Thursday, November 26, 2009

Phải sống!!!


Hôm nay ngồi kiểm lại mấy cái folder cũ trong máy tính, tìm cái gì không cần nữa thì xóa bớt cho nhẹ máy, lúc nào đó mình đã lưu bài viết này của một ai đó. Đọc lại vẫn rất cảm. Mặc dầu biết blog mình không phải hàng blog xuất sắc, thậm chí là hiếm ai qua lại. Nhưng vẫn post, với hy vọng, đâu đó trong cuộc sống sẽ có người cần.


Tôi thật sự xin lỗi tác giả bài viết vì không biết tên chị.


-----------------


Bật máy tính, lên mạng lướt web, thông tin đầu tiên đập vào mắt là hàng tít: "Nữ diễn viên X. tự vẫn không rõ nguyên do". Không đủ can đảm kick vào dòng chữ to in đậm ấy để đọc tiếp, tự dưng thấy người nôn nao


Thêm một người nữa tự tìm đến cái chết. Có phải mình đang sống trong một thế giới đầy hỗn loạn và đau khổ?


Lại nhớ cái giọng choe chóe của QA trong buổi thảo luận về lịch sử loài người hôm trước. Con bé cứ xuýt xoa: "Không hiểu làm sao mà ngày xưa người ta ăn lông ở lỗ thế mà cũng sống được chị nhỉ! Em thì chỉ cần một ngày không có mobile, không máy tính là đã đủ chết rồi".


Đành cười trừ: "Nhưng mà cái ngày xưa ấy không có nhiều người chán sống như bây giờ đâu em ạ". Đúng thật, bà nội cũng từng kể năm 45, cái thời điểm mà mỗi ngày ra đường lại phải nhìn thấy bao nhiêu xác chết nằm la liệt, con người ta lại muốn sống hơn bao giờ hết. Lúc đó mọi ước mơ chỉ còn gói gọn trong hai chữ sinh tồn mà thôi. Chỉ cần mỗi ngày kiếm được thứ gì đó đút vào miệng, để có thể đủ sức sống thêm một ngày nữa, là đã đủ mãn nguyện lắm rồi.


Có phải chính cái cuộc sống đầy đủ và thừa mứa bây giờ khiến con người trở nên yếu đuối, không đủ sức chống đỡ trước những khó khăn, dù chỉ lả rất nhỏ? Có phải chính những bộ phim thần tượng, những câu chuyện cổ tích tình yêu ngày ngày được phát trên vô tuyến khiến bao cô gái tự cắt cổ tay mình khi bị người yêu phản bội? Và những hình ảnh lộng lẫy trên thế giới ảo là nguyên nhân khiến nhiều người không thể chấp nhận nổi cuộc sống thật của mình?


Trong tháp nhu cầu của A.Maslow, nhóm nhu cầu cơ bản - những nhu cầu để sinh tồn được xếp đầu tiên. Vậy mà đôi khi, con người ta lại quá dễ dàng từ bỏ quyền lợi cơ bản đó, chẳng vì điều gì rõ ràng. Những người có cuộc sống mà bất kỳ ai cũng phải mơ ước, tại sao lại phải vội vã đầu hàng như thế?


Chết là hết, hết đau đớn, nhưng cũng hết sạch hi vọng. Dù cho có bao nhiêu giọt nước mắt xót thương hay bao nhiêu lời oán giận cũng sẽ tan vào lòng đất, chẳng níu giữ được gì. Và những bài báo cũng thế, ai có thể viết mãi về một đám ma? Rồi sẽ cũng lãng quên thôi.


Hôm nay, đi qua đoạn đường quen thuộc, vào một thời điểm quen thuộc trong ngày. Mình vẫn nhìn vào cái góc quen thuộc ấy, như một phản xạ có điều kiên, dù biết rằng, từ lâu, mái đầu bù xù, cái áo khoác mỏng sờn rách, dáng ngồi bó gối với lon sữa bò để trước mặt, đã không còn ở đó nữa. Mình rất muốn nhìn thấy đôi mắt luôn lấp lánh thứ ánh sáng kỳ lạ, thứ ánh sáng mà làn da xám ngắt và đôi môi tím bầm vì giá rét cũng không thể làm mờ đi nổi. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt với ánh nhìn kiên định hiếm thấy ấy, mình luôn cảm thấy rất ấm áp, và cuộc sống dường như không có gì đáng sợ nữa.


Đã nhiều lần, khi cô bé ngước lên cảm ơn mình vì chút tiền mình bỏ vào lon sữa, mình chỉ muốn nói với em rằng chính mình mới là người phải biết ơn. Bé con, dù cho bây giờ em đang ở đâu, chị vẫn cầu chúc cho em được hạnh phúc, chị tiếc cho những người đã và đang muốn từ bỏ cuộc sống kia đã không được gặp em. Chỉ cần một lần nhìn thấy em, chị tin nhất định họ sẽ nghĩ khác...


Mỗi người đều có nỗi buồn riêng, không ai có thể khẳng định nỗi khổ của mình là lớn hơn của người khác. Nhưng chỉ cần rời mắt khỏi rắc rối của bản thân một chút để nhìn xem mọi người giải quyết những rắc rối của họ thế nào, có lẽ sẽ thấy ổn thôi.


Mình tin, không có gì là không thể vượt qua được, với điều kiện....: Phải sống!


và rồi... sự sống..:


Có bao giờ khi ở tận cùng của sự kiệt quệ, bạn nghĩ đến cái chết? Có bao giờ bạn thèm một vật sắc nhọn cứa vào mình? Có bao giờ, bạn tự làm đau mình khi nghĩ đang cuối con đường.


Bạn thân tôi, năm lớp sáu, không chịu nổi cảnh sống ngột ngạt của mẹ *** con chồng, bạn tìm đến cái chết. Tôi bàng hoàng khi nhận được tin. Mười một tuổi, tôi không biết làm gì cho bạn, ngoài việc ôm chầm lấy mà khóc nức nở. May mắn thay, bạn có thể trở về. Sau việc đấy, bạn trở thành con nuôi của cha mẹ tôi. Bây giờ, bạn có chồng, có một đứa con trai bốn tuổi. Khi bạn về nhà, chúng tôi vẫn ôm chầm lấy nhau như khi mười một tuổi.


Sự sống giữ lại một con người, giữ lại cho tôi một người bạn, để bây giờ chúng tôi ở hai đầu đất nước, khi mệt mỏi tôi vẫn có thể tìm đến, chỉ để nói một câu duy nhất: "Tao lại buồn" rồi nghe bạn mắng xối xả.


Bạn tôi, năm lớp mười một, bỏ đi trong một tai nạn giao thông khi về quê giỗ ông. Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm ấy chúng tôi còn nói với nhau cái gì đấy. Tôi nhớ như in rằng dù học chuyên toán nhưng cả tôi và bạn đều được cử đi thi văn nhưng chúng tôi đã không thử.


Bạn tôi, năm tôi học đại học thứ nhất, ra đi chỉ vì một lý do rất vớ vẩn: chụột rút trong bể bơi. Tôi còn nhớ, ngày xưa, bạn và tôi chung một đường về nhà. Chúng tôi là dân chuyên, ít nói chuyện linh tinh với nhau trừ những người bạn thân. Chỉ dăm ba câu chuyện vớ vẩn là kỷ niệm giữa tôi và bạn.


Bạn tôi, năm tôi học đại học thứ hai, ra đi vì sốt xuất huyết. Không người thân, không bạn bè bên cạnh. Khi đưa bạn đi cấp cứu thì đã muộn mất rồi.


Bạn tôi, năm tôi học đại học thứ ba, bỏ cuộc sống ra đi vì nợ nần. Tôi không mấy khi chơi với bạn nhưng cũng bất ngờ khi nhận được tin như thế. Chúng tôi, những đứa trẻ được bao bọc, xa gia đình, dễ dàng bị cám dỗ.


Bà tôi. Ngay những ngày cuối của năm 2008 bỏ chúng tôi ra đi sau 6 năm nằm liệt giường. Mẹ tôi kể, những ngày cuối đời bà bảo bà sợ chết, bà hỏi khi bà chết mẹ sẽ sắp xếp cho mọi người ngồi xung quanh bà như thế nào vì mẹ là con cả. Tôi trở về khi bà đã nằm trong quan tài, da trắng hồng, tóc bạc như bà tiên.


Tôi thấy, người ta đấu tranh, giành giật lại sự sống khi ranh giới giữa sống và chết mong manh như làn khói.

Tôi thấy, người ta tố cáo, xét xử, tranh tụng lâu dài như thế nào để quyết định cho một con người phải chết dù ngay cả khi người ấy không còn đáng sống.

Tôi thấy, giữa đêm đông lạnh giá, những cụ già không nơi nương tựa, sau một ngày lê la ngoài đường, quấn mình trong tấm chăn mỏng ngủ ngon lành bên góc đường. Họ cũng đang tìm cách đấu tranh để giữ lại quyền được sống.

Tôi thấy, những đứa trẻ bị máu trắng nơi bệnh viện, chỉ cần một mũi tiêm nhân đạo để trở về với cõi hư không nhưng không bố mẹ nào có thể nhẫn tâm. Họ giữ lại một chút sự sống cho báu vật của mình.

Tôi thấy, những con người quên mình để cứu lấy những con người sắp chết. Họ giữ lại cho cuộc sống những con người xứng đáng làm người.


Tôi! Một con bé dễ bị ám ảnh. Không ít lần tôi bảo rằng sẽ chết khi cùng đường, khi không có lối thoát. Nhưng đến giờ tôi vẫn sống. Nghĩa là cha mẹ ban sự sống cho tôi và tôi đáng sống. Và tôi cần sự sống như sự sống cần tôi.


Phải sống!



2 comments:

  1. chao bạn...cho minh hỏi nhac nền của blog này là bài gì vậy? thanks nhé

    ReplyDelete
  2. La` va`u "Adieu L'enfance" do nghe si Nicholas De Angelis trinh bay do ban!

    You're welcome here! ^^

    ReplyDelete