là sự ích kỷ chỉ biết đến suy nghĩ cuả bản thân mình, xuất phát từ sự vô tâm hay hờ hững cuả em với những người đã tin tưởng chọn em để sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, đam mê, hay khó khăn, thử thách. Tại sao em không thử hỏi han cặn kẽ trước khi đưa ra ý kiến cuả mình ? Việc đó sẽ làm em mất thêm chút thời gian, nhưng cũng sẽ giúp em không bỏ lỡ đi cơ hội được lắng nghe người khác, và mọi sẻ chia đều bắt đầu từ việc lắng nghe, em ạ.

Có câu chuyện về một người phụ nữ, trong lúc chờ lên máy bay, cô mua một gói bánh và mấy tờ báo để giết thời gian. Cô ngồi xuống đối diện một người đàn ông lạ, đặt hết đồ đạc lên bàn và với tay lấy một tờ báo. Đến khi cô nhớ ra gói bánh liền hạ tờ báo xuống khỏi mặt, và cô hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy người đàn ông nọ đang ăn bánh cuả mình. Bực bội, cô gái nhón tay lấy một cái bánh ăn, ngầm ý nói rằng đây là bánh cuả tôi. Người đàn ông thoáng ngạc nhiên nhưng rồi anh ta cũng lấy thêm một cái. Rồi cô gái cũng làm vậy. Hai người lặng lẽ ăn hết gói bánh đó. Vừa xong thì người đàn ông đứng dậy, mỉm cười và ngả mũ chào cô gái. Rồi ông ta lên máy bay cuả mình. Cô gái hết sức tức giận, nghĩ rằng mình xui xẻo gặp một người điên. Máy bay cuả cô đến, cô gái đứng dậy thu dọn đồ đạc và thật bất ngờ, dưới mấy tờ báo trên bàn là gói bánh của cô, vẫn nguyên vẹn. Hoá ra nãy giờ cô đã ăn bánh cuả người kia..

Dĩ nhiên cô gái trong câu chuyện này hết sức xấu hổ, còn người đàn ông kia xem ra vô cùng điềm đạm và cả một chút tinh nghịch. Và em thấy không, đều là nghĩ rằng người kia ăn bánh cuả mình, nhưng thái độ lại quyết định mọi thứ. Cuộc sống lúc nào cũng đầy rẫy những bất ngờ như thế. Anh lại kể các em nghe một chuyện khác.

Một người đi trên xe bus và vô cùng khó chịu khi một người đàn ông dẫn theo cùng lúc 5 đưá con và bọn trẻ rất nghịch ngợm, trong khi người đàn ông thì lại ngồi yên không làm gì và để mặc bọn trẻ. Người này có cảm giác mình đang tiếp xúc với những đưá trẻ hết sức vô giáo dục trong khi bố chúng thì chẳng mảy may quan tâm đến chuyện đó, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn rồi thôi. Chịu đựng một lúc thì anh ta quyết định đến nói thẳng với người đàn ông nọ: “Sao anh lại để bọn trẻ nghịch phá như vậy, anh phải dạy chúng cách yên lặng chứ ?”. Và đây là câu trả lời: “Xin lỗi anh, vợ tôi tức là mẹ cuả chúng đã bỏ nhà đi từ mấy tháng trước, chúng tôi sẽ li dị và đang trên đường đến gặp luật sư để xem ai sẽ nhận nuôi cháu nào. Bọn nó sẽ không còn được ở chung với nhau, va có lẽ vì vậy mà bọn trẻ muốn đuà giỡn với nhau lần cuối. Xin lỗi ông, tôi sẽ bảo bọn chúng..”. Đến lúc này thì người nọ cảm thấy người thực sự có lỗi là mình chứ không phải người đàn ông đi cùng bọn trẻ..
- Em ạ, chị sẽ kể cho em nghe hai câu chuyện này mãi cho đến khi cả chị và em học được cách sống tốt hơn, cẩn trọng hơn trong lời nói của mình. Câu chuyện tưởng như hết sức bình thường nhưng lại vô cùng quý giá ..-

Vậy mới biết, việc nói thẳng, nói thật, tuy là cần thiết nhưng cũng cần khéo léo. Quan trọng là em phải đặt được mình vào vị trí người khác trước khi phán xét để hiểu thế nào là tốt nhất. Lời nói thật chỉ có ích khi mà nó được nói ra với mục đích tốt cho người nghe chứ không phải để thoả mãn người nói. Và có nhiều khi ta cũng phải nhìn vào nỗ lực cuả người khác trước khi nhận xét, vì điều ta cần làm là động viên họ cố gắng chứ không phải là bảo họ hãy thôi đi, đừng mơ tưởng viễn vông vì khả năng có hạn. Giết chết một ước mơ, một hy vọng, là giết chết chính một con người.

Cho nên em hãy tạm cất đi sự góp ý thẳng thắn của mình, suy nghĩ xem nếu nói ra những điều đó thì mình được gì và người khác được (hay mất) những gì. Nhiều khi vì một lời nói thật mà em mất một người bạn, vậy thì có còn cách nào khác hay không ? Hãy tôn trọng sự thật, nhưng hãy sử dụng nó uyển chuyển vì sự thật là thanh kiếm rất sắc, có thể cứu người mà cũng có thể giết người. Nếu em là một hiệp sỹ, trước hết phải học cách sử dụng thanh kiếm cuả mình đã.

Anh mong các em học cách lắng nghe và tập cho mình sự sẵn sàng để lắng nghe. Mỗi con người giống như một khu rừng nhiều màu sắc và huyền ảo, khi cánh cưả tâm hồn họ mở ra với em, đừng chỉ nhìn từ bìa rừng mà nhận xét về những gì em có thể tìm thấy bên trong, hãy đi sâu vào đó và khám phá. Khám phá một con người còn khó, và hay hơn nhiều khám phá những khu rừng đấy em ạ..

Anh của các em.

-Land-

ngày 17.8.2009

No comments:

Post a Comment